# Các chuẩn mức mới về việc Phong Thánh trong Giáo Hội Công Giáo

Các chuẩn mức mới về việc Phong Thánh trong Giáo Hội Công Giáo.
Tin VATICAN (UCAN 14-07-99) -- Mặc dù chỉ có Ðức Giáo Hoàng là người tuyên bố một ứng viên Phong Thánh nào đó là Chân Phước hoặc Hiển Thánh, tiến trình phong thánh được quy định bởi những chuẩn mực chi tiết vừa được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tu chính.
Trước khi Ðức Giáo Hoàng phong Chân Phước hoặc Hiển Thánh cho một người, phải hoàn tất các thủ tục ở cấp địa phương và cấp Tòa Thánh, và theo quy định mới vụ án Phong Thánh chỉ được tiến hành ít nhất năm năm sau ngày ứng viên đó qua đời. Cũng không tiến hành vụ án 30 năm sau, kể từ ngày ứng viên qua đời, trừ phi việc trì hoãn lại được xét là không thể tránh khỏi; biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc cố tình trì hoãn để tránh những chứng từ tiêu cực của những người đã quen biết ứng viên. Tuy nhiên, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chấp thuận ngoại lệ trong trường hợp của Mẹ Têrêsa xét yêu cầu thời gian chờ đợi năm năm. Các tiêu chuẩn do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ra năm 1983 với nhan đề "Vị Thầy Của Sự Trọn Lành" (Divinus Perfectionis Magister), là bản điều chỉnh lại tiến trình trước đây đã do Ðức Giáo Hoàng Sixtus V (1585-1590) qui định và do Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XIV (1740-1758) công bố.
Những vấn đề liên quan việc Phong Chân Phước và Phong Thánh là Thánh Bộ Phong Thánh xử lý là Thánh Bộ được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) thiết lập thành một bộ riêng kể từ năm 1969. Trước đó, chính Bộ Nghi Lễ đảm trách việc Phong Thánh và các vấn đề khác.
Việc Phong Thánh được hoàn tất trong ba giai đoạn. Một ứng viên được tuyên bố là "Bậc Ðáng Kính" khi tiến trình được giáo quyền giáo phận chấp thuận, là "Chân Phước" khi Ðức Giáo Hoàng chính thức công nhận các nhân đức trổi vượt hoặc sự tử vì đạo của bậc đáng kính, và là "Hiển Thánh" khi có thêm dấu chỉ chứng tỏ rằng Chúa ban nhiều ơn qua vị Chân Phước.
Bản quy định phân biệt giữa vụ án "cũ" và vụ án "mới." Vụ án được coi là mới khi có các chứng nhân còn sống, họ làm chứng về nhân đức hoặc sự tử đạo của ứng viên. Một vụ án cũ là phải dựa vào các tài liệu viết lại.
Khi một dòng tu hay hội đoàn tín hữu muốn đề cử một người làm ứng viên để xin phong thánh, bước đầu tiên phải làm là liên lạc với Giám Mục của giáo phận nơi ứng viên đã qua đời. Nếu được Giám Mục chấp thuận, nhóm đề xướng cử ra một Cáo Thỉnh Viên. Vị này có thể là Linh Mục hoặc giáo dân, giỏi về thần học, giáo luật và lịch sử, để giám sát thực hiện vụ án đúng theo qui định của Giáo Hội.
Việc thu thập thông tin về cuộc đời của ứng viên, tiếng tăm về sự thánh thiện và ý nghĩa của vụ án phong thánh đối với Giáo Hội, là một nhiệm vụ quan trọng của vị Cáo Thỉnh Viên. Vị này cũng chịu trách nhiệm quản lý tiền bạc đóng góp cho việc tiến hành vụ án. Cáo Thỉnh Viên phải thực hiện một biên niên về cuộc đời của ứng viên, một báo cáo về sự thánh thiện và toàn bộ bút tích của ứng viên.
Trong những vụ án gần đây, cũng phải chuẩn bị một danh sách những người có thể làm chứng cho nhân đức hoặc sự tử đạo của ứng viên. Sau khi tham khảo ý kiến của Hội Ðồng Giám Mục về việc khởi sự điều tra ở cấp giáo phận, Giám Mục sẽ yêu cầu hai nhà thần học xem xét những ấn phẩm của ứng viên để xem liệu chúng có phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội hay không. Sau đó, ngài mời các chứng nhân đến làm chứng trước mặt các chuyên gia.
Trong khi tiến hành các bước này, vị Giám Mục gởi về Tòa Thánh một báo cáo về cuộc đời ứng viên và ý kiến của ngài về vụ án. Vị Giám Mục hay người được ngài ủy quyền phải đi thăm phần mộ của ứng viên và những nơi mà ứng viên đã sống để kiểm chứng rằng người ta không thờ kính ứng viên cách công khai, vốn là điều bị cấm trước khi Giáo Hội có phán quyết chung thẩm.
Các chứng từ và hồ sơ thu thập trong vụ án phải được niêm phong và lưu giữ ở văn khố Tòa Giám Mục. Một bản sao trung thực và được niêm phong của hồ sơ này, cùng với những ấn phẩm của ứng viên, được gởi đến Bộ Phong Thánh.
Việc cứu xét các Phép Lạ được tiến hành riêng rẽ. Những người nhận mình được chữa lành cách lạ lùng và các bác sĩ làm chứng về vấn đề, phải được tra hỏi bởi những người có thẩm quyền và lời chứng này cũng được gởi về Tòa Thánh.
Tại Tòa Thánh, một chức sắc của Bộ Phong Thánh sẽ kiểm tra tiến trình vụ án để xem liệu tiến trình có làm đúng theo các quy định chăng và chuẩn bị một báo cáo nói rõ lập trường về nhân đức và sự tử đạo của ứng viên.
Các cố vấn và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp vào việc này, và ý kiến của họ cùng với ý của các chuyên gia chịu trách nhiệm xem xét các báo cáo liên quan tới Phép Lạ sẽ được các Hồng Y và Giám Mục của Bộ Phong Thánh xem xét.




Ý kiến của Thánh Bộ được chuyển đến Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất có quyền cho phép kính công khai, Phong Chân Phước hoặc Phong Thánh cho một ứng viên.