Sự sống trên Sao Hỏa và người Hỏa Tinh.
Khởi đầu là các truyện tranh khôi hài (comic strips) về khoa học viễn tưởng Flash Gordoa, Dick Tracy dành cho trẻ em trên báo chí Âu Châu và Mỹ Châu. Sau đó là bộ phim dài nhiều tập về chiến tranh vũ trụ Star Trek được chiếu trên Tivi Mỹ, và khắp thế giới kể về cuộc phiêu lưu của nhóm người sao Hỏa trong vũ trụ. Người sao Hỏa được mô tả là rất thông minh, họ xây dựng được những lâu đài nguy nga tráng lệ trên sao Hỏa, xử dụng phi thuyền đi chinh phục các hành tinh khác, trong đó có trái đất.
Người Sao Hỏa đã đến thăm trái đất chưa?
Ðã có lúc, dư luận để ý đến các vật lạ bay trên không trung gọi tắt là UFO (Unidentified Flying Objects) có thể là những con tàu vũ trụ đưa người sao Hỏa đáp xuống trái đất. Cách đây vài năm, các báo chí ở Bỉ đưa tin: đã có tàu vũ trụ đáp xuống một phi trường của quân đội Mỹ đóng ở Bỉ. Một số nhà báo dùng ống nhòm cực mạnh quan sát phi trường này và nhận thấy nhiều đêm liền có tàu vũ trụ đáp xuống, và có người sao Hỏa từ phi thuyền ra. Phi thuyền di chuyển hầu như không có tiếng động, lại lọt qua các hàng rào radar của Bỉ mà không hề bị phát hiện. Quân đội Mỹ đóng ở căn cứ thì cứ im thin thít, không chịu tiết lộ điều gì. Phải chờ đến lúc chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, mới thấy xuất hiện các máy bay trinh sát mới nhất của Mỹ là F117 Stealth, đã được thiết kế để vượt qua hàng rào phòng không của Irak mà không bị hệ thống radar phát hiện, có bộ phận hãm thanh để không gây chấn động, chính các máy bay F117 Stealth đã có lúc hoạt động ban đêm ở Bỉ, để khỏi bị lộ bí mật, và được coi là phi thuyền của người sao Hỏa.
Có người trên Sao Hỏa không?
Dân gian ta có truyền thuyết là trên mặt trăng có chú cuội ngồi dưới gốc cây đa. Phải chăng trên cung trăng cũng có người? Giả thuyết này không còn được chấp nhận, kể từ khi các nhà du hành vũ trụ Armstrong và Aldrin đã lên được mặt trăng, ở trên đó suốt một ngày, vào năm 1969, và xác nhận: mặt trăng không có khí quyển, không có nước, nhiệt độ lại quá thấp, nên không thể nào duy trì sự sống của người được.
Ðể xác định có người trên sao Hỏa hay không, tốt nhất là cho vài nhà du hành vũ trụ lên coi. Cái khó khăn là: mặt trăng chỉ cách mặt đất khoảng 500,000 km, còn sao Hỏa thì cách xa đến 100 triệu km. Cho đến nay chỉ có Liên Xô và Mỹ là có thể bắn các vệ tinh thăm dò (space probe) lên sao Hỏa, các vệ tinh này có gắn thiêt bị chụp hình khảo sát bầu khí quyển, và chuyển các dữ liệu đo đạc về trái đất. Nhờ có các dữ liệu này, mà các nhà khoa học đã có thể xác định: bầu khí quyển của sao Hỏa chỉ có khí carbonic CO2, không có khí Oxy tự do, có hơi nước, nhiệt độ trong khoảng từ 100C đến 500C. Các điều kiện này là thích hợp cho thực vật, ít ra là các thực vật bậc thấp không có diệp lục tố như địa y (lichens). Thế nhưng nếu có thực vật, nó sẽ phân tách khí carbonic, nhả Oxy tự do vào bầu khí quyển, mà bầu khí quyển của sao Hỏa lại thiếu Oxy tự do. Như thế, phải kết luận là trên sao Hỏa không có thực vật, và dĩ nhiên là không có người.
Tóm lại, tất cả các tài liệu khoa học đều cho thấy, trong số chín hành tinh quay quanh mặt trời, chỉ có trái đất là có sinh vật, và có người.
Sự sống trong các hệ thái dương khác
Hệ thái dương của chúng ta không phải là hệ độc nhất trong vũ trụ. Các hệ thái dương khác đã được khám phá ra, cũng gồm một ngôi sao trung tâm tương tự như mặt trời, và một số hành tinh quay xung quanh. Chắc chắn trong số các hành tinh đó, phải có một vài hành tinh hội đủ điều kiện về nhiệt độ, khí quyển, hơi nước... để sinh vật có thể xuất hiện, và biết đâu có cả con người? Khó khăn là ở chỗ các thái dương hệ đó ở xa quá. Hệ thái dương gần nhất được phát hiện năm 1955, ở cách trái đất 40 năm ánh sáng (đơn vị năm ánh sáng là quãng đường tia ánh sáng, với vận tốc 300,000 km/giây đi được trong một năm: 300,000 km/giây x 365 ngày x 24 giờ x 60 phút x 60 giây = 10,000 tỉ km). Với khoảng cách xa như vậy, không thể bắn phi thuyền hay vệ tinh thăm dò lên, mà chỉ có cách phóng tín hiệu lên không gian, và lắng nghe những tín hiệu trả lời. Một ngành thiên văn mới đã ra đời, đó là ngành thiên văn vô tuyến: thay vì xử dụng ống kính viễn vọng, lại dùng những ăng ten Pa-ra-bôn rất lớn (ăng-ten của đài Arecibo đặt trong một lòng chảo đường kính 600m) để phóng tín hiệu lên vũ trụ, và lắng nghe câu trả lời. Tất cả các tín hiệu vô tuyến từ vũ trụ được ghi trên băng từ 24 giờ/24 giờ, sau đó đưa vào máy tính giải mã, với hy vọng một ngày nào đó sẽ phát hiện ra tín hiệu từ một nền văn minh xa xăm nào đó. Cơ quan quản trị không gian của Mỹ NASA đã tài trợ cho chương trình SETI (Search for Extra Terrestrial Intelligence) từ năm 1990: chương trình này nghiên cứu về hoạt động trí tuệ ngoài trái đất do bảy nhóm đại học và viện nghiên cứu ở Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Ý. Nhưng tiếc thay, sau khi phân tích 100,000 cuộn băng ghi tín hiệu phát đi từ hàng ngàn ngôi sao tương tự như mặt trời, vẫn không khám phá ra được một tín hiệu nào có thể gọi là do trí tuệ ngoài trái đất gửi đến cho ta. Năm 1993, cơ quan NASA đã cắt khoản tài chính dành cho chương trình SETI. Như thế các nhà khoa học cũng phải nhận rằng; khả năng có những nền văn minh từ những hành tinh thuộc những hệ thái dương xa xăm, có thể liên lạc được với trái đất, là rất mong manh. Là người Công Giáo, chúng ta có thể có hái độ dửng dưng trước viễn cảnh là có những bạn đang sống trên hành tinh khác, vì họ cũng do Chúa tạo nên, cũng là con cái Chúa, cũng được Chúa dành cho một chỗ trên thiên đường sau đời sống trần gian. Lúc đó, ta sẽ biết là nước Chúa ở trần gian không thu hẹp trong trái đất này, mà còn lan rộng sang những hành tinh khác. Chúng ta tin vào quyền năng vô cùng của Chúa, Chúa có thể làm được mọi sự. Kể cả việc tạo cho con người có chỗ sinh sống trên các hành tinh ngoài trái đất, và lo cho họ được sống vĩnh cửu với Chúa sau đời sống trần gian.
Linh Mục Hoàng Quốc Trương, Tiến Sĩ Khoa Học
(Trích dẫn từ tạp chí Công Giáo và Dân Tộc số 1074, ngày 22/9/1996)