Biết Yêu Ðời Sống
Ngày 30 tháng 3 năm 1995, trong cuộc họp báo tại Vatican, thông điệp mới của Ðức Gioan Phaolô II "Evangelium Vitae" - Tin Mừng sự sống - đã được chính thức công bố. Ðây là thông điệp thứ 11 và dài nhất của Ðức Thánh Cha, khoảng 200 trang, được chia làm 4 chương. Trong thông điệp nói trên, Ðức Thánh Cha nêu bật giá trị và tính chất bất khả xâm phạm của sự sống con người. Ngài cũng thẳng thắn tố giác những đe dọa sự sống con người, nhất là nạn phá thai, giết người êm dịu và các cuộc thí nghiệm, lèo lái phôi thai và bào thai người.
Tác phẩm "Sống đời sống" (Vivere la vita) của linh mục Atilano Alaiz, người gốc Tây Ban Nha, chào đời năm 1932, là hoa trái của những cuộc đối thoại và tiếp xúc với các bạn trẻ ngày nay. Nội dung tập sách này vừa là một thách đố, vừa là những lời gợi ý để giúp bạn khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống.
|
Thông điệp Tin Mừng Sự Sống đã gây tiếng vang mạnh trên bình diện quốc tế cũng như trong Giáo Hội hoàn vũ. Những người chủ trương coi rẻ sự sống con người và có xu hướng bài tôn giáo đã phê bình Thông Ðiệp mới của Ðức Thánh Cha và cho rằng văn kiện này có tính chất bi quan, thủ cựu, cuồng tín, chỉ muốn áp đặt luật tôn giáo cho quốc gia, chỉ biết lên án mà thôi. Thực ra họ là những người không đọc chính bản thông điệp, không nhận thấy rõ tình trạng thê thảm đang đe dọa sự sống và cũng không biết nhận ra khía cạnh tích cực của thông điệp trong việc bênh vực sự sống con người. Trong khi đó những người thuộc phong trào bênh vực sự sống đều đồng thanh ca ngợi thông điệp mới của Ðức Thánh Cha là một văn kiện rất tích cực và sâu xa, là một tuyên ngôn đầy thế giá chống lại nền văn minh chết chóc đang tàn hại một phần lớn thế giới tây phương.
Bạn thân mến, theo dõi các biến cố trên thế giới, nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng như đang đứng trước một cuộc chiến giữa hai nền văn minh chết chóc và văn minh sự sống. Ðức Gioan Phaolô II là vị lãnh đạo cương quyết và tỏ ra nhạy cảm nhất trước những đe dọa sự sống con người hiện nay và trong tương lai. Nhân loại như được chia làm hai thế giới rõ rệt, thế giới của người sống và thế giới của người chết. Một bên coi rẻ sự sống, bên kia tôn trọng sự sống vì giá trị thánh thiêng của nó. Giữa hai thế giới này còn có những người nửa sống nửa chết, sống vất vưởng, sống cho qua ngày. Ðâu là sự khác biệt về phẩm chất và chất lượng giữa đời sống của một bệnh nhân thoi thóp dưới lồng kính dưỡng khí và một nhà thể thao hăng say trong các cuộc thi đoạt giải? Giữa sự sống tâm thần của một người chán đời, thất vọng và của một vị thừa sai hăng hái dấn thân?
Ngoài cái chết thân xác còn có cái chết linh hồn nữa. Thánh Gioan tông đồ quả quyết rằng: "Ai không yêu thương tức là ở trong sự chết" (1Gn 3:14). Hoặc nhiều lần chúng ta cũng nghe cha mẹ của những đứa con hư hỏng nói rằng: "Ta muốn thấy mày chết hơn là sống". Thật vậy, thà chết phần xác còn hơn là chết phần hồn. Cái chết của tâm hồn cũng còn là cái chết của những người sống chỉ vì mình còn phải sống, sống vì thói quen, sống vô lý tưởng, không một hướng đi cho cuộc đời, sống như con rôbôt bao lâu pin điện vẫn còn.
Vậy thì sống là gì? Ðời sống con người là chi? Có ý nghĩa gì chăng? Ðời sống là hồng ân của Chúa, là như viên ngọc quý, như một kho tàng quý giá trong ruộng. Thế nhưng, điều quan trọng không phải là chiếm đoạt được sự sống cho bằng việc làm cho đời sống ấy thêm phong phú. Ðành rằng sống là điều quan trọng, nhưng biết tìm ra ý nghĩa đời sống mình lại càng quan trọng hơn nữa. Và mỗi người phải tìm ra ý nghĩa của đời sống mình, để cho đời sống càng thêm tươi đẹp và đáng sống.
Tuổi trẻ là như cây xanh tươi đầy nhựa sống, nhưng cũng chính là lúc phải tìm ra ý nghĩa đời sống mình, nếu không muốn nhựa sống đó trở nên khô cằn và tàn úa uổng phí. Nay là thời điểm tốt đẹp nhất cần định hướng đi cho tương lai bạn. Ðây là lúc bạn nên tự hỏi mình: Tôi muốn làm gì với đời sống tôi? Chỉ khi nào bạn biết trả lời câu hỏi đó, bạn mới thực sự là người, là người cầm dây cương, tiến theo hướng đã vạch chỉ rõ ràng cho đời bạn. Ước chi các bạn trẻ hôm nay sẽ không còn phải xuống đường với những biểu ngữ khổng lồ và những lời than trách như các bạn trẻ trong thời cách mạng Pháp vào năm 1868. Họ phản đối chống lại những người đàn anh, những bậc làm cha mẹ của họ: "Các người đã cho chúng tôi được ăn nô nê, đã đổ đầy dạ chúng tôi, nhưng các người đã không tặng cho chúng tôi ý nghĩa đời sống, hướng đi của cuộc đời!"
Bạn thân mến, đời sống của bạn ở ngay trong tay bạn. Bạn không cần ai khác ban tặng cho bạn ý nghĩa đời sống. Bạn phải tự tìm lấy nó cho chính bạn. Trên thực tế, không có đời sống, nhưng chỉ có những người biết sống hay không sống đời sống mình mà thôi. Ðời sống của bạn là cái mà bạn muốn sống. Màu sắc, hương vị của đời sống bạn tùy thuộc vào ý nghĩa bạn muốn mặc cho nó. Có những người cho rằng, đời sống chỉ là một chuỗi ngày lê thê kéo dài thật buồn chán. Kẻ khác cho rằng đời sống là một cuộc mạo hiểm thật hấp dẫn, là một cuộc giao chiến đầy hứng thú, là hưởng thụ, là một chuỗi ngày đẹp an nhàn. Không thiếu cho những người cho rằng đời sống chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Có người nhìn đời sống như một gánh nặng, như gông cùm cần phải cởi bỏ càng sớm càng tốt. Những người khác lại bám víu vào cuộc sống như người bị lao chao giữa biển cả bám vào cái phao hoặc tấm gỗ để khỏi bị chết chìm. Ðâu là sự thật? Ai là người có lý? Cuộc sống là một căn nhà tù hay là một gian phòng tiệc vui tưng bừng nhộn nhịp? Phải chăng nó gắn liền với định mệnh không có hy vọng đổi thay?
Bạn hãy thử hỏi một thanh niên đang bước vào tuổi biết yêu, yêu một cô gái, yêu một lý tưởng cao đẹp, yêu một dự án vĩ đại, hoặc một cái gì đáng giá nào đó, đời sống đối với họ là gì? Có ý nghĩa nào?
Trong mục Nói Với Giới Trẻ, Mai An muốn cùng chia sẻ với các bạn cái nhìn và ý nghĩa của cuộc sống được tác giả Atilano Alaiz trình bày trong tập sách giáo dục mang tựa đề "Vivere la vita" - Sống đời sống.
Atilano Alaiz là một linh mục người gốc Tây Ban Nha, chào đời năm 1932, hiện còn sống. Ngài là một linh mục rất từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực mục vụ giới trẻ, và là điều động viên trong các sinh hoạt giới trẻ. Cha Atilano Alaiz còn là tác giả của nhiều tác phẩm về giáo dục nhân bản và tu đức học. Một trong những đề tài cha ưa thích nhất là tình bạn. Tác phẩm "Sống đời sống" (Vivere la vita) là hoa trái của những cuộc đối thoại và tiếp xúc với các bạn trẻ ngày nay. Nội dung tập sách này vừa là một thách đố, vừa là những lời gợi ý để giúp bạn khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống, nếu bạn chưa có hoặc đang hoang mang do dự; để giúp bạn điều chỉnh lại hướng đi, nếu bạn đã trót lỡ lầm sai lạc; để giúp bạn thực sự sống một cách hăng say, sống tha thiết.
Bác sĩ Raoul Folléreau, khi đã về già vẫn còn rất yêu đời, và trước khi nhắm mắt tạ thế, ông đã tuyên bố: "Ðời sống con người thật tuyệt đẹp, thật phong phú, hứng khởi và đáng yêu. Nó chỉ nôn mửa cho những kẻ đã chán chường, vô lý tưởng mà thôi." Sở dĩ bác sĩ Raoul Folléreau đã tìm ra bí quyết hạnh phúc và niềm vui sống bởi vì ông đã biết yêu lý tưởng dấn thân phục vụ những bệnh nhân phong cùi.
Bạn thân mến, bạn đang bước dần ra khỏi "tuổi biết buồn" và tiến vào "tuổi biết yêu". Hãy bắt đầu yêu đi rồi bạn sẽ hiểu đời sống là gì? Bạn có biết đâu là bí quyết để vui sống không?
Chiều ngày thứ Năm, mùng 6 tháng 4 năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp gỡ 13 ngàn bạn trẻ Rôma tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, nhân dịp chuẩn bị cử hành ngày quốc tế giới trẻ làn thứ 10 vào chủ nhật lễ lá ở cấp giáo phận. Trong bài nói chuyện với các bạn trẻ, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ họ hãy luôn sống vui tươi như thánh Philíp Neri, và nói rằng: "Thiên Chúa đã tạo dựng con người để họ vui sống. Thiên Chúa là niềm vui, và trong niềm vui sống có phản ánh niềm vui nguyên thủy của Thiên Chúa khi sáng tạo loài người." Thật vậy, hạnh phúc và niềm vui sống phát sinh từ Thiên Chúa là nguồn tình yêu khi Ngài tạo dựng và ban tặng sự sống cho mỗi người. Trở về với tình yêu Chúa, học biết yêu như Chúa yêu thương tức là khám phá ra ý nghĩa của sự sống, là tìm thấy niềm vui sống và sức sống mới.
Cầu chúc các bạn luôn gieo rắc niềm vui trong mọi môi trường của cuộc sống, trên mọi nẻo đường bạn đang tiến bước và cùng với những người chung sống với bạn.
Khát Vọng Hạnh Phúc
Trong tập sách "Sống Ðời Sống", cha Atilano Alaiz mở đầu với một kỷ niệm thật đau thương vẫn còn hiện rõ trong tâm trí cha. Cha viết:
Tôi có cảm tưởng như sự việc vừa mới xảy ra hôm qua. Ðó là một người bạn học cùng lớp với tôi. Hồi đó anh vừa mới tròn 22 tuổi, trí thông minh xuất sắc, đầy nhựa sống và ôm ấp những dự định thật cao đẹp vĩ đại. Thế rồi một hôm, tự dưng anh cảm thấy khó chịu trong người, những triệu chứng lạ cũng bắt đầu xuất hiện. Một đám mây đen tối từ đâu tới đè nặng tâm trí anh. Thấy anh vắng mặt trong lớp học mấy ngày liên tiếp nên tôi tìm đến nhà thăm anh. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh gầy hẳn đi rất nhiều. Tôi bước đến gần giường và anh khó nhọc ngồi dậy mở rộng vòng tay xiết chặt tôi thật lâu. Anh úp mặt vào vai tôi nức nở:
- Atilano ơi, tôi sẽ phải chết, tôi sắp chết rồi.
Tôi tìm cách an ủi và khích lệ anh chịu khó nghe lời bác sĩ chạy thuốc rồi sẽ sớm bình phục. Bỗng chốc, anh giơ tay vịn chặt vào đầu giường, thân xác anh trở nên cứng như gỗ. Anh gắng gượng nằm xuống giường để lấy lại hơi thở và thều thào mấy tiếng sau cùng:
- Tôi không muốn chết. Tôi còn muốn sống, tôi còn nhiều dự định phải thực hiện.
Nói rồi, anh gục đầu tắt thở. Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, cơn bệnh bạch cầu đã tiêu hủy tất cả sức sống của anh.
Bạn thân mến, "tôi muốn sống" biết bao lần chúng ta cũng đã thốt lên lời nói đó như người bạn của cha Atilano trong cơn hấp hối chúng ta vừa nghe. Hạnh phúc cho chúng ta biết bao là những người đang sống, đã thức dậy sáng nay và biết mình còn đang sống. Muốn sống, yêu sự sống là khát vọng bẩm sinh của mỗi người như tình yêu bản thân vậy.
Cái chết, nhất là cái chết của một bạn trẻ đầy nhựa sống hẳn là một thảm cảnh đau thương, vì nó nói lên sự kết thúc của tất cả mọi sự có thể, mọi cơ may, là như xé bỏ mọi dự án tốt đẹp nhất của cuộc đời. Trái lại, sự sống là cái gì thật tốt đẹp, đầy hứng thú. Chúng ta yêu sự sống, bởi vì chỉ mỗi người mới có thể sống đời sống mình và chỉ sống một lần mà thôi. Cũng vì sự sống quý giá như vậy mà chúng ta không quản ngại đương đầu với mọi khó khăn, vất vả, gian khổ để đấu tranh với sự sống và duy trì sự sống còn của mình.
Tuy nhiên, không những chúng ta chỉ muốn sống mà thôi, nhưng dĩ nhiên là sống tới mức tối đa. Tim bạn đang đập mạnh dưới lồng ngực, giòng máu đang lưu động sùng sục trong huyết quản, tất cả đều muốn nói lên rằng, không những bạn chỉ muốn sống mà thôi mà còn có ý chí hăng say muốn sống nữa.
Bạn sẽ làm gì, sẽ hy vọng gì với một thanh niên không còn muốn sống nữa? Thực vậy, muốn sống và sống tới mức tối đa chính là khát vọng của mỗi người, nhất là của tuổi trẻ.
Thế thì sống tới mức tối đa có nghĩa gì? Phải chăng là phóng xe nhanh hết ga? Là mở máy thu thanh, mở âm nhạc tới mức độ ù tai? Là xách động, là quay cuồng thân thể cho tới lúc mệt lả? Là thí nghiệm hết tất cả mọi sự, là nếm thử hết mọi hương vị của lạc thú? là chu du đó đây trên thế giới? Là như nuốt chửng hàng ngàn cây số đường trường? Bạn sẽ mỉm cười lắc đầu trả lời rằng, không phải thế. Sống tới mức tối đa là sống với tất cả tâm hồn.
Nếu bạn có dịp phỏng vấn các bạn trẻ hỏi xem khát vọng lớn nhất và sâu xa nhất của họ là gì? Có người sẽ trả lời rằng, là sống thoải mái, là kiếm được nhiều tiền, là gây dựng gia đình hạnh phúc. Thật vậy, hạnh phúc là khát vọng lớn lao nhất của mỗi người, mặc dù mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc khác nhau và đi tìm hạnh phúc bằng những phương tiện, những con đường khác nhau. Tự nhiên không ai muốn sống cho qua ngày, sống cách bất đắc dĩ, nhưng ai ai cũng muốn sống hạnh phúc. Chúng ta sinh ra để sống hạnh phúc. Ngay từ khi tạo dựng con người, khi ban tặng sự sống cho con người Thiên Chúa đã phán:
- Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta, để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống trên địa cầu (St 1:26).
Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc vô tận, Ngài không thể tạo dựng con người nếu không phải là để chia sẻ hạnh phúc vô biên của Ngài. Làm sao Thiên Chúa lại có thể chịu thua kém cha mẹ trần gian là những người không ước muốn gì khác hơn ngoài hạnh phúc của con cái mình? Ngài không chỉ muốn con người được hạnh phúc sau này mà thôi, nhưng ngay từ trên trần gian nữa.
Khát vọng hạnh phúc là động lực không thể nào thắng dẹp được trong tâm hồn mỗi người. Từ thánh nhân cho đến tội nhân ghê gớm nhất, từ người phu quét đường đến những người giàu sang trên nhung lụa, cả đến những người liều mình tự vận cũng đều khát vọng và đi tìm kiếm hạnh phúc. Ngài đã phú bẩm khát vọng hạnh phúc trong tâm hồn mỗi người, và không sung sướng gì khi thấy con người phải khổ đau. Ngài muốn chúng ta dâng hiến cho Ngài những đau khổ của cuộc sống để tiêu hủy chúng và biến đổi chúng thành hoan lạc của cuộc đời, để ban trả lại nụ cười trên gương mặt của mỗi người.
Vậy hạnh phúc là gì? hạnh phúc là sự an bình, là sự thoải mái của tâm hồn. Hạnh phúc là kho tàng quý báu, cần phải biết tìm kiếm, phải vun trồng, phải chăm sóc gìn giữ như khi ta chăm sóc đến sự sống của thân xác. Không có mũi tên nào hoặc bảng chỉ đường nào của bất cứ quốc gia nào vạch chỉ hướng đi tới hạnh phúc cả. Mỗi người phải tự tìm kiếm hướng đi, con đường dẫn tới hạnh phúc, nếu không sẽ chỉ uổng phí thời giờ và mọi cơ hội tốt đẹp.
Trên thực tế không phải mọi người đều tìm ra con đường dẫn đến hạnh phúc thật. Kinh thánh nêu bật hai thí dụ điển hình. Trong cựu ước, nguyên tổ A-dong và E-va đã dại dột tìm hạnh phúc bằng việc nghe theo những lời dụ dỗ của ma quỷ, bất tuân lời Chúa truyền dạy. Trong tân ước, người con phung phá tưởng là sẽ tìm được hạnh phúc nơi tiền bạc và thú vui, nhưng cuối cùng chỉ gặp thấy tủi nhục, đau khổ và bất hạnh mà thôi.
Ðưa mắt nhìn vào thực tại của giới trẻ ngày nay, đâu là hạnh phúc của những đam mê, phóng túng? Của những giây phút ngây ngất giữa tiếng nhạc kích động, của những cuộc phiêu lưu trong làn khói của liều thuốc nghiện, của những ly rượu nồng? Phải chăng đó là hạnh phúc thật hay chỉ là như những giọt mật ong để bắt ruồi?
Ai ai cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng mỗi người theo một đường, hoặc một chủ thuyết riêng. Người thì theo đuổi hạnh phúc qua danh vọng, kẻ thì tìm kiếm chức quyền, tiền bạc, cả đến những thú vui đê hèn nữa. Cũng không thiếu cho những người sẵn sàng tiêu hao sức sống mình để cứu vãn sự sống của người khác, hy sinh hơi ấm của tình thương ích kỷ để sưởi ấm những tâm hồn cô đơn, trong giá lạnh của cảnh bị bỏ rơi. Ðó quả là hai thái cực, hai con đường đi tìm hạnh phúc. Ðiều đó đủ minh chứng cho chúng ta thấy con người thật dễ lầm đường lạc hướng đi, khi tìm hạnh phúc. Làm thế nào để đạt tới hạnh phúc? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật? Ðó là khắc khoải lo âu chính của mọi người thuộc mọi thời đại.
Có những người bạn trẻ không giữ nổi niềm vui trong tâm hồn khi biết dành dụm hy sinh quà bánh để giúp đỡ người nghèo khổ. Trong khi nhà phú hộ Pietrô Bernardone tìm kiếm hạnh phúc nơi tiền của, giàu sang, thì người con trai yêu dấu của ông, tức là Phanxicô lại cảm thấy sung sướng trong việc từ bỏ mọi sự để kết bạn với sự khó nghèo, túng thiếu. Có người cảm thấy hạnh phúc khi được nhận lãnh hơn là cho đi. Ðối với tông đồ Phaolô, cho thì có phúc hơn nhận.
Riêng đối với bạn, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc căn cứ vào đâu? Ðâu là con đường hạnh phúc bạn đang theo đuổi? Bạn có hài lòng với thứ hạnh phúc đó chăng?
Ảo Tưởng Hạnh Phúc
Hạnh phúc là khát vọng sâu xa nhất của mỗi người và ai ai cũng mải miết đi tìm kiếm hạnh phúc. Thế nhưng, người ta lại dễ lầm đường lạc hướng trong việc tìm kiếm hạnh phúc thật. Có người tuy biết mình bất hạnh vì bị lọt vào cái vòng khốn khổ, nhưng lại không có đủ can đảm tháo gỡ mình, hoặc bước ra tìm đến hạnh phúc chân thật hơn. Alain Delon, một ký giả người Pháp đã thành thật tự thú như sau:
Tôi không bao giờ nghĩ mình là người hay lo sợ, thế nhưng, nhiều lúc tôi lại sợ mình rơi vào cảnh lo sợ. Và rồi một hôm tôi đã phải thú nhận điều đó trong lần gặp gỡ một người chăn chiên một mình thơ thẩn ngoài đồng vắng. Tôi tự hỏi mình làm gì trên thế giới này? Ðâu là điều mỗi người chúng ta thường làm? Biết bao lần tôi đã đặt những câu hỏi này, nhưng vẫn không tìm được giải đáp làm tôi hài lòng. Sau cùng, một hôm nhân lúc lái xe chạy qua vùng ngoại ô thuộc miền Assisi, là quê quán của thánh Phanxicô khó nghèo, tôi đụng đầu với một người mục tử dẫn đàn chiên đi ngang qua lối ấy. Tôi dừng xe lại và chuyện vãn hồi lâu với ông ta. Ông là một người rất tầm thường, đơn thành, chất phác, suốt ngày lang thang trên đồng cỏ với đàn vật. Gia tài của ông chỉ là một mái nhà tranh đổ nát. Thế nhưng, trên gương mặt và trong ánh mắt của ông hiện rõ một nét an bình và niềm hạnh phúc sâu xa. Cảnh sống của người mục tử và của tôi thật là hai thế giới đối nghịch. Xem ra ông ấy hạnh phúc hơn tôi nhiều. Ông sống hòa thuận với trời đất, với tạo vật, tôi lại không. Ông chiếm giữ tất cả những gì ông muốn, còn tôi lại hoàn toàn bất lực. Ông được đầy sự khôn ngoan nhờ sự đơn thành ban tặng, còn tôi lại phải gánh chịu hậu quả của mọi thứ dại dột. Hôm đó tôi muốn dừng lại lâu giờ hơn nữa để chuyện vãn với ông, để học hỏi nơi ông ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Tôi hứa sẽ trở lại tìm gặp ông càng sớm càng tốt, nhưng tôi đã không giữ lời hứa. Tất cả chỉ vì sợ hãi phải bỏ cái hạnh phúc giả tạo tôi đang đeo đuổi để bước sang con đường dẫn đến hạnh phúc sâu thực hơn.
Lời tự thú chân thành trên đây nói lên sự buồn bã của người đi tìm kiếm hạnh phúc mà chỉ gặp thấy hạnh phúc giả tạo, đồng thời cũng nhìn nhận sự sợ hãi bước vào con đường dẫn tới hạnh phúc chân thật.
Nhiều lúc chúng ta thường nghe nói rằng, mỗi người có cái hạnh phúc riêng. Cả đến người điên cũng như hài lòng với cái điên rồ của họ. Mỗi sở thích đều có cái thú vị riêng, màu sắc riêng của nó. Phải chăng hạnh phúc chỉ là vấn đề chủ quan, chỉ tùy thuộc vào sở thích cá nhân mà thôi? Có thể nào vì lý luận như vậy mà tất cả mọi thú vui đều có thể được nhìn nhận là chính đáng, vịn lý lẽ là nó dẫn tới hạnh phúc hay sao? Các bạn sẽ đồng ý trả lời rằng, hẳn không phải là như vậy. Quan niệm cá nhân về hạnh phúc, tuy có thể thỏa mãn một vài khía cạnh phụ thuộc của đời sống con người, nhưng không thể nào trở thành nền tảng căn bản hạnh phúc con người được.
Vậy đâu là nguồn phát sinh hạnh phúc đích thật của con người? Khi tạo dựng con người đầu tiên, Thiên Chúa phán: "Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta" (St 1:26). Hạnh phúc của con người bởi Thiên Chúa mà đến. Con người chỉ được sung sướng thực sự khi sống đúng với sứ mệnh và mục đích Chúa đã dành sẵn cho họ. Như trong đời sống thể xác, con mắt được tạo dựng để nhìn thấy, tai để nghe, miệng để ăn nói, dạ dày để tiêu hóa, tim đập dẫn máu đi khắp thân thể v.v... Chỉ cần một bộ phận không hoạt động đúng theo chức năng của nó cũng đủ gây đau khổ cho cả thân xác. Cũng một cách tương tự về mặt tâm lý và tinh thần, con người chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc sung sướng khi đi đúng theo con đường và mục đích của mình mà thôi. Thánh Augustin sau những năm chạy theo hạnh phúc giả tạo đã phải thú nhận rằng: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con người chúng con để quy hướng về Chúa, và tâm hồn chúng con sẽ chỉ tìm được an nghỉ và hạnh phúc nơi Chúa mà thôi".
Thật vậy, hạnh phúc của con người không phải là thứ hạnh phúc của loài vật. Chúng chỉ lo kiếm ăn cho no, sinh sản theo luật tự nhiên đã được phú bẩm cho nó. Con người không những chỉ cần thỏa mãn các nhu cầu cần thiết của thân xác, nhưng hơn nữa cần phải đáp ứng những nhu cầu tinh thần khác nữa, chẳng hạn như khát vọng yêu thương và được thương yêu, tình bạn, thành công, cảm thấy mình có ích lợi cho người khác, khát vọng được sống và sống mãi, v.v... Một khi những nhu cầu thánh thiêng đó chưa được đáp ứng đủ, con người vẫn còn băn khoăn lo lắng, vẫn chưa được hạnh phúc thật.
Hạnh phúc thật là gì? Tagore, một thi sĩ lỗi lạc người Ấn Ðộ đã viết: "Tôi nằm ngủ mơ thấy đời sống là niềm vui. Khi thức dậy tôi khám phá ra rằng, sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và khám phá ra rằng phục vụ chính là niềm vui". Tagore thật có lý. Hạnh phúc không phải là một thứ cảm giác mơ hồ bông lông, nhưng là thực tại của tâm hồn. Bạn muốn thưởng thức mùi thơm hoa hồng ư? Nếu niềm vui nảy sinh từ phục vụ thì bạn hãy ưa thích phục vụ, hãy dấn thân phục vụ trước đi, rồi bạn sẽ cảm nghiệm được niềm vui sướng và an bình của tâm hồn là mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác, và các thánh nhân cũng đều khẳng định bí quyết hạnh phúc nói trên. Một trong những nhân vật nổi tiếng đó là cha xứ Gioan Maria Vianney. Ngài nói: "Người ta sẽ tìm thấy hạnh phúc, khi họ biết tìm kiếm hạnh phúc cho người khác".
Vì lý do nào nảy sinh ra các vụ tranh chấp, giằng co, hận thù nhau? Hẳn không là vì đã chỉ biết tìm kiếm hạnh phúc cá nhân đến nỗi quên đi hạnh phúc của người khác đó sao? Thật vậy, khi một người chủ trương tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, người ấy sẽ tự đặt mình làm trung tâm vũ trụ và sẽ tận dụng mọi sự, mọi người để tạo hạnh phúc cho mình, và họ cũng không chút e ngại chà đạp lên quyền lợi của người khác miễn sao có lợi cho mình mà thôi. Trong bối cảnh vụ lợi đó, hạnh phúc thật hẳn là điều không thể có được. Ngay chính bản thân người đi tìm kiếm hạnh phúc một cách ích kỷ đó lại là người bất hạnh hơn ai hết.
Bạn có cảm tưởng rằng những minh tinh màn ảnh, những thần tượng của xã hội hưởng thụ, những nhà độc tài nắm trong tay quyền sinh tử của những người khác là những người hạnh phúc lắm ư? Họ nắm trong tay tiền bạc, danh vọng và chức quyền, xem như có thể làm được mọi sự, nhưng nếu họ không sống, không chiến đấu vì một lý tưởng cao thượng, không tìm thấy ý nghĩa sâu xa của đời sống, họ là những người bất hạnh và đau khổ hơn ai hết. Một trong những người nói trên đã thú nhận: "Hồi đó tôi là một nhà đại phú, không thiếu gì. Bạn bè quý mến tôi, vợ con tôi coi tôi như thần tượng. Ðiều tôi ưa thích hơn cả là các môn giải trí và mọi thứ tiêu khiển, nào là các buổi dạ hội, phim ảnh, tiệc tùng với bạn bè sang giàu, và những cuộc du lịch chu du đó đây trên thế giới. Tôi không hề phải bận tâm lo lắng về tiền bạc. Tuy vậy nhiều lúc tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình, bởi vì tôi sống không khác gì một đứa trẻ vô lo, chỉ biết ăn chơi và nghĩ đến chính mình. Thế rồi một hôm tình cờ tôi gặp lại các bạn học cũ của tôi dấn thân trong các hoạt động giáo dục và từ thiện. Ðời sống của họ rất thanh bần đơn giản, nhưng xem ra họ rất hạnh phúc hơn tôi nhiều. Kế đó tôi lui vào xin trọ trong một tu viện khổ tu. Sau những ngày yên tĩnh và suy tư đó tôi đã tìm lại được hướng đi cho cuộc đời tôi. Giờ đây tôi là một cộng tác viên với các bạn học tôi với một lý tưởng mới cao đẹp hơn. Ðời sống tôi đã thay đổi hẳn, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn tôi, và không gì có thể lôi cuốn tôi trở lại đời sống xa hoa trống rỗng và vô vị của tôi khi trước nữa.
Trên đây chỉ là một vài chứng tá về ý nghĩa hạnh phúc là gì, là quên mình, là cho đi. Mời các bạn tiếp tục tìm hiểu con đường hạnh phúc trong bài tới.
Hạnh Phúc Là Cho Ði
Cha Pierre, một linh mục dòng thánh Phanxicô khó nghèo đã thuật lại câu chuyện thật cảm động về cuộc trở lại của một chàng thanh niên đã trót rơi vào con đường nghiện ngập và trở nên một tay sát nhân như sau:
Hôm ấy anh ta lấy dao lam cắt mạch máu với ý định tự tử để kết liễu chuỗi ngày vô ý nghĩa. Ðang lúc máu chảy lai láng trên tay, một cô gái người công giáo đi ngang qua đó thấy vậy liền gọi điện thoại báo tin cho cha Pierre. Chỉ mấy phút sau cha Pierre đã tới bên cạnh người thanh niên chán đời ấy. Không một lời an ủi cũng không tỏ vẻ gì là cảm thông, cha Pierre ra lệnh cho cậu với giọng nói thật cứng rắn:
- Anh không được phí phạm sự sống. Cha cần phải cứu sống nhiều đời sống khốn khổ khác nữa. Cha đã già yếu, không đủ sức làm hết. Cha cần đến sức sống của anh.
Mắt chàng thanh niên ấy bỗng sáng rực lên. Anh chấp nhận để cho cha Pierre băng bó vết thương ở tay lại, rồi đứng dậy đi theo cha về trung tâm Emmaus, nơi điều trị những thanh niên cũng rơi vào con đường nghiện ngập như anh. Từ ngày đó anh trở nên cộng tác viên rất đắc lực và trung thành của cha Pierre. Cha Pierre sung sướng kể tiếp. Ít lâu sau đó, một hôm anh ta sung sướng chạy đến tìm cha và nói:
- Thưa cha, con cảm thấy sung sướng hơn bao giờ hết vì con đã cứu sống một thiếu nữ bị bệnh nan y, thất vọng và toan tự tử. Cô đã can đảm chiến đấu với tử thần cho đến giây phút sau cùng và trước khi nhắm mắt an bình tắt thở cô ấy đã nói với con với tất cả lòng biết ơn rằng: cậu đã cứu sống tôi, tuy đời sống ấy thật ngắn ngủi!
Bạn thân mến, chàng thanh niên trên đây đã nếm thử được hương vị của hạnh phúc chân thật, không phải là lúc anh ta chạy theo hương vị của những liều thuốc nghiện, nhưng chính là lúc anh quên hạnh phúc cá nhân để tìm hạnh phúc cho người khác. Bí quyết hạnh phúc của đời anh chính là cho đi, là cho đi sự sống của anh để mưu cầu sự sống của tha nhân.
Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu có thể tóm gọn như sau: Hạnh phúc thay những người biết quên mình, biết chia sẻ tài sản mình với người nghèo khổ, biết chấp nhận thử thách bắt bớ, biết gánh vác trên vai mình đau khổ của tha nhân, biết tận hiến đời sống mình để phục vụ người khác, vì họ sẽ được nước trời làm gia nghiệp.
Thánh tông đồ Phaolô cũng luôn ghi lòng tạc dạ lời Chúa Giêsu phán dạy: "Cho thì có phước hơn nhận" (TÐCV 20:35). Nhiều thế kỷ sau đó, bí quyết hạnh phúc theo tinh thần phúc âm cũng đã ăn sâu trong đời sống của thánh Phanxicô thành Assisi đến nỗi người đã thường sốt sắng nguyện cầu: "Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết... Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời".
Không cần tìm kiếm đâu xa, chỉ đưa mắt nhìn chung quanh, kinh nghiệm bản thân của bạn cũng sẽ giúp bạn xác nhận giá trị của những điều vừa nói trên. Ðâu là hạnh phúc sâu xa hơn cả của cha mẹ, nếu không phải là hạnh phúc của con cái? Vì lý do nào cha mẹ chấp nhận vất vả, gian khổ, có khi phải hy sinh cả tính mạng mình nếu không phải là chỉ vì để mưu cầu hạnh phúc cho con cái mình? Nào là những lần thức trắng đêm bên cạnh giường bệnh của con, những khi phải gánh chịu cả những món nợ khổng lồ để cứu vãn sự sống và tương lai của con mình.
Một sinh viên dấn thân trong các sinh hoạt công giáo tiến hành đã sung sướng thú nhận với các bạn: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, mặc dù sống giữa xã hội với nhiều vấn đề cam go khó khăn, bởi vì tôi biết rằng đời sống tôi có ích lợi cho nhiều người. Tôi đã giải quyết được nhiều vấn đề có liên can đến việc làm và chỗ ở. Tôi sẵn sàng cộng tác với mọi người trong làng nhỏ bé này, với con số 170 gia đình. Chúng tôi sống đồng tâm hợp nhất với nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau như trong một cộng đoàn, một gia đình lớn. Tất cả những điều đó làm tôi cảm thấy an bình và vui sướng trong tâm hồn.
Cha Atilano Alaiz, tác giả tập sách "Sống đời sống" còn trích lại lời chứng từ của bác sĩ Rodriguez Delgado, người đã được giải thưởng Nobel về thuốc. Trong một lần phỏng vấn có người hỏi bác sĩ: ai là vị anh hùng cùng thời với bác sĩ? Bác sĩ Rodriguez Delgado đã không ngần ngại trả lời: Ðó là bác sĩ Fleming, là người đã dạy bảo tôi rằng, làm việc tốt cho người khác sẽ được an ủi và hạnh phúc hơn là kiếm được nhiều tiền bạc, vinh dự và chức quyền.
Câu trả lời của bác sĩ Rodriguez Delgado đã làm cho nhiều người phải ngạc nhiên. Bởi vì ông nhìn nhận bác sĩ Fleming là một vị anh hùng không phải vì là người đã khám phá ra thuốc Penicillina, nhưng vì đã giúp ông khám phá ra bí quyết hạnh phúc, tức là làm việc thiện.
Ai ai cũng sống với khát vọng tìm kiếm hạnh phúc, chứ không chỉ duy trì và bảo vệ sự sống còn của mình. Khát vọng hạnh phúc đeo đuổi mỗi người như hình với bóng. Thế nhưng, càng cắm đầu chạy theo hạnh phúc, con người lại càng trở nên bất hạnh. Hạnh phúc mà con người tìm kiếm được ví như giấc ngủ. Càng muốn dỗ dành giấc ngủ lại càng khó ngủ càng thao thức. Trái lại, sau một ngày mệt nhọc vì dấn thân phục vụ, đêm về giấc ngủ lại đến một cách dễ dàng không cần mời gọi gì cả.
Martin Descalzo, một văn sĩ người Ý đã có lần viết: "Khi ai hỏi tôi, sống để làm gì? Tôi không bao giờ quên rằng tôi sống vì một ai đó và vì một lý tưởng nào đó. Sống để được hạnh phúc hẳn là điều quá ít ỏi. Sống để phục vụ, để trở nên ích lợi cho người khác là điều cao đẹp hơn, và còn có thêm cái lợi là, khi trở nên ích lợi cho người khác tôi sẽ được ban tặng thêm chút hạnh phúc mà tôi không chủ ý kiếm tìm.
Câu nói của văn sĩ Martin Descalzo phản ánh một tia sáng nhỏ bé của nguồn ánh sáng về chân lý hạnh phúc được Chúa Giêsu mạc khải trong phúc âm. Nhìn vào đời sống Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận thấy ngay rằng, mục đích chính yếu của Ngài không phải là tìm kiếm hạnh phúc, nhưng là thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha, là tìm kiếm vinh hiển của Cha, là thu tập mọi người, mọi dân tộc nên một đại gia đình con cái Chúa, khác nào người chủ chăn hiền lành đi tìm kiếm những con chiên lạc và tụ họp tất cả thành một đàn chiên duy nhất. Với cái nhìn của cặp mắt thiển cận loài người, cái chết khổ nhục của Chúa Giêsu trên thập giá hẳn không phải là một thành công, cũng không phải là vinh dự, hay hạnh phúc, sung sướng gì. Thế nhưng đó lại là một hành động cao cả tột bực, diễn tả nhân phẩm vĩ đại nhất của con người hoàn hảo, của tình yêu khôn sánh và của tinh thần phục vụ tới mức độ hoàn toàn vị tha.
Ðời sống của Chúa Giêsu quả là bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý và con đường hạnh phúc đích thật Ngài vạch chỉ cho dân chúng khi tuyên bố với họ: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn mọi điều khác Người sẽ thêm cho" (Mt 6:33). Một cách nôm na cũng có thể nói được rằng: Trước tiên hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi hạnh phúc và an bình của tâm hồn cũng sẽ được Ngài ban tặng thêm cho.
Hạnh Phúc Là Tìm Thấy Ý Nghĩa Ðời Mình
Trong tập sách "sống đời sống" nói về hiện tình chung của giới trẻ ngày nay, cha Atilano Alaiz thuật lại trường hợp của một thanh niên chủ trương đi tìm hạnh phúc qua việc chiếm hữu như sau:
Cậu là người con trai độc nhất của một gia đình rất giàu sang. Có lần cậu nói:
- Ước chi tôi có được cái đàn ghi-tar.
Thế rồi khi được cha mẹ tặng cho cái đàn ghi-tar, cậu lại than thở:
- Thay vì cái đàn ghi-tar tầm thường này, giả như tôi có cái đàn ghi-tar điện, để rồi cùng với bạn bè tổ chức những đêm hội nhạc.
Vừa được cái ghi-tar điện như lòng ước nguyện, ít hôm sau cậu lại chán với các điệu nhạc, và bắt đầu để mắt nhìn đến những loại xe cúp mới mẻ nhất. Cậu lẩm bẩm càu nhàu:
- Các bạn bè tôi đều có xe cúp cả.
Sau xe cúp, cậu lại được tặng thêm cho một chiếc xe hơi, tuy không phải là chiếc xe mới ra lò. Nên cậu lại than phiền:
- Tôi cảm thấy hổ ngươi mỗi lần lái chiếc xe cũ này. Các bạn tôi nhạo cười vì như cha mẹ tôi không có đủ tiền mua được chiếc xe tốt đẹp hơn hay sao!
Ðến ngày sinh nhật, cậu lại có thêm một cái TV màu và máy quay phim Video. Cứ như thế, hết cái này đến cái khác, cậu không thiếu một thứ quà xa xỉ nào. Sau cùng, cậu lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục ước muốn chiếm đoạt và hưởng thụ. Hết nhà trên núi, tới nhà nghỉ mát gần bãi biển và du lịch khắp thế giới. Ngoài ước muốn hưởng thụ, cậu lại còn bị nung nấu bởi mối lo lắng để khỏi bỏ mất bất cứ một thứ vui chơi nào. Thế nhưng bất chấp mọi thứ vui thú, cậu vẫn là người bất hạnh, không hề biết mỉm cười và lúc nào cũng khó khỉnh áy náy, bất an.
Bạn thân mến, chàng thanh niên trên đây chỉ là một trong số hàng ngàn thanh niên thiếu nữ ngày nay trên thế giới, tuy có tất cả mọi sự và được mọi cái dư thừa, nhưng họ đã đánh mất niềm vui sống và lòng yêu thích sự sống.
Chúng tôi cảm thấy nhàm chán, ngán đời! Ðó là lời than phiền được lặp đi lặp lại trên môi miệng của một số bạn trẻ, tại nhiều nơi và thuộc mọi thời đại. Biết bao lần trong các buổi họp mặt các phụ huynh, nhiều cha mẹ đã bày tỏ mối lo lắng không biết làm gì hơn để mua vui cho con cái, bởi vì chúng có mọi thứ và nhàm chán mọi sự.
Thành phố New York bên Hoa Kỳ có lẽ là thành phố phong phú bậc nhất thế giới về các môn giải trí và các trò tiêu khiển, thế mà sau khi nếm thử mọi thú vui đó, một thanh niên đã phải thú nhận rằng: "Tất cả mọi thứ ăn chơi dọc theo đại lộ Broadway cũng không đủ đem lại cho tôi một chút nghỉ ngơi và bình an của tâm hồn. Trái lại, chúng chỉ đem lại cho tôi thêm bực bội, bất an. Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Tuy nhiên tôi vẫn chưa sẵn sàng đành chịu chết".
Một giáo sư xã hội học người Hòa Lan, sau khi đã đích thân sống hòa mình giữa một số thanh niên thuộc các băng đảng để dễ bề hiểu biết và phân tích tâm lý và thái độ chống xã hội, ông đã phải xác nhận rằng nguyên do chính yếu cũng chỉ vì cảnh nhàm chán và sự bất an tâm thần. Ðáng thương thay những người con của xã hội hưởng thụ, là những người bất hạnh tận trong thâm tâm. Xã hội ban tặng cho tuổi trẻ mọi thứ hưởng thụ, nhưng đã không biết cống hiến họ lý do để sống và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Mọi hình thức hưởng thụ chẳng khác gì liều thuốc giảm đau, làm quên đi trong chốc lát nỗi đau đớn, nhưng không phải là liều thuốc chữa trị căn bệnh. Những tế bào ung thư vẫn còn đó, sự trống rỗng vẫn còn đó. Cái trống rỗng đó là khát vọng của tinh thần, của những gì siêu nhiên, của những giá trị tuyệt đối, vì thế không thể nào được lấp đầy hoặc thay thế bằng những sự vật chất tạm bợ.
Một nhóm giáo sư chuyên môn thuộc khoa phân tích tâm lý học về hiện tượng chán đời của giới trẻ đã khám phá ra lý do chán đời của tuổi trẻ qua chính những lời tự thú của họ: "Tôi tin rằng điều thiếu thốn trầm trọng nhất đối với tuổi trẻ là không có lý tưởng để sống. Các bạn trẻ chúng tôi đều biết rằng thật là điều uổng công vô ích chịu vất vả khó nhọc ngày này qua ngày khác nếu không phải vì một lý tưởng cao đẹp đáng giá nào đó".
Một lần khác, cha Atilano Alaiz được mời đến cử hành thánh lễ nửa đêm vào dịp Giáng Sinh tại một nhà nguyện lớn của các nữ tu được mở cửa đón nhận các tín hữu tại một khu phố sang trọng ở Madrid bên Tây Ban Nha. Tham dự thánh lễ cũng có một nhóm đông thanh niên thiếu nữ. Buổi lễ hôm đó thật buồn thảm không khác chi một thánh lễ an táng. Bầu khí nặng nề, gương mặt các bạn trẻ đượm vẻ chán chường. Họ tham dự thánh lễ như bị ai cưỡng ép. Cha cố gắng làm cho buổi lễ thêm sống động và giúp các tín hữu tham dự thánh lễ một cách chủ động hơn. Cha xướng lên những bài hát quen thuộc, nhưng chỉ có mấy giọng yếu ớt phụ theo một cách dè đặt. Sau thánh lễ, cha bày tỏ cảm tưởng của cha với các nữ tu có trách nhiệm coi nhà nguyện. Các chị mỉm cười đáp lại:
- Thưa cha, xin cha đừng ngạc nhiên, đó là bầu khí thường ngày tại đây, lúc nào cũng vậy thôi. Các thanh niên thiếu nữ của những gia đình trưởng giả tại đây không còn biết mình muốn gì nữa. Họ chán ngấy mọi sự, và cả đến gia đình của họ cũng không còn biết làm gì hơn để họ được hài lòng. Thực sự họ là những người bất hạnh thật đáng thương.
Thật vậy, hạnh phúc chỉ là một giấc mơ hão huyền, dễ tan biến như mây khói nếu không có một lý tưởng để sống, để chiến đấu và để hy vọng. Cũng như tình yêu, hạnh phúc là một kho tàng vô giá, không thể bán cho ai, cũng không có thể mua ở đâu được. Hạnh phúc nảy sinh từ trong thâm tâm mỗi người, nếu không, sẽ không là hạnh phúc lâu bền, chân thật được.
Bạn có thể xác nhận được điều đó ngay trong đời sống bạn, chỉ cần đưa mắt quan sát những người sống chung quanh bạn. Biết bao người có đủ "lý do vật chất" để được thỏa mãn, thế mà họ vẫn buồn chán, lo âu. Trong khi đó cũng có những người khác có đủ "lý do vật chất" để thất vọng, nhưng trái lại, họ là những người hạnh phúc và an vui hơn cả, Ðó là trường hợp của một thiếu nữ người Uruguay thuộc châu Mỹ Latinh. Cô bị bệnh sụn xương hồi lên 13 tuổi và và ngồi liệt trên chiếc xe lăn tay. Kế đó cô lại bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, và bệnh hoạn trong gia đình không thiếu gì. Thế mà có lần cô đã viết trong thư gửi cho cha Atilano Alaiz:
Thưa cha, con vẫn tiếp tục làm việc với tất cả niềm hy vọng và an bình của tâm hồn. Nếu như con nói với cha là con ao ước được có một ngày dài hơn, có lẽ cha sẽ nghĩ là con phóng đại tô màu. Nhưng thật vậy, sao con cảm thấy thời giờ đi mau quá, không đủ để con làm những gì con muốn làm và có thể làm được. Tuy chỉ là những việc rất nhỏ nhặt, nhưng nó tiêu hao rất nhiều thì giờ. Có những người tưởng nghĩ là con sống qua ngày cách nhàm chán, là ngày giờ của con kéo dài lê thê, nhưng nói thực, con không biết nhìn đến nhàm chán là gì.
Chứng từ của cô bé tàn tật và bất toại trên đây là chứng tá hùng hồn về bí quyết hạnh phúc. Hạnh phúc như bông hoa đẹp nảy sinh từ lòng đất tốt, phì nhiêu, mặc dù chung quanh chỉ là những sự khô cằn, nắng cháy, hoặc đá sỏi. Hạnh phúc không dựa trên những gì mình có bên ngoài, nhưng triển nở từ những gì con người là tận bên trong. Nhưng hạnh phúc là gì? Mời các bạn đón nghe tiếp trong những bài tiếp theo.
Hạnh Phúc Với Giá Cao
Hồi đó có một vị chỉ huy tối cao quân đội, tại một căn cứ kháng chiến nọ, là người vốn rất quảng đại và hay thương người. Thế rồi sau nhiều ngày nhìn đoàn binh sĩ mệt nhọc tập dượt, ông nảy ra một ý nghĩ. Ông tự hỏi mình, có ích gì cho đội quân sáng chiều phải tập dượt như vậy, đi đi lại lại, xuống hố lên đồi hàng giờ như vậy, lúc nào cũng phải sẵn sàng y như có giặc đến trước cửa đồn? Tôi nghĩ ra kế hoạch đây. Tôi sẽ cho các binh sĩ sống thoải mái như thời thái bình. Họ sẽ sống nhàn rỗi, sẽ được ăn no ngủ kỹ, sẽ được bồi dưỡng để thân thể cường tráng và không phải tập dượt ứng chiến gì nữa. Và chắc chắn là tôi sẽ được binh sĩ thương mến nhiều hơn.
Sau 2 năm đội quân sống an nhàn thì một ngày không ngờ quân địch xông tới vây kín chung quanh trại. Một hồi còi báo động hú lên, binh sĩ hoảng hốt, luýnh quýnh không biết ráp súng đạn thế nào nữa. Nhiều người bị lỡ đạn chết cách oan uổng. Những người nhát đảm tự nộp mình đầu hàng, hoặc tự vận trước khi quân địch lọt vòng gai tiến vào trại. Những người còn sống sót đều tìm cách tẩu thoát. Trước tình trạng hỗn loạn đó, vị chỉ huy kêu gọi và khích lệ lòng can đảm chiến đấu, nhắc nhở họ những ngày an bình và những ân huệ ông đã ban tặng cho họ. Nhưng đã quá muộn, và vô ích, quân sĩ đều tẩu thoát cứu mạng, chỉ còn lại một mình viên chỉ huy tối cao giữa chiến trường.
Bạn thân mến, có lẽ tất cả chúng ta đều nghĩ rằng vị chỉ huy quân đội ấy thật là người thiếu khôn ngoan. "Thao Trường đổ mồ hôi Chiến Trường bớt đổ máu". Trong đời sống quân ngũ vấn đề kỹ luật và tập dượt là việc nòng cốt để luôn sẵn sàng đối phó với quân địch, thế mà ông lại coi thường và để cho binh sĩ quá tự do phóng túng như vậy. Phải công nhận rằng thất bại thê thảm đó là hậu quả dĩ nhiên của sự thiếu khôn ngoan ấy.
Một cách tương tự trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Có thể nói được rằng hanh phúc chân thật không phải là thứ hạnh phúc rẻ tiền, nhưng phải được trả với một giá rất cao, tức là với giá của hy sinh và đau khổ. Hạnh phúc thật nảy sinh từ đau khổ, xem ra như là điều nghịch lý, nhưng lại là sự thật rất sâu xa và kinh nghiệm cá nhân mỗi người trong chúng ta đều có thể xác nhận điều đó.
Trong bài trước chúng ta đã thấy đời sống hưởng thụ, phóng túng và an nhàn, ích kỷ chỉ là cuộc sống nhàm chán, bất hạnh và buồn thảm. Và ngược lại, bí quyết hạnh phúc an bình của cô gái tàn tật ngồi trên xe lăn người Uruguay chính là tinh thần phục vụ đến quên mình.
Một thanh niên trong nhóm hướng đạo kể lại rằng: "Tối hôm ấy bọn chúng tôi ngồi quây quần bên lửa trại trên một bãi cỏ gần một hộp đêm của vùng ngoại ô thành phố. Giữa những tiếng nhạc kích động, những tiếng cười sỗ sàng nặc mùi bia và rượu nồng, tôi như nghe vọng lại những tiếng nói ngạo nghễ từ ánh đèn màu chập chờn ấy: "Tụi mày không biết thú vui cuộc đời là gì!" Tôi hiểu ngay đó là những lời chửi khéo muốn gửi đến cho chúng tôi. Họ mỉa mai chúng tôi, nhưng thực sự tôi cảm thấy thương hại cho họ vì họ chỉ biết dùng những thú vui trống rỗng đó để làm im đi và dập tắt khát vọng hạnh phúc đang ăn mòn tâm hồn họ. Họ tưởng chúng tôi là những người bất hạnh, nhưng thực sự họ chưa từng được nếm thử cảnh ấm cúng thân thương của tình bạn chân thật, sự an bình của tâm hồn khi ngồi yên lặng chiêm ngắm vẻ đẹp của núi đồi của hoa cỏ và cảnh vật muôn màu sắc. Tôi cảm thấy thương hại họ vì họ không nhận ra sự trống rỗng, mau qua của thứ hạnh phúc tạm bợ mà họ đang miệt mài theo đuổi.
Cảm nghĩ của chàng thanh niên hướng đạo trên đây diễn tả một nhận định rất sâu xa. Hạnh phúc thật không thể nào đi đôi với sự nông cạn, hưởng thụ ích kỷ, nhưng là bạn đồng hành với đau khổ. Chính vì thế mà những người chủ trương đi tìm hạnh phúc nơi hưởng thụ không thể nào tìm thấy cũng không thể nào hiểu được. Biết bao lần bạn cảm thấy buồn buồn và trống rỗng sau khi đã chiều theo sự ước muốn một chút thỏa mãn mau qua. Lần khác, khi biết can đảm khước từ một sở thích cá nhân vì lợi ích tha nhân, bạn lại cảm thấy sự an bình và niềm vui sướng đến rơi lệ. Ðó chính là lúc bạn bắt đầu nếm thử hạnh phúc thật là gì.
Bạn hãy nghĩ tới nỗi đau khổ và lo lắng của người mẹ khi sanh con. Nếu hỏi, bà có hạnh phúc không? Chắc hẳn bà sẽ không dấu được nỗi vui mừng khi đứa con của bà chào đời, nhất là khi thấy con bà khỏe mạnh. Ðau khổ vì thế không phải là kẻ thù của hạnh phúc cũng không phải là lý do cản trở con người sống hạnh phúc. Trái lại, người biết chấp nhận đau khổ thì hạnh phúc của họ càng thêm đậm đà, sâu xa.
Thánh Têrêsa thành Avila, với cái nhìn của lý trí thông minh sâu sắc, đã diễn tả thế nào là sự an bình vui sướng của tâm hồn quảng đại, bất chấp những gian khổ, lo lắng của tâm hồn cũng như những dằn vặt của thân xác, hoặc bất cứ mọi hình thức bách hại nào. Têrêsa dùng hình ảnh một ngọn núi cao, trên sườn núi có thể bị mây đen bao phủ, mưa sa gió bão, thế nhưng trên đỉnh núi vẫn rực sáng trong ánh sáng mặt trời và trong an bình. Một cách tương tự, người biết sống, hành động và xử trí theo lương tâm ngay thẳng, lúc nào trong thâm tâm họ cũng có một góc nhỏ nơi đó họ có thể giữ vững niềm an bình vui sướng và không gì bên ngoài có thể xáo động được.
Trong đời sống người Kitô hữu, bí quyết hạnh phúc là chấp nhận đau khổ, là tiếp nhận hy sinh và từ bỏ. Chấp nhận đau khổ là con đường dẫn tới hạnh phúc, an bình và vinh hiển. Tông đồ Phaolô, người đã từng khủng bố các tín hữu Kitô đầu tiên, sau khi được Chúa Kitô chinh phục và được tình yêu của Chúa hoán cải, đã hiên ngang rao giảng về cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Mặc dù cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá là sự vấp phạm cho người Do Thái, và là sự điền rồ đối với người Hy Lạp. Không những Phaolô rao giảng cuộc khổ nạn và phục sinh khải hoàn của Chúa Kitô mà thôi, nhưng thực sự Người còn mang trong mình sự tiếp diễn cuộc khổ nạn của Chúa Kitô nữa.
Lòng tin vững mạnh vào sự sống lại khải hoàn của Chúa Kitô đã làm cho người đủ can đảm lướt thắng mọi gian nan thử thách, Người đã tâm sự với các tín hữu thành Côrintô (2Cor 7:4):
Tôi tín nhiệm anh em nhiều, tôi hãnh diện vì anh em lắm; nên tôi được an ủi tràn đầy vui mừng trong mọi đau khổ.
Các tông đồ khác cũng vậy, mặc dầu bị đánh đòn, nghiêm cấm không được nhân danh Chúa Kitô mà rao giảng nữa, nhưng khi được tha về, các tông đồ rất vui mừng và được tự hào là xứng đáng chịu ô nhục, đau khổ vì danh Chúa Kitô. Rồi họ vẫn tiếp tục rao giảng tin mừng về Ðức Kitô khắp mọi nơi (Tđcv 5:40-41).
Lòng tin vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và niềm hy vọng vào cuộc phục sinh khải hoàn của Ngài chính là nền tảng hạnh phúc của người tín hữu Kitô qua mọi thời đại, bất chấp mọi gian nan thử thách, và mọi bách hại, cả khi mạng sống của họ bị đe dọa nữa. Gương các vị anh hùng tử đạo vì đức tin vào Ðức Kitô và chứng tá của vị thừa sai hiện đang hăng say phục vụ khắp nơi trên thế giới là bằng chứng hùng hồn nhất về bí quyết hạnh phúc của họ.
Bí quyết hạnh phúc của con người nói chung, và con đường hạnh phúc của người tín hữu nói riêng, không thể là gì khác hơn ngoài việc chấp nhận đau khổ và thập giá vì tình yêu. Hạnh phúc chân thật không thể mua được với giá rẻ tiền, nhưng chỉ có thể đạt tới qua việc chuyên cần luyện tập, từ bỏ lòng ích kỷ và hiến thân phục vụ cách vị tha. Hạnh phúc có thể ví như bồn nước, có đầy mới đổ tràn ra chung quanh được. Càng tràn ra, càng cho đi, càng thêm đầy dư, phong phú và đổi mới luôn.
Hạnh Phúc Là Trung Tín
Hồi cha Atilano Alaiz là giáo sư tại trường đại học bên Chilê, Nam Mỹ Latinh, cha có nuôi một con chim phượng hoàng...
Vào một buổi sáng đẹp trời đang lúc đi bách bộ trong vườn cha gặp thấy nó nằm quỵ trên bãi cỏ. Cha đến gần nâng nó lên. Thương thay, chân nó bị thương, bước đi lảo đảo vì đói và vì đau. Cha Atilano đem nó về phòng, băng bó vết thương trên chân nó, cắt bớt lông cánh và đặt tên cho nó là "Andi" bởi vì nó đến lạc từ miền núi Ande. Dần dần chim Andi trở nên quen thuộc với nhiều sinh viên trong trường. Nó đến đậu trên vai cha, mổ từng miếng ăn trên tay cha và chấp nhận chung sống với mấy con gà mẹ, gà trống và 2 con công nữa. Thỉnh thoảng nó mạo hiểm khắp vườn kiếm ăn, nhưng tối đến nó lại trở về chuồng.
Rồi cũng vào một buổi sáng đẹp trời, cha ra cửa đứng đợi nó đến ăn như thường lệ, nhưng không thấy bóng dáng nó đâu. Cha đi khắp vườn tìm kiếm và gọi tên nó, nhưng Andi đã ra đi và không trở lại nữa. Lúc đó cha mới sực nhớ lại là chiều hôm trước cha thấy có một con chim phượng hoàng khác đã bay ngang qua trên bầu trời của trường. Và cha đã hiểu, chắc hẳn bóng dáng của con phượng hoàng ấy đã làm thức tỉnh dậy trong tiềm thức của Andi khát vọng bẩm sinh bay bổng lên cao trong đời nó. Từ ngày đó không ai trong trường còn thấy bóng dáng của Andi nữa.
Bạn thân mến, chim phượng hoàng Andi tượng trưng cho mỗi người trong chúng ta, được tạo dựng và được chào đời vì một lý tưởng cao thượng. Con người không phải như loài gà bị ghì chặt trên mặt đất, nhưng còn có tâm hồn thánh thiêng luôn hướng thẳng lên cao. Ðịnh mệnh của con người không thể nào bị giới hạn bởi những thứ ty tiện, những thỏa mãn mau qua như loài vật, nhưng là đạt tới hạnh phúc bất diệt.
Bạn cũng như tôi, chúng ta không được tạo dựng để lang thang đó đây như loài vật chỉ lo tìm kiếm miếng ăn qua ngày cho đỡ đói, bằng lòng với của dư thừa hoặc những mảnh vụn từ trên bàn của chủ rơi xuống, hoặc với bát cám heo như lòng đứa con hoang đường mơ ước trong lúc sa đọa. Không, con người được tạo dựng với địa vị làm con cái, để ngồi cùng bàn ăn với Cha là Thiên Chúa và với tha nhân như anh em trong đại gia đình. Nếu là con cái, làm sao chúng ta có thể hài lòng với bánh vụn cơm thừa trong khi có sẵn trên bàn cơm bánh thơm ngon của tình thương. Thật vậy sứ mệnh của con người không phải là bò lê trên mặt đất, nhưng là bay bổng lên cao.
Paul Claudel, một văn sĩ nổi tiếng người Pháp đã viết: "Tuổi trẻ không được tạo dựng để hưởng thụ, nhưng để sống với lý tưởng cao đẹp". Không chỉ tuổi trẻ mà thôi, nhưng đó phải là hướng đi của tất cả mỗi người. Chúng ta không thể sống vất vưởng qua ngày, nhưng phải sống với một kế hoạch đầy hy vọng. Con người được kêu gọi để tìm ra lẽ sống cho đời mình, để vạch chỉ cho mình mục tiêu rõ ràng, bõ công tranh đấu hầu đạt tới mục tiêu đó. Sống mà không có viễn tượng hy vọng, thì cuộc sống đó thật quá hẹp hòi, khác nào người đi vào con đường cụt.
Có người lầm nghĩ rằng hạnh phúc đến từ bên ngoài, như mưa thuận gió hòa, nắng ấm làm cho cây cối đâm chồi, nở hoa kết trái. Nhưng làm sao có thể bảo đảm được những sự bên ngoài ấy? Trái lại nếu chúng ta biết vun trồng mảnh vườn hạnh phúc bằng suối nước ngầm từ lòng đất, mảnh vườn ấy sẽ xanh tươi luôn, không sợ tàn héo trong những ngày hè nắng gắt. Không thiếu chi những lần chúng ta nghĩ mình là người bất hạnh vì thiếu thốn cái này vật kia, vì những điều trái ý, vì nghịch cảnh đến từ bên ngoài, vì hoàn cảnh xã hội bất ưng, vì người này kẻ khác. Nhưng có lẽ phải thú nhận rằng căn nguyên của sự bất hạnh là vì thiếu lý tưởng cao đẹp cho đời mình. Ðó là đám mây u ám đè nặng tâm hồn và làm cản trở không cho chúng ta sống thoải mái hạnh phúc.
Các nhà tâm lý học còn ví khát vọng hạnh phúc của con người như tiếng khóc của đứa bé trong cơn đói. Ngậm nút vú giả không có sữa chỉ làm nó quên đi cơn đói trong chốc lát, nhưng khi cơn đói vẫn tiếp tục giày vò, nó sẽ nhả vú giả ra và lại gào théo cho tới khi được thỏa mãn cơn đói. Hạnh phúc thay cho những người biết nhận ra sự giày vò của khát vọng hạnh phúc, biết khước từ những thứ thỏa mãn giả tạo để đi tìm kiếm hạnh phúc chân thật và lâu bền hơn. Hiện tượng tương tự đó xảy đến với con người khi không sống đúng theo mục đích cao thượng của đời mình, khi thất trung với bản năng bẩm sinh của mình. Nếu lương tâm của họ còn sáng suốt và tỉnh thức, họ sẽ chỉ tìm thấy an bình và hạnh phúc khi tâm hồn họ được nuôi dưỡng bằng chân lý và tình yêu, ngược lại, họ sẽ mãi mãi băn khoăn thao thức đi tìm kiếm cho kỳ được...
Nói tóm lại, trung thành với bản thân, với sứ mệnh riêng của đời người, với những khắc khoải sâu xa, với khát vọng siêu nhiên, đó là giá cả phải trả để đổi lấy hạnh phúc. Nhìn vào đời sống Mẹ Têrêsa Calcutta, sống giữa bao thảm cảnh nghèo khổ, bệnh tật, bất công và chết chóc, mẹ có đủ lý do để thất vọng, để buông xuôi. Thế nhưng, bất chấp tất cả những hy sinh khó nhọc của cuộc sống và của sứ mệnh tông đồ của mẹ, trên gương mặt của mẹ luôn được trang điểm bởi một nét hy vọng, an bình và hạnh phúc. Tại sao vậy? Bởi vì mẹ sống với một lý tưởng cao đẹp, tức là sự sống và ơn cứu độ của tha nhân. Lý tưởng đó là động lực thúc đẩy mẹ luôn tiến bước, đồng thời cũng là như ngọn lửa tiêu hao dần sinh lực và sức sống của mẹ.
Hầu như tất cả các nhà tâm lý đều chấp nhận chân lý này: để đạt tới hạnh phúc cần phải có một lý tưởng cao đẹp, cần phải có một yếu tố căn bản là tâm điểm quy tụ tất cả sinh lực của mình. Hạnh phúc là cuộc hành trình không ngừng hướng thẳng tới lý tưởng mặc dù có những lúc phải chậm bước hoặc phải dừng chân để lấy sức và để nhắm hướng đi. Chỉ cần quan sát và trao đổi tư tưởng với những người sống chung quanh bạn, những người hạnh phúc và những người chán chường. Ðâu là điểm khác biệt giữa những người ấy? Họ sẽ trả lời bạn rằng: họ đã tìm thấy ý nghĩa đời mình, một lý tưởng để chiến đấu, để tận hiến tất cả sinh lực của đời họ.
Bạn thân mến, ngay từ khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã phán: "Ta hãy tạo dựng loài người giống hình ảnh Ta". Căn cước tính của con người phát sinh từ Thiên Chúa. Chính vì Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc tuyệt đối, không bao giờ tận, cho nên càng trở nên giống hình ảnh của Chúa, con người càng đạt tới sự sung mãn của hạnh phúc thật.
Hạnh Phúc Là Sống Vì Một Chọn Lựa Căn Bản
Chắc các bạn đã có lần nghe câu chuyện về 3 người thợ cắt đá. Thấy ba người vất vả làm việc dưới trời nắng, mỗi người một nét mặt. Khách qua đường dừng chân hỏi người thứ nhất:
- Ông đang làm gì vậy?
Người ấy trả lời với vẻ bực tức:
- Ông không thấy ư? Tôi làm việc như người điên, chỉ mong tới hết giờ làm việc để về nhà nghỉ ngơi.
Khách qua đường cũng lặp lại câu hỏi như trước với người thợ thứ hai. Người ấy dừng tay, trả lời với vẻ lo lắng:
- Tôi làm nghề cắt đá này để kiếm tiền nuôi vợ con tôi.
Khách qua đường đến gần người thợ thứ ba và cũng lặp lại câu hỏi như đã hỏi hai người thợ trước. Người thứ ba ngước mắt nhìn khách qua đường rồi đưa mắt nhìn về phía thung lũng, vừa giơ tay chỉ vừa nói:
- Ông có thấy ngôi nhà đang xây giở đó không?
Và người thở mỉm cười nói tiếp:
- Tôi cắt đá để giúp xây cất ngôi nhà thờ của giáo xứ tôi dưới kia.
Khách qua đường từ giã ba người thợ cắt đá, lặng lẽ tiếp tục lên đường, vừa đi vừa nghĩ thầm: cũng một công việc nặng nhọc, ngày ngày dầm mưa dãi nắng, nhưng làm với 3 mục đích cũng được biểu lộ trên ba gương mặt, phản ánh sự bất hạnh và niềm hạnh phúc của tâm hồn. Người làm việc vì để thỏa mãn nhu cầu bản thân, người khác vì hạnh phúc của tha nhân, người khác nữa, vì vinh danh Chúa. Ba sự chọn lựa ở trên có 3 bậc thang giá trị khác nhau.
Nếu có dịp đi thăm các bệnh nhân trong một nhà thương nào đó, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng hơn nữa tầm quan trọng của lý do sống và sự lựa chọn căn bản trong đời sống mỗi người. Tuy hơn kém nhau về mặt đau khổ thể xác, nhưng thái độ nội tâm của mỗi người một khác. Ðau khổ có thể là một gánh nặng khiến người này chửi trời trách nhiệm, người khác đành an phận, chịu đựng buông xuôi. Cũng có người biết chấp nhận vui vẻ, lạc quan nghĩ mình còn may mắn hơn bao người khác. Và cũng không thiếu chi những người có cái nhìn sâu xa hơn, biết khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và lợi dụng cơ hội đó để nhìn nhận sự hạn hẹp của con người và gặp gỡ Ðấng tối cao có chủ quyền trên đời sống họ.
Thực ra, chỉ có lý tưởng, hoặc mục đích sau cùng của cuộc sống mới là động lực làm cho người ta xích lại gần nhau hơn hoặc trở nên thù địch nhau. Nhiều người tuy làm việc khác nhau, nhưng nếu cùng ôm ấp một lý tưởng chung họ sẽ gần gũi nhau hơn là hai người tuy cùng làm một việc, ở chung với nhau lại theo đuổi những lý tưởng đối nghịch nhau. Công ăn việc làm, nghề nghiệp, chức vụ, tự nó không phải là cùng đích của cuộc đời, nhưng chỉ là phương tiện để sống và là con đường dẫn đưa tới lý tưởng, tới đích điểm sau cùng của cuộc sống.
Mục đích sau cùng của cuộc sống mới là nhân tố xác định giá trị và sự cao thượng của nhân cách con người. Trái lại, một cử chỉ tuy vốn là cao đẹp, nhưng nếu được thực hiện vì một mục đích ty tiện, nó cũng sẽ trở nên đê hèn. Phaolô thành Tarso, một tâm hồn vốn nhiệt thành với lý tưởng của luật lệ và theo đuổi sự hoàn hảo của luật pháp nhưng khi được chân lý của Ðức Kitô chinh phục, đã phải khiêm tốn thú nhận rằng:
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cor 13:3).
Lý tưởng và sự chọn lựa căn bản của đời người được ví gốc rễ, như nhựa sống chuyển đạt tới khắp cành cây kẽ lá. Vì thế mỗi hành động, mỗi việc làm của chúng ta, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều phải ăn khớp với sự chọn lựa căn bản này. Ðây cũng chính là điểm tựa của chiều kích thánh thiêng của đời sống con người. Về mặt tôn giáo, khi đề cập đến vấn đề trở lại, tức là sự thay đổi chiều hướng của sự lựa chọn căn bản này. Công ăn việc làm, đời sống gia đình, các liên hệ xã hội, cả đến những môn giải trí, có thể là không có gì thay đổi bên ngoài công giáo, gia nhập giáo hội công giáo, nhưng ý nghĩa và giá trị việc làm, hành động của họ có thể hoàn toàn thay đổi từ bên trong.
Có khi chúng ta không hoàn toàn ý thức rõ ràng về lý tưởng và sự chọn lựa căn bản của đời mình, nhưng nó chỉ hiện diện trong ta như một động lực tiềm tàng, hoặc như hơi thở chúng ta không còn quan tâm tới nữa. Vì thế nên điều quan trọng là cần phải năng khơi lại ý tưởng đó, phải làm sống lại luôn sự chọn lựa căn bản của đời mình.
Sau đây là kinh nghiệm của một sinh viên thuộc ngành bác sĩ, về những giây phút quyết liệt đã phải trải qua để quyết định lại hướng đi, để tìm ra lý tưởng sau cùng của đời cậu. Cậu viết:
Hồi đó tôi đang ở năm thứ tư đại học thuộc ngành bác sĩ, ngoài việc chăm chỉ với đèn sách các ngày trong tuần, mỗi tối chủ nhật tôi còn dành thêm 2 tiếng đồng hồ nữa để bổ túc thêm vào những môn tôi cảm thấy còn yếu. Nhiều khi tôi phải khước từ lời mời gọi chơi vui với bạn bè và tôi tự hỏi mình, tại sao phải tự khép mình vào kỷ luật đèn sách như vậy? Tôi trả lời, vì muốn trở thành bác sĩ giỏi. Từ đó tôi tự hỏi mình thêm: nhưng tại sao tôi lại muốn trở thành bác sĩ thay vì trở thành một kỹ sư hay một nhà chuyên viên nghề nào khác! Phải chăng vì nghề bác sĩ là nghề dễ kiếm tiền? Là cái bàn đạp đưa đẩy tới địa vị, chức quyền? Là nghề nhàn hạ không phải vất vả, bẩn tay nhiều? Hay là tôi muốn trở thành để có cơ hội sưu tầm về một thứ bệnh nan y nào đó? Vì nghề bác sĩ cống hiến tôi những dịp tiếp xúc gần gũi hơn với các bệnh nhân nhất là những bệnh nhân nghèo, là môi trường tốt đẹp thực thi lòng nhân đạo thương người. Thế rồi, một ngày nọ, đang lúc phân vân suy nghĩ, một tia sáng đã bừng lên trong tâm trí tôi. Tôi muốn trở thành bác sĩ bởi vì đã từ lâu tôi ôm ấp một giấc mộng tuy kín đáo, nhưng lại rất đẹp, tôi muốn trở thành một tông đồ giáo dân, hiến dâng tất cả đời sống tôi để phục vụ các bệnh nhân nơi miền truyền giáo tại một quốc gia nghèo, như mấy người bạn trong trường đã ra đi trước tôi.
Lý tưởng đó đã nhóm lên trong tôi một sự phấn khởi khác lạ, công việc đèn sách không còn là một gánh nặng cho tôi nữa. Sự chọn lựa căn bản này khiến những sự từ bỏ và chọn lựa khác trở nên phụ thuộc. Tôi cảm thấy hạnh phúc sung sướng vì đã tìm ra lý tưởng cao đẹp làm tăng thêm ý nghĩa và phẩm chất của đời tôi.
Bạn thân mến, tuổi trẻ là thời điểm đẹp nhất, là giây phút quyết liệt của đời bạn. An bình và hạnh phúc sẽ đồng hành với bạn luôn trong tương lai bạn, nếu lúc này đây bạn tìm ra hướng đi rõ ràng cho đời bạn, lý tưởng và mục đích sau cùng của đời bạn. Bởi vì không ai khác hơn ngoài bản thân bạn là người có trách nhiệm về phẩm giá, về nhân cách, về hạnh phúc và tất cả đời sống bạn.
Say Mê Lý Tưởng
Cha Atilano Alaiz, tác giả tập sách "Sống đời sống" (mà Mai An đang tiếp tục giới thiệu với các bạn), đã có lần chứng kiến những hoàn cảnh thật bi đát. Một trong những trường hợp đó là hoàn cảnh của bà mẹ và đứa con trai độc nhất của bà. Cậu là người con bị tàn tật từ khi mới chào đời. Càng lớn lên chân tay của cậu bé lại càng phát triển một cách bất thường, lớn quá sức, nhưng lại bất toại không đi đứng vững, cũng không làm gì được. Thêm vào đó, cả hai trái thận của cậu bé lại bị hư. Tất cả đời sống của người mẹ ấy là như một bài thơ tuyệt đẹp của tình mẫu tử và của lòng thương yêu chăm sóc. Bà không sống vì lý do nào khác hơn ngoài người con một yêu dấu của bà. Bà đã can đảm và quảng đại liều cả mạng sống của bà khi hiến tặng cho con mình một trái thận. Cũng nhờ đó mà con bà đã được cứu sống. Ngoài những giờ làm việc để nuôi sống con, bà đã dành rất nhiều thời giờ bên cạnh giường con, đó là không kể những lần bà phải thức trắng đêm để săn sóc con. Có thể nói được là bà không còn ước muốn nào khác ngoài sự sống của con. Cha Atilano Alaiz gặp bà khi bà lâm bệnh nặng. Dầu vậy, bà cũng không quan tâm đến sự sống của mình và cũng không sợ sự chết. Bà chỉ lo lắng một điều duy nhất là sau khi bà đã từ giã cõi đời, con bà vẫn còn được sự chăm nom, săn sóc của một người phụ nữ khác nhận làm mẹ cậu thay chỗ trống của bà.
Bạn thân mến, có thể được rằng sự sống còn của người con tàn tật đó là tất cả ý nghĩa đời sống của người mẹ trong câu chuyện trên đây. Vậy thì tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống là gì? Tức là sống miệt mài, sống say mê vì một người tùy thuộc vào giá trị cao đẹp nào đó. Ý nghĩa sau cùng của đời sống tùy thuộc vào giá trị, hoặc lý tưởng mà mỗi người ưa thích. Nó rất đa diện, nhiều màu sắc, và ở nhiều cấp của bậc thang giá trị. Có người sống vì nghệ thuật, âm nhạc, thương mại, tiền bạc, vì những phát minh khoa học, vì ưa thích mạo hiểm, hoặc chỉ vì muốn hưởng thụ. Không thiếu chi những lần chúng ta nghe có người không ngần ngại tuyên bố rằng: đời sống tôi là âm nhạc, là chính trị, là danh vọng, là tiền bạc, là khoa học, là tình yêu, là gia đình, con cái, v.v... Ai nói như vậy, tức là một cách gián tiếp hay trực tiếp tỏ lộ ý nghĩa sâu xa về đời sống họ là gì.
Ðối với ông Félix Rodriguez de la Fuente, thiên nhiên được coi như là thần tượng của đời ông. Ông say mê vẻ đẹp thiên nhiên như người ta yêu tình nhân của mình. Ông dành rất nhiều thời giờ theo dõi từng cử chỉ, từng bước đi của loài vật, từng bông hoa nở. Ông nói chuyện với thú rừng như nói chuyện với người bạn thân. Sự say mê thiên nhiên đã làm ông quên mình, liều lĩnh, bất chấp gian nan nguy hiểm. Cuối cùng ông đã trở nên nạn nhân của sự say mê đó. Ông đã chết thảm thương trong nanh vuốt của thú dữ! Rất tiếc là ông đã quên rằng, thiên nhiên không thể nào là cùng đích của đời sống con người. Tạo vật được tạo dựng vì con người, để phục vụ con người. Con người được tạo dựng để làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống trên địa cầu (Gen 1:26).
Có những người khác sống vì những thần tượng do trí tưởng tượng của họ tạo nên. Họ đồng hóa mình với những thần tượng đó và mong tìm được hạnh phúc nơi những thần tượng đó. Họ thần tượng hóa những tràng pháo tay, những lời khen ngợi của người khác. Họ đặt hạnh phúc nơi gia sản họ có thể tiêu xài, hoặc nơi quyền bính của người khác hỗ trợ họ. Họ đánh giá con người dựa trên lời khen ngợi, tài sản họ chiếm hữu và quyền bính nắm trong tay. Bạn có thể đoán được thứ hạnh phúc mà họ theo đuổi đó hão huyền đến mức nào! Một khi danh vọng, tiền tài, quyền bính sẽ qua đi, đời sống họ sẽ đi về đâu? Họ sẽ còn bám víu vào đâu để tiếp tục sống, để tiếp tục yêu đời nữa? Không lạ gì những người ấy thường kết liễu đời mình một cách thật êm dịu, nhưng lại cũng thật thảm thương!
Tuy nhiên cũng có rất nhiều người khác khôn ngoan hơn, họ biết tìm ra ý nghĩa sâu xa của đời mình và biết đặt đúng chỗ các bậc thang giá trị của đời họ. Raoul Folléreau đã chọn sự sống của những bệnh nhân phong cùi làm ý nghĩa cho cuộc đời ông. Ông đã tận hiến tất cả sinh lực, thời giờ và tận dụng mọi khả năng tinh thần cũng như mọi phương tiện vật chất để duy trì và phát triển giá trị sự sống của các anh em phong cùi. Ông không sống vì danh vọng; ông đã chết, nhưng danh thơm tiếng tốt của ông cho tới nay vẫn còn nổi như cồn.
Một danh nhân khác là Martin Luther King. Ðộng lực chính yếu thúc đẩy ông hăng say tranh đấu và can đảm lướt thắng mọi khó khăn chính là sự giải phóng và quyền bình đẳng của anh chị em da màu tại Hoa Kỳ. Sau cái chết đau thương của Martin Luther King, vợ ông đã mạnh dạn tuyên bố: "Ngày nào người da đen sẽ được giải phóng, ngày mà hận thù sẽ được hủy diệt, chiến tranh sẽ chấm dứt, ngày đó, tôi biết chắc rằng chồng tôi sẽ an nghỉ trong sự an bình mà ông đã miệt mài tranh đấu... Với niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa là Cha của toàn thể nhân loại, chồng tôi đã sống và ôm ấp một giấc mơ duy nhất. Ông mơ thấy ngày trên các ngọn đồi đất đỏ của miền Georgia, con cháu của những người nô lệ sẽ ngồi cùng bàn với con cháu của các chủ nhân và chia sẻ thức ăn trong tình liên đới đại đồng".
Và ai lại không biết đến Mẹ Têrêsa Calcutta? Lẽ sống của Mẹ chính là tình thương đối với những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi bên lề đường, bị gạt ra bên lề xã hội, nhưng được Mẹ tôn trọng như hiện thân của Chúa Kitô. Mẹ thường nói: Thân nhân của tôi là những người nghèo. Hạnh phúc của họ là hạnh phúc của tôi. Sức khỏe của họ cũng là sức khỏe của tôi. Mái nhà của tôi cũng là mái nhà của họ. Không những chỉ những người nghèo mà thôi, nhưng là những người nghèo khổ nhất. Mẹ Têrêsa không ngần ngại lặp đi lặp lại rằng: "hạnh phúc của tôi là phục vụ những người nghèo khổ và họ mới thực là những người ân nhân của tôi".
Phaolô, tông đồ của dân ngoại, sau bao năm rao giảng Tin Mừng về Chúa Kitô, sau bao gian khổ phải gánh chịu vì tình yêu Chúa Kitô, đã sung sướng quả quyết rằng:
Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người (Fil 3:8).
Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi (Fil 1:21). Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8:38-39).
Nói tóm lại, tìm được ý nghĩa sau cùng của cuộc sống, sống vì một lý tưởng cao đẹp, tức là như kho báu chôn giấu trong ruộng, có người gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy (Mt 13:44-46).
Chúa Giêsu đã khôn khéo cô đọng tầm quan trọng về ý nghĩa sau cùng và lý tưởng trong đời sống mỗi người qua câu nói sau đây:
Kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó (Mt 6:21).
Bạn thân mến, kho tàng quý báu trong đời bạn là gì? Tâm trí tư tưởng khát vọng của bạn thường hướng về đâu?
Bậc Thang Giá Trị Và Hoa Trái Ðời Sống
Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu về tầm quan trọng của lý tưởng và ý nghĩa sau cùng trong đời sống con người. Hạnh phúc hay bất hạnh, phần lớn cũng tùy thuộc vào lý tưởng của đời mình. Vị anh hùng hay tên bất lương cũng tùy thuộc vào hướng đi mà người ấy chọn cho mình. Ðời sống vô lý tưởng quả là đời sống nhạt nhẽo, mất hết ý nghĩa.
Tuy nhiên, trong thực tế, trong các sự chọn lựa của cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể bị thôi thúc, không chỉ bởi một lý tưởng duy nhất mà thôi, nhưng còn có nhiều động lực phụ thuộc khác thúc đẩy ta nữa. Chẳng hạn như trong trường hợp một sinh viên cặm cụi với đèn sách để thành công đỗ đạt, mục đích sau cùng của anh ta có thể là để phục vụ tha nhân, nhưng đồng thời còn vì những lý do phụ cận như để gây dựng một gia đình hạnh phúc, để khỏi trở nên gánh nặng cho cha mẹ...
Là con đẻ của xã hội và của thời đại, chúng ta đừng quên rằng sự chọn lựa giá trị và ý nghĩa đời sống, không thể nào không bị ảnh hưởng bởi bầu khí và luồng gió trong môi trường xã hội, nhất là qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Riêng đối với tuổi trẻ, áp lực của nhóm và dư luận của chúng bạn, còn là yếu tố quan trọng trong việc chọn lựa giá trị và sống theo lý tưởng của mình. Ca dao Việt Nam có câu: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Tuy nhiên, người có nhân cách không phải là người bị lệ thuộc vào dư luận, hoặc cư xử cách ba phải để làm vừa lòng người khác. Bởi vì cuối cùng, họ không làm vừa lòng ai và chính bản thân họ lại càng thêm bất hạnh, mất cả tự tin nữa.
Người hạnh phúc là người biết can đảm sống theo lý tưởng cao thượng, biết bền tâm tiến bước theo hướng đi đã vạch chỉ cho mình, bất chấp dư luận, lời dèm pha và khó khăn thử thách. Người sống theo lý tưởng không phải là người lập dị để thu hút sự chú ý của kẻ khác, nhưng là người luôn nhắm thẳng tới đích, biết khôn khéo nhận định đâu là điều căn bản, đâu là điều phụ thuộc. Hạnh phúc của họ nảy sinh từ sự tự thoát nội tâm và sự an bình cũng được phản ảnh ra bên ngoài cho những người tiếp xúc với họ.
Sống mà không có lý tưởng thật chẳng khác gì người không tên tuổi, không diện mạo giữa đám đông, khác nào gió thổi chiều nào ngả theo chiều đó, bị đưa đẩy theo làn sóng. Trái lại, lý tưởng rõ rệt và giá trị chân chính là nhân tố phân biệt người này với người khác, là điểm quy chiếu của tất cả mọi yếu tố phụ thuộc khác.
Có lẽ đã có lần bạn thắc mắc tự hỏi, vì lý do nào người ấy như thay đổi tính tình? Nguyên do nào đã thay đổi hướng đi và hoạt động của nhóm này, nhóm kia? Xét cho cùng phải nhận rằng, vì bậc thang giá trị của họ đã bị thay đổi, vì họ đã chuyển hướng đi về phía nào khác với đường hướng khi trước chăng?
Bậc thang giá trị phản ảnh dung mạo nội tâm của mỗi người và là nền tảng cơ cấu luân lý nữa. Nếu người nào đặt thành công lên trên đỉnh của bậc thang giá trị, người ấy sẽ tận dụng mọi phương cách để đạt tới nó, và họ sẽ không ngần ngại chà đạp những giá trị khác để chiếm đoạt được thành công mà họ muốn theo đuổi. Trái lại, người đã chọn giá trị của tình liên đới làm lẽ sống, họ sẽ không quản ngại hy sinh thời giờ, sinh lực và tài nguyên vật chất cũng như tinh thần để trở nên hữu ích cho tha nhân và cho xã hội.
Người chọn lý tưởng hưởng thụ, sẽ không bỏ lỡ mất cơ hội nào. Ðối với người chọn thể dục thể thao (sport) làm lý tưởng sống, họ cũng dễ dàng quên đi những sự vất vả của những giờ tập dượt, chấp nhận kỷ luật ăn uống, có khi quên cả bổn phận đối với gia đình, với bạn bè nữa.
Người ta thường nói: "Cái nhất phải là trên hết". Giá trị tuyệt đối là cái lái, là viên chỉ huy tất cả đời sống con người. Qua các sự chọn lựa lớn cũng như nhỏ nhen, mỗi người để lộ ra đâu là giá trị tuyệt đối của đời sống mình. Thử hỏi một người bạn:
- Tại sao anh vắng mặt trong buổi họp nhóm?
Anh ấy đáp:
- Tôi vắng mặt trong buổi họp bởi vì tôi bận đi xem đá bóng.
Nếu hỏi người bạn khác:
- Sao anh vắng mặt trong buổi đá bóng quan trọng như thế?
- Bởi vì tôi muốn tham dự buổi họp của nhóm tôi.
Qua hai câu trả lời của hai người bạn chúng ta có thể đọc được đâu là giá trị căn bản đã trở thành tiêu chuẩn chọn lựa của hai người bạn ấy.
Trên lý thuyết ai ai cũng biết đâu là giá trị phải đặt lên trên, nhưng chính qua những lựa chọn tầm thường nhỏ mọn nhất của cuộc sống hằng ngày, chính những lúc không ngờ, là lúc ta biểu lộ cách rõ ràng đâu là giá trị thực sự đã được đặt lên trên hết.
Lý tưởng, giá trị cao cả của đời sống mỗi người, mỗi nhóm thường được cô đọng, được gói ghém trong một danh từ, một câu nói hoặc một khẩu hiệu, và được coi như chìa khóa của tất cả mọi hành động và cách xử thế. Những "lời nói chìa khóa" đó có thể là: tự do, hưởng thụ, sản xuất, danh vọng, tiền tài, quyền bính, thành công... Trước khi chọn lựa một điều gì, họ thường đặt câu hỏi: được ích gì, được lợi bao nhiêu, có vui sướng gì? Làm thế nào để thành công? để được thăng chức? Nhiều khi họ miệt mài chạy theo những giá trị đó đến trở thành mù quáng, và còn điên dại bán cả nhân phẩm, lương tâm, sức khỏe, tình bạn, gia đình và cả đức tin để đổi lấy sự phù phiếm của những giá trị giả tạo đó nữa.
Trái lại, đối với những người chọn "lời nói chìa khóa" làm khẩu hiệu cho đời sống mình, chẳng hạn như: tha nhân, phục vụ, dấn thân, tình thương, v.v... trước mọi chọn lựa, mọi quyết định, họ thường hỏi mình, tôi phải làm gì cho người khác? Ðiều gì có thể đem lại hạnh phúc cho họ, giúp họ thăng tiến hơn? Họ cần những gì?
Dựa trên ý nghĩa của những khẩu hiệu sống và những "lời nói chìa khóa" mỗi người sẽ định đoạt cách dùng thời giờ và sinh lực của mình. Ðối với người hà tiện, thời giờ là vàng bạc, cần phải tích trữ, phải thâu nhặt, phải sản xuất. Người có tâm hồn vị tha lại nghĩ rằng, thời giờ là phục vụ, là cho đi. Ðối với người chủ trương hưởng thụ, thì thời giờ là thú vui, cần phải sống gấp, sống vội, phải ăn uống hôm nay, vì ngày mai sẽ phải chết!
Trong lịch sử các gia đình quý phái và các hoàng gia đều có thói quen khắc huy hiệu của mình trên bia đá, cột nhà, trên chiến bào. Trong giáo hội công giáo, các giám mục, các vị giáo hoàng đều chọn một khẩu hiệu gói ghém chương trình sống của đời mình, chẳng hạn như "Totus tuus" (Tất cả là của Ngài) của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều phong trào, hoặc các tu hội, dòng tu cũng có khẩu hiệu riêng của họ. Nhóm Taizé chọn khẩu hiệu: "Một ánh lửa sáng trong thế giới", "Bình an và hạnh phúc" của dòng Phanxicô, "Làm việc và cầu nguyện" của thánh Benedetto, "Làm việc là cầu nguyện" của thánh Don Bosco, v.v...
Giáo sư José Luis Aranguren, một nhà thông thái và là tín hữu kitô chân chính, đã nói trước khi trút hơi thở cuối đời: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc sung sướng, bởi vì suốt đời tôi luôn tìm cách đặt để những điều quan trọng đúng chỗ của nó, và trong cách xếp đặt mọi sự này, tôi đã đặt tình yêu lên chỗ ưu tiên, lên trên hết mọi sự khác".
Bạn thân mến, sự khôn ngoan đích thật tức là biết đặt để mọi sự đúng chỗ của nó. Ðiều đó sẽ làm cho bạn được an bình và hạnh phúc trong tâm hồn. Ðâu là giá trị cao trọng nhất trong đời bạn? Bạn dành chỗ ưu tiên cho ai, cho cái gì, cho giá trị nào trong đời bạn?
Bạn muốn được hạnh phúc thật ư? Chúa Kitô mách bảo cho bạn bí quyết này trong mọi quyết định và mọi sự lựa chọn của bạn: Lợi ích gì cho bạn, nếu bạn được lời lãi cả thế gian mà lại mất linh hồn? Lấy gì để chuộc lại linh hồn của bạn? (Mt 16:26).
Sống Say Mê Ðến Quên Mình
Ngày 4 tháng 6 năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm vương quốc Bỉ và đã long trọng tuyên phong chân phước cho cha Ðamien De Veuter, vị tông đồ người phong cùi tại hoang đảo Molokai ở Hawai.
"Ðừng cản ngăn tôi. Ðến phiên tôi". Lời nói đó diễn tả ý chí cương quyết của thầy Giuse, sẵn sàng tự nguyện lên đường thế chỗ cho cha Pamphile, anh của thầy, đã được chỉ định đi truyền giáo tại các hoang đảo ở Hawai. Sự quyết định của thầy Giuse đã gây nhiều đụng chạm với gia đình, bề trên và bạn bè, nhưng thầy vẫn không nao núng. Sau khi tới đảo Hawai, ngày 21/05/1864 thầy Giuse lãnh chức linh mục và đổi tên là Ðamien, vì muốn trở nên như thánh Ðamien ở Rôma đã nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho dân chúng.
Molokai hồi đó được gọi là hoang đảo tử thần vì là nơi chờ chết của các bệnh nhân xấu số bị xã hội ruồng bỏ, không ai dám đến gần vì sợ bị lây bệnh. Hưởng ứng lời đề nghị của Giám Mục sở tại, 4 linh mục trẻ tình nguyện đến truyền giáo ở Molokai. Họ đồng ý luân phiên nhau, mỗi người sống ở đó một thời gian ngắn chừng vài tháng. Mối quan tâm lớn của họ là tránh bị lây bệnh.
Ðầu tiên là phiên cha Ðamien, lúc ấy mới được 33 tuổi. Lúc đầu cha cũng rất e ngại, nhưng với ơn Chúa và tinh thần truyền giáo, cha hăng say làm việc: nào là xây nhà thờ, trường học, lập hội kèn, lập nghĩa địa, mở mang đường xá, tổ chức sinh sống... Từ hoang đảo tử thần, dần dần diện mạo của hoang đảo đã được thay đổi hẳn. Molokai được mang danh hiệu mới: "hoang đảo của tình yêu và của hy vọng". Thế là cha ở lại luôn trên đảo suốt 25 năm sống chung và sống cho người cùi, cho đến khi cha Ðamien cũng được diễm phúc trở thành bệnh nhân phong cùi, chia sẻ sự đau đớn và nhắm mắt từ trần với thân xác bị phong cùi ăn mòn hết.
Ông Gandhi, vị anh hùng của dân tộc Ấn Ðộ đã nói về cha Ðamien như sau: "Trong các giới chính trị, báo chí, ít tìm thấy những anh hùng có thể so sánh với cha Ðamien! Tôi thắc mắc tự hỏi: Cha Ðamien múc lấy sức mạnh phi thường đó nơi đâu để làm được những công việc cả thể như thế?"
Bạn thân mến, chắc các bạn đã có thể trả lời thắc mắc của Gandhi. Cha Ðamien đã tìm thấy lý tưởng sống của mình và cha đã sống say mê với lý tưởng đó, say mê đến quên cả chính sự sống của mình.
Văn sĩ Benjamin Disraeli đã có lần khẳng định rằng: "Khi người ta không có can đảm hy sinh đời sống mình vì lý tưởng, thì hoặc vì lý tưởng đó đê hèn, hoặc vì người ta quá hèn nhát". Thật vậy, khi một cá nhân hay một nhóm người nào đã say mê lý tưởng của mình thì họ cũng sẽ trở nên một với lý tưởng đó, khác nào ngọn lửa ăn nhập vào từng kẽ hở của thớ gỗ và nung nấu gỗ ấy thành than hồng.
Nếu lý tưởng sống là đê hèn, người mù quáng để cho lý tưởng đê hèn ấy thu hút cũng sẽ trở nên đê hèn như vậy. Trái lại, nếu lý tưởng sống là giá trị cao đẹp vĩ đại, người say mê lý tưởng cao đẹp ấy sẽ dồn hết sinh lực và sẽ thực hiện được những điều vĩ đại mà họ không ngờ. Người tìm thấy lý tưởng sống của mình, sẽ không sống vì phải sống, sống cho qua ngày, sống để giết chết thời giờ; nhưng sẽ sống hăng say, sống vui, cả những khi có đủ lý do làm họ phải buồn chán, phải thất vọng. Ðời sống con người cũng giống như tiền bạc, cần phải được tận dụng tới mức tối đa để được lời lãi gấp trăm. Tiền bạc giữ nguyên trong kho sẽ chẳng khác gì những tờ giấy bị mục nát dần với thời gian. Ðời sống và tiền bạc sẽ mặc lấy giá trị tùy theo ý nghĩa và mục đích được xử dụng.
Tuy nhiên, bao lâu còn ở trong thân phận con người, sự gắn bó keo sơn với lý tưởng cao thượng không miễn trừ con người khỏi những yếu đuối và những thất trung nho nhỏ với lý tưởng của mình. Những thất trung, yếu đuối nho nhỏ ấy chỉ là những điều phụ thuộc không làm thương tổn cũng không ăn hại gốc rễ sự chọn lựa căn bản của đời sống họ. Trái lại, nhiều khi, chính qua những sự yếu hèn, những thất bại ngoài ý muốn, những sự lung lay không ngờ đó, mà chúng ta có dịp định rõ lý tưởng, chọn lựa cách sáng suốt hơn và kiện cường ý chí thêm nữa.
Trước sự phản bội của các tông đồ, sợ hãi cho tính mạng mình nên bỏ Chúa Giêsu một mình trong tay quân địch, chạy trốn thoát thân, Chúa Giêsu cũng không nản lòng thất đảm, hoặc ruồng bỏ họ. Tuy tông đồ Phêrô chối Chúa 3 lần, nhưng không phải vì đó mà Ngài lấy lại lời Ngài đã hứa đặt ông làm thủ lãnh các tông đồ và quyền cai quản giáo hội. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã khôn khéo tạo cơ hội để Phêrô được dịp tuyên xưng lòng trung thành với Thày chí thánh, và trong cương vị của người lãnh đạo, Phêrô có dịp để củng cố lòng can đảm và cảm thông với sự yếu đuối của anh em hơn.
Sống theo lý tưởng là sống trong lựa chọn, không những giữa điều xấu và điều tốt mà thôi, nhưng là biết chọn lựa điều hoàn hảo hơn. Trong phúc âm, Chúa Kitô vạch chỉ cho chúng ta cách thức sống theo lý tưởng đời mình. Ngài không ngần ngại tuyên bố với dân chúng rằng:
- Không có tình yêu nào cao quý cho bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến (Gn 15:13).
Lý tưởng đời sống cũng có thể ví như viên ngọc quý, như kho tàng giấu trong ruộng, có người tìm được, liền chôn giấu đi, về nhà bán hết gia tài để mua ruộng đất có kho tàng quý báu đó. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh sự chọn lựa tuyệt đối, không do dự, không tiếc xót. Lần khác Ngài lại quả quyết rằng:
- Ai yêu thương cha mẹ hơn Ta, không đáng thuộc về Ta.
- Không ai có thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền tài danh vọng.
Cần phải dứt khoát chọn cho mình một lý tưởng sống rõ ràng. lắng nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu, có người sẽ thầm nghĩ rằng, Ngài là người quá nghiêm khắc, cực đoan, quá khích, không chút tình cảm và cũng không biết cảm thông. Hẳn không phải thế. Ðó chính là giá trị và là năng động của lý tưởng, của những gì được nhìn nhận là giá trị tuyệt đối trong đời sống con người, cá nhân cũng như nhóm. Chính trong những lúc gây cấn, chính lúc đứng giữa ngã ba đường đời là lúc ta phải chọn lựa. Ðộng lực thúc đẩy ta chọn điều này bỏ điều kia chính là lý tưởng, là giá trị tuyệt đối mà mỗi người ôm ấp trong tâm hồn và tiềm tàng trong đời sống, trong hơi thở của mình.
Nói tóm lại hai nhu cầu tất yếu của mỗi người nếu muốn làm cho đời sống mình trở thành một cuộc mạo hiểm xứng với nhân vị và đem lại nhiều hoa trái, đó là, trước hết phải nhận định rõ ràng đâu là lý tưởng cao đẹp đáng được dấn thân, và thứ đến là phải can đảm và sẵn sàng quảng đại hy sinh với bất cứ giá nào để bảo vệ giá trị tuyệt đối và đạt tới lý tưởng cao thượng ấy. Cả hai yếu tố này tùy thuộc vào ý chí và quyền tự do lựa chọn của bạn.
Tôi Muốn Gì
Văn sĩ Unamuno với cái nhìn sâu sắc và bản tính khôi hài đã có lần viết: "Trong tôi có 3 Unamuno, một là Unamuno thực sự, hai là Unamuno mà tôi muốn trở thành, và ba là Unamuno theo dư luận của người khác". Và ông khẳng định thêm: "Unamuno thứ ba này là Unamuno quan trọng hơn cả đối với tôi".
Có lẽ một số trong các bạn sẽ mỉm cười trước lời khẳng định của văn sĩ Unamuno; nhưng cũng không thiếu chi những người đồng ý và chia sẻ lý tưởng đó của ông. Trong bài trước chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của lý tưởng sống trong đời sống mỗi người. Tuy nhiên điều đó ngụ ý là mỗi người phải biết rõ ràng mình muốn gì, muốn trở thành người như thế nào, muốn làm gì với đời sống của mình. Một văn sĩ khác, ông Gide, đã thốt lên những lời đầy vẻ băn khoăn lo lắng: "Tôi áy náy bất an không biết mình sẽ trở nên gì, và tôi cũng không biết mình muốn gì nữa. Tôi chỉ biết chắc một điều là tôi phải chọn lựa để trở nên chính mình tôi".
Bạn thân mến, tôi muốn trở nên gì? Ðó là câu hỏi căn bản mỗi người trong chúng ta phải tự đặt cho mình và phải trả lời cho chính mình, càng sớm càng tốt, kẻo thời giờ qua đi cách uổng phí mà không bao giờ trở lại, trong khi chúng ta không quyết định làm gì cả.
Về phương diện thể lý, chúng ta không có quyền tự do lựa chọn cũng không có trách nhiệm vì thân xác chúng ta thế này, thế kia. Chúng ta không thể đổi gương mặt, màu da, hoặc làm cho mình cao hay thấp hơn một phân được. Những quan tâm về y dược, những môn thể thao có thể giúp thay đổi một phần nào diện mạo bên ngoài, nhưng thực sự tất cả thân xác chúng ta là món quà được ban tặng từ khi còn trong lòng mẹ với tất cả gia sản nhiểm thể (cromosome) độc nhất vô nhị của mỗi người.
Về mặt trí thức, mỗi người chúng ta có trách nhiệm hơn trong việc phát triển kiến thức và đào luyện cá nhân. Sự hiểu biết của trí thông minh, tài khéo léo tay chân, phần lớn tùy thuộc vào sự chuyên cần học tập và năng khiếu bẩm sinh của mỗi người.
Ðiều mà mỗi người có trách nhiệm hơn cả là sự phát triển và trưởng thành về mặt tâm lý và nhân cách. Chúng ta có khả năng và tự do lựa chọn điều gì chúng ta cho là quan trọng hơn, cần thiết hơn: tâm tình, cảm tình, khát vọng, thái độ tiêu cực hay tích cực. Trong thâm tâm mỗi người có đến hai ba cái "tôi" chúng ta có thể lựa chọn để trở thành. Ðiều quan trọng là phải nhận định rõ ràng mình muốn gì và quyết tâm theo đuổi, phát triển lý tưởng đó để khỏi trở thành một bào thai bị phá dở, hoặc một trẻ thơ bị chết yểu. Ðó là thứ kỷ luật tinh thần mà mỗi người phải cương quyết tự áp đặt lên chính bản thân mình.
Xét về phương diện thực tế, khi ai muốn khởi công xây dựng một căn nhà, việc đầu tiên là phải có một lược đồ rõ ràng về căn nhà ấy, chiều dài, chiều cao, chiều rộng. Căn nhà được xây cất vì lý do nào; cho ai ở... Cũng vậy, yếu tố tất thiết để trở nên một người nào đó, tức là nắm trong tay căn cước tính của mình với những nét vẽ rõ ràng về dung mạo mà mình muốn trở thành. Tìm đâu ra những nét phác họa của bản thân ấy? Bạn hãy thử kiểm xét mình coi, đâu là ý nghĩ thường đến với bạn một cách tự nhiên hơn cả? Ðâu là những "giấc mơ ngày" của bạn với hai con mắt mở toang đăm chiêu nhìn vào tương lai? Bạn muốn được người ta tưởng nhớ gì về bạn sau khi bạn đã quá cố? Bạn thường hay ghen tỵ với những ai? Bạn thích bắt chước gì nơi những người bạn kính phục, thương mến?
Nếu bạn đã có dịp đọc tác phẩm "Hoàng tử nhỏ bé" của Saint Exupéry, có lẽ bạn đã mỉm cười trước cách diễn tả đầy khôi hài của nhiều nhân vật và nhiều tính tình hiện hữu trong xã hội. Mỗi người như sống cô lập và bị đóng kín trong cái nhìn của tính kiêu ngạo, hà tiện, lòng ham danh vọng, chức quyền, hưởng thụ và tự cao tự đắc. Ðứng trước những mẫu người đó bạn ước muốn gì? Bạn muốn chọn kiểu mẫu nào? Nghề nghiệp nào? Lý tưởng nào? Nếu bạn muốn đời bạn đáng sống, sống vui, sống hạnh phúc và sống với ý nghĩa cao đẹp, bạn cần phải chọn cho mình một dự án, một con đường, một hướng đi. Bạn có thể chọn trở nên người với giá trị siêu nhiên, hay chỉ hài lòng với những giá trị vật chất, người có tâm hồn cởi mở hay đóng kín, người thích sống vì người khác hay chỉ cho chính mình và tư lợi cá nhân, người quảng đại hay ích kỷ, người hăng hái nhiệt thành hay chỉ dửng dưng thụ động, người hành động theo ý chí hay chỉ theo sở thích và thúc đẩy bộc phát. Bạn thích là người có kỷ luật hay phóng túng, là người chăm chỉ chuyên cần hay lười biếng ươn hèn. Bạn muốn là người sống với niềm tin vào Thượng Ðế hay là người vô thần coi mình là chúa, là trung tâm vũ trụ?
Trong việc lựa chọn và sống theo sự chọn lựa của mình, dĩ nhiên không phải mọi sự đều xuôi chảy cả. Chướng ngại vật, khó khăn bên trong, thử thách bên ngoài là những điều không thể tránh khỏi. Bạn thường có thái độ nào trước những khó khăn đó? Thái độ bất mãn bởi vì bạn cho rằng thất bại của bạn là do xã hội, cha mẹ, nền giáo dục bạn lãnh nhận và những người khác gây nên? Chắc có lần bạn đã nghe bạn bè than thở: Tôi muốn trở nên bác sĩ và tôi cảm thấy mình có đủ khả năng để đạt tới lý tưởng đó, nhưng vì cha mẹ tôi không có đủ phương tiện tài chánh, vì đã có nhiều bác sĩ đang lâm cảnh thất nghiệp, nên sau cùng tôi đành phải chọn nghề vi tính mà thực sự tôi không ưa thích, cũng không cảm thấy hứng thú gì. Và nhiều hoàn cảnh khác tương tự. Dĩ nhiên phải công nhận rằng quả là một nỗi đau khổ lớn cho người nhìn thấy lý tưởng tốt đẹp của mình tan vỡ như mây khói.
Những kinh nghiệm đáng tiếc đó phải trở nên bài học hữu ích cho mỗi người chúng ta khi tìm kiếm lý tưởng, tìm hiểu điều mình muốn làm và có thể làm. Có lý tưởng cao đẹp mà thôi chưa đủ, cần phải được dung hòa với thực tế nữa, với nhu cầu, với hoàn cảnh sống của bạn. Thiên Chúa không tạo dựng con người để sống trong đọa đày của đau khổ, của thất vọng, chán chường. Thiên Chúa tạo dựng con người để sống hạnh phúc, hạnh phúc thật và hạnh phúc sâu xa. Ngài không phải là ông chủ bất công hay thiên tư, nhưng là Cha nhân từ. Ca dao người Italia có câu: "Mỗi người sinh ra đời đều có một cái ba lô trên vai". Thực vậy, Thiên Chúa tạo dựng mỗi người để chu toàn một sứ mệnh và Ngài ban cho chúng ta có đủ tài năng, điều kiện cần thiết để chu toàn sứ mệnh đó. Thế nhưng, vì yêu thương và tôn trọng quyền tự do của con người nên Thiên Chúa ban cho con người trí thông minh để tìm kiếm lý tưởng và nhận định ra đâu là sứ mệnh của đời mình. Ngài cũng đặt để trong trái tim ta khát vọng hạnh phúc, sự thu hút về những giá trị chân thiện mỹ, và ban cho ta ý chí để ta nỗ lực phát triển những tài năng được ban tặng như hạt giống từ ngày ta mới chào đời. Sống hạnh phúc, vì thế là sống đúng theo ý tưởng, là chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa đã dự định sẵn cho mỗi người và làm phát triển tới mức tối đa gia tài tinh thần mà Ngài đã trao phó cho và ban tặng cho mỗi người theo như kế hoạch mầu nhiệm của Ngài.
Mai An