# Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh

Vài chứng  tá sống động về Cha Pio

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài chứng  tá sống động về Cha Pio.
(Radio Veritas Asia - 18/06/2002) - Báo chí vẫn tiếp tục viết về Cha Pio, Vị Thánh của mọi người, được  "tôn kính"  như Vị Thánh ngay lúc còn sống, bởi vì Ngài đã làm những sự lạ lùng. Trong bài nói chuyện hôm nay,  chúng tôi xin thuật lại hai chứng nhân hiện còn sống đã được ơn lạ lùng do Cha Pio, lúc Ngài còn đang hoạt động tông đồ tại San Giovanni Rotondo.
Chứng nhân thứ nhất là một người vô thần đã phải cúi minh trước Vị Linh mục đơn sơ của miền thôn quê này, suốt đời không ra khỏi San Giovanni Rotondo, nơi Ngài thi hành Thừa tác vụ Linh mục trong 58 năm trời. Chứng nhân này là một trong những người đã có một thời coi Ðạo là một cái gì gây khó chịu, một mê tín dị đoan, thậm chí đáng khinh bỉ. Người đó là Ông Benjamin Mocellin, nhân viên sở Hỏa Xa, vào thời thế chiến thứ nhất (1914-1918).
Ông là người ham thú vui và sống "hết sức tự do", nghĩa là không có luân lý gì cả. Có thể gọi là  "một người hết sức lãng mạn", một người sống như không có Thiên Chúa, không có đời sau vậy.
Khoảng những năm 1952-1953, nghe nói đến Cha Pio, các sự lạ lùng Cha làm,  và khả năng  "đọc biết" những kín nhiệm bên trong của con người, ông Mocellin quyết định đến San Giovanni Rotondo, không phải để thay đổi đời sống, như biết bao người khác đã được ơn trở lại, nhưng là vì tò mò và muốn  "thử" Cha Piô, để xem thực sự Cha có biết những bí nhiệm trong tâm hồn con người, như nguời ta nói hay không.
Ông len lỏi giữa dân chúng, lúc sắp rước lễ trong thánh lễ  do Cha Pio cử hành. Khi thấy ông, không một giây ngần ngại và không nể nang gì cả, Cha Pio nói: "Không biết mắc cỡ, hãy ra khỏi đây ngay!". Với những lời thẳng ngặt này, Cha đuổi ông ra khỏi nhà thờ. Phản ứng tức khắc của Cha Pio là một bất ngờ đối với ông. Ðây là  một tiếng sét làm ông run sợ và suy nghĩ, và sau cùng đã đẫn đưa ông, như lời Thánh Augustino đã nói, "hồi tâm nghĩ lại cuộc đời dĩ vãng của mình".
Sau ba ngày suy tư trong yên lặng, ông đã khám phá ra Chân lý. Ông trở lại Cha Pio và được Cha đón nhận với cử chỉ nhân từ. Cha giải tội cho ông và đem lại bình an mà Chúa Giêsu đã để lại cho những ai thành thực tìm kiếm Người. Như thành quả tức khắc của việc trở lại, ông Mocellin quyết định rời  Milano, nơi ông sống với người vợ rất giầu có, chủ một xí nghiệp. Khởi sự cuộc đời mới, thỏa thuận với bà vợ, ông quyết định bán mọi của cải ông có, để đến định cư tại Rutigliano, chỉ cách San Giovanni Rotondo vài cây số. Ở đây, ông sẵn sàng đến giúp đỡ tu viện của Cha Piô, như "một trợ sĩ", nhưng là một trợ sĩ khác hẳn các trợ sĩ khác, vì ông là người đã có gia đình.
Ông qua đời tại Rutigliano năm 1965. Thực sự ông sinh trong tỉnh Vicenza  (miền bắc Ý) và sinh sống tại đây tới 20 tuổi. Trong thời gian định cư tại Rutigliano, thỉnh thoảng ông trở lại sinh quán thăm viếng bà con.
Câu chuyên trên đây được thuật lại do chứng tá của một người cháu gái, nay là Nữ tu Dòng Thánh Ý Chúa, tên là Nữ Tu  MariAngela Mocellin. Nữ Tu nầy quả quyết: "Ðây là một ơn Chúa đã làm cho Ông Mocellin, nhờ Cha Pio".
Chứng tá thứ hai của Bà Wanda Poltawska, còn sống, và hiện diện trong Thánh lễ Phong Thánh của Cha Pio, Chúa nhật 16/06/2002.
Bà Wanda Poltawska, người Ba lan, thuộc Tổng giáo phận Cracovia, Giáo phận do ÐHY Karol Wojtyla quản trị, trước khi làm Giáo Hoàng. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Hãng Thông tấn Fides, dịp Lễ Phong Thánh của Cha Pio, Bà thuật lại như sau: Bà được khỏi chứng ung thư nguy kịch là nhờ Ðức Karol Wojtyla can thiệp với Cha Pio. Vào năm 1962 --- (lúc đó Ðức Karol Wojtyla tham dự Công đồng Vatican II) ---, nhận được tin Bà đau nặng nguy kịch, Vị Giáo Hoàng tương lai viết cho Cha Pio như sau: "Cha đáng kính, tôi xin Cha cầu nguyện cho một bà mẹ của bốn đứa con còn nhỏ, hiện đang bị  nguy hiểm vì chứng bệnh ung thư...". Mười ngày sau, Cha Pio lại nhận được bức thư khác: "Cha đáng kính, bà thuộc giáo phận Cracovia, mà Cha đã cầu nguyện cho, trước khi vào phòng giải phẫu, đã đột nhiên lấy lại hoàn toàn sức khỏe".
Phép lạ này không được xử dụng trong vụ làm án Phong Chân phước và Hiển Thánh của Cha Pio, nhưng chắc chắn đã làm cho Ðức Gioan Phaolô II, vốn mộ mến  Cha Pio, cương quyết xúc tiến việc cất nhắc Cha lên danh dự bàn thờ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Fides, Bà xác nhận rằng: ÐTC, trước khi làm Giáo Hoàng, đã tin chắc Cha Pio là vị Thánh.
Bà kể: Với xác tín này, Ðức Karol Wojtyla đến với Cha Pio,   xưng tội với Ngài. ÐTC đã đặt dấu ấn trên con đường đã được khởi sự,  và Bộ Phong Thánh đã thực hiện và hoàn  tất. ÐTC để cho Bộ Phong Thánh chu toàn bổn phận của mình, nhưng trong tâm hồn, ngài vẫn tin chắc: "Con người này đã được Chúa Kitô yêu thương cách lạ lùng". Bà Wanda nói tiếp: "Tôi ghĩ rằng ÐTC đã cầu nguyện rất nhiều cho án Phong Hiển Thánh này. Từ nhiều năm, ngài vẫn tin chắc rằng: Cha Pio đã đạt tới sự thánh thiện lớn lao. Và cả tôi cũng tin như vậy nữa".
Sau khi được khỏi bệnh cách lạ lùng, Bà Wanda đến San Giovanni Rotondo. Bà kể lại: "Ban đầu tôi nghĩ rằng tôi được khỏi bệnh  có thể  do sự sai lầm của các bác sĩ; nhưng sau khi gặp Cha Pio, tôi tin chắc không một hồ nghi rằng: đây là một sự than thiệp của Thiên Chúa, và Cha Pio là người đã xin ơn này cho tôi. Ðiều gây xúc động cho tôi hơn cả là cái nhìn của Cha Pio, lúc tôi đến San Giovanni Rotondo lần thứ nhất, tháng 5 năm 1967. Cái nhìn của Cha Pio, con mắt và lời của Ngài đầy đức tin, lúc Ngài cử hành Thánh lễ. Tôi không biết gì về Ngài, nhưng từ lúc tôi thấy Ngài, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Ngài. Hôm đó tôi len lỏi vào giữa dân chúng. Cha Pio đi qua giữa dân chúng. Khi Ngài đến gần tôi, không nói gì cả, nhìn tôi và vuốt đầu tôi cách yêu thương như một người cha. Thấy vậy, mấy bà chung quanh phản ứng, hỏi tôi là ai. Cái nhìn của Ngài luôn luôn ghi sâu trong tâm trí tôi. Không dễ dàng nghĩ rằng: tôi là một ngườiđã nhận được phép lạ do bởi Ngài".
Bà kể thêm: Có nhiều người không tin Bà được khỏi bệnh cách lạ lùng; nhưng các bác sĩ đều công nhận rằng: chứng ung thư kia đã hoàn toàn biến mất. Bà cũng là một bác sĩ tâm thần và bạn thân của Ðức Karol Wojtyla từ lâu năm.


Ðiểm báo về lễ Phong Thánh
của Cha Pio da Pietrelcina

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðiểm báo về lễ Phong Thánh của Cha Pio da Pietrelcina.
(Radio Veritas Asia - 18/06/2002) - Như chúng tôi đã trình bày trong mấy bài trước đây: Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio da Pietrelcina là một biến cố đặc biệt nổi bật trong lịch sử Giáo hội  xưa và thời nay. Không có lễ Phong Thánh nào được mọi người từ bình dân đến trí thức,  khoa học, văn hóa, nghệ thuật, chính trị ... quan tâm và tham dự một cách đông đảo như vậy. Không có biến cố nào,--- dù biến cố Công đồng chung Vatican II (1962-1965) và những biến cố của Năm Ðại Toàn xá---- được Ðài phát thanh, Truyền hình và báo chí,  cách riêng báo chí xuất bản trong những ngày này tại Ý và thủ đô Roma, dành nhiều số và nhiều trang như Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio.
Nhật báo "Roma Thời Báo", thuộc khuynh hướng trung-hữu, số ra ngày Chúa nhật 16/06/2002,  dành hai trang đầu: trang nhất đăng hình mầu Cha Piô chiếm cả trang, với bài xã thuyết vắn về Lễ Phong Thánh, được đề đầu là: "Cha Pio đem đến cho chúng ta Chúa Kitô". Tác giả giải thích: Có lẽ chưa có lễ nghi phong thánh nào chấp nhận tiếng nói của người bình dân, kể từ lúc Giáo hội đưa ra những luật lệ khắt khe trong việc làm án phong Chân phuớc và Hiển Thánh. Lễ nghi Phong Hiển Thánh của Cha Pio, tuy phải theo tất cả các thủ tục của Bộ Phong Thánh, nhưng  cũng có thể  thể hiện khía cạnh nầy,  rằng: "Vox populi, vox Dei" (tiêng Dân là tiếng Chúa). Ðức Gioan Phaolô II đã hiểu rõ như vậy. Chính ngài biết rõ Cha Pio từ lâu và rất mến phục.
Nhiều người biết rằng: dù trong đời sống, Cha Pio đã bị phê phán sai lạc bởi một số Giáo sĩ thuộc Giáo Triều, và vì thế Ngài bị giới hạn trong nhiều năm về các hoạt động mục vụ; nhưng điều chắc chắn là:  "Cha Pio đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta và Ngài còn tiếp tục công việc này cả sau khi đã qua đời". Tác giả bài bình luận nhắc lại lời Ðức Gioan Phaolô II  viết trong cuốn sách - có tính cách chứng tá dịp mừng kỷ niệm 50 Chức Linh mục của Ngài--- (tức tập sách có tựa đề: Hồng Ân và Mầu Nhiệm)--- rằng: "Nếu chúng ta phân tích kỹ lưỡng những chờ đợi của người thời nay nơi linh mục, xét đến cùng, chúng ta thấy chỉ có một sự chờ đợi lớn lao này: Linh mục khát khao Chúa và đem Chúa cho con người đang khát khao Chúa. Phần còn lại - nghĩa là những gì thuộc phương diện kinh tế, xã hội, chính trị, người dân có thể đòi hỏi nơi người khác. Nơi linh mục, người dân chỉ đòi Chúa Kitô mà thôi".
Tác giả kết luận: "Cha Pio đã làm như vậy. Cha ban cho chúng ta Chúa Kitô và còn tiếp tục ban cho những ai chạy đến với Ngài ...".
Nơi trang hai: tờ "Roma Thời Báo" chạy tít lớn cả trang như sau: "Cha Pio, Vị Thánh của người dân". Dưới tít này,  có đăng hình Cha đang ở giữa dân chúng tuốn đến, quì gối xin phép lành, hôn tay Ngài. Bên cạnh, báo này  nhận định như sau: "Phép lạ của Bệnh viện của Ngài". "Trước Giáo hội, Cha đã được "phong thánh" bởi người dân".
Cũng  tờ "Roma Thời Báo", số ra Thứ hai 17/06/2002, tức sau Lễ Phong Thánh,  dành bốn trang với nhiều hình ảnh về Lễ Phong Thánh.
Trang nhất để hình Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, với tít đề: "Ðám đông vô kể của các tín hữu sùng kính Cha Pio dự lễ Phong Thánh - Hơn 300 ngàn người vỗ tay hoan hô Cha Pio được phong Thánh".
Trang hai chạy tít lớn cả trang: "Lúc 10.25 phút, Cha Pio được tôn phong lên bậc Hiển Thánh". "Lời tôn phong của Ðức Gioan Phaolô II được đón nhận bằng tràng pháo tay thật dài". ÐTC soạn một lời kinh xin Cha Thánh dạy chúng ta "sự khiêm tốn của tâm hồn". Dưới những tít này, nhật báo Roma để hình cỡ lớn về Ðền thờ Thánh Phêrô và Quảng trường đầy người dự thánh lễ.
Trang ba: Ðầu trang, để hình nhỏ Cha Pio, với tít lớn cả trang: "Trong Quảng trường Thánh Phêrô có khoảng 300 ngàn người sùng kính Cha Pio dự thánh lễ" Phía trên tựa đề, có hàng chữ phụ thêm như sau: "Từ sáng sớm đám đông đã tụ họp tại Quảng trường chờ đợi Việc ÐTC  tuyên bố". Phía dưới tựa đề lớn như sau: "Một thiếu nữ người Sicilia tuyên bố: "Ngài đã cứu sống tôi và người bạn của tôi thoát tai nạn xe hơi. Tôi biết ơn Ngài".
Giữa trang, nhật báo để hình ÐTC đang quay xuống dân chúng, sắp  đọc lời tôn phong Cha Pio lên bậc Hiển Thánh và nhiều hình nhỏ khác về Thánh lễ, trong số các hình nhỏ này, có hình các nhân viên an ninh bắt giữ một người đàn ông (người Ðức, khoảng 40 tuổi) đột ngột chạy thẳng đến ÐTC lúc cuối lễ. Ông bị giữ lại và trao cho cảnh sát Ý. Sau cuộc điều tra, ông đã được trả tự do. Thực sự ông không chủ ý hại ÐTC, mà chỉ muốn ôm hôn ngài mà thôi. Ông có đủ giấy tờ, kể cả vé dự lễ Phong Thánh. Những vụ như vậy đã xẩy ra không phải họa hiếm. Trong ngày thế giới Thanh niên đã xẩy tại Quảng trưởng Thánh Phêrô chiều khai mạc và ba lần tại Khuôn Viên Ðại học  Roma ở khu phố Tor Vergata. Nhưng không vụ nào bị giữ lại cả. Các thanh niên "mạo hiểm này" đã được ÐTC ôm hôn và lắng nghe những gì họ kể về họ.
La Stampa, tờ báo lớn xuất bản tại Torino, số thứ hai 17/06/2002, dành ba trang về lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio.
Trang nhất: "Cha Pio, Vị Thánh mới, 300 ngàn tín hữu hân hoan". Dưới tít này, để hình ÐTC trên xe Jeep  đi giữa các đoàn hành hương tụ họp tại Quảng trường và Ðại Lộ Hòa Giải, để chào dân chúng. Bên cạnh, La Stampa để hình em nhỏ Matteo Colla, được Cha Pio chữa lành tức khắc khỏi chứng màng óc nguy hiểm chết và bài tường thuật về phép lạ nay. Trên hình của em, Tờ báo Torino đề: "Lên danh dự bàn thờ vị Tông đồ thứ 13". (Cha Pio được báo này liệt kê vào sổ 12 Tông đồ, và Cha đứng hàng thứ 13).
Bên trong, nơi trang 6, La Stampa thuật lại "những chứng nhân của lòng sùng kính Cha Pio, với tít lớn cả trang: "Chúng tôi những chứng nhân của Cha Pio, Vị làm nhiều phép lạ". Ðặc phái viên của nhật báo thu lượm chứng tá của một số người dự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong số này có nhiều phép lạ đã được biết đến và nhiều phép lạ khác không ai nói đến. Báo này quả quyết: "Lòng sùng kính được thấm nhuần bởi sự chắc chắn của ơn đã lãnh nhận được".
Giữa trang, tờ báo La Stampa để hình cỡ trung bình về Thánh lễ và đám đông người hành hương dự thánh lễ.
Bài hai, nhật báo Torino thuật lại quang cảnh Quảng trường San Giovanni Rotondo: "Tại San Giovanni Rotondo khoảng 60 ngàn người đã dự lễ Phong Thánh - Giữa sự thánh thiêng của Ðức Tin và sự tục hóa của "business". (Business: Nhiều người lợi dụng dịp may mắn này để bán đủ các loại ảnh, tượng, và kỷ niệm về Cha Pio). Báo này cũng nhắc đến sáu máy bay tung cánh hoa hồng xuống dân chúng và từ đất 12 ngàn bóng nhựa mầu vàng và xanh da trời được thả lên, giữa tiếng hoan hô vui mừng của người dân chào mừng Vị Thánh mới. Nhiều người phàn nàn vì không thu lượm được cánh hoa hồng nào dể giữ làm kỷ niệm ngày lịch sử này.
Bài ba, nhật báo cảm phục dân chúng "cầm cự với mệt nhọc và nóng nực của miền xích đạo".
Trang bẩy đăng hàng chữ này: "Padre Pio, vị tông đồ thứ 13" chiếm cả trang. Dưới hàng chứ cỡ bự, nhật báo để hình Ðền thờ Thánh Phêrô và một số người dự thánh lễ mang khăn in  hình Cha Pio với những chữ sau đây: "Padre Pio Santo" - "Roma 16 Giugno 2002" (Cha Pio là Vị Thánh - Roma ngày 16 tháng 6 năm 2002).
Bài hai: "Một tràng pháo tay vô tận lan tràn cả Quảng trường Thánh Phêrô " - Dưới tít này : " Ðức Gioan Phaolô II ấn định lễ kính vào ngày 23 tháng 9: "Và là lễ nhớ bắt buộc".
Tờ "Tin Chiều",  tờ báo lớn xuất bản tại Milano, số thứ hai  17/06/2002, dành 4 trang cho Lễ Phong Thánh của Cha Pio.
Trang nhất để hình mầu cỡ nhỏ, chụp từ trên máy bay tất cả quang cảnh Quảng trường Thánh Phêrô và Ðại lộ Hòa Giải,  đầy người dự thánh lễ. Trên hình này, đề tít lớn: "Sự xâm chiếm của Giới trẻ đối với Cha Thánh Pio". Trên tít này, viết: "Nhiều người bị trúng nắng, xe phun nước vào các người hành hương. ÐTC nhắc lại những khó khăn Cha Pio gặp với Giáo Triều". Dưới tít lớn, báo này viết: "Ba trăm ngàn tín hữu ở Roma". ÐTC: cách đây nhiều năm, ngài đã xưng tội với Cha Pio. Lễ kính Cha Pio được mừng vào 23 tháng 9.
Nhật báo Milano viết thêm: ÐTC mệt nhọc, nhưng rất hài lòng.  Trong bài giảng, ứng khẩu, ngài tiết lộ: đã xưng tội với Cha Pio, lúc còn là linh mục trẻ trung đang học ở Roma.
Trang hai để hình sáu thanh niên nam nữ với hàng chữ: Rất đông thanh niên trong số 300 ngàn người hành hương - Từng trăm vụ can thiệp của Hồng Thập tự, vì trời  quá nóng nực.
Giữa trang 2, Corriere della sera kê khai các con số của Ngày Lễ Phong Thánh:
- 300 ngàn người tham dự Thánh lễ chiếm cả Quảng trường Thánh Phêrô, Ðại Lộ Conciliazione và các khu vực gần Vatican.
- 1,000 nhân viên an ninh giữ trật tự (Hiến Binh, Cảnh sát) không kể các tự nguyện viên.
- Hơn 2,000 xe chở người hành hương và nhiều chuyến xe lửa đặc biệt đều tuốn về Roma.
- 435 vụ cấp cứu tại các lều cứu thương hoặc tại các bệnh viện kế bên Vatican.
- 900 ngàn chai nước được cấp phát cho các người hành hương.
- 180 tấn rác thu lượm sau Lễ Phong Thánh.
Trang 3 để sáu hình người dự thánh lễ thuộc các quốc tịch khác nhau trong số 300 ngàn người.
Dưới sáu hình này, nhật báo Milano chạy tít lớn cả trang: "Cha Pio , Vị Thánh mới, và sẽ được mừng vào ngày 23 tháng 9". Dưới tít này: "Ðức Gioan Phaolô II nói đến những khó khăn Cha Pio gặp phải nơi  Giáo Triều". Dưới tít lớn, nhật báo để hình chiếm nửa trang về quang cảnh của Thánh lễ tại Vatican. Bên cạnh hình này, thuật lại sự hiện diện của các nhà chính trị trong Thánh lễ: Nghị sĩ Andreotti (trước đây không ưa thích Cha Pio, nhưng sau khi đã gặp Ngài, đổi hẳn thái độ, trở nên người sùng kính  và trong những ngày này được báo chí và đài truyền hình phỏng vấn nhiều lần về Cha Pio. Rồi ông Fini, phó thủ tướng, cầm đầu phái doàn Chính phủ Ý dự thánh lễ - Ông Bassolino, cựu cộng sản, chủ tịch miền Campania (miền nam Ý) tuyên bố: Cha Pio là một Vị Thánh xã hội, đã góp công nhiều vào việc phát triển miền nam.
Báo này viết thêm: "Chiếm hàng đầu ghế trên lễ Ðài: các Bộ trưởng, Dân biểu, Thị trưởng và Ông Thống đốc Ngân Hàng quốc  gia Ý. Dĩ nhiên các Vị Thánh đồng thời của người thời nay gây xúc động hơn nhiều.  Cũng trong bài này, nhật  báo Milano còn để hình Nghị sĩ Andreotti, năm nay 83 tuổi, đội mũ chống nắng.
Trang 5, Tờ "Tin Chiều" dành riêng cho hai nơi: San Giovanni Rotondo, nơi  Cha Pio sinh sống, hoạt động mục vụ và qua đời - Rồi Pietrelcina, sinh quán của Ngài. Nhà ở của Ngài trở nên "Bảo tàng viện" đón khách viếng thăm và cầu nguyện.
Báo này kể lại: Tại San Giovanni Rotondo, các Tu sĩ Cappucins hát bài quốc ca Ý chào mừng Cha Pio được tôn phong Hiển Thánh. Một đại lễ với từng triệu cánh hoa hồng và ảnh Cha Pio được tung từ máy bay xuống. Người dân vẫn thích gọi Thánh mới là "Padre Pio", thay vì Thánh Pio. Trong bài giảng ít ra tám lần ÐTC cũng dùng "Padre Pio", "Cha Piô".
Tại Pietrelcina, một bà già, sinh năm 1909 tên là Vittoria, còn sống,  chỉ mình bà biết Cha Pio mà thôi. Bà nói: "Tôi đến nhà Cha. Tôi không muốn tặng vật nào cả, chỉ nhận chai bia mà thôi".


Tường thuật
Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio
hôm  Chúa Nhật 16/06/2002

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio, hôm  Chúa Nhật 16/06/2002.
(Radio Veritas Asia - 18/06/2002) - Trong lịch sử Giáo hội ở Roma, kể cả những biến cố mới đây của Năm Ðại Toàn xá năm 2000, không có biến cố nào -----, trừ biến cố Ngày thế giới Thánh niên năm Thánh 2000, với sự tham dự của hơn hai triệu thanh niên , thu hút một đám đông biển người,------ như Ngày Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio. Ước tính của Ban tổ chức và của giới  báo chí, con số tham dự trên dưới 300 ngàn. Nhưng con số này cao hơn nhiều và có lẽ không ai có thể biết rõ được bao nhiêu. Tất cả Quảng trường Thánh Phêrô, Ðại Lộ Hòa Giải, Quảng Trường Pia (trước Ðài Phát thanh Vatican), Quảng trường Adriana (kế bên Ðền Thiên Thần,  cuối Ðại Lộ  Hòa Giải, Ðại Lộ Porta Angelica và Quảng trường Risorgimento... đều bị các đoàn hành hương chiếm. Thậm chí nhiều người có vé với chỗ ngồi  cũng không thể vào được. Nhiều người hành hương đến từ nơi xa (Pháp, Hoa kỳ, Brazil, Argentina  v.v...),  dù  có vé tốt và mang phù hiệu của Lễ Phong Thánh, cũng phải rút lui trở lại nhà, để theo dõi Thánh lễ qua đài truyền hình, được tiếp vận với 10 nước khác nhau. Ðài truyền hình cho thấy nhiều người ngủ đêm tại chỗ, hoặc đến chiếm chỗ từ sáng sớm lúc 5 giờ sáng. Những người có vé, nếu đến chậm vào lúc 7 giờ sáng (-- dù thánh lễ khởi sự lúc 10 giờ ---), không thể vào được khu vực đã chỉ định.  16 chuyến xe lửa đặc biệt, hơn 3 ngàn xe ca chở các đoàn hành hương, không kể những người đến bằng máy bay, các phương tiện riêng và những người đi bộ ... từ các ngả đường khác nhau tuốn về Roma.
Ngoài đám đông biển người tại các khu phố chung quanh Vatican, còn phải nhắc đến đám đông khoảng 50 ngàn người từ 4 giờ sáng đã tuốn đến Quảng trường lớn của San Giovanni Rotondo, nơi Cha Pio hoạt động tông đồ và qua đời, để theo dõi thánh lễ qua các màn ảnh TV cỡ bự được tiếp vận với Vatican. Tại đây sáu máy bay trực thăng rải hoa hồng xuống dân chúng ngay sau lúc ÐTC, từ Roma long trọng tuyên bố: "Chân phước Pio từ nay được tôn phong lên bậc Hiển Thánh", giữa tiếng hoan hô và những tràng pháo tay dài của dân chúng chào mừng Vị Thánh mới, Vị Thánh của mọi người "Il Santo di tutti".
Tại Roma, một mới lạ chưa từng có trong dịp lễ Phong Thánh:  Ban chiều có buổi hòa nhạc tại thính đường Phaolô VI và lúc 22 giờ, trên đồi Gianicolo, kế Ðền thờ Thánh Phêrô, bắn pháo bông trong 15 phút mừng Vị Thánh của mọi người.
Ngoài việc cung cấp một triệu chai nước cho dân chúng tham dự Thánh lễ dưới bầu trời nóng nực khác thường, Thị xã Roma còn cho các xe phun nước vào dân chúng cho đỡ nóng, và ra chỉ thị: các người hành hương có vé dự lễ, được xử dụng các phương tiện di chuyển công cộng trong thành phố (Bus, Metro...) miễn phí trong cả Ngày Chúa nhật 16/06/2002.
Một mới lạ khác cũng chưa từng thấy: Sau khi tuyên bố Chân phước Pio lên Bậc Hiển Thánh và ấn định ngày mừng lễ kính Vị Thánh mới 23 tháng 9 (ngày qua đời), ÐTC thêm ngay: "Ðây là lễ kính bắt buộc". Thực sự việc chỉ định bậc lễ mừng và ghi vào Lịch phụng vụ chung của Giáo hội thường do Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí tích. Cử chỉ của ÐTC cho thấy rằng: Cha Pio không những được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, nhưng còn được xếp vào "hạng các Vị được tôn kính cách đặc biệt trong toàn Giáo hội, nghĩa là các linh mục cử hành thánh lễ bất cứ nơi nào trên thế giới ngày 23 tháng 9 bắt buộc phải cử hành lễ Thánh Pio da Pietrelcina,  nếu không có lý do nào khẩn cấp  để miển trừ ---( thí dụ: lễ cưới, lễ  qui lăng, hoặc lễ mừng (festum) hay lễ trọng (sollemnitas) nào khác của địa phương)---. Trong lịch phụng vụ chung của Giáo hội, chúng ta thấy chỉ có 68 Vị Thánh (Nam, Nữ) trong số 6,500 vị ---( Nam, Nữ chung hoặc từng quốc gia, từng miền, từng Giáo phận)---- được mừng với bậc lễ kính nhớ bắt buộc mà thôi,  và 108 Vị được mừng với bậc kính nhớ tự do.
Một cử chỉ đặc biệt khác của ÐTC trong dịp này: sau bài giảng Thánh lễ, Ngài đọc một kinh chính thức,  do ngài soạn ra, để cầu  xin Thánh Pio da Pietrelcina, vị Thánh đầu tiên của Thế kỷ mới, để phú thác và xin sự bầu cử của Thánh nhân "cho con đuờng tiến lên sự thánh thiện của toàn Giáo hội, lúc bước vào Ngàn năm mới này".
Những cử chỉ trên đây minh chứng Ðức Karol Wojtyla có lòng sùng kính Cha Pio như thế nào. Trong bài giảng Thánh lễ, chính ngài kể lại: Lúc con là linh mục sinh viên (1946-1947) ở Roma, ngài đã tới San Giovanni Rotondo gặp Cha Pio và xưng tội với Cha. Rồi khi làm Hồng Y TGM Cracovia, ngài còn trở lại một lần nữa. Rồi lúc làm Giáo Hoàng, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại miền này, ngài đã đến quì cầu nguyện bên mộ Cha Pio. Ngài biết rõ sự thánh thiện của Cha Pio, dù có những chống đối của Giáo triều đối với Cha, do những báo cáo sai lầm. Sau khi Cha Pio qua đời (1968), năm 1970, Ðức Karol Wojtyla đã cổ võ việc làm án phong Thánh. Hồi đó, Ðức Phaolô VI, vì có sự chống đối của một số vị Giáo sĩ cấp cao, đã không cho phép xúc tiến vụ phong thánh cho Cha Pio. Nhưng khi lên làm Giáo Hoàng, Ðức Karol Wojtyla đã thúc đẩy công việc này và tin rằng: ngài sẽ tôn phong Cha Pio lên bậc Chân phước và Hiển Thánh. Hành động của Ðức Gioan Phaolô II đã được toàn dân đón nhận hăng say, không một ai chỉ trích. Ngài biết: Ðối với ngài và dân chúng, Cha Pio đã là thánh ngay từ lúc còn sống. Mọi người đều thấy rõ nỗi vui mừng lớn lao như thế nào của dân Công giáo trên cả thế giới đối với hai lễ Phong Chân phước và Hiển Thánh của Cha Pio.
Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio là một lễ Phong Thánh không như các Lễ Phong Thánh từ trước tới giờ: không phải là 43 lễ Phong Thánh do Ðức Karol Wojtyla đã cử hành trước đây trong 24 năm Triều Giáo Hoàng, cũng không phải là 102 lễ Phong Thánh của các Vị Tiền nhiệm của ngài, kể từ Ðức Clemente VIII (1592-1605) đến Ðức Phaolô VI (1963-1978). Cha Pio là vị Thánh duy nhất, sánh với 460 Vị Thánh do Ðức Karol Wojtyla đã tôn phong và 300 Vị Thánh khác do các Vị Tiền Nhiệm của ngài đã tôn phong,  từ năm 1594 (năm các vụ làm án phong thánh phải theo những qui luật riêng).
Cha Pio là Vị Thánh duy nhất, không như 760 Vị Thánh trước đây (460 +300), bởi vì nơi Ngài được tập trung một lúc ba  yếu tố đặc biệt sau đây: đời sống chiêm ngưỡng thần bí - khả năng đau khổ, như lễ hy sinh của tình yêu - con số rất cao về những dấu hiệu đáng tin  về sứ mệnh của Ngài và những sự lạ lùng Ngài đã làm cho các linh hồn ngay lúc còn sống. Trước hết những dấu thánh. Rồi hình ảnh của Ngài cho thấy rõ một sự tập trung các đặc sủng,   sự đau khổ và sự thánh thiện duy nhất trong đời sống. Qua sự thánh thiện và đau khổ vì tình yêu, Cha Pio đã thu hút, như nam châm, các linh hồn về cho Chúa, qua thánh lễ và qua tòa giải tội. Ngài luôn luôn sẵn sàng đón tiếp các linh hồn đến lãnh Bí tích hòa giải, có ngày ngài ngồi tòa giải tội  18 tiếng đồng hồ liên tiếp. Ðúng như Ðức Benedicto XV (1914-1922) đã nói: "Cha Pio là dụng cụ Chúa dùng để làm cho các kẻ tội lỗi được trở lại". Và như ÐHY José Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh,  vị đóng vai trò quan trọng trong vụ làm án phong Chân phước và Hiển thánh  của Cha Pio,-- tuyên bố trên đài Phát thanh Vatican như sau: "Nếu chúng ta nghĩ rằng: Cha Pio không bao giờ ra khỏi San Giovanni Rotondo, và như Ðức Phaolô đã nói "Ngài cử hành thánh lễ cách khiêm tốn, giải tội từ sáng đến chiều và mang dấu thánh Chúa", tiếng đồn về sự thánh thiện của Ngài là một sự việc hoàn toàn khác thường". Cha đã biết làm cho mình trở nên người đồng thời với người thời nay; người thời nay khao khát Thiên Chúa và bị giầy vò bởi các đau khổ đủ loại. Họ tìm được nơi Ngài những câu trả lời  xứng hợp".
Dĩ nhiên các Thánh đều cầu nguyện, thúc đẩy các linh hồn hướng về Chúa. Nhưng Cha Pio có một sặc sủng khác thường trong việc dẫn đưa các người tội lỗi về với Chúa. Ngài đã  vạch rõ trước mắt mọi người một con đường đã được Chúa Giêsu rao giảng ngay từ lúc khởi sự cuộc đời công khai tại Palestine: "Hãy ăn năn đền tội . Hãy trở về với Thiên Chúa". Với Bí tích Hòa giải, Cha Pio dạy cho chúng ta biết: con người luôn luôn cần đến lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Lịch sử của Ngài là lịch sử của một Linh mục "hoàn toàn đúng nghĩa", của một môn đệ trung thành theo Chúa Kitô, trong việc thực hiện các dụ ngôn của lòng thương xót Thiên Chúa, được các Thánh sử,  cách riêng Thánh Luca, thuật lại trong Phúc Âm.
Chưa có lễ Phong Thánh nào, các vị cầm quyền quốc gia Ý tham dự đông  đảo như vậy. Ngoài Tổng thống, Chủ tịch Thượng và Hạ viện, còn có phái đoàn chính thức của Chính phủ do Phó Thủ tướng cầm đầu; rồi nhiều Bộ trưởng, Dân biểu Quốc hội. Trong số các vị ngồi hàng đầu kế bên Bàn thờ, có em Matteo Colla, chín tuổi, đã được phép lạ do lời bầu cử của Cha và Bà Wanda Poltawaska, mẹ của bốn người con nhỏ tuổi, bị chứng ung thư , đã xin Ðức Giám mục Karol Wojtyla (lúc đó đang tham dự Công đồng Vatican II ở Roma), cầu nguyện. Ngài đã viết thư xin Cha Pio cầu nguyện. Sau 10 ngày Bà đã được lành cách lạ lùng và sống cho tới ngày nay. Trong dịp lễ Phong Hiển Thánh bà đã được Ðài Truyền hình của HÐGM Ý phỏng vấn. Bà cho biết: Bà đã đến San Giovanni Rotondo gặp Cha Pio. Dù không bao giờ Cha biết Bà, nhưng Cha đã lại gần đặt tay trên đầu và chúc lành cho bà trong lúc bà len lỏi giữa dân chúng.
Với lễ Phong Hiển Thánh Chúa nhật vừa qua, Cha Pio càng trở nên nhiều hơn nữa "Il Santo di tutti - Un Santo global" (Vị Thánh của mọi người, mọi dân tộc). Trong lúc sống cũng như sau khi đã qua đời, Cha Pio vẫn tiếp tục là "dụng cụ, như Ðức Benedicto XV đã nói, của Thiên Chúa dùng, để làm cho các người tội lỗi trở lại" và qua các nhóm cầu nguyện rải rắc trên cả thế giới, Cha vẫn hoạt động cho hòa bình thế giới.


ÐTC giới thiệu Cha Thánh Pio như
Người mẫu Tâm linh và Nhân bản

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC giới thiệu Cha Thánh Pio như "Người mẫu Tâm linh và Nhân bản".
Tin Vatican (Zenit 17/06/2002): - Một ngày sau lễ phong hiển thánh cho Cha Pio, ÐTC Gio-an Phao-lô II tiếp kiến hàng ngàn khách hành hương trong đại sảnh đường Phao-lô VI.  ÐTC điểm lại những bài học về cuộc sống của vị thánh, và đề cử thánh nhân làm mẫu mực cho đời sống thiêng liêng  lẫn đời sống nhân bản.  Cha Pio là vị thánh thứ 462 được ÐTC Gio-an Phao-lô tôn phong, trong triều giáo hoàng của Người.
Trung Tâm Hành Hương  tại  San Giovanni Rotondo, miền nam Ý, nơi Cha Pio sống, tiếp đón mỗi năm hơn 6 triệu khách hành hương, đứng thứ 3 xét về số lượng người đến thăm viếng, sau đền thánh Guadalupe ở Mê-hi-cô và Tòa Thánh Vatican.
Theo ÐTC, bí quyết khiến vị thánh được nhiều người ngưỡng mộ và yêu mến như vậy trước tiên là do thánh nhân thực sự trở thành một người anh em của mọi người, đúng như đặc tính truyền thống của các tu sĩ Ca-pu-chi-nô.  Thêm nữa,  cha còn là một vị "làm nhiều phép lạ" thánh thiện, như bao biến cố ngoại thường, trong đời cha,  đã chứng minh.  Suốt đời sống của cha, là một cuộc tham dự vào mầu nhiệm thánh giá, kể cả về phương diện thể lý.
Trước đây, Ðức Karol Woityla, vị giáo hoàng tương lai, đã đến thăm Cha Pio vào năm 1947, và đã xưng tội với vị thánh này tại tu viện  ở  San Giovanni Rotondo.


Vài nhận định về Cha Pio
vị tu sĩ dòng Phan-xi-cô được phong hiển thánh
vào Chúa Nhựt 16/06/2002

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nhận định về Cha Pio, vị tu sĩ dòng Phan-xi-cô  được phong  hiển thánh vào Chúa Nhựt 16/06/2002.
(Radio Veritas Asia - 17/06/2002) - Theo Cha Gerardo de Flumeri, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Cha Pio, chúng ta còn có rất nhiều điều quý giá phải học hỏi về vị thánh nầy.
Thông thường, người ta chỉ biết về Cha Pio như một linh mục nổi tiếng đạo đức, được rất nhiều người mộ mến.  Nhưng nếu nghiên cứu các bài viết của cha, người ta sẽ nhận ra một con đường tâm linh với 2 ý niệm nổi bật: nhận định và lượng giá về vấn đề đau khổ, và cái nhìn về Ðức Mẹ Ma-ri-a.
Ðối với Cha Pio, đau khổ là một đặc ân.  Khi cha cầu xin Chúa đừng gởi thêm quá nhiều đau khổ đến cho mình, đó là vì cha e rằng như thế cha sẽ làm tổn hại người khác.  Bởi nếu giả thiết rằng: đau khổ là một thiện hảo quá lớn lao như vậy, thì cha nghĩ là không công bằng chút nào nếu chỉ một mình cha là người duy nhứt được hưởng nhờ đặc ân ấy.  Nói khác đi, chính vì cha coi đau khổ là một điều hết sức tốt, hơn nữa là một đặc ân, nên cha đã xin Chúa ban thêm.
Nhìn  chung, Cha Pio đề cập đến Ðức Trinh Nữ và Chúa Giê-su chung với nhau.  Ðức Mẹ là phương tiện chuyển tải Chúa Ki-tô, ơn cứu độ.  Ðức Mẹ là vì sao soi đường cho người hoa tiêu.  Tuy nhiên, có điều mới lạ là trong các tác phẩm của Cha Pio Ðức Nữ Ðồng Trinh thường được nói đến đơn độc một mình, không phải vì Ðức Mẹ không chịu tùy thuộc vào Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng vì cha muốn nhấn mạnh những đặc sủng trong cuộc đời Ðức Mẹ, khởi đầu với ơn làm Thiên Mẫu, tức là tước vị Thiên Chúa ban cho Ðức Mẹ để Mẹ được phép can dự vào công việc của Chúa Giê-su với uy quyền của một người mẹ.  Quả Ðức Ma-ri-a có những tước hiệu sủng ái trước Nhan Thiên Chúa.
Dầu quan niệm của Cha Pio về vấn đề đau khổ có vẻ lạc lõng đối với văn hóa thời nay, vậy mà người ta vẫn tìm đến với cha, bởi vì họ nhận thấy cha gần gũi, thiết thân với họ, ở chỗ rất nhiều lần cha tự nguyện hiến mình làm vật hy sinh cho tội nhân được ơn hoán cải, và cũng ở chỗ cha có một ngôn ngữ đơn thành trong cách diễn giải các ý niệm nói trên của cha, trong những lời khuyên giảng ai ai cũng co thể lãnh hội.
Chính vì vậy người ta xem cha như một người bạn, một ân nhân, một người hướng đạo.  Sự kiện có đông đảo người đi theo cha chỉ có thể giải thích bằng những từ ngữ vượt quá tự nhiên mà thôi.
Một sự kiện quan trọng khác, theo Cha Marciano Morra, thư ký phong trào Nhóm Cầu Nguyện Padre Pio, đó là từ hứng khởi của linh đạo Cha Pio, hiện có 2,700 nhóm cầu nguyện rải rác trên khắp thế giới.
Các nhóm cầu nguyện được quảng bá lần đầu tiên do lời kêu gọi của ÐTC Pio XI nhắm xin cho nhân loại ơn thoát khỏi chiến tranh, rồi tiếp theo là lời kêu gọi của ÐTC Pio XII vào lúc kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.  Các tín hữu được khuyến khích họp nhau từng cộng đoàn nhỏ, cùng nhau cầu nguyện xin Chúa trợ lực trong công cuộc phục hồi đời sống tinh thần cho xã hội.  ÐTC Pio XI khuyên các tín hữu hợp nhau cầu nguyện, vì "khi cầu nguyện chung với nhau, chúng ta lay chuyển được trái tim của Thiên Chúa."  Và Cha Pio đã đáp ứng: "Chúng ta phải là những người tiên phong."
Vào thời ấy, tu viện có một nhà khách tách rời khỏi khu nội cấm của các tu sĩ, nên có thể tiếp đón khách đến trọ.  Nhà khách có một lò sưởi, nơi Cha Pio quy tụ chùng 10 chị em dân làng đơn sơ, chất phát để dạy họ giáo lý, dạy họ đọc Tin Mừng, giải thích cho họ hiểu Cựu Ước.  Tưởng tượng mà coi: đó là việc xảy ra hồi thập niên 20!
Công cuộc được hoàn thiện dần: vào những năm 1940, Cha Pio ra những chỉ dẫn khúc triết cho bác sĩ Guglielmo Sanguinetti, một người rất nhiệt thành, linh hồn của bịnh viện San Giovanni Rotondo mới được các cha dòng Ca-pu-chi-no thành lập.  Trong những hướng dẫn đó, Cha Pio phân định những đặc trưng làm cho phong trào của cha được nổi bật trong thòi đại hôm nay.
Trước hết, cha ấn định là các nhóm cầu nguyện phải được điều khiển bởi một linh mục do vị giám mục địa phương chỉ định.  Cha muốn tránh mọi trường hợp "chơi trội" và trệch đường do những sáng kiến cá nhân làm sai lạc mục đích của phong trào là "cầu nguyện trong Hội Thánh, với Hội Thánh, và cho Hội Thánh."  Cha Pio là người đù tiên ý thức rằng: "tệ tôn sùng cá nhân Padre Pio" rốt cục sẽ kết thúc với nạn bè phái, tinh thần cục bộ, và dựng chuyện phù phép.  Giả mà vị giám mục địa phương đã không chấp nhận các nhóm cầu nguyện - đây là chuyện thường hay xảy ra ở buổi ban đầu - thì có lẽ cha Pio cũng đã giải tán các nhóm ấy rồi.
Các nhóm cầu nguyện có một tinh thần rất uyển chuyển.  Có nhóm họp nhau trong đồn cảnh sát, với người trưởng nhóm là chính ông cảnh sát trưởng cùng các thành viên là bà vợ và các con của ông.  Nhóm khác lại họp tại trụ sở cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc ở Roma, gồm các nhân viên làm việc tại đây.  Họ gặp nhau vào thời gian nghỉ ăn trưa.
Các thành viên họp nhau mỗi tháng 4 lần để dâng thánh lễ, lần chuỗi môi khôi, suy niệm Thánh Kinh.  Cha Pio ưng tiến hành từng bước nhỏ cho giáo dân.  Dần đà, việc cầu nguyện chung biến thành đức bác ái tích cực.
Năm 1968, lúc Cha Pio qua đời, chỉ có độ 700 nhóm cầu nguyện.  Hiện giờ, nguyên tại nước Ý, đã có tới 2,300 nhóm.  Theo Cha Gerardo Ruotulo, phó thỉnh nguyện viên án phong thánh, những con số đó chẳng nói lên được bao nhiêu.  Cha cho biết: trong dịp đi Ba lan mới đây, cha tìm đến thăm 3 nhóm cầu nguyện từng quen biết trước đây và gặp được những 24 nhóm.  Tại Argentina, nơi tưởng chỉ có 1 nhóm thôi, thì hóa ra có tới 70.  Nhiều nhóm khác đang được chuẩn bị chín chắn và ổn định để sau đó sẽ xin phép chuẩn nhận.
Cha Morra cho rằng: các nhóm cầu nguyện gặt hái được thành quả vượt quá mong đợi vì họ đặt nền trên một ý niệm tuy giản dị nhưng lại thiết yếu trong một kỷ nguyên của chủ nghĩa cá nhân.  Ý niệm đó là: "cùng nhau cầu nguyện".


Vài nét về Cuộc đời của Cha Pio
(1887-1968)

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Cuộc đời của Cha Pio (1887-1968).
(Radio Veritas Asia - 15/06/2002) - Trong bài thời sự  trước, chúng tôi đã ghi lại lời nhận định về Cha Piô, cho rằng Cha là "Vị Thánh của mọi người". Và thực sự như vậy. Cha là Vị Thánh được biết đến trên cả thế giới. Lễ Phong Chân phước (2/05/1999) cũng như Lễ Phong Hiển Thánh (16/06/2002) là một đại lễ của người tín hữu. Từng trăm ngàn người từ khắp năm Châu tuốn về Roma để tham dự hai biến cố lịch sử này. Hằng năm có tới bẩy triệu người hành hương từ nhiều nước trên thế giới đến cầu nguyện bên mộ Cha Pio trong Nhà Thờ Santa Maria delle Grazie ở San Giovanni Rotondo, nơi Cha thi hành thừa tác vụ linh mục trong nhiều năm cho tới ngày qua đời: 23 tháng 9 năm 1968.
Cha Pio là Vị Thánh lớn của thời đại này. Ðọc qua tiểu sử của Cha, chúng ta thấy rằng: Cha đã được Chúa chọn để diễn lại cuộc Tử nạn của Chúa, giữa một thế giới, như thế giới ngày nay, thi đua chạy theo vật chất và thú vui, mỗi ngày mỗi xa Chúa. Cha là một môn đệ thực hiện đầy đủ lời Chúa dạy: "Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá hằng ngày và theo Ta". Cuộc đời đau khổ của Cha nhắc lại cho mỗi người trong chúng ta lời Thánh Phaolô  nói: "Tôi rao giảng Chúa Kitô và Chúa Kitô chịu đóng đinh". "Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi" (2 Cor 4, 10).  Cha Pio đã có thể nói như Thánh Tông đồ: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi".
Hôm nay, chúng tôi xin lược tóm cuộc đời của Cha Pio, một Vị Thánh được in năm dấu thánh.
Những năm của tuổi thơ ấu -  Cha Pio sinh tại xã Pietrelcina, thuộc tỉnh Benevento (miền nam nước Ý) ngày 25 tháng 5 năm 1887, trong gia đình nông thôn, rất sùng đạo. Thân phụ tên là Grazio Forgione, mẹ là Giuseppina Di Nunzio. Trong ngày rửa tội,  Cha Piô nhận tên thánh Francesco (Phanxicô).
Hồi năm tuổi, Francesco đã mơ ước trở thành một Tu sĩ Dòng Phanxicô-Cappucin với bộ râu,  hằng ngày từ nhà này qua nhà khác xin bố thí cho Tu viện. --(Ðây là luật lệ của các Dòng hành khất thời Trung cổ)--. Một ngày kia, trước bàn thờ chính của nhà thờ Pietrelcina, chính Francesco kể lại  là mình thấy Chúa  Giêsu lại gần và đặt tay trên đầu, như dấu hiệu yêu thương, khích lệ. Francesco cũng thấy Thiên Thần bản mệnh, luôn luôn đồng hành và Ðức Mẹ Maria hiện ra. Francesco thấy cả Quỉ dữ dưới những hình ảnh  rất ghê tởm.
Các hiện tượng này không thể giải thích như những tưởng tượng của tuổi trẻ, nhưng Francesco nghĩ rằng: những hiện tượng như vậy cũng xẩy đến cho các bạn cùng tuổi mình.
Các người trong gia đình hết sức ngạc nhiên về những vụ đánh tội của Francesco ban đêm. Francesco nghĩ rằng: để thánh hiến cuộc đời cho Chúa, phải gần gũi hết sức có thể Chúa Giêsu. Một ngày kia, Bà mẹ Giuseppina không thấy con, liền chạy đi tìm.  Francesco trả lời: "Con phải   đánh mình con như người Do thái xưa kia đã đánh đập Chúa Giêsu, đến độ làm Máu của Người chảy ra". Nhiều lần Francesco ngủ trên sàn nhà lát đá cẩm thạch, gối đầu trên một viên đá, bởi vì Francesco nghĩ rằng: phải tự gánh tội trần gian theo gương Chúa Giêsu. Ðây là một ơn gọi riêng, ơn gọi đau khổ; nếu không, Francesco nghĩ rằng: sẽ đi đến chổ hư mất đời đời. Francesco sớm ý thức về ơn gọi chịu đau khổ này.
Sau lễ Ba Vua năm 1903, Francesco xin vào Nhà Tập Dòng Cappucin. Tâm hồn Francesco bị xúc động: "Lạy Chúa con - Francesco viết - ai sẽ có thể tả lại được cuộc tử đạo diễn ra trong tâm hồn con?  Con cảm thấy tiếng nói của bổn phận phải vâng lời Chúa, ôi lạy Chúa của con, Chúa nhân hậu của con! Nhưng thù địch của Chúa và của con hành hạ con, muốn đập tan các xương con, nhạo cười con, đảo lộn mọi sự trong con!" Trong tình trạng này, Francesco được nhìn thấy lần thứ nhất "một người uy nghi với vẻ  xinh đẹp khác thường",  người này mời gọi Francesco "chiến đấu  như một binh sĩ anh dũng" chống lại một quái vật, xem ra không thể thắng được, nhưng Francesco, với sự giúp đỡ của nhân vật trên trời kia, đã thành công trong việc xua đuổi quái vật này".
Ngày 6 tháng Giêng năm 1903, lúc 15 tuổi, Francesco được nhận vào Tập viện tại Morcone, cách Molise ít cây số. Sau hai tuần tĩnh tâm, Francesco được mặc áo Dòng và nhận tên dòng là "Pio da Pietrelcina", để kính nhớ Ðức Thánh Pio V, Giáo Hoàng,  và cũng kính nhớ Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), lúc đó vừa được bầu làm Giáo Hoàng. Thời gian của Tập viện là thời gian rất gay go theo Luật Dòng Phanxicô. Pio đã trải qua thời kỳ thử thách này một cách gương mẫu. Việc chiến đấu với Satan càng ngày càng gia tăng đến độ từ những phòng kế bên phòng của Pio, các Tu sĩ khác thường nghe thấy những vụ đập đánh và những tiếng động. Lúc các thầy chạy đến xem, thì thấy Pio nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Sau những năm tập viện,Thầy Piô tuyên khấn tạm, và ngày 27 tháng giêng năm 1907, thầy khấn trọng thể.
Thầy Pio lúc đó chưa phải là linh mục,  đã được ơn hiện diện tại hai nơi một lúc, như chính Thầy kể lại với Cha Agostino: "Một ngày kia (ngày 18 tháng Giêng năm 1905) con thấy xẩy ra một sự kiện khác thường, trong lúc con đang ở trong nhà thờ (nơi hát kinh) với Thầy Anastasio, con cũng thấy mình ở trong nhà của một gia đình,  nơi đây người cha đang hấp hối, chính trong lúc đó một trẻ em cũng sắp ra đời. Ðức Mẹ Maria hiện ra nói với con: "Mẹ phú thác đứa nhỏ này cho con... Con đừng sợ hãi: đứa nhỏ này một ngày kia sẽ đến với con,  nhưng trước đó, con sẽ gặp đứa nhỏ này tại San Pietro". Ngay sau đó, con  lại thấy mình ở trong nhà thờ hát kinh". Ðứa nhỏ này tên là Giovanna Rizzani. Sau này sẽ trở nên người con thiêng liêng của Cha Pio và thuộc Dòng Ba Phanxicô.
Sức khỏe thầy Pio rất kém, không cho phép tiếp tục đời sống trong Tu viện được. Thầy bị sốt liên miên, nhưng không giải thích được căn cớ của chứng  bệnh này. Thầy trở về nhà để chữa bệnh và ở lại từ năm 1909 đến 1916, sống ngoài Luật phép Dòng, trong tình trạng không thể chấp nhận được theo Luật Dòng Phanxicô. Cha Agostino và Cha Benedetto, mà Thầy vẫn liên lạc thường xuyên bằng thư tù, tin chắc rằng: Thầy Pio, người được Thiên Chúa hướng dẫn, đang đi đến việc thực hiện đầy  đủ một ơn kêu gọi đặc biệt, cho dù cuộc đời của Thầy đang trở nên "một cuộc tử đạo dữ dội", do bởi những cuộc chiến đấu thường xuyên với ma quỉ, với hậu quả đáng lo sợ là Thầy có thể trở thành nạn nhân của những cuộc ám ảnh và tình trạng ảo tưởng.
Việc sống ngoài Tu viện đặt ra  nhiều câu hỏi. Mỗi lần trở lại Tu viện, Thầy Pio lại ngã bệnh, đến độ các Bề trên phải đưa Thầy trở về Pietrelcina, vì ở đây xem ra Thầy lấy lại sức khỏe nhanh chóng. Nhưng tháng Hai năm 1917, Cha Agostino mời Thầy đến thăm gia đình Cerase ở Foggia (miền nam nước Ý), một gia đình rất sùng kính các Tu sĩ Cappucins. Người con gái của gia đình tên là Raffaellina, lúc đó mắc bệnh nặng và xin được gặp Thầy Pio trước khi chết. Thầy Pio trú tại Tu viện Sant'Anna ở Foggia. Tiếng đồn về một Tu sĩ có những nhân đức khác thường, có khả năng đánh động những ai được may mắn nghe và nói với Tu sĩ này. Và từ đó người dân bắt đầu đi lại tìm gặp Thày Pio.
Sức nóng tại Foggia trở nên không chịu nổi. Vì thế Cha Paolino đưa Thầy Pio đến nghỉ trong Tu viện Santa Maria delle grazie trên một đồi cao, tại San Giovanni Rotondo. Tại đây Thầy thụ phong Linh mục, làm mục vụ  cho tới lúc qua đời. Trên phòng nhỏ dành cho ngài có hàng chữ "Thánh giá luôn luôn sẵn sàng và chờ đợi con mọi nơi".
Ðến tuổi phải thi hành Nghĩa vụ quân dịch, Thầy Pio đến trình diện tại Quân khu Benevento. Thầy được công nhận là đủ điều kiện. Hết nghĩa vụ quân dịch, Thầy còn được nghỉ hai năm tại gia đình. Nhờ những năm nghỉ nầy, Thầy được bình phục hoàn toàn, khỏi hẳn chứng bệnh sưng màn phổi.Với sức khỏe khả quan hơn, Thầy Piô được lãnh chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Benevento, ngày 10 tháng 8 năm 1910, lúc 25 tuổi. Nhưng vì vấn đề sức khỏe, Bề Trên cho phép Cha Piô ở lại gia đình cho đến năm 1916. Tháng 9 cùng năm 1916 nầy, Cha được sai đến Tu Viện Santa Maria delle Grazie, -- Thánh Maria của Muôn Ơn Lành,-- ở San Giovanni Rotondo, và ở lại đây cho đến lúc qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.
Ngày 20 tháng 9 năm 1918, lúc thánh lễ ban sáng vừa kết thúc, và mọi người ra về, Cha Pio còn ở lại cầu nguyện trong yên lặng và như xuất thần. Một nhân vật bí nhiệm hiện ra, tay và chân đẫm máu. Cha Pio kể lại cho Cha Agostino và Cha Benedetto như sau: "Từ ngày đó, con bị một vết thương chí tử. Trong thâm tâm, con cảm thấy vết thương này luôn luôn mở  ra, làm con đau đớn nhiều". Vết thương cạnh sườn bị đâm bởi một nhân vật trên trời bằng một lưỡi dao rất dài và rất sắc ở đầu, trong lúc Cha Pio ngồi tòa giải tội ngày 6 tháng 8 năm 1918. Cha Agostino và Cha Benedetto cho biết: Cha Pio đã sống "cuộc thử thách của tình yêu đặc biệt: vết thương thiêng liêng của nhân vật trên trời là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho Cha". Cha Pio có cảm giác không chịu nổi một sự đau đớn lớn lao như vậy được. Với thời gian qua đi, Cha Pio khám phá ra những vết thương đẫm máu kia trở nên những vết thương của chính mình. Những vết thương này mọi người đều thấy và làm cho Cha trở nên một "người bị đóng đanh sống động". Cha muốn giấu, nhưng vết máu tiếp tục chảy ra, và anh em trong Dòng đều thấy. Từ ngày đó, Cha phải mang găng tay bằng len mầu xám tối, chỉ để thò ngón tay ra mà thôi, nhưng lúc đọc lời truyền phép,  dâng Mình và Máu thánh Chúa lên, găng tay được tháo ra.
Bề trên nhà và Bề  trên Tỉnh Dòng Cappucin muốn biết chắc chắn về các vết thương của Cha Pio, để đề phòng khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng các bác sĩ và giáo sư chuyên môn chỉ có thể giải thích được rằng: các vết thương kia không phải là những vết thương gây nên do chứng lao phổi,  cũng không phải những vết thương tự tạo nên. Giáo sư Luigi Romanelli của Bệnh viện Barletta coi là "chứng bệnh mầu nhiệm". Trong sự đau khổ không thể diễn tả được, Cha Pio xác nhận rằng: "Tất cả những gì Chúa Giêsu đã chịu trong cuộc Tử nạn của Người, nay tôi cũng chịu như vậy", theo sức có thể của một tạo vật  yếu hèn, không phải vì công nghiệp của tôi, nhưng chỉ vì lòng nhân hậu của Chúa mà thôi".
Tiếng đồn về dấu thánh của Cha Pio mỗi ngày mỗi lan rộng các nơi. Các tín hữu tuốn đến Tu viện Santa Maria delle grazie ở San Giovanni Rotondo. Ðời sống của Cha Pio cũng thay đổi. Cha trả lời các thư nhận được. Cha ngồi Tòa giải tội và cử hành thánh lễ. Cha Pio trở nên như "một mầu nhiệm cho nhiều người". Các vết thương của Cha trở nên đề tài học hỏi, nghiên cứu, không những trong lãnh vực Y khoa, nhưng cả nơi Giáo quyền. Những vụ xuất thần trong lúc Truyền phép và dâng Mình Máu thánh Chúa, đám đông lũ luợt tuốn đến mỗi ngày mỗi thêm nhiều tìm Cha Pio.... Tất cả đặt ra nhiều câu hỏi.
Ngày 18 tháng 4 năm 1920, Cha Pio được Cha Agostino Gemelli viếng thăm (Cha Gemelli là một nhà trí thức, sáng lập Bệnh viện Bách khoa Gemelli ở Roma, thuộc Ðại học Thánh Tâm Chúa ở Milano). Cha Pio không cho Cha Gemelli khám xét các vết thương, vì không có phép chính thức. Cha Gemelli theo tư tưởng này là các vết thương kia không thực. Một nhận xét không phù hợp với ý nghĩ mà Ðức Benedicto  XV (1914-1922) vẫn có về Cha Pio: "Ðây là một trong các người mà Thiên Chúa đã sai đến mỗi khi cần đến trên thế gian này để làm cho con người trở lại". Ngày 2 tháng 6 năm 1922, những biện pháp đầu tiên được gủi đến Cha Pio. Cha không được cử hành thánh lễ công khai, cũng không được thư từ với cha linh hướng của mình, và với rất nhiều tín hữu từ khắp thế giới viết cho ngài.
Trước những biện pháp giới hạn, Cha Pio chỉ đáp lại bằng sự yên lặng và vâng phục: "Tôi là người con của sự phục tùng".
Từ năm 1923 đến 1933 Cha Pio bị kiểm soát ngặt nghèo, Cha không được giải tội và dạy các học sinh của trường thuộc Tu viện nữa. Cha bị hoàn toàn cô lập. Khiếm tốn, Cha đáp lại: "Tôi là người con của sự phục tùng". Ðây chính là thái độ của một tu sĩ Cappucin. Thái độ vâng phục này sẽ tránh được những cuộc biểu tình chống đối có thể lan rộng nơi các tín hữu vốn sùng kính Cha Pio.
Những tố cáo chống lại Cha dần dần thấy rõ là không có nền tảng nào cả. Từ ngày 16 tháng 7 năm 1933 (sau 10 năm), Cha lại có thể cử hành thánh lễ công khai và năm sau trở lại tòa giải tội. Sứ mệnh của Cha là tòa giải tội, một ơn vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa. Cha còn được ơn thấy những bí nhiệm trong tâm hồn của các người đến tòa giải tội. Nhiều lúc, sau khi giải tội, người ta thấy cha khóc vì đau đớn. Và đây cũng là một ơn riêng Chúa dành cho Cha, một cái nhìn siêu nhiên về tình trạng đáng thương của con người tội lỗi. Dù sống đầy đủ thừa tác vụ linh mục, Cha Pio thỉnh thoảng bị cám dỗ về một hồ nghi dữ dội làm Cha đau khổ nhiều: "Tôi  đẹp lòng Chúa hay không?".
Các nhóm cầu nguyện. Trong những năm 1940, Cha Pio lãnh nhận lời mời gọi của Ðức Pio XII (1939-1958) lập các nhóm cầu nguyện để nâng đỡ nhân loại bị chiến tranh đe dọa. Ðây cũng là những năm bắt đầu đào móng xây cất Bênh viện "Casa del Sollievo della Sofferenza", được khánh thành 5 tháng 5 năm 1956. Hoa kỳ và các quốc gia đồng minh cung cấp phần lớn tài chính để xây cất Bệnh viện này,  sau đệ nhị thế chiến. Số tiền gửi đến Cha Pio thật nhiều. ÐTC đã miễn Cha khỏi lời Khấn Khó nghèo. Và sau này Cha Pio đã trao việc quản trị và thừa hưởng gia tài cho Tòa Thánh.
Lòng sùng kính mỗi ngày gia tăng của người dân đối với Cha Pio làm tiêu tan những thù địch trước đây. Dân chúng luôn luôn coi Cha Pio là người của Thiên Chúa. Sau chuyến viếng thăm của Ðức Giám mục Carlo Maccari, đại diện Tòa Thánh, Cha Pio được hoàn toàn phục hồi trong năm 1965, thời Ðức Phaolô VI, để thi hành  Thừa tác vụ linh mục. Ngoài ra, ÐTC còn cho phép Cha Pio, lúc đó đã già yếu,  cử hành thánh lễ theo lễ nghi Latinh cũ, thay vì lễ nghi mới, được cải tổ  sau Công đồng Vatican II.
Các đau khổ không lúc nào từ bỏ Cha Pio. Vào cuối năm 1966, Cha không thể đứng để cử hành thanh lễ, bắt buộc phải ngồi trong suốt thánh lễ. Cha cũng không thể đi từ phòng ở đến Tòa giải tội đặt trong nhà thờ.
Ngày 20 tháng 9 năm 1968, kỷ niệm 50 năm lãnh nhận dấu thánh.  Trong dịp này,  Ðại hội quốc tế các nhóm cầu nguyện được tổ chức; nhưng Cha Pio không thể tham dự, vì ngài sắp qua đời. Lúc 2g30 ngày 23 tháng 9 năm 1968,  Cha đã tắt thở. Lúc các Bác sĩ và các Tu sĩ mặc áo  lễ cho Cha, các vết thương biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết nào cả.
Năm 1982 ÐTC Gioan Phaolô II cho phép khởi sự vụ làm án phong Chân phước cho Cha Pio và,  năm 1997 (sau 15 năm), ngài công nhận nhân đức anh hùng của Cha. Ngày 2 tháng 5 năm 1999, ÐTC chủ tế Thánh lễ tôn phong Cha lên bậc Chân phước, sau khi công nhận phép lạ do lời bầu cử của Cha. Người được khỏi bệnh lạ lùng và tức khắc là bà Consiglia De Martino, lúc đó điều trị tại Bênh viện ở thành phố Salerno (miền nam nước Ý). Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: "Chứng tá của Cha Pio là một lời kêu gọi mạnh mẽ về chiều kích siêu nhiên ... Vũ khí thực của Ngài là những cử chỉ thánh hằng ngày của việc giải tội và thánh lễ, bởi vì thánh lễ là trung tâm mỗi một ngày của Ngài".
Và Chúa nhật 16 tháng 6 năm 2002, tức sau ba năm, chính ÐTC lại chủ tế Thánh lễ phong Hiển Thánh cho Chân phước Pio, và từ đây Thánh Pio được tôn kính trong toàn Giáo hội. "Mirabilis Deus in Sanctis suis",  Chúa thật kỳ diệu và làm những việc kỳ diệu nơi các Thánh của Người".


Vài nét về Lễ Phong Hiển Thánh cho Cha Pio

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Lễ Phong Hiển Thánh cho Cha Pio.
Roma - 15/06/2002 - Vì trời Roma nóng nhiều và nhiệt độ lên cao dột ngột, Ban tổ chức Thánh lễ yêu cầu Thị xã Roma và Ban Bảo vệ Dân sự giúp đỡ, như trong các dịp trọng đại của Năm Toàn xá giúp đỡ. Thị xã Roma và Ban Bảo vệ Dân sự, ngoài việc cung cấp và phát không 750 ngàn chai nước nửa lít cho dân chúng, còn chuẩn bị sẵn sàng 8 xe lớn chở nước, để, nếu cần, phun vào dân chúng cho đỡ nóng. Việc phun nước trên dân chúng, Ban bảo vệ dân sự đã làm trong Ngày thế giới Thanh niên tạikhu phố Tor Vergata, Roma,  tháng 8 năm 2000. Những biện pháp  tương tự cũng được đưa ra  tại San Giovanni Rotondo, nơi đây có khoảng 50 ngàn người hành hương dự thánh lễ ngoài  trời, qua các màn ảnh TV cỡ bự dược tiếp vận từ Vatican.
Ðể bảo vệ an ninh, Bộ Nội vụ và Thị xã Roma đã dành sẵn khoảng một ngàn nhân viên thuộc các lực lượng an ninh và quân đội, trong đó có một số cải trang, len lỏi vào dân chúng, để kiểm soát và cấp cứu kịp thời  những vụ bất trắc có thể xẩy ra.
Ngày 2 tháng 5 năm 1999, cách đây ba năm, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 350 ngàn tín hữu đến từ khắp thế giới, ÐTC Gioan Phaolô II chủ sự thánh lễ trọng thể, trong đó ngài tôn phong Cha P�io lên bậc Chân phước. Một lễ nghi ít thấy, kể cả những dịp trọng đại, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Số người dự thánh lễ quá đông bắt buộc Ban tổ chức phải chia thành  hai nơi:  Quảng trường Thánh Phêrô dành cho khoảng 250 ngàn người và Quảng trường Thánh Gioan in Laterano khoảng hơn 100 ngàn, không kể từng trăm ngàn dự thánh lễ tại San Giovanni Rotondo, nơi Cha Pio hoạt dộng tông đồ cho đến lúc qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968, và từng triệu người theo dõi thánh lễ qua đài Truyền hình. Hai Quảng trường  Thánh Giovanni Laterano và quảng trường San Giovanni Rotondo, được tiếp vận với Vatican qua những màn ảnh Truyền Hình lớn, để mọi người có thể theo dõi các lễ nghi Phong Chân phước. Theo Ban tổ chức, dịp Lễ Phong Hiển Thánh, Quảng trường Thánh Gioan Laterano không xử dụng nữa, vì tránh mệt nhọc  cho ÐTC; nhưng sau Thánh Lễ ÐTC sẽ dùng xe Jeep  đi quanh Quảng trường Thánh Phêrô và Ðại Lộ Hòa Giải để chào dân chúng.
Sau ba năm, các đoàn hành hương và những nhóm cầu nguyện của Cha Pio lại có dịp trở lại Roma lần nữa, để dự lễ Phong Hiển Thánh . Với lễ nghi Phong Hiển Thánh, vào Chúa Nhật  16 tháng 6 nầy, Cha Pio được tôn kính cách công khai trong toàn Giáo hội. Có thể quả quyết rằng: Chưa có Vị Thánh nào được biết đến nhiều và tôn sùng như  Cha Pio trong lúc còn sống và sau khi đã qua đời, trừ Mẹ Têrêsa Thành Calcutta. Vì thế Ðài truyền hình qưốc gia Ý, trong buổi  truyền hình trước Lễ Phong Hiển Thánh và nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 12/06/2002,  gọi Cha Pio là: "Il Santo di tutti" (Vị Thánh của mọi người, của mọi dân tộc), như Thánh Phanxicô Thành Assisi và Thánh Antôn Thành Padova.
Cha Pio " il Santo di tutti" (Vị Thánh của mọi người và mọi dân tộc) - Cha Pio được sùng kính trên cả thế giới. Nhìn vào các nhóm cầu nguyện của Cha trên cả thế giới, chúng ta thấy lời quả quyết trên đây " il Santo di tutti" hoàn toàn phù hợp với sự thực.
Tại Bắc Mỹ châu:   Canada có 13 nhóm cầu nguyện. Hoa kỳ: 55 nhóm. - Tại Châu Mỹ Latinh: Mexicô có một nhóm - Guatemala: một nhóm - Venezuela: 4 nhóm - Ecuador: một nhóm - Chilê: 2 nhóm - Argentina: 4 nhóm - Uruguay:  9 nhóm.
Tại Châu Âu:  Bắc Ái nhĩ lan có 9 nhóm - Cộng hòa Ái nhĩ lan: 67 nhóm - Scottland: 14 nhóm - Anh quốc: 47 nhóm - Pháp: 28 nhóm - Ðức: 8 nhóm - Bỉ: 22 nhóm - Thụy sĩ: 33 nhóm - Luxembourg: 2 nhóm - Ba lan: 8 nhóm - Bồ đào nha: một nhóm - Tây ban nha: 4 nhóm - Rumania: 2 nhóm - Ðảo Malta: 27 nhóm - Ý: 2,300 nhóm.
Tại Châu Phi: Côte  d'Ivoire: 2 nhóm - Togo: một nhóm - Nigeria: 3 nhóm - Cameroun: 2 nhóm - Nam Phi: 2 nhóm.
Tại Châu Á: Ấn độ: 2 nhóm - Sri Lanka: 3 nhóm - Philippines: 2 nhóm.
Tại Châu Ðại dương: Australia: 10 nhóm.
Nguồn tin sau cùng của Nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" , số ra ngày 12/06/2002--- (với phần phụ trướng gồm 16 trang,  dành để nói về Cha Pio  nhân dịp lễ Phong Hiển Thánh)---, cho biết: Cha Pio còn được biết đến và tôn kính tại Irak, Ai cập, Eritrea, Tchad  và Bénin nữa.
Trong số các người sùng kính Cha Pio, chúng ta phải kể một Vị thời danh hơn cả là Ðức Karol Wojtyla, đã có công cổ võ và xúc tiến việc làm án phong Chân phước và Hiển Thánh cho Cha Pio, ngay sau khi Cha qua đời.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ðức Karol Wojtyla với Cha Pio xẩy ra vào những năm 1946-1948, lúc ngài còn là linh mục sinh viên tại Ðại Học Angelicum (của các Cha Dòng Ða-minh ở  Roma).  Nghe đồn về Cha Pio, Cha Karol Wojtyla muốn đến San Giovanni Rotondo để được thấy tận nơi những sự lạ lùng về Cha Pio. Sau lần gặp thứ nhất, Cha Karol Wojtyla còn trở lại nữa để củng cố lòng sùng kính đối với Vị Thánh sống này.
Lúc  làm Tổng giám mục Cracovia (Ba lan), trong những năm 1970 trở đi,--- (Cha Pio qua đời năm 1968)---, Ðức Karol Wojtyla vận động xin chữ ký để khởi sự tiến trình phong Chân phước. Trong lúc tham dự Công đồng chung Vatican II (1962-1965), Ðức Karol Wojtyla, đã viết thư (bằng tiếng Latinh) cho Cha Pio  để xin cầu nguyện cho một tín hữu Cracovia, bà Wanda Poldawska, bị chứng ung thư. Cha Pio viết lại cho Ðức Karol Wojtyla là ngài đã cầu nguyện theo ý chỉ này. Bà Wanda đã được khỏi tức khắc và còn sồng cho tới lúc này. Bà thường đến Roma kính thăm ÐTC. Bức thư thư bằng tiếng Latinh của Ðức Karol Wojtyla gửi cho Cha Pio đã được nhiều báo đăng lại. Người viết bài này đã được đọc bức thư và cũng được gặp Bà Wanda, người đã được Cha Pio  cầu nguyện để được chữa lành tức khắc, khỏi chứng bệnh ung thư.
Ngoài bức thư trên đây và những mối liên hệ mật thiết giữa Ðức Karol Wojytla và Cha Pio, người ta còn nhắc cả đến việc Cha Pio đã nói tiên tri là Ðức Karol Wojtyla sau này sẽ làm Giáo Hoàng. Nhưng lời tiên đoán này không tìm thấy trong các hồ sơ của vụ phong Thánh cho Cha Pio.
Ðể phổ biến thêm lòng sùng kính đối với Vị Thánh của mọi người, chúng tôi xin thuật lại ít chi tiết về đời sống của Cha Pio.
Cha Pio sinh tại Pietrelcina (thuộc tỉnh Benevento, miền nam nước Ý), năm 1887, tên gọi trước khi đi tu Dòng là Francesco Forgione. Năm 1910, Cha khấn Dòng Thánh Phanxicô (thành Assisi), ngành Cappucin. Sáu năm sau, cha được chuyển đến San Giovanni Rotondo vì vấn đề sức khỏe. Tại đây cha làm việc mục vụ trong nhiều năm và năm 1956 thiết lập Bệnh viện, được Cha gọi là "Casa del Sollievo della sofferenza" (nhà nâng đỡ sự đau khổ). Cha qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23 tháng 9 năm 1968.
Cha Pio nhận được những dấu thánh của sự đau khổ của Chúa Kitô, vào mùa Thu năm 1910 (sau khi đã tuyên khấn), nhưng Cha xin Chúa đừng cho ai nhìn thấy các dấu thánh này, vì Cha là một người rất khiêm tốn và đơn sơ. Từ ngày 20 tháng 9 năm 1918 đến lúc qua đời (23 tháng 9 năm 1968) Cha luôn luôn mang dấu thánh này và mọi người đều nhìn thấy. Một sự lạ lùng:  ngay sau lúc qua đời, các dấu thánh biến mất hẳn và không để lại trên thân xác Cha dấu vết gì cả.
Thực sự Cha mang cuộc tử nạn của Chúa trên thân xác và trong tâm hồn của Cha. Vì những vu khống, nhiều lần Cha bị Bộ "Giáo lý đức tin" (lúc đó còn gọi là Bộ Thánh Vụ, Sant'Uffizio) cấm thi hành công khai thừa tác vụ linh mục (giải tội và cử hành thánh lễ cho dân chúng). Cha sẵn sàng tuân theo những biện pháp kỷ luật do Cấp trên ban xuống.
Cha qua đời 23 tháng tháng 9 năm 1968 và vụ làm án phong Chân phước, ở  cấp bậc Giáo phận được khởi sự năm 1969. Sau 30 năm, ngày 2 tháng 5 năm 1999, Cha Pio được tôn phong lên bậc Chân phước và sau hai năm, tức ngày 17 tháng 12 năm 2001, ÐTC Gioan Phaolô II công bố Sắc lệnh công nhận việc khỏi bệnh cách lạ lùng của một em nhỏ 8 tuổi, tên là Matteo Colla, bị chứng viêm màng não trầm trọng, do lời bầu cử của Chân phước Pio. Em nầy sẽ hiện diện trong Lễ Phong Hiển Thánh,  Chúa nhật 16  tháng 6 năm 2002, và được rước lễ do chính ÐTC.
Sau đây là Chương trình Thánh lễ Phong Hiển Thánh:
Thánh lễ được khởi sự lúc 10 Chúa nhật 16/06/2002, tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Số người tham dự được dự tính khoảng 500 ngàn , nhưng số vé chỉ cấp phát cho khoảng 250 ngàn, con số có thể được vào Quảng trường Thánh Phêrô và Ðại Lộ  Hòa Giải.
Ðể giúp mọi người tham dự thánh lễ, dù ở xa bàn thờ, Ban tổ chức đã cho đặt 9 màn ảnh TV lớn,  4 Màn Ảnh dọc đường  Hòa Giải, và 5 Màn Ảnh tại hai Quảng trường Adriana và Risorgimento, kế bên khu vực San Pietro. Khu vực chung quanh Ðền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô chỉ dành cho người đi bộ mà thôi. Gần 4 ngàn xe ca và xe tư  nhân sẽ có bãi đậu dành riêng. Một ngàn tự nguyện viên lo giữ trật tự - sáu địa diểm cung cấp nước uống và 757 nhà vệ sinh hóa chất,  được đặt tại các khu vực chung quanh.
Tất cả những ai có vé dự lễ được dùng xe công cộng (Bus, xe Metro) miễn phí.
Chúng ta, con cái Giáo hội, cùng nhau  cảm tạ Chúa Ba Ngôi cực thánh đã dành cho Giáo hội, dù phải sống giữa một thế kỷ bị đảo lộn bởi hai thế chiến, bởi nhiều biến cố đau thương, những Vị Thánh đặc biệt, như Cha Pio và Mẹ Têrêsa. Nhìn vào các Thánh, chúng ta thấy rõ ràng rằng: chỉ có sự thánh thiện đời sống, mới chính phục được các linh hồn và mới làm cho thế giới ngày nay trở về với  Chúa, nguồn mạch sự thánh thiện và hạnh phúc của con người.


Một Phép lạ
do lời cầu bàu của Chân Phước Piô
đã được nhìn nhận

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Một Phép lạ do lời cầu bàu của Chân Phước Piô đã được nhìn nhận.
 Tin Roma (Apic 20/10/2000): Tòa Án cấp giáo phận, để phong hiển thánh cho Cha Piô, vừa được kết thúc, với việc nhìn nhận một phép lạ đã được thực hiện cho một em bé, do lời bầu cử của Cha Piô.
 Ngày mùng 2 tháng 5 năm 1999, Cha Piô Năm Dấu, đã được Ðức Gioan Phaolô II phong lên bậc chân phước, tức Á Thánh. Nay với phép lạ vừa được nhìn nhận ở cấp giáo phận, thì việc phong hiển thánh cho Cha Piô, không còn xa vời nữa. Theo giáo luật, phép lạ vừa được nhìn nhận ở cấp giáo phận, sẽ được khảo sát bởi ba Ủy ban, trước khi quyết định phong hiển thánh cho Cha Piô: Ủy Ban thứ nhất là Ủy ban Khoa Học và Y Khoa, rồi đến Ủy ban Thần Học và cuối cùng là Ủy ban các Hồng Y. Sau khi cả ba Ủy ban nầy chính thức công nhận phép lạ, thì ÐTC Gioan Phaolô II sẽ quyết định phong hiển thánh cho Cha Piô.
 Cha Piô sinh ra tại Pietralcina, một làng quê nhỏ thuộc tỉnh Bênêventô, miền nam nước Ý, vào ngày 25 tháng 5 năm 1887. Năm 15 tuổi, Francesco Forgione, tên gọi đời của Cha Piô, vào tu dòng các cha Capucin. Năm 1918, cha Piô được ơn mang lấy 5 dấu thánh Chúa trên mình, thu hút nhiều tín hữu hành hương đến lảnh nhận bí tích Hòa Giải nơi Cha. Cha qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968. Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu tín hữu đến cầu nguyện bên Mộ Cha, tại San Giovanni Rotondo (Italia), nơi mà vào năm 1940, Cha đã thành lập một bệnh viện cho người nghèo, được gọi là "Nhà Xoa Dịu Sự Ðau Khổ". Ngoài công việc từ thiện qua Nhà Thương như vừa nói, Cha Piô còn thành lập những "nhóm cầu nguyện", được Tòa Thánh nhìn nhận. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 3,000 nhóm cầu nguyện, với tổng số khoảng 500,000 tín hữu thành viên.
 



Về Một Phép Lạ
vừa xảy ra vào tháng 4/1999 bên Italia
nhờ lời bầu cử của Cha Piô

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Về Một Phép Lạ vừa xảy ra vào tháng 4/1999 bên Italia nhờ lời bầu cử của Cha Piô.
Cha Pio làm rất nhiều phép lạ, khi còn sống cũng như sau khi qua đờiï. Qua chương trình truyền hình tối thứ Ba 27.04.99, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, do ký giả Bruno Vespa thực hiện trên đài truyền hình Ý, với sự tham dự của rất nhiều nhân vật thuộc các giới khác nhau trong xã hội: chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân và cả những vị vốn tự xưng là "vô tín ngưỡng", hàng triệu người đã được nghe thuật lại những phép lạ do lời bầu cử của Cha Pio, Tu Sĩ Phanxicô, qua đời năm 1968, nổi tiếng khắp thế giới, và sẽ được tôn phong lên bậc Chân Phước vào Chúa Nhật mồng 2 tháng 5/1999.
Theo luật lệ, để được tôn phong lên bậc Chân Phước, các vị hiển tu cần có một phép lạ. Các Vị Tử Ðạo không cần, vì chính việc hy sinh mạng sống vì đức tin là một phép lạ. Cha Pio đã làm biết bao phép lạ, cả khi còn sống. Chỉ cần Ủy Ban các Bác Sĩ của Bộ Phong Thánh nghiên cứu và công nhận những sự việc đó là những phép lạ. Với lễ nghi phong Chân Phước, Vị Chân Phước mới chỉ được tôn kính trong giới hạn địa phương. Trái lại với việc Phong Hiển Thánh, Vị Thánh được tôn phong, được tôn kính trong toàn thể Giáo Hội.
Trong bài thời sự nầy, chúng tôi xin tường thuật một phép lạ vừa xẩy ra trong những ngày trước lễ Phong Chân Phước của Cha Pio. Phép lạ này đã được nhật báo Tin Chiều (Corriere della sera), một trong các báo lớn nhất của Ý, xuất bản tại Milano, số ra ngày 22.04.1999, thuật lại từng chi tiết. Phép Lạ xẩy ra tại thành phố Ragusa, đảo Sicilia, miền nam nước Ý. Tựa đề lớn của nhật báo chiếm cả trang 17 như sau: "Con trai tôi trong trạng thái hôn mê đã được Cha Pio cứu chữa".
Ðây là một sinh viên đại học vừa bị tai nạn xe hơi, được đưa vào phòng "hồi sinh" của bệnh viện Maggiore di Modica. Theo y khoa, cậu bị coi như là chết rồi. Cha mẹ đã cho phép lấy các cơ thể để ghép cho các bệnh nhân khác. Ðột nhiên, một Cha Dòng Cappucin, rất sùng kính Cha Pio, cho bệnh nhân hôn mê này thấy di tích Cha Pio: Bệnh nhân tỉnh lại. Ðây là Phép Lạ hay không, còn phải chờ đợi phán quyết chính thức của Ủy Ban Các Bác Sĩ của bộ Phong Thánh; nhưng trong rường hợp vừa kể, chúng ta lưu ý là đã có một cái gì khác thường đã xảy ra.
Chi tiết của sự việc như sau: Anh sinh viên Georgio Rinzivillo, 22 tuổi, bị đưa vào phòng "hồi sinh" của bệnh viện Maggiore di Modica, sau khi bị tai nạn xe hơi, do một người bạn lái. Tai nạn xẩy ra ngày 10.04.99. Trong 10 ngày nằm tại phòng "hồi sinh", Giorgio không tỏ ra dấu gì còn sống nữa. Các bác sĩ tuyên bố: Theo y khoa Giorgio coi như đã chết thật và quyết định tháo máy trợ sinh nhân tạo. Cha mẹ của anh Giorgio chấp nhận tình trạng của con mình và ưng thuận cho lấy các cơ thể của anh để ghép cho các bệnh nhân khác. Trong lúc đó, người em của Giorgio xin Cha Enzo La Porta, giúp đỡ. Cha thường viếng thăm các bệnh nhân trong bệnh viện Maggiore di Modica. Theo lời xin, Cha Enzo đến thăm Giorgio. Tới nơi, cha móc trong túi ra một mớ tóc của Cha Pio mà cha giữ luôn trong mình như đồ kỷ niệm quí báu. Cha giơ di tích thánh cho Giorgio thấy. Lập tức bệnh nhân tỏ ra dấu hiệu còn sống, mở mắt và khóc. Các người trong gia đình, các bác sĩ, y tá hết sức ngạc nhiên về sự việc đang xẩy ra. Trường hợp của Giorgio lúc này gây lúng túng cho các bác sĩ; trong lúc đó, các người biết câu chuyện hết sức xúc động, cho là Phép Lạ của Cha Pio.
Bác Sĩ Pietro Buonomo, phó Giám Ðốc bệnh viện tuyên bố: "Tình trạng của Giorgio trở nên khả quan dần dần. Tôi công nhận bệnh nhân trong tình thái hôn mê, không còn phản ứng gì nữa từ nhiều ngày. Chúng tôi đã họp Ủy Ban để quyết định nên cho lấy các cơ thể để ghép cho bệnh nhân khác, như gia đình đã cho phép; nhưng sau nửa giờ, các bác sĩ ấn định tiếp tục điều trị, không rút máy hồi sinh. Bệnh nhân mỗi lúc mỗi khá hơn".
Bác Sĩ Vincenzo Manenti, giám đốc bệnh viện, công nhận rằng: Nhóm bác sĩ chuyên về ghép cơ thể đã sẵn sàng lấy cơ thể, sau khi có sự ưng thuận của cha mẹ của Giorgio. Rồi đột nhiên, ông bà xin hoãn lại thời gian. Ban chiều Cha Enzo La Porta trở lại bệnh viện với mớ tóc của Cha Pio được giữ cẩn thận trong túi áo. Cha nói: "Chính em của Giorgio đã đến xin tôi tới thăm anh mình hấp hối. Thực sự tôi không muốn nói về phép lạ; tôi chỉ biết rằng: một thanh niên 22 tuổi trong trạng thái hôn mê sẽ có thể lành mạnh lại". Cha không muốn thêm gì nữa, dù biết rằng đã có cái gì đó xẩy ra khác thường trong phòng hồi sinh. Bà mẹ của Giorgio tiếp tục khóc vì vui mừng, bám víu vào cửa kính của phòng hồi sinh, để nhìn xem con. Bà nói: "Gia đình chúng tôi là gia đình đạo đức. Vì thế, khi biết chắc con chúng tôi sẽ chết, chúng tôi sẵn sàng hiến cơ thể để người khác được sống; nhưng thực ra tôi vẫn tiếp tục hy vọng vào phép lạ. Tôi nghe như có tiếng nói trong tâm hồn rằng: Giorgio sẽ sống".
Thấy con mình bắt đầu phản ứng, cha của Giorgio nói: "Cha sẽ mua cho con chiềc xe mới khác". Bà mẹ nói thêm: "Tôi chắc rằng. Giorgio đã tỉnh lại nhờ Cha Pio. Lúc này đây chúng ta cầu nguyện cho Carmelo Giannone nữa". Anh thanh niên này đã bị tai nạn chung với Giorgio, hiện điều trị tại bệnh viện ở Catania. Gianluca Rinzivillo, em của Giorgio, tuy mới 16 tuổi, dè dặt hơn. Cậu nói: "Anh tôi khá hơn rồi, nhưng nói đến Phép Lạ có lẽ hơi sớm quá". Chính Gianluca là chứng nhân của sự việc xẩy ra. Cậu nói: "Cha Enzo La Porta, bạn của tôi, đã cho anh tôi thấy mớ tóc của Cha Pio. Từ đó, anh tôi bắt đầu khóc và có những phản ứng". Tại Modica, để tỏ dấu tôn sùng đối với Cha Pio, các buổi cầu nguyện liên tiếp được khởi sựï, từ lúc có tin về Phép Lạ vừa xảy ra, nhưng cũng để chuẩn bị mừng Lễ phong Chân Phước cho Cha Piô vào Chúa Nhật 2/05/1999.