# Tấm khăn liệm thành Torino

Phỏng vấn giáo sư Bruno Barberis
về Tấm Khăn Liệm thành Torino

Phỏng vấn giáo sư Bruno Barberis về Tấm Khăn Liệm thành Torino.
Roma (Zenit 8-06-2012; Vat. 21-08-2012) - Vào hạ tuần tháng 5 năm 2012 - giáo sư Bruno Barberis, chuyên viên nghiên cứu Tấm khăn liệm thành Torino, đã thuyết trình các bài cuối cùng trong chương trình khóa học lấy bằng chuyên môn về khoa nghiên cứu Tấm Khăn Liệm, do đại học giáo hoàng Nữ Vương các Tông Ðồ ở Roma tổ chức.
Giáo sư Barberis đã bắt đầu nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino năm 1975, và từ năm 1977 giáo sư là thành viên Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh thành Torino và của Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm học, là cơ quan tổ chức các cuộc nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăm Liệm. Từ năm 1983 ông là giáo sư Vật lý toán học tại phân khoa "Khoa học toán, Vật lý và Thiên nhiên" của đại học Torino. Trong các năm 1988-2002 giáo sư đã là Chủ tịch Huynh đoàn Tấm Khăn Liệm Rất Thánh và là giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa Tấm Khăn Liệm thành Torino. Từ năm 2002 giáo sư là Giám đốc khoa học của Trung tâm. Giáo sư Barberis cũng là tác giả của hơn 20 cuốn sách và hơn 150 bài viết về Tấm Khăn Liệm trên bình diện khoa học cũng như trên bình diện phổ biến kiến thức đại đồng. Các bài nghiên cứu này được đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế, cũng như trên các nhật báo Italia và quốc tế. Giáo sư cũng đã chủ tọa 2,000 buổi diễn thuyết về Tấm Khăn Liệm tại Itaia cũng như tại hải ngoại.
Hỏi: Thưa giáo sư Barberis, theo giáo sư đâu là các tiêu chuẩn lượng định các nghiên cứu và tìm tòi về Tấm Khăn Liệm thành Torino?
Ðáp: Trong hơn 100 năm chia cách chúng ta với bức hình chụp Tấm Khăn Liệm lần đầu tiên hồi năm 1898, đã có hàng "sông mực" chảy ra để nghiên cứu và tìm hiểu Tấm Khăn Liệm. Thư mục về Tấm Khăn Liệm hiện bao gồm hàng ngàn tác phẩm được công bố trên năm châu. Nhưng không luôn luôn dễ dàng minh giải và gỡ rối các tác phẩm khác nhau, thường đưa ra các giả thuyết mới, các phê bình hay chỉ trích ít nhiều xây dựng liên quan tới các nghiên cứu đi trước, hoặc các đề nghị nghiên cứu tìm tời mới. Làm thế nào để lựa chọn các công việc nghiêm chỉnh và có ý nghĩa trong hàng đống tác phẩm như thế?
Khía cạnh thứ nhất quan trọng cần chú ý gắn liền với sự kiện Tấm Khăn Liệm liên kết các lý do và các lợi ích khoa học cũng như tôn giáo. Ðiều này đương nhiên không có gì là tiêu cực cả, trái lại còn vô cùng hấp dẫn và lý thú nữa. Nhưng rất thường khi người ta có nguy cơ lẫn lộn hay trộn lẫn hai bình diện với nhau, và đánh mất đi giá trị và hiệu lực của sự truyền thông, nhất là khi người ta phạm lỗi lầm nghiêm trọng đương đầu với các vấn đề có tính cách tôn giáo với các phương pháp khoa học, và ngược lại, đương đầu với các vấn đề khoa học với các phương pháp loại tôn giáo.
Có một nguy cơ nghiêm trọng khác nữa: đó là để cho các xác tín cá nhân liên quan tới đức tin ảnh hưởng trên các cứu xét và các kết qủa nghiên cứu lịch sử khoa học. Ðiều này thường dẫn tới các kết luận gò ép, được đưa ra bởi ý muốn chứng minh bằng mọi cách các luận thuyết chế sẵn, hay để chống lại các luận thuyết không trùng hợp với các xác tín cá nhân của mình.
Hỏi: Và như thế là dễ rơi vào một khuynh hướng cuồng tín, có đúng thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Vâng, như thế là dễ rơi vào khuynh hướng qúa khích, và như vậy không phải là việc tìm tòi khoa học nghiêm chỉnh. Khuynh hướng qúa khích này thường gây ra sự lẫn lộn nơi người đọc, khiến cho họ có cảm tưởng đang chứng kiến một cuộc chiến giữa các luận thuyết chống đối nhau hơn là một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh và chính xác. Cuộc đối thoại ấy có thể chặt chẽ, nhưng để thực sự khoa học, thì phải có tính cách xây dựng, biết tôn trọng các ý kiến của người khác, và chỉ có mục đích tìm hiểu sự thật.
Nhiệm vụ của nhà khoa học nghiêm túc là nhiệm vụ thông tin một cách đúng đắn, bằng cách luôn luôn phân biệt giữa các tin tức và các sự kiện chắc chắn với các giả thuyết chỉ dựa trên một phần các dữ kiện và tài liệu, hay dựa trên các dữ kiện và tài liệu không đáng tin cậy chút nào. Do đó khó mà phân biệt được một cách rõ ràng giữa các sách vở tài liệu tuyệt đối nghiêm chỉnh và chính xác với các sách vở tài liệu không nghiêm chỉnh và chính xác.
Hỏi: Vậy thì thưa giáo sư đâu là các đặc thái của cuộc thảo luận về Tấm Khăn Liệm trong hai mươi năm qua?
Ðáp: Trong các năm qua, người ta đã chứng kiến một cuộc thảo luận khá sôi nổi chung quanh Tấm Khăn Liệm, có lẽ chưa bao giờ xảy ra như thế trong qúa khứ. Ðược như thế cũng là nhờ cái loa phóng thanh của các phương tiện truyền thông.
Cuộc tranh luận này đã bắt đầu bởi việc xác định thời gian của Tấm Khăn Liệm qua tia hồng ngoại tuyến hồi năm 1988. Và kết qủa của nó khẳng định rằng Tấm Khăm Liệm thuộc thời Trung Cổ, đã khơi dậy một cuộc đối đầu sôi nổi, không chỉ giữa các nhà khoa học và chuyên viên nghiên cứu, mà cả trong dư luận công cộng nữa. Cũng như đã xảy ra trong qúa khứ, cuộc tranh luận không chỉ giới hạn giữa hai phe chống đối nhau kịch liệt: một bên bênh vực tính cách xác thực tuyệt đối không thể thảo luận của Tấm Khăn Liệm vì cho rằng nó là tấm khăn liệm xác Ðức Giêsu thành Nagiarét; và bên kia ủng hộ luận thuyết cho rằng nó là tấm khăn liêm giả, hay không dính dáng gì tới Ðức Giêsu thành Nagiarét. Sau cùng nó cũng lôi cuốn nhiều nhà khoa học và các chuyên viên vào cuộc: họ bị lôi kéo bởi việc kiếm tìm sự thật hơn là khả năng chứng minh một luận thuyết làm sẵn. Dù muốn hay không, họ tự đặt mình vào trong một lập trường dung hòa ở giữa hai phe chống đối nhau, và thường không phải là lập trường thuận tiện nhất.
Và như thế người ta đã chứng kiến một loạt các can thiệp bất tận, đôi khi nặng nề, theo sau đó là các phản bác không kém nặng nề. Một vài nghi ngờ được nêu lên với các sự kiện rõ ràng có chứng cớ tài liệu; các nghi ngờ khác thì tự ý và có thể theo ý kiến này hay ý kiến nọ. Kết qủa đã là sự chia rẽ ngày càng rõ ràng và vô lý trong cuộc tranh cãi của hai bên chống đối nhau, làm giảm sự chú ý tới các lý lẽ tuyệt đối có tính cách khoa học đáng lý ra phải là các lý lẽ duy nhất cần lưu tâm; đàng khác là tình trạng dậm chân tại chỗ như hiện nay. Trong khi đó còn có rất nhiều việc phải làm để kiểm thực cặn kẽ các phê bình chỉ trích nghiêm chỉnh liên quan tới việc dùng phương pháp tia hồng ngoại than để xác định thời gian của Tấm Khăn Liệm, và nhất là để giải thích các dự kiện đã đạt được một cách đúng đắn.
Hỏi: Nhưng mà đáng lý ra thì cuôc tranh luận khoa học phải phải xảy ra giữa các nhóm khoa học gia và các chuyên viên nghiên cứu thôi chứ, thưa giáo sư?
Ðáp: Vâng, đáng lý ra thì phải như vậy, vì đó là điều đúng đắn theo luận lý. Nghĩa là cuộc thảo luận chỉ ở giữa các nhà khoa học và chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm để xác định Tấm Khăn Liệm đã được dệt khi nào ra sao và gồm các chất liệu gì, với khả thể là công bố các kết qủa thử nghiệm và các nhận định lý thuyết trong các cuộc gặp gỡ và các hội nghị khoa học. Nhưng thật ra đã không xảy ra như thế, bởi vì trong cuộc thảo luận đã có các lý luận không khoa học liên quan tới việc lấy mẫu thử nghiệm và định thời gian không theo các tiêu chuẩn khoa học, mà đúng hơn là theo tiêu chuẩn luân lý đạo đức và sự liêm chính trong cung cách hành xử của những người tham dự công việc điều tra với các tước hiệu khác nhau.
Hỏi: Giới truyền thông có phần lỗi nào trong cảnh hỗn loạn này không?
Ðáp: Có. Giới truyền thông chắc chắn đã không giúp cho công việc được dễ dàng hơn, vì họ thường can thiệp một cách rộng rãi vào một ít tin tức nhỏ nhặt, mà lại im lặng đối với các tin nghiêm chỉnh quan trong. Họ hầu như chỉ chú ý tới các tin giật gân trong xác tín vô lý và nguy hiểm rằng đối với giới độc giả trung bình việc hiểu biết các bước tiến, đôi khi rất nhỏ và không có tính cách định đoạt, của việc nghiên cứu, tuyệt đối không quan trọng. Và hậu qủa là dư luận công cộng hầu như chỉ biết tới các thảo luận thô kệch và vô nghĩa, mà không biết gì về các nghiên cứu có ý nghĩa và quan trọng.
Thế rồi còn có cuộc tranh cãi giữa hai khuynh hướng qúa kích. Một bên bênh vực lập trường chắc chắn Tấm Khăn Liệm này là Tấn Khăn Liệm thật đã bọc xác Chúa Giêsu Kitô, và một bên cho rằng không có tương quan nào giữa hai Tấm Khăn Liệm. Có thể bênh vực lập trường của mình, nhưng cũng phải tôn trọng các tiêu chuẩn của khoa học tân tiến. Ở đây trái lại người ta chứng kiến nhiều khẳng định và các tranh luận, khởi hành từ các giả thuyết tuyệt đối tự do và chế sẵn. Người ta sử dụng các lý luận đi ngược lại các luật lệ luận lý sơ đẳng nhất, để đi đến các kết luận không thể chứng minh được.
Hỏi: Thế người ta đi đến các kết luận nào?
Ðáp: Nhiều thứ lằm: nào là trên Tấm Khăn Liệm có vẽ hình của nhà danh họa và khoa học gia Leonardo di Vinci; nào là Tấm Khăn Liệm là khăn giả thuộc thời Trung Cổ đã dùng các kỹ thuật lạ không được biết ngày nay. Rồi Tấm Khăn Liệm là bằng chứng khoa học của sự sống lại, hay là hậu qủa của hiện tượng phóng xạ đặc thù của sự sống lại, làm như thể sự sống lại là một điều tự nhiên, có thể lập lại được trong phòng thí nghiệm, và vì vậy có thể xem xét được với các phương pháp khoa học. Và danh sách còn dài lắm.
Gò ép các dữ kiện khoa học hay hoàn toàn lơ là chúng và khởi hành từ các giả thuyết tuyệt đối không có các nền tảng có nghĩa là gây thiệt hại và làm mất uy tín ý nghĩa và sứ điệp khiến cho Tấm Khăm Liệm là vật duy nhất trên thế giới này. Khởi hành từ giả thuyết Tấm Khăn Liệm là khăn bọc xác Chúa Kitô, và tìm mọi cách chứng minh cho điều đó mà không chú ý tới các lý lẽ nghiêm chỉnh và khách quan, hay khởi hành từ việc coi Tấm Khăn Liệm là một tác phẩm giả thời Trung Cổ, thì không chỉ là làm một việc không đúng đắn trên bình diện khoa học, mà còn là lừa dối tất cả những người muốn biết nhiều hơn về Tấm Khăn Liệm, coi các kết luận ấy là thật.
Hỏi: Như vậy đâu là thái độ đúng đắn nhất thưa giáo sư?
Ðáp: Thái độ đúng đắn nghiêm chỉnh và liêm chính duy nhất là của người ước muốn hiểu biết sự thật, khiêm tốn kiếm tìm, mà không yêu sách nuốn chứng minh luận thuyết chế sẵn nào cả; trái lại khước từ tất cả những gì không được chứng minh một cách nghiêm chỉnh và khoa học.
Lập trường của người tìm kiếm quân bình và liêm chính thì khá phiền toái, và ai chọn nó thì phải có can đảm và kiên trì theo đuổi cho đến cùng, bởi vì nó là con đường duy nhất dẫn tới chỗ thực hiện các cuộc tìm kiếm nghiêm chỉnh và có nền tảng, giúp thông tin cho dân chúng một cách trung thực và liêm chính. Lời Ðức Gioan Phaolô II nói ngày 24 tháng 5 năm 1998 trước Tấm Khăn Liệm phải là kim chỉ nam hướng đẫn nhà nghiên cứu: "Giáo Hội khuyến khích các nhà khoa học đương đầu với việc nghiên cứu Tấn Khăn Liệm mà không có các lập trường chế sẵn coi các kết qủa như đương nhiên, mà thực ra không phải như vậy. Giáo Hội mời gọi họ hành động với sự tự do nội tâm và sốt sắng tôn trọng phương pháp khoa học cũng như sự nhậy cảm của các tín hữu".
Hỏi: Thưa giáo sư Barberis, theo kinh nghiệm của giáo sư, khoa học và đức tin đối thoại với nhau hay chống đối nhau?
Ðáp: Tương quan giữa đức tin và khoa học là một đề tài vô cùng thời sự. Vì trong thời đại của chúng ta thường có các mâu thuẫn và lập trường chống đối liên quan tới các đề tài như vậy. Việc phổ biến trên Internet, các cuộc tranh luận trên đài truyền hình, các bài viết trên báo chí đã góp phần một cách đáng kể vào việc quảng bá các đề tài này, ngay cả giữa những người không bao giờ chu ý đến, hay không đọc sách về các đề tài đức tin và khoa học. Nhưng người ta cũng ghi nhận nguy cơ của việc thông tin xấu, vì rất thường khi những người được mời phát biểu về các đề tài này lại không phải là các chuyên viên, và họ cũng không có sự khách quan và phương pháp sít sao cần thiết.
Và như thế người ta thường chứng kiến các cuộc tranh luận xung đột, trong đó người ta bênh vực các ý kiến tiên thiên và hầu như luôn luôn thiếu sự nghiêm chỉnh, thiếu các lý luận và các suy diễn nghiêm xác. Do đó ít khi người ta có được các suy tư đúng đắn liên quan tới khoa học và đức tin, nhắm mục đích minh giải và kiểm thực xem có khả năng đối thoại xây dựng và hội nhập hay không. Và đây là điểm nòng cốt. Có đúng thật là khoa học và đức tin không thể hòa hợp với nhau đươc như nhiều người chủ trương hay không? Có đúng thật là các khám phá khoa học có thể cho phép con người hiểu biết tất cả sự thật liên quan tới cuộc sống của mình cũng như ý nghĩa của tất cả những gì bao quanh, và do đó đức tin cùng lắm chỉ là một cái gì thuần túy chủ quan và riêng tư thôi hay không?
Hỏi: Thưa giáo sư, nếu đức tin và khoa học có tương quan với nhau, thì tương quan ấy bao gồm bao nhiêu loại?
Ðáp: Ông Ian Barbour, một học giả người Mỹ, đã đưa ra giả thuyết bốn loại tương quan khác nhau giữa khoa học và đức tin: tương quan xung khắc, tương quan tùy thuộc, tương quan đối thoại và tương quan hội nhập. Ngày nay, xem ra hai kiểu xung khắc và tùy thuộc thắng thế. Nhưng phải hỏi xem có thể có một cuộc đối thoại ích lợi và xây dựng, hay hơn nữa, một sự hội nhập đích thật của hai tri thức trong một viễn tượng liên ngành hay không. Ðây là các câu hỏi nền tảng mà chúng ta không thể tránh né, trong tư ách là các thành phần của xã hội trong đó chúng ta sống, và như là các cá nhân phải suy tư về nền tảng cuộc sống là người của chúng ta, và về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống trong vũ trụ mênh mông bát ngát bao quanh chúng ta.
Một trong các giáo sư thường đề cập tới vấn đề này là giáo sư Joseph Ratzinger, tức Ðức Ðương Kin Giáo Hoàng Biển Ðức XVI, trong rất nhiều sách vở, và các tài liệu chính thức cũng như các diễn văn. Các diễn văn ý nghĩa nhất đã được thu thập trong một cuốn sách hay của ông Umberto Casale tựa đề "Ðức tin và khoa học. Một cuộc đối thoại cần thiết".
Trong số các diễn văn của Ðức Thánh Cha mà tôi muốn nhắc tới, có bài thuyết trình mà Ðức Hồng Joseph Ratzinger đọc tại rạp hát Regio ngày 12 tháng 6 năm 1998, nhân dịp ngài đến viếng Tấm Khăn Liệm thành Torino. Ðức Hồng Y Ratzinger nói: "Nếu con người không thể tự vấn một cách có lý lẽ về các điều nòng cốt của cuộc sống, về nguồn gốc, vận mệnh, về cái nó phải và có thể làm, mà phải để các vấn đề định đoạt này cho một tâm tình tách rời khỏi tôn giáo, thì khi đó nó không nâng cao lý trí, mà lấy mất đi phẩm gía của lý trí. Sự tan rã của con người được đưa vào như thế đồng thời làm nảy sinh ra bệnh tật của tôn giáo và bệnh tật của khoa học". Rồi Ðức Hồng Y nói thêm: "Không có sự lựa chọn nào khác, lý trí và tôn giáo phải trở lại với nhau, mà không tan biến trong nhau... Ðiều này liên lụy tới con người và liên lụy tới thế giới".
Hỏi: Thế riêng cá nhân giáo sư, thì giáo sư nghĩ gì về vấn đề này?
Ðáp: Tôi đã không bao giờ nghĩ rằng giữa đức tin và khoa học có sự không thể hòa hợp được, miễn là luôn luôn có sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai lãnh vực. Khoa học là nguồn mạch các giá trị của sự hiệp thông, chứ không phải là sự đối kháng với các gía trị của đức tin. Trong mỗi lãnh vực của khoa học, nhờ các nghiên cứu và tìm hiểu con người đã từ từ ý thức được mình là nơi chứa đựng một đặc ân duy hhất: đó là có thể đọc ra cái luận lý của Vũ trụ, nghĩa là của thực tại trong đó chúng ta sống. Ðàng khác, khoa học không thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa, và cũng không thể chứng minh được sự không hiện hữu của Thiên Chúa. Khoa học chỉ có thể tìm hiểu các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên. Ðức tin là một ơn của Thiên Chúa, và nó cho phép chúng ta bước vào trong thế giới của sự siêu việt để thử hiểu biết và lãnh hội đựơc ý nghĩa của nó.
Khoa học gia Galileo Galilei đã có các kiểu diễn tả nổi tiếng về việc phân chia nhiệm vụ giữa khoa học và đức tin và tính cách bổ túc cho nhau của chúng. Ông nói như sau: "Ý của Chúa Thánh Thần là dậy cho chúng ta biết lên trời thế nào, chứ không phải trời đi như thế nào"; "Thánh Kinh và thiên nhiên đều bắt nguồn từ Ngôi Lời Thiên Chúa: Thánh Kinh như là lời Chúa Thánh Thần đọc cho mà viết, thiên nhiên như là kẻ rất vâng lời thi hành các mệnh lệnh của Thiên Chúa". Nếu khi đọc các chương đầu của sàch Sáng Thế, mà chúng ta yệu sách tìm thấy nơi đó một miêu tả khoa học đúng đắn việc tạo thành Vũ trụ và sự phát triển của sự sống trên trái Ðất này, thì chúng ta phạm một lỗi lầm lượng định nghiệm trọng. Lý do là vì các trang sách đó là một suy tư thần học tuyệt diệu đã được các soạn giả sống nhiều thế kỷ trước Chúa Kitô biên soạn ra, chứ không phải là một khảo luận về vũ trụ học.
Ðức Gioan Phaolô II đã nói với các tham dự viện một đại hội các hoa học gia như sau: "Khoa học và đức tin đều có gốc rễ trong một ơn tuyệt vời mà Ðấng Tạo Hóa đã ban cho con người: đó là lý trí. Khoa học và đức tin, cả hai đều không thể thiếu để con người có thể tiến triển trong sự hiểu biết một cách trọn vẹn, bằng cách phát triển tất cả con người, chứ không phải chỉ phát triển một phần của nó mà thôi".
Hỏi: Như thế khi áp dụng các điều trên đây vào việc nghiên cứu Tấm Khăn Liệm thành Torino, chúng ta cũng phải chú ý tới hai bình diện, có đúng thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Vâng, đúng thế. Việc đọc hiểu, nghiên cứu và suy niệm về hình người trên Tấm Khăn Liệm thành Torino, một cách nòng cốt, dẫn đưa tới hai bình diện suy tư. Một đàng, việc nghiên cứu hình diễn tả một lợi ích rất cao trên bình diện khoa học. Nhất là trong bốn mươi năm qua các nhà khoa học đã tìm hiểu cặn kẽ các đặc tính và nguồn gốc của nó, bằng cách đưa ra các nghiên cứu trong các lãnh vực khác nhau của khoa học như: vật lý, hóa học, sinh học, tin học, y khoa, thống kê vv... Vì thế trong các năm này Tấm Khăn Liệm đã là trung tâm của một cuộc thảo luận rộng rãi, sôi nổi, có thứ tự trên bình diện khoa học và liên ngành.
Ðàng khác, truyền thống đã luôn luôn coi Tấm Khăn Liệm như là khăn liệm xác Ðức Giêsu thành Nagiarét, và trong thời gian mới hơn sau này việc đồng hóa đó đã có được các kết qủa đáng kể từ các nghiên cứu chú giải kinh thánh. Và điều này đã lôi kéo sư chú ý của lãnh vực đức tin kitô và mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về tương quan giữa Tấm Khăm Liệm và đức tin. Các cuộc trưng bầy mới đây vào các năm 1998, 2000 và 2010 đã góp phần vào việc minh nhiên ý nghĩa mục vụ và tinh thần của Tấm Khăn Liệm. Hai kiểu hiểu việc tìm tòi về Tấm Khăn Liệm thường gặp phải các đụng độ đôi khi chia rẽ cả các nhân viên làm việc nghiên cứu cũng như dân chúng.
Tấm Khăn Liệm là đối tượng của đức tin, của lòng sùng kính hay là đối tượng của lợi ích khoa học và nghiên cứu? Rất thường khi trong các năm qua hai kiểu tìm hiểu tấm Khăn Liệm đối nghịch nhau, như thể là một kiểu phải nhất thiết loại trừ kiểu kia, vì không thể hòa hợp với nhau. Và thế là nó đã dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng, có lẽ chưa từng có trong qúa khứ, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến cũng như bởi sự chú ý mà các lần trưng bầy cuối cùng đã khơi dậy trên bình diện quốc tế.
Thật là nguy hiểm, khi đối chọi kiểu tìm hiểu khoa học với kiểu tìm hiểu tôn giáo, bởi vì một đàng người ta có nguy cơ giản lược Tấm Khăn Liệm thành "một đồ vật chết", một hình ảnh chỉ có ý nghĩa trong nó và cho nó, mà không gọi hỏi cuộc sống chúng ta; đàng khác là nguy cơ biến Tấm Khăn Liệm thành một loại ngẫu tượng phục vụ cho các luận thuyết tiên thiên và bị lèo lái. Tôi xác tín sâu xa rằng phó thác việc trình bầy tấm Khăn Liệm cho một kiểu tìm hiểu triệt để khoa học hay triệt để mục vụ không thôi, thì không đúng đắn, cũng không ích lợi cho những người nhận là các nhà khoa học cũng như dân chúng.
(ZENIT 8-6-2012)

Linh Tiến Khải
Vài nét về lịch sử
tấm khăn liệm thành Torino

Vài nét về lịch sử tấm khăn liệm thành Torino.
Torino, Ý [Tin tổng hợp 8/04/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Từ ngày thứ Bảy 10 tháng 4 cho đến ngày 23 tháng 5 năm 2010, tấm khăn liệm thành Torino sẽ được trưng bày cho dân chúng kính viếng. Trong số trên một triệu người đến chiêm ngắm thánh tích, sẽ có Ðức thánh cha Benedicto XVI. Ðức thánh cha sẽ đến kính viếng thánh tích này khi viếng thăm thành phố Torino, Bắc Ý, vào ngày 2 tháng 5 năm 2010.

Một phần của tấm khăn liệm thành Torino.

Mới đây, một nhóm nghệ sĩ đồ họa điện toán tại Hoa kỳ đã xử dụng những kỹ thuật điện toán để tái tạo chân dung của Chúa Giêsu từ tấm khăn liệm thành Torino.
Theo báo The Christian Post, xuất bản tại Hoa kỳ, một trong những chuyên viên của nhóm nghệ sĩ nói trên là ông Ray Downing cho biết nhóm này muốn tái tạo khuôn mặt thật của Chúa Giêsu. Và chất liệu duy nhứt để làm công việc này là tấm khăn liệm thành Torino. Các chuyên viên cho biết họ sẽ tái tạo khuôn mặt của Chúa Giêsu theo hình ảnh ba chiều và khuyến cáo rằng hình ảnh này sẽ không giống như các bức chân dung mà chúng ta quen thấy từ bao lâu nay.
Trên thực tế, vật liệu được xử dụng để tái tạo khuôn mặt của Chúa Giêsu là tấm khăn liệm thành Torino vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Các tín hữu Kitô tin rằng đây thực sự là tấm vải đã được dùng để tẩm liệm Chúa Giêsu. Nhưng một số chuyên gia thì lại cho rằng tấm vải này chỉ là sản phẩm của thời Trung Cổ, tức sau khi chúa Giêsu bị đóng đinh đến cả 5 thế kỷ.
Dựa vào Tin Mừng theo thánh Gioan, theo đó, sau khi được bà Maria Madalena cấp báo, hai thánh tông đồ Phêrô và Gioan đã chạy ra mồ và nhận thấy xác Chúa Giêsu không còn ở đó, nhưng tấm vải dùng để liệm xác Ngài vẫn còn đó, truyền thuyết cho rằng thánh Phêrô đã thu nhặt tấm vải và đem về nhà.
Theo ghi chép của thánh Nino vào thế kỷ thứ 4, thì thoạt tiên tấm vải liệm này lọt vào tay của vợ tổng trấn Philato. Tin mừng viết rằng người đàn bà này rất có thiện cảm với Chúa Giêsu; bà đã từng yêu cầu tổng trấn Philato đừng nhúng tay vào việc sát hại Chúa Giêsu.
Theo lịch sử Giáo hội được Ðức giám mục Eusebius viết năm 325 thì một môn đệ của Chúa Giêsu tên là Addai đã đem tấm khăn liệm này đến Edessa, Thổ Nhĩ Kỳ, để tặng cho vua Abgar V. Lý do là vì lúc Chúa Giêsu còn sống, ông vua này có nghe nói đến các phép lạ của Ngài, cho nên ngỏ ý mời Ngài sang Edessa để chữa bệnh cho ông.
Theo Eusebius thì ông vua này đã tôn kính tấm khăn liệm và được ơn khỏi bệnh. Khoảng năm 57 sau công nguyên, vua Abgar qua đời. Con ông lên kế vị, nhưng lại thù nghịch Kitô giáo cho nên ra lệnh cấm đạo. Giáo dân ở Edessa đã đem tấm khăn liệm cất dấu cẩn mật cho nên mấy thế kỷ sau người ta không còn biết tấm khăn liệm này ở đâu. Năm 525, Edessa bị lụt lớn khiến nhiều nhà cửa bị cuốn trôi và cổng thành phía tây của hoàng cung bị sập. Lúc đó người ta mới thấy tấm vải liệm được dấu trong hốc tường của cổng thành này. Thời đó, Edessa nằm dưới sự đô hộ của đế quốc La mã cho nên khi hay tin, hoàng đế Justiniano đã ra lệnh xây cất tại Edessa một thánh đường lớn có tên là Haiga Sophia để tôn kính thánh tích.
Năm 639, Edessa bị quân Hồi giáo chiếm đóng nên tấm vải liệm được đem đi nơi khác để cất giấu. Năm 670, người ta thấy tấm khăn liệm xuất hiện tại Palestine. Nhân dịp đi hành hương đến Thánh Ðịa, một vị Giám mục người Pháp tên là Arcurf Pirigeux thấy một đám đông kéo tới một ngôi nhà thờ để kính viếng tấm khăn liệm. Ngài đã đi theo đám đông và đã được diễm phúc hôn lên tấm khăn liệm. Sau khi trở về Pháp, vị Giám mục này có viết sách kể lại câu chuyện trên.
Năm 944, không biết do nguyên cớ nào mà tấm khăn liệm lại xuất hiện tại nhà thờ Ðức Mẹ tại thành Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1203, thánh tích này được đưa về nhà thờ Balachermal tại Hy lạp. Nhà thờ này mở cửa suốt ngày thứ Sáu cho mọi người vào kính viếng thánh tích.
Năm 1418, khăn liệm lại được chuyển về pháo đài Montfort tại Pháp và nằm trong tay một dòng họ quý tộc có tên là Charny. Năm 1452, công chúa Magaret Charny đã tổ chức một cuộc triển lãm cho công chúng đến chiêm ngưỡng tấm khăn liệm tại lâu đài Germolles và sau đó tặng cho quận công Savoy. Ðáp lại, quận công Savoy tặng cho công chúa Magaret một lâu đài tráng lệ tại Geneve và toàn bộ lợi tức bất động sản của mình tại Lyon, Pháp quốc. Quận công Savoy cho xây một nguyện đường tại Chambery để tôn kính tấm khăn liệm.
Năm 1506, Ðức giáo hoàng Julius I ban hành sắc lệnh công nhận tấm khăn liệm là thánh tích thật sự của Chúa Giêsu và thiết lập thánh lễ mừng thánh tích vào ngày 4 tháng 5 hằng năm. Từ đó, nguyện đường riêng của dòng họ Savoy trở thành một nơi hành hương của các tín hữu Kitô trên khắp thế giới.
Ngày 17 tháng 9 năm 1578, quận công Philibert de Savoy dời đô về thành Torino, Bắc Ý, và mang tấm khăn liệm vào đặt trong nhà thờ chính tòa của thành phố này. Kể từ đó tấm khăn liệm này được gọi là tấm khăn liệm thành Torino.
Thời đệ nhị thế chiến, hậu thân của quận công Savoy là hoàng đế Umberto Savoy bị lật đổ; ông mang theo tấm khăn liệm đi lưu vong tại Bồ Ðào Nha.
Nhưng năm 1963, ông đã trao tấm khăn liệm lại cho Tòa thánh và Tòa Thánh đã cho cất giữ tại nhà thờ chính tòa Torino cho tới ngày nay.

CV.

Tấm khăn liệm thành Torino
đã từng được mang đi dấu
trong một nhà dòng Biển Ðức

Tấm khăn liệm thành Torino đã từng được mang đi dấu trong một nhà dòng Biển Ðức.
Roma [CNA 8/4/2010] - Tấm khăn liệm thành Torino đã từng bị mang đi dấu trong một nhà dòng Biển Ðức để tránh bị Hitler tịch thu.
Cha Andrea Davide Cardin, quản thủ thư viện của Dòng Biển Ðức Montevergine, đã nói với tạp chí "Diva e Donna" xuất bản tại Ý rằng trong thời đệ nhị thế chiến, để tránh sự dòm ngó của Hitler, tấm khăn liệm đã được đem cất trong một nhà dòng Biển Ðức tại miền nam nước Ý.
Các tu sĩ trong tu viện Avellino đã dấu thánh tích này cho đến năm 1946. Cha Cardin nói rằng các tu sĩ đã lấy lý do "gìn giữ thánh tích khỏi bom đạn", nhưng thực tế là để tránh sự dòm ngó của Hitler, bởi vì ông ta luôn bị ám ảnh bởi thánh tích.
Cha Cardin cho biết: năm 1938, Hitler viếng thăm nước Ý. Nhận thấy rằng các viên chức đức quốc xã rất thích tấm khăn liệm, cho nên năm sau, Tòa Thánh và hoàng gia Savoy đã quyết định cho mang thánh tích đến một nơi an toàn hơn là nhà thờ chính tòa Torino.
Vua Umberto II, mà gia đình đã chiếm giữ và bảo vệ tấm khăn liệm từ thế kỷ thứ 15, nghĩ rằng Tòa thánh Vatican là nơi duy nhứt được xem là an toàn. Nhưng Ðức Pio XII lại muốn đưa tấm khăn liệm về tu viện Biển Ðức tại Montecassino. Cuối cùng, sau khi đã cân nhắc, tòa thánh mới đồng y cho mang thánh tích về tu viện Biển Ðức tại Avellino, vùng Campania, miền Nam nước Ý.
Theo cha Cardin, đây là một quyết định may mắn, bởi vì tu viện Biển Ðức tại Montecassino bị đức quốc xã dùng làm cứ địa cho nên bị quân đội đồng minh dội bom phá hủy.
Cha Cardin giải thích rằng sở dĩ Hitler cho săn tìm tấm khăn liệm là vì ông tin ở "quyền năng bí ẩn" của thánh tích này.
Tưởng cũng nên nhắc lại: tấm khăn liệm thành Torino sẽ được trưng bày công khai cho dân chúng chiêm ngắm kể từ ngày thứ Bảy 10 tháng 4 cho đến ngày 23 tháng 5 năm 2010. Ðã có trên một triệu người đăng ký giữ vé để vào xem thánh tích. Ðức thánh cha cũng sẽ đến kính viếng thánh tích nhân dịp viếng thăm Torino vào đầu tháng 5 năm 2010.

CV.

Cuộc triễn lãm
tấm khăn liệm thành Turin

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc triễn lãm tấm khăn liệm thành Turin.
 Vatican - (Zenit 23/5/2000) - Nhân dịp năm Ðại Toàn Xá 2000, tấm khăn liệm Thành Turin sẽ được mang ra trưng bày cho các người hành hương từ ngày 12 tháng 8/2000 đến ngày 22 tháng 10/2000 tới đây. Cuộc triển lãm diễn ra hai tuần sớm hơn theo chương trình được dự trù, để các tham dự viên ngày Quốc Tế Giới Trẻ cũng được dịp kính viếng tấm khăn liệm.
 Cuộc triển lãm này là một trong những cao điểm của Năm Toàn Xá và theo ÐTC Gioan Phaolô II, biến cố này mang một chiều kích tôn giáo về sự dấn thân thực thi tinh thần bác ái. Vì vậy, phòng báo chí Tòa Thánh đã tổ chức một cuộc họp báo vào sáng hôm thứ Hai (22/5/2000) để nói về cuộc triển lãm này. Theo truyền thống và thẩm định của nhiều nhà khoa học, thì đây là tấm khăn đã được dùng để liệm xác của Chúa Giêsu. Qua thời gian, gương mặt của Chúa Giêsu hiện rõ trên tấm khăn. Trong cuộc họp báo, Ðức Tổng Giám Mục Severino Poletto của tổng giáo phận Turin đã tránh những lời tranh luận của một số người cho rằng tấm khăn liệm được chế tạo vào thời Trung Cổ. Ngài nói như sau: "Tấm khăn liệm mang những dấu tích rất rõ rệt liên quan tới cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Vì vậy, tấm khăn liệm này trở thành một công cụ truyền giáo, trở thành lời mời gọi chúng ta cầu nguyện và đổi mới, mời gọi đoàn kết để giúp Ðức Kitô hiện diện trong mỗi một anh chị em của chúng ta, những người đang đau khổ hay cần được giúp đỡ".
 Ðức Tổng Giám Mục Poletto giải thích thêm như sau: "Chủ đề được chọn cho cuộc triển lãm lần này là: 'Lạy Chúa, Chúng Con Ði Tìm Gương Mặt của Ngài', bởi vì Thiên Chúa đã cho chúng ta cơ hội nhận ra khuôn mặt của Ngài qua Con của Ngài nhập thể làm người, 'Con Người của Ðau Khổ'. Tấm khăn liệm cho chúng ta thấy sự đau khổ của Ngài và mời gọi chúng ta chấp nhận khuôn mặt đau khổ đó. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra Ngài qua khuôn mặt của tất cả anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ. Chúng ta sẽ ý thức được rằng mọi sự giúp đỡ cho các anh chị em này đều là hành động yêu thương chân thực đối với Ðấng đã yêu thương chúng ta với trọn cả tấm lòng". Rút kinh nghiệm từ sự thành công của cuộc triển lãm cuối cùng dạo năm 1988, và cũng để giúp các tín hữu hành hương hiểu và sống Năm Thánh một cách sâu sắc hơn, ban tổ chức sẽ tạo điều kiện để khách hành hương có thể xưng tội sau khi kính viếng tấm khăn liệm, ngoài ra còn có một nhà nguyện để chầu Thánh Thể.

Tấm Khăn Liệm thành Torino
có trước thế kỷ thứ 8

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tấm Khăn Liệm thành Torino có trước thế kỷ thứ 8.
Saint Louis [the New York Times 8/99] - Một cuộc phân chất phấn hoa và thảo mộc lấy từ tấm khăn liệm thành Torino cho thấy tấm khăn này đã có trước thế kỷ thứ 8 sau công nguyên.
Kết quả cuộc phân chất được các nhà khoa học công bố hôm thứ Hai [2/08/99] vừa qua hoàn toàn trái ngược với kết quả của cuộc định tuổi bằng chất carbon do một số nhà khoa học thực hiện hồi năm 1988. Việc định tuổi bằng chất carbon cho rằng tấm Khăn Liệm thành Torino chỉ có từ giữa năm 1260 và 1390 sau công nguyên và như vậy chỉ là một sự lừa bịp của thời trung cổ.
Nhưng từ đó, các nhà khoa học đã không ngừng nêu lên nhiều nghi vấn về tấm khăn liệm này. Tấm khăn liệm bằng vải này mang dấu vết gương mặt của một người đàn ông. Từ nhiều thế kỷ nay, các tín hữu Kitô tin rằng đây là tấm vải được dùng để tẩm liệm Chúa Giêsu.
Trong một cuộc họp báo tại Hội Nghị quốc tế lần thứ 16 về thực vật học, ông Avinoam Danin, một nhà thực vật học tại Ðại Học Do Thái ở Giêrusalem nói rằng hoa và nhiều thành phần khác của cây cỏ đã được đặt trên tấm khăn liệm cho nên đã để lại dấu vết của phấn hoa. Kết quả cuộc phân chất cho thấy rằng phấn hoa có trong tấm khăn liệm đến từ một loại thảo mộc mà người ta chỉ tìm thấy trong tháng Ba và tháng Tư tại vùng Giêrusalem mà thôi.
Phấn của một loài hoa có tên khoa học là Gundelia tournefortii được đặt biệt tìm thấy trên phần vải có hình vai của người đàn ông. Một số nhà khoa học cho rằng đây có thể là loại hoa được kết thành mão gai gắn trên đầu Chúa Giêsu.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy cùng một loại phấn hoa trên một tấm vải khác được cất giữ và tôn kính tại nhà thờ Chính Tòa Oviedo bên Tây Ban Nha từ thế kỷ thứ 8. Nhiều tín hữu tin rằng đây là tấm vải che mặt Chúa Giêsu khi tẩm liệm. Cả tấm vải này lẫn tấm khăn liệm thành Torino đều có chứa đựng những vết máu thuộc loại AB. Giáo sư Danin cho rằng tấm vải tại nhà thờ Chính Tòa Oviedo và tấm khăn liệm thành Torino đều đã tiếp xúc với cùng một người và như vậy có trước thế kỷ thứ 8.


Tìm ra bằng chứng mối liên hệ
giữa chiếc khăn liệm thành Turin với Jerusalem

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tìm ra bằng chứng mối liên hệ giữa chiếc khăn liệm thành Turin với Jerusalem.
(AFP 15/06/99) - Jerusalem - Thứ Ba (15/06/99), nhật báo Haaretz xuất bản tại Jerusalem cho biết, các nhà nghiên cứu người Israel đã tìm ra bằng chứng mối liên hệ giữa chiếc khăn liệm thành Turin với Jerusalem.
Theo truyền thống của Công Giáo, chiếc khăn liệm thành Turin này là chiếc khăn đã được dùng để liệm xác Chúa Giêsu và hiện đang được lưu giữ ở Torino, miền bắc nước Ý. Qua cuộc giảo nghiệm phấn hoa và các chất hữu cơ khác trên tấm khăn liệm này; hai giáo sư, Avinoam Danin và Uri Baruch, của trường đại học Do Thái ở Jerusalem, đã tìm thấy dấu vết của một loại cây đến từ vùng đồi Judean, nằm xung quanh thành Jerusalem. Một trong những dấu vết tìm thấy nhiều trên tấm khăn liệm, đến từ một loại cây được biết ở Israel với tên là Akuvit Hagalgal. Theo truyền thống Kitô Giáo, cây này đã được dùng làm mão gai đội lên đầu của Chúa Giêsu trước khi Ngài chịu đóng đinh.
Hai vị giáo sư cho biết, khám phá của họ hậu thuẫn cho truyền thống nói rằng chiếc khăn liệm thành Turin đến từ Jerusalem, tuy nhiên khám phá này vẫn chưa đủ để xác quyết rằng đây là tấm khăn được dùng để liệm xác Chúa Giêsu.


Ðã tìm lại đuợc
tấm khăn lau mặt Chúa Giêsu
của bà Veronica

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðã tìm lại đuợc tấm khăn lau mặt Chúa Giêsu của bà Veronica.
Roma [Apic 1/06/99]- Tấm khăn lau mặt Chúa Giêsu của bà Veronica, bị mất năm 1608, nay đuợc tìm thấy tại một Tu Viện dòng Capucin ở miền Trung nuớc Ý.
Cha Heinrich Pfeiffer, một Linh Mục Dòng Tên đang dạy tại Truờng Ðại Học Gregorienne ở Roma, sau 13 năm tìm kiếm, nay đã tìm thấy tấm khăn này tại Tu Viện Capucin Manopello. Tấm khăn có in hình một nguời có râu.
Sau nhiều cuộc giảo nghiệm, Linh Mục Pfeiffer đi đến kết luận rằng hình đuợc in trên tấm khăn phù hợp hoàn toàn với hình trên tấm khăn liệm nỗi tiếng ở thành Torino. Theo giả thiết của vị Linh Mục Dòng Tên này, sau khi đã quấn xác Chúa Giêsu trong một tấm khăn liệm như các sách Tin Mừng đã ghi lại, các môn đệ của Ngài đã phủ lên mặt ngài một tấm khăn. Ðây chính là tấm vải đã đuợc cất giữ tại Tu Viện Manopello. Trong khi tấm khăn liệm thành Torino chỉ mang dấu vết của một âm bản, thì trái lại tấm khăn đuợc cất giữ trong tu viện Manopello lại có in hình thật sự.
Trong hơn 400 năm, nghĩa là cho đến năm 1608, tấm vải đuợc mệnh danh là tấm khăn của bà Veronica là một trong những thánh tích thu hút rất nhiều khách hành huơng. Có lẽ tấm khăn này đã đến Roma vào năm 1204, tức sau cuộc thập tự viễn chinh lần thứ 4. Trưóc đó, nó đuợc cất giữ tại Edesse, bên Tiểu Á, rồi kế đó tại Constantinople. Theo Linh Mục Pfeiffer, chính từ hai tiếng la tinh "vera icona", nghĩa là hình ảnh đích thực, mà phát xuất câu chuyện về một nguời đàn bà có tên là Veronica.