Người Mục Tử Không Phí Giờ Vào Những Việc Không Đâu


Người mục tử không phí giờ vào những việc không đâu




Yêu mến Chúa, chăm sóc đoàn chiên và chuẩn bị mình để vác thập giá. Đó là ba điều Chúa Giêsu mời gọi thánh Phêrô trong cuộc đối thoại tại biển hồ Tiberia (Ga 21:15-19). Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Con có yêu mến Thầy không
Yêu mến là yếu tố căn cốt của những môn đệ chân chính của Chúa Con. Khi mến Chúa, thì cũng có nghĩa là yêu mến chăm sóc anh chị em mình. Bởi vì chăm sóc đoàn chiên chính là căn tính đích thực của người mục tử. Căn tính của vị giám mục, của người linh mục, không gì khác chính là làm mục tử chăm sóc đoàn chiên.
Ba lần Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không? Liền sau mỗi lần đó, Chúa nói: Hãy chăm sóc chiên con của Thầy, hãy chăn dắt chiên của Thầy, hãy chăm sóc chiên của Thầy. Câu hỏi còn mạnh hơn nữa: con có yêu mến Thầy hơn tất cả không, con có yêu mến Thầy tới mức con có thể không, con có yêu mến Thầy không. Lời hỏi này Chúa không chỉ dành riêng cho các vị mục tử, nhưng còn dành cho tất cả chúng ta. Như thế, bước đầu tiên trong cuộc đối thoại với Chúa là tình yêu mến. Sau đó là chăm sóc đoàn chiên với tâm hồn mục tử.
Dẫn đến nơi anh chẳng muốn
Người môn đệ, người mục tử còn mang lấy nơi mình chính sứ mạng, chính điểm tới của Thầy Giêsu. Đó là con đường tử đạo, đó là con đường vác lấy thập giá. Đó là con đường mà người mục tử được người ta dắt đến nơi chẳng muốn.
Hãy chuẩn bị chính mình trước những thử thách. Hãy sẵn sàng để lại đằng sau mọi sự, vì những điều khác sẽ tới và sẽ phải làm những điều khác. Hãy chuẩn bị cho những điều như thế trong cuộc sống. Người ta sẽ đưa bạn vào con đường nhục nhã, ngay cả dẫn đến con đường tử đạo. Hãy sẵn sàng, sẵn sàng đón lấy thập giá khi mà người ta dẫn bạn đến nơi bạn chẳng muốn. Như thế, yêu mến Chúa, chăm sóc đoàn chiên, sẵn lòng vác thập giá, đó là ba điều làm nên chiếc la bàn định hướng cho cuộc đời người mục tử.
Cám dỗ nhúng mũi vào chuyện người khác
Có một cám dỗ rất phổ biến là thích nhúng mũi vào chuyện người khác. Đừng làm như thế! Hãy biết ở lại trong vị thế của bạn, và đừng đi nhúng mũi vào chuyện người khác. Người mục tử là người yêu mến Chúa Giêsu, ra sức chăm sóc đoàn chiên, và chuẩn bị chính mình để vác lấy thập giá. Người mục tử không lãng phí thời gian vào những chuyện không đâu. Hãy cầu nguyện xin ơn để không bị rơi vào loại cám dỗ này.






Tứ Quyết SJ
NGUỒN: Vietvatican.net
GPKONTUM (21/05/2018)

Cách Chiến Thắng Sự Quyến Rũ Của Ma Quỷ


Cách chiến thắng sự quyến rũ của ma quỷ


  
Chúng ta đừng gần gũi ma quỷ, cũng đừng nói chuyện với chúng. Ma quỷ là kẻ thua cuộc, nhưng rất nguy hiểm, vì rất giỏi quyến rũ. Ma quỷ tựa con chó hoang, nó sẽ cắn xé bạn nếu bạn gần gũi vuốt ve nó. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Cẩn thận trước sự quyến rũ của ma quỷ
Có thể nói rằng, ma quỷ là kẻ thua cuộc nhưng rất nguy hiểm, vì ma quỷ có biệt tài quyến rũ con người. Ma quỷ biết cách dùng lời nào dùng cách nào để quyến rũ chúng ta, và khổ nỗi là chúng ta lại thường thích để cho ma quỷ quyến rũ.
Ma quỷ có khả năng quyến rũ rất tài tình. Điều này rất khó hiểu. Vì thực tế, ma quỷ là kẻ thua cuộc, nhưng lại có tài thể hiện làm như thể hắn có quyền lực to lớn. Hắn cũng có tài hứa hẹn cho bạn nhiều điều đẹp đẽ, hứa hẹn tặng bạn nhiều món quà. Những quà tặng ấy bên ngoài thì đẹp lắm: Ồ, đẹp quá! Nhưng bạn không biết được bên trong là cái thứ gì. Ma quỷ có tài làm như thế, vẻ bề ngoài thì rất đẹp. Ma quỷ có tài khoe ra cái vẻ bề ngoài, và che đậy cái gì là thực ở bên trong. Ma quỷ biết cách lợi dụng sự hư danh phù vân và ham vẻ hào nhoáng của chúng ta, để tác động lên sự tò mò hiếu kỳ của chúng ta.
Ma quỷ biết cách thể hiện bản thân, biết cách đưa ra những hứa hẹn giả dối. Còn chúng ta thì ngu muội và đi tin vào những điều ấy. Ma quỷ là cha của sự dối trá. Ma quỷ là kẻ thua cuộc nhưng luôn làm như thể hắn là kẻ chiến thắng. Vinh quang của ma quỷ rất hào nhoáng và rực rỡ, nhưng chỉ tựa như pháo hoa, bùng sáng rồi vụt tắt trong giây lát. Trong khi đó, vinh quang của Chúa thì dịu nhẹ và bền vững muôn đời.
Cầu nguyện, tỉnh thức và ăn chay
Ma quỷ quyến rũ chúng ta, biết cách chạm vào sự hư danh phù vân của ta, biết cách khơi dậy sự tò mò của ta, và thế là chúng ta sa vào cơn cám dỗ. Do đó, chúng ta phải rất cẩn thận với chước cám dỗ của ma quỷ. Để đối diện với cơn cám dỗ và chiến thắng cám dỗ, chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu. Đó là tỉnh thức, cầu nguyện và ăn chay.
Đừng đến gần ma quỷ vì nó là con chó hoang
Cần có một thái độ là: đừng tiếp cận, đừng đến gần ma quỷ. Vì có một giáo phụ đã nói: ma quỷ giống như con chó giận dữ, ghê tởm, con chó bị xiềng xích, và nó sẵn sàng cắn xé ai đến vuốt ve nó.
Nếu tôi có suy nghĩ có ý muốn hoặc cách này cách khác muốn tiếp cận con chó giận giữ và bị xích ấy, thì hãy cẩn thận. Đừng làm như thế! Nếu làm, thì tôi sẽ bị thương trầm trọng. Nhưng mà ai gây nên vết thương? Kẻ gây ra chính là con chó. Nhưng con chó đang bị xích mà? Đúng thế, con chó đang bị xích, nhưng chính bạn đã chủ động tìm đến với nó. Và như thế, ma quỷ như con chó bị xích, bạn đừng bao giờ đến gần nó, cứ để nó bị xích ở đó.
Cuối cùng, cẩn thận, đừng có nói chuyện với ma quỷ, bởi vì Evà nói chuyện với ma quỷ và đã sa ngã. Chúa Giêsu thì khác, Người không thèm nói chuyện với ma quỷ. Trong sa mạc, Chúa đã đối lại ma quỷ bằng Lời của Thiên Chúa. Trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã xua trừ ma quỷ. Nhiều lần, ma quỷ hỏi tên của Chúa, nhưng Chúa không thèm đáp lại chúng. Còn chúng ta, chúng ta đừng nói chuyện đối đáp với ma quỷ, vì ma quỷ sẽ chiến thắng, vì ma quỷ thông minh hơn chúng ta.
Tìm nơi trú ẩn nơi Mẹ Thiên Chúa
Ma quỷ thường cải trang và giả dạng là thiên thần ánh sáng, nhưng kỳ thực hắn là thần bóng tối và thần chết chóc. Hắn là kẻ bị kết án. Hắn là kẻ thua cuộc, là kẻ bị xích và sắp chết, nhưng hắn lại có biệt tài dụ dỗ và lừa dối, và có khả năng gây ra chết chóc. Chúng ta cần cầu nguyện, cần sám hối, đừng gần gũi ma quỷ, đừng nói chuyện với chúng.
Chúng ta cần chạy đến với Mẹ Maria, như những người con bé nhỏ của Mẹ. Khi các em nhỏ sợ hãi, các em chạy về với Mẹ và gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi… con sợ!”. Khi các em nhỏ có những giấc mơ, các em cũng chạy đến với mẹ. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ sẽ bảo vệ chúng ta. Các giáo phụ, đặc biệt là các nhà thần bí người Nga, đã nói rằng: trong lúc tâm hồn nguy khốn, hãy chạy đến dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có thể giúp chúng ta chống trả các cơn cám dỗ, Mẹ sẽ giúp chúng ta chiến thắng con chó bị xiềng.





Tứ Quyết SJ
NGUỒN : Vietvatican.net
GPKONTUM (20/05/2018) 




Dân Làng Hồ - Lời Tựa

LỜI TỰA



"Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng" (Rm 10, 15)


Trải qua biết bao thăng trầm của dòng lịch sử, Giáo Phận Kontum luôn tự hào là mảnh đất truyền giáo màu mỡ xuyên suốt nhiều thế hệ thừa sai. Truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được duy trì và kế thừa nơi các Yao Phu, những người dân tộc Tây Nguyên, đã noi gương và tiếp bước các vị thừa sai Tây Phương, không ngần ngại dấn thân loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa tại khắp các buôn làng xa xôi trong Giáo Phận.

Năm 2008, kỷ niệm 100 Năm Thành Lập Trường Yao Phu Cuénot, cơ sở đào tạo những thừa sai bản xứ cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Nhân dịp này, được sự chuẩn y của Tòa Thánh, Giáo Phận Kontum đã mở Năm Thánh Yao Phu, cùng với Phép Lành Toà Thánh và Ơn Toàn Xá, nhằm khơi lại những trang sử tuyệt mỹ về truyền thống truyền giáo của Giáo Phận, cùng với mong muốn khích lệ, phát huy tinh thần dấn thân phục vụ vì Nước Chúa nơi các Yao Phu, những cánh tay nối dài của các "Đấng Chủ Chăn" tại các buôn làng xa xôi trong toàn Giáo Phận.

Năm Thánh là Năm Hồng Ân! Tạ ơn Chúa vì những hồng ân cao cả mà Người đã thương ban cho Giáo Phận Kontum nói chung và Hội Yao Phu nói riêng trong suốt thời gian qua.

Năm Thánh không những là cơ hội để mọi tín hữu đào sâu Đức Tin mà còn là dịp thuận tiện để tất cả cùng nhìn lại quá khứ hầu có thể học hỏi, hiểu biết sâu sắc hơn lịch sử truyền giáo của Giáo Phận Kontum thân yêu.

Để góp chút tư liệu cho việc học hỏi lịch sử Giáo Phận, Cha Giuse Đỗ Hiệu - Cha Quản Hạt Kontum, và chúng con - một nhóm Đại Chủng Sinh của Giáo Phận đã đọc lại cuốn "Dân Làng Hồ" dựa trên nguyên tác "Les Sauvages Bahnars" của linh mục Pierre Dourisboure, và dựa trên những bản dịch trước đó để hiệu đính sao cho phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.

"Dân Làng Hồ" ghi lại một cách chân thật cuộc đời truyền giáo đầy gian khổ của các vị thừa sai Tây Phương trong những ngày đầu đặt chân đến miền đất Tây Nguyên, khởi đầu cho việc thành lập Giáo Phận Kontum sau này.

Đây không những là một tài liệu quý giá cho người viết sử truyền giáo miền Tây Nguyên Kontum, mà còn là một tác phẩm khảo sát lý thú và là thiên hồi ký đặc sắc, đơn sơ, thành thật, tả chân, gây cảm xúc mãnh liệt.

Thật vậy, Cha Adrien Launay, trong bài mở đầu tập Hồi ký, ấn bản năm 1929, đã viết: "Tất cả những ai có dịp đọc tác phẩm này đều hết lời ca ngợi, và tôi được biết đã từng có người quỳ xuống dâng lời khẩn nguyện sau khi đọc lại trang nào đó trong quyển hồi ký này, mắt đẫm lệ ..."

Trong lần tái bản này, chúng con vẫn lấy tên bản dịch là "Dân Làng Hồ" - "Hành trình truyền giáo và khai phá miền đất Tây Nguyên Kontum". Như thế, hợp với nội dung thiên Hồi ký hơn, vì phần khảo sát phong tục, tập quán, cách sinh sống của người Ba Na chỉ chiếm một vài trang; vả lại, Hồi ký còn đề cập đến các bộ tộc Xê Đăng, Jrai chứ không riêng gì bộ tộc Ba Na. Hy vọng rằng "Dân Làng Hồ" sẽ giúp mọi người ý thức mạnh mẽ hơn trách nhiệm và bổn phận của mỗi Kitô hữu trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho hết thảy những người sống xung quanh mình.

Cuối cùng, với những hạn chế về thời gian và khả năng, chắc chắn rằng tập sách này vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong quý độc giả thông cảm, góp ý và vui lòng đón nhận.

Trước khi đi vào nội dung, xin mời độc giả lướt qua đôi nét tiểu sử của Linh mục Pierre Dourisboure, tác giả của thiên Hồi ký đặc sắc này.

Linh mục Pierre Dourisboure (Cố Ân) sinh ngày 19.09.1825 tại Briscous miền Tây Nam nước Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha. Năm 1844, vừa 21 tuổi, sau những năm theo học Tiểu chủng viện và Đại chủng viện tại quê nhà, ngài gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Ba năm sau, vừa thụ phong Linh mục, Cha liền được phái sang Địa phận Đông Đàng Trong (Trung Bộ Việt Nam) để tham gia xây dựng một Miền Truyền Giáo mới, nơi anh em dân tộc cư trú tại vùng rừng núi ở khoảng giữa sông Mê Kông và Biển Đông, do Đức Cha Cuénot Thể, Giám Mục Địa Phận, khởi xướng từ lâu.

Sống giữa nơi rừng thiêng nước độc, chịu đủ mọi thứ hiểm nguy: thú dữ, bệnh tật, cô đơn, thiếu thốn cùng cực, Cha đã đứng vững được trên 35 năm nơi miền Truyền Giáo dân tộc này; trong khi nhiều vị thừa sai khác, đồng nghiệp của ngài, không ai sống nổi quá 10 năm, cá biệt có vị chỉ sau vài ba tuần đặt chân lên đất Tây Nguyên đã phải lìa trần vì không chống cự nổi với các "hung thần": sốt rét rừng và kiết lị, mặc dù các vị ấy đang còn ở tuổi thanh xuân cường tráng!

Cha có về Pháp nghỉ dưỡng bệnh một năm, rồi trở lại nhiệm sở núi rừng của mình, ở mãi cho đến năm 1885. Sau đó, ngài được gọi về Sài Gòn dưỡng bệnh bằng cách nhận chức danh Bề Trên Chủng Viện. Cách dưỡng bệnh hy hữu này thật bi thảm: nuôi bệnh ngày càng trầm trọng hơn, nên chỉ ít lâu sau, ngài phải sang Hồng Kông tìm thầy chạy thuốc. Bệnh tình không thuyên giảm, Cha phải bỏ Hồng Kông về Pháp. Vừa cập bến cảng Marseille được ít hôm, Cha đã qua đời ở đó, hưởng thọ 65 tuổi.

Vào năm 1929, tức 39 năm sau ngày Vị Truyền Giáo này qua đời, Hội Thừa Sai Paris mới cho ấn hành thiên Hồi Ký "Les Sauvages Bahnars" mà bạn sắp đọc.

Ngày nay, Cao Nguyên Gialai - Kontum phát triển mọi mặt, với dân số hàng triệu người. Với tâm tình "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", người dịch xin kính tặng đồng hương của mình bản dịch thô sơ của thiên Hồi Ký xuất sắc này.

Ban dịch thuật




AUDIO


PHẦN GIỚI THIỆU : “DÂN LÀNG HỒ” Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “

Ban mục vụ Giáo phận Kontum xin giới thiệu “DÂN LÀNG HỒ”
Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “
Dourisboure De la Société des Missions – Étrangères

- PARIS 1929 -

BẢN VĂN

LỜI GIỚI THIỆU


Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ra lệnh: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Đó là bản chất của Đạo, của Giáo Hội, của mỗi Kitô hữu. Không một Kitô hữu nào được miễn trừ thi hành lệnh truyền này. Thầy Sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, một vị thừa sai đầu tiên lên Miền đất Tây Nguyên, đã chấp hành lệnh này thật xuất sắc.

Vâng, năm 1848, Thầy Sáu Do đã tìm đường và dẫn đường cho các nhà thừa sai lên truyền giáo Tây Nguyên. Hạt giống Tin Mừng đã nảy sinh, vươn lên và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất mới này tới nay đã tròn 160 năm.

Năm nay, nhân dịp Giáo phận Kontum kỷ niệm hai sự kiện trọng đại: mừng 160 năm truyền giáo Tây Nguyên (1848-2008) và mừng Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập trường Yao Phu Cuénot (1908-2008), tôi vui mừng giới thiệu cuốn “Les Sauvages Bahnars” – được chuyển dịch dưới cái tên “Dân Làng Hồ” của Cố Linh mục P. Dourisboure (1825-1890) . Tập Hồi ký này đã làm rung động biết bao nhiêu người và cũng đã là nguồn cảm hứng thúc đẩy nhiều tâm hồn dấn thân tiếp bước tác giả trên cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên.

Để có được thành quả như ngày nay, các vị thừa sai đã phải hy sinh, nếm chịu mọi gian lao thử thách như: bệnh tật, thú dữ, khí hậu độc hại, bất đồng ngôn ngữ, xa lạ với anh em dân tộc, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, v.v… đặc biệt là cuộc bắt Đạo gay gắt thời bấy giờ, nhưng “không có gì tách được họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8, 39).

Linh mục P. Dourisboure (Cố Ân) là một trong những vị thừa sai tiên phong lên Tây Nguyên truyền giáo. Trong khi các vị thừa sai khác đã sớm gục ngã nơi chốn rừng thiêng nước độc thì nhờ ơn Chúa, ngài đã bám trụ lâu nhất. Trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm những gian khổ của công cuộc truyền giáo Tây Nguyên buổi ban đầu, ngài đã tái hiện rất chân thật những chi tiết ấy trong Hồi ký “Dân Làng Hồ” của mình để bạn đọc có thể chung chia và cùng với ngài cảm tạ Thiên Chúa nhân lành.

Lần ấn bản này được hiệu đính về văn phong và có đưa vào một số hình ảnh minh họa để bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận trong hoàn cảnh hiện tại.

Đọc lại lịch sử truyền giáo Miền núi rừng Tây Nguyên sẽ giúp người đọc hiểu rõ, cảm thông, sẻ chia và yêu mến Miền đất truyền giáo mỗi ngày một hơn.

Một lần nữa, tôi xin trân trọng giới thiệu và ước mong “Dân Làng Hồ” sẽ đem lại cho người đọc thấy rõ “việc Chúa làm qua bàn tay các nhà truyền giáo thật là vĩ đại”. Và cũng qua “Dân Làng Hồ”, người đọc tìm ra được phương pháp truyền giáo của chính Chúa Giêsu mà Thánh Bộ Truyền Giáo đã khôn ngoan nhắn nhủ trong Huấn Dụ năm 1659.

GPKONTUM (19/05/2018










Hàng ngàn người tham gia cuộc ‘Diễu hành vì Sự sống’ (March for Life) tại Luân Đôn

Hàng ngàn người tham gia cuộc ‘Diễu hành vì Sự sống’ (March for Life) tại Luân Đôn
Vào ngày thứ Bảy vừa qua trên các con đường tại Luân Đôn, đã diễn ra các cuộc tuần hành ủng hộ việc bảo vệ sự sống; và đây cũng là lần đầu tiên sự kiện này diễn ra tại thủ đô Anh.
Hàng ngàn người ủng hộ xuống đường diễu hành đi bộ khoảng nửa dặm từ Quảng trường Trafalgar ở trung tâm thành phố Luân Đôn đến Quảng trường Quốc hội. Đây là lần đầu tiên cuộc diễu hành vì sự sống được tổ chức tại London; trước đó, nó đã được tổ chức tại Birmingham.
Đức Cha John Keenan của Paisley và Đức Cha John Wilson, Giám Mục phụ tá của Westminster, cũng tham dự và phát biểu trong những cuộc diễu hành này.
Đức Cha Keenan đã thúc đẩy những người bảo vệ sự sống để họ dấn thân vào đời sống công cộng, nhưng đồng thời ngài cũng cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức đáng kể.
Đức Cha nói rằng “anh chị em không biết được sức ép của phương tiện truyền thông Anh trên lòng can đảm của anh chị em, thậm chí nó còn tấn công anh chị em và ngay cả trên sự sống nữa. Nhưng bảo vệ sự sống là công việc của anh chị em như gieo hạt giống cho thế hệ mai sau của các con.
Chúng ta sẽ chiến thắng cuộc tranh đấu này bằng sự thật, nhưng chúng ta sẽ giành được thắng cuộc nhiều hơn nữa bằng lòng can đảm. ” Ngài nhấn mạnh.
Vào khoảng thời gian năm 1967 Đạo luật phá thai có hiệu lực tại Vương Quốc Anh .
Cuộc diễu hành bảo vệ sự sống được tổ chức vào mùa xuân để kỷ niệm ngày 27/4/1968, hợp pháp hóa phá thai ở Anh, xứ Wales và Scotland.
Vào năm 2012, cuộc diễu hành bắt đầu do sáng kiến của một nhóm nhỏ của các nhà hoạt động bảo vệ sự sống tại Birmingham. Sự kiện thường niên này đã tăng lên rất nhiều khi các nhà tổ chức quyết định chuyển nó sang London lần đầu tiên trong năm 2018 này.
Chuyển Ngữ: Pv AdgentesKt
Nguồn: CNA và Catholic herald
XIN KÍNH MỜI




Hướng Mắt Nhìn Trời

Mùa Phục Sinh Chùa nhật 7 Năm B.  
Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Mc 16,15-20
Lễ Chúa Thăng Thiên





HƯỚNG MẮT NHÌN TRỜI

Tất cả mọi Kitô hữu đều có cùng một ước vọng hạnh phúc, đó là được về trời.  Quê thật chúng ta ở trên trời.  Một giấc mơ trở thành hiện thực đối với Đức Giêsu và đối với Đức Trinh Nữ Maria, chắc chắn hai vị nầy có mặt tại thiên đường, chuyện ‘hiện thực’ này còn tiếp tục nơi những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, chính Đức Giêsu là mối hy vọng, là hoài bão to lớn nhất của người tín hữu.  Theo Thánh Truyền, Đức Giêsu sau khi sống lại, Người ở trần gian 40 ngày, rồi ngự về trời. 

Chắc hẳn ‘lên trời’, không hiểu theo nghĩa vật lý như chiếc máy bay lao vào không gian.  Đúng hơn phải hiểu đây là giai đọan Đức Giêsu chấm dứt xuất hiện hữu hình với các môn đệ, đi vào một sự hiện diện mới, hiện diện vô hình nhưng hữu hiệu.  Đức Giêsu hiện diện giữa trần gian: sinh ra và lớn lên như người bình thường, người đồng hương tiếp xúc ăn uống với Người; sau khi sống lại, Người chỉ xuất hiện cho những ai cần củng cố niềm tin nơi họ, cho Phêrô, Mađalêna, nhóm Mười hai, các môn đệ làng Emmau.  Và lên trời, một lối hiện diện khác vào một giai đoạn mới, hiện diện vô hình, hiện diện ảo, hiện diện ảo không có nghĩa là ảo ảnh phi thực tế, thật ra đó là hiện thực xảy ra ở một nơi xa xăm, được phản chiếu lại qua màn ảnh để người ở xa vẫn theo dõi những gì là hiện thực đang xảy ra (présence virtuelle = hiện diện ảo, ví dụ xem bóng đá trên tivi, có thực nhưng không thực như trên sân cỏ). 

Chính vì vậy lễ Thăng Thiên nhấn mạnh đến sứ điệp rao giảng Ttin Mừng hơn là nhấn mạnh đến sự kiện thăng thiên: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo cho mọi loài thọ tạo” (x. Bài Tin Mừng Mc 16, 15-20).  Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm rắn và uống nhằm thuốc độc cũng không sao.  Rồi Người ngự về trời trước mặt các môn đệ.

Hai ngàn năm sau lệnh truyền giáo đó, Giáo Hội vẫn còn ở bước khởi đầu trong việc rao giảng Tin Mừng, nhất là tại lục địa Á châu này, lục địa đông dân nhất thế giới nhưng cũng ít nhất về số lượng người công giáo.  Một sứ mệnh cao cả và rộng lớn được trao cho nhóm môn đệ lúc bấy giờ còn chưa am tường về ơn cứu độ; ngay trước lúc Đức Giêsu ngự về trời có môn đệ còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” (x. Bài Đọc 1. Cv 1, 1-11); họ vẫn còn mơ hồ chưa xác tín việc Đức Giêsu sống lại. 

Bà Maria Mađala người phụ nữ đầu tiên được Đức Giêsu trao sứ mệnh loan báo việc Người sống lại, bà nói với các môn đệ rằng bà đã thấy Chúa “họ cũng chẳng tin” (Mc 16, 11); hai môn đệ Emmau thuật lại việc họ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh trong quán ăn “họ cũng không tin họ” (Mc 16,13); nhóm mười một cũng còn bị trách móc là “cứng tin” (c. 14) khi Chúa hiện ra với họ.  Ba lần cứng tin!  Cứng tin không chỉ hiểu về căn cước của Đức Giêsu mà cứng tin cả về kế hoạch cứu độ và sứ điệp truyền giáo Đức Giêsu trao cho họ.  Thật vậy chủ đầu tư việc loan báo tin mừng phục sinh là Đức Giêsu, Người trao sứ mệnh vĩ đại cho mươi người ít văn hóa, không lương tiền, không địa vị xã hội, không binh mã, Người còn ra lệnh cho họ làm một cuộc phiêu lưu chinh phục trần gian mà không có gì làm bảo chứng ngoài lời hứa là Chúa Thánh Thần sẽ đến. 

Lệnh truyền giáo này là sự thách đố và là điểm nhấn của mầu nhiệm Thăng Thiên.  Chúng ta vững tin thi hành lệnh truyền giáo này vì đã có một con người trần thế đứng ra nhận lãnh trách nhiệm về dòng tộc nhân loại, Người đi trước chúng ta, đang ngự bên hữu Chúa Cha, Đấng ấy đã nói: “Khi tôi được nâng cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự về với tôi”.  Phục sinh không phải là biến cố tận cùng, nhưng là điểm chìa khóa để đi vào giai đoạn mới của lịch sử cứu độ tức dự tiệc Nước Trời.  Các thiên sứ nói với các người Galilê: “Tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông, Người sẽ đến cùng một thể như các ông đã thấy Người về trời” (Cvtđ 1,11).  Điều này bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta, Đức Giêsu sẽ trở lại.  Người Kitô hữu ra đi xây dựng trần thế nhưng không bao giờ ngừng ngước mắt nhìn trời, mặc cho họ vật lộn với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa như bao nhiêu công dân khác, nhưng họ luôn ý thức trước hết mình là công dân Nước Trời.  Chính tư tưởng chủ đạo nầy làm cho người Kitô hữu không bao giờ được phép thất vọng, niềm hy vọng trời cao đem lại cho họ khả năng thẩm định giá trị vật chất chóng qua, đặt vật chất vào đúng chỗ của nó là phục vụ con người, đồng thời họ khám phá ra cái trường tồn xuyên qua vật chất hữu hình mà họ theo đuổi, đó là Thiên Chúa vĩnh hằng, đó là sự sống đời đời mà chỉ Kitô hữu mà thôi mới biết và theo đuổi.

Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, niềm hy vọng về trời đã nhen nhúm trong lòng chúng con ngay khi dòng nước thánh tẩy chảy trên đầu chúng con, xin cho con biết tìm kiếm những sự cao sang trên trời và đem niềm hy vọng đó đến cho mọi anh em chúng con. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
Gx. Đức An - Gp. Kontum
Gpkontum (12/05/2018) 


Mùa Hoa Về – Giáo Xứ Đức Hưng Hành Hương Dâng Hoa Kính Đức Mẹ – 06.05.2018

MÙA HOA ĐÃ VỀ
GIÁO XỨ ĐỨC HƯNG, GIÁO HẠT CHƯ PRONG, GP. KONTUM – 
HÀNH HƯƠNG ĐỀN THÁNH NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM – 
GIÁO XỨ HOÀNG YÊN –
CÙNG DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ
(06/05/2018)



                                                                                                NGUỒN : Adgentes KT
                                                                                                  GPKONTUM (10/05/2018) KONTUM

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha - Tháng 05 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân


Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha - Tháng 05 năm 2018: Sứ mạng của người giáo dân


Vatican. Trong tháng 05 năm 2018, Đức Thánh Cha mời gọi đặc biệt cầu nguyện cho người giáo dân, để họ có thể thực thi sứ mạng của mình, bằng cách đưa ra sáng kiến đáp lại các thách đố của thế giới, và làm chứng cho đức tin bằng đời sống đầy tình liên đới. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video như sau:
Người giáo dân đứng ở tiền tuyến của đời sống Giáo Hội. Chúng ta cần chứng từ của người giáo dân về chân lý của Tin Mừng, và gương mẫu đời sống của người giáo dân diễn tả đức tin bằng cách thực thi tình liên đới.
Chúng ta hãy cám ơn những giáo dân đã sẵn sàng mang lấy các rủi ro. Họ không sợ hãi. Họ mang đến niềm hy vọng cho những ai nghèo khổ nhất, cho những ai bị loại trừ và chịu thiệt thòi.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện trong tháng này, để người giáo dân có thể trung thành với sứ mạng đặc thù của họ, sứ mạng mà họ lãnh nhận khi chịu Phép Rửa, để họ đưa những sáng kiến của mình vào việc phục vụ và đáp lại các thách đố của thế giới ngày nay.
Mời quý vị cùng hiệp thông cầu nguyện với Đức Thánh Cha qua Video:






Tứ Quyết SJ
NGUỒN : Vietvatican.net
GPKONTUM (04/05/2018) KONTUM



Ngày Hội Ngộ Người Cha Công Giáo Miền Kontum Ngày 1-5-2018


Ngày Hội Ngộ Người Cha Công Giáo Miền Kontum tại Giáo Xứ Phương Nghĩa
trên 600 tham dự viên người kinh.
Đề Tài: “Cùng thinh lặng để chiêm ngưỡng Thánh Giuse Thợ”
Ngày 1-5-2018

Ban mục vụ Truyền thông xin giới thiệu với gia đình Giáo phận
Đoạn Video Thuyết trình và video Thảo luận đề tài về Thánh Giuse Thợ

1.- Video Cha G.B. Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ đề tài:
“Cùng thinh lặng để chiêm ngưỡng Thánh Giuse Thợ”






2.- Video Phần Thảo luận đề tài chia sẻ:
“Cùng thinh lặng để chiêm ngưỡng Thánh Giuse Thợ”



NGUỒN: Cuong Mai Tu
GPKONTUM (04/05/2018) KONTUM



Thiên Đàng Ở Đâu?

                                                               Thiên đàng ở đâu?      
       

Có người nghĩ rằng thiên đàng là nơi nhàm chán. Sự thực không phải thế, vì thiên đàng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Chân tiến bước mà lòng ấp ủ lời Thiên Chúa hứa
Với lời hứa của Chúa mang trong tim, dân vững tâm tiến bước trên suốt hành trình vì biết rằng mình là dân được chọn. Thường thì dân Chúa không trung tín, nhưng họ vẫn tin vào lời Thiên Chúa hứa, vì họ biết rằng Chúa luôn thành tín. Dân bất trung nhưng họ tin vào sự trung tín của Thiên Chúa.
Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đang tiến bước. Chúng ta đang đi trên một hành trình, nhưng chúng ta tự hỏi mình rằng: Tôi đang đi, nhưng mà đi đâu? Vâng, đi về quê trời, đi về thiên đàng! Vâng, nhưng thiên đàng là gì? Chúng ta bị khựng lại trước câu hỏi này, vì không biết phải nói làm sao. Nhiều lần chúng ta nghĩ về thiên đàng, nghĩ về quê trời cách trừu tượng xa xôi… Ồ, trên trời thì cũng tốt… Nhưng mà có người nghĩ, ở đó đời đời thì có vẻ chán lắm? Thế nhưng, sự thực không phải thế, thiên đàng không phải thế. Bởi lẽ, chúng ta đang tiến bước về quê trời, có nghĩa là chúng ta đang tiến bước đến một cuộc gặp gỡ, gặp gỡ Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đang  cầu nguyện cho từng người
Về phần mình, chúng ta đang tiến về cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Thế thì, trong thời gian đợi chờ, Chúa Giêsu làm gì? Chúa không ngồi đợi, nhưng vẫn đang làm việc không ngừng. Chúa đã nói: “Hãy tin vào Thầy, nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở. Thầy đi trước để dọn chỗ cho anh em.” Hiện tại Chúa không ngừng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho tôi, cho từng người chúng ta. Điều này chúng ta cần nhẩm đi nhắc lại để khắc ghi rằng: Chúa là Đấng tín trung và Chúa cầu nguyện cho tôi ngay trong lúc này đây.





Chúa đang dọn chỗ cho chúng ta
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu từng nói với thánh Phêrô rằng: Thầy sẽ cầu nguyện cho anh. Và điều ấy Chúa cũng nói với từng người chúng ta. Mỗi người cần ghi nhớ rằng: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi, Chúa đang không ngừng lao tác vì tôi, và Chúa đang dọn chỗ cho chúng ta. Thiên đàng, quê trời sẽ là nơi gặp gỡ, là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa đi trước để dọn chỗ cho chúng ta, để chuẩn bị cuộc gặp gỡ với từng người chúng ta. Điều ấy mang lại cho chúng ta niềm tin tưởng, và gia tăng niềm tín thác.
Chúa Giêsu là vị linh mục cầu thay nguyện giúp chúng ta, Chúa tiếp tục làm như thế cho đến tận cùng thế giới, tận cùng thời gian. Xin Chúa ban ơn để ta có thể ý thức về sự hiện diện của Người trong hành trình thực thi lời Thiên Chúa hứa. Xin cho ta ơn biết nhìn lên và ngẫm suy rằng: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang cầu nguyện cho con!

Tứ Quyết SJ
NGUỒN: Vietvatican.net
GPKONTUM (03/05/2018) KONTUM