* Đại kết bằng máu

Như tin vừa loan, Chúa Nhật qua, ISIS đã cho phổ biến cuốn video mô tả cảnh họ sát hại 21 con tin Kitô hữu người Ai Cập. Để trả thù cho đồng bào mình, không lực Ai Cập đã oanh tạc các địa điểm tập trung lực lượng của ISIS trên lãnh thổ Lybia.

Phản ứng của các Kitô hữu có khác. Elisabeth Scalia cho rằng ISIS đã khám phá được cách làm các Kitô hữu đến với nhau. Thực vậy, chính Đức Phanxicô đã nói lên sự thật này. Trước một phái đoàn đại kết, ngài nhấn mạnh rằng: bất kể họ là Công Giáo, Chính Thống, Cốptích, hay Luthêrô, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là: họ là Kitô hữu. Máu của họ y như nhau, đó là dòng máu tuyên xưng Chúa Kitô. Họ là anh chị em ta, bị thảm sát chỉ vì tuyên xưng Chúa Kitô. Và ngài gọi đây là đại kết bằng máu. 
Vũ khí thiêng liêng

Linh mục Dwight Longenecker thì cho rằng ISIS đang tiến dần đến chỗ mở một cuộc thánh chiến mới theo cái hiểu của họ về Thập Tự Chinh xưa. Và do đó, nay đã tới lúc Tây Phương nên tỉnh giấc mơ ngủ trước chiều kích tôn giáo của ISIS. Vì động thái man rợ chặt đầu 21 Kitô hữu tại Lybia, rõ như ban ngày, là do động lực Hồi Giáo. Những người này bị thảm sát không phải vì họ là người Ai Cập, hay tư bản chủ nghĩa hoặc xã hội chủ nghĩa hay là thành viên của lực lượng quân sự ngoại quốc. Mà chỉ vì họ là Kitô hữu, những Kitô hữu không võ trang xuất thân từ các gia đình nghèo phải trẩy đi phương xa kiếm việc làm.

Và trong cuốn video tuyên truyền lộn mửa, người duy thánh chiến gọi Phương Tây là “các thập tự quân” và đe dọa sẽ chinh phục Rôma. Việc này xảy ra, sau nhiều lần họ đe dọa sát hại Đức Giáo Hoàng.

Ta không nên để mình rơi vào chỗ đánh giá thấp bản chất hung hăng và phi lý trong động lực của họ. Nhưng ta phải làm gì trong tình thế này? Phản ứng của ta chắc chắn cũng phải hết sức rõ ràng. Tuy nhiên trong khi họ gây chiến. Ta thì không. Kitô hữu không bao giờ nên gây ra chiến tranh tôn giáo. Ta nên học bài học thập tự quân để thấy rằng chiến tranh do tôn giáo động viên không hề là một giải pháp.

Là Kitô hữu ta phải lùi bước khỏi tranh chấp và luôn chống đối chiến tranh, đề kháng chiến tranh bao nhiêu có thể và luôn luôn chống lại cơn cám dỗ muốn du mình vào chiến tranh vì các lý do tôn giáo. Vũ khí của chúng ta không bao giờ nên có tính quân sự, nhưng phải có tính thiêng liêng.

Tuy nhiên, điều các nhà cầm quyền dân sự có thể làm, lại là chuyện khác. Họ nên tự trang bị cho mình tất cả những gì cần thiết để vượt thắng ISIS. Họ nên làm thế chỉ dựa vào các lý do quân sự và chính trị. Tôn giáo phải để ở bên ngoài bất cứ phương trình nào. Điều này sẽ giúp ta liên minh được với các nước đa số theo Hồi Giáo nhưng cũng muốn tận diệt thứ ác ôn ý thức hệ này.

Phải coi chúng như Quốc Xã. Quốc Xã có thể bị thúc đẩy bởi một thứ ý thức hệ ngụy tôn giáo về tính trổi vượt sắc tộc, nhưng ta sẽ không để mình rơi vào nguy cơ của một ý thức hệ cũng phi lý như nó. Ta đối mặt với sự ác vì nó là sự ác. Nó hủy diệt các mạng sống vô tội. Nó đe dọa lối sống của ta. Ta xét sự ác trong bản chất của nó, không cần bận tâm tới chuyện tranh luận về các ý thức hệ đần độn, và chỉ cần sắn tay áo lên, đeo vũ khí và xông vào trận chiến.

Ta cũng nên đấu tranh với ý thức hệ ngụy tôn giáo, đầy chất man rợ của chủ nghĩa thánh chiến cùng một cách như trên. Không để mình vướng vào các luận điểm tôn giáo, nòi giống và sắc tộc. Ta hãy xét tội ác qủy ma, tàn bạo và man rợ theo bản chất của nó, sẵn sàng chiến đấu và không ngừng nghỉ cho tới lúc nó bị tiêu diệt.

Không nên chính trị hóa số phận Kitô hữu

Riêng ký giả John Allen Jr. thì có một nhận định hơi khác. Ông cho rằng, nhân dịp này, các nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Trung Đông nên đương đầu với những sự thật khó nhá tại đây. Họ cần nhận chân rằng đôi khi chính họ là kẻ thù tồi tệ nhất trong việc lôi cuốn sự hỗ trợ rộng rãi trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ, bởi vì các lời kêu gọi của họ đôi khi có tính chính trị nhiều hơn là nhân đạo hay tâm linh.

Nói chính xác hơn, ký giả này cho rằng các Kitô hữu Ả Rập cần chứng tỏ phẩm cách Ả Rập (Arab credentials) của mình bằng các lập trường phò Palestine và chống Israel bao nhiêu có thể. Điển hình được nhắc tới nhiều nhất là Đức Tổng Giám Mục Hilarion Capucci người Syria, từng bị kết án vào thập niên 1970 về “tội” nhập lậu vũ khí vào West Bank cho Phong Trào Giải Phóng Palestine và chỉ được trả tự do nhờ sự can thiệp của Đức Phaolô VI.

Tại buổi kết thúc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Kitô giáo vừa qua tại Lebanon, Đức Hồng Y Bechara Rai, thượng phụ Công Giáo nghi lễ Maronite, nói rằng “Ai cũng biết rằng cuộc tranh chấp Israel và Palestine và cuộc tranh chấp Israel và Ả Rập nằm ở cội rễ các chiến lược về Trung Đông nơi ta hiện đang sống”.

Nhà ngoại giao lão thành của Vatican là Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran có lần cho hay: cuộc tranh chấp Israel và Palestine là “mẹ đẻ ra mọi khủng hoảng khác” và hoà bình giữa người Israel và người Palestine sẽ thay đổi cuộc cờ.

Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, người Hồi Giáo chính dòng cần nhận chân điều này: sự hiện diện của các Kitô hữu là điều tối cần cho chính phúc lợi của họ, vì xu hướng chuộng dân chủ và đa nguyên của người Kitô hữu cũng như khả năng quản trị trường học và bệnh viện của khối người này. Các xã hội Tây Phương cũng thế, họ sẽ mất mát lớn nếu Kitô Giáo biến mất khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là các nhà lãnh đạo Kitô giáo địa phương nên thận trọng trong việc chính trị hóa phúc lợi của giáo dân mình bằng những ngôn từ có tính chính trị.