* Misericordiae Vultus – Tông thư về năm thánh đặc biệt kính lòng Chúa thương xót

MISERICORDIAE VULTUS
TÔNG THƯ VỀ NĂM THÁNH ĐẶC BIỆT KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Đức Phanxicô
Giám mục Rôma
Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa
Chúc tất cả những ai đọc tông thư này
Ân sủng, lòng xót thương và bình an.

1. Đức Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng xót thương của Chúa Cha. Những lời này có thể tóm lược toàn bộ mầu nhiệm của đức tin Kitô giáo. Lòng xót thương đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu Nazaret, và đạt đến chóp đỉnh nơi Người. Chúa Cha, “giàu lòng xót thương” (Ep 2, 4), sau khi đã mặc khải danh Ngài cho Môsê như “vị Thiên Chúa xót thương và nhân từ, chậm bất bình và chan chứa tình yêu thương và trung thành (Xh 34, 6), đã không ngừng cho thấy bản tính Thiên Chúa của Ngài bằng những cách khác nhau suốt dòng lịch sử. Vào “thời viên mãn” (Gal 4, 4), khi mọi sự đã được sắp xếp theo kế hoạch cứu độ, Ngài đã sai Người Con duy nhất của Ngài vào trần gian, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, để mặc khải tình yêu của Ngài cho ta cách dứt khoát. Ai thấy Chúa Giêsu đều thấy Chúa Cha (x. Ga 14, 9). Đức Giêsu Nazaret, bằng lời nói, hành động và toàn con người mình (1), đã mặc khải ra lòng xót thương của Thiên Chúa.
2. Ta cần không ngừng chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng xót thương. Đó là nguồn suối hoan lạc, thanh thản và bình an. On cứu độ của ta lệ thuộc vào nguồn suối này. Lòng xót thương: lời này mặc khải ra chính mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi chí thánh. Lòng xót thương: hành vi tối thượng và chung cuộc nhờ đó Thiên Chúa đến gặp gỡ ta. Lòng xót thương: luật căn bản cư ngụ trong cõi lòng của mọi người đang chân thành nhìn vào đôi mắt của anh chị em mình trên các nẻo đường cuộc sống. Lòng xót thương: nhịp cầu nối kết Thiên Chúa với con người, mở lòng ta ra cho niềm hy vọng muôn đời được yêu thương bất kể tình trạng tội lỗi của ta.
3. Đôi khi ta được mời gọi nhìn chăm chú hơn vào lòng xót thương để ta có thể trở nên một dấu chỉ hữu hiệu hơn của hoạt động của Chúa Cha trong đời ta. Vì lý do đó tôi công bố Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Xót Thương như thời gian đặc biệt đối với Hội Thánh; thời gian việc làm chứng của các tín hữu trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Năm Thánh này sẽ khai mạc vào ngày 8. 12. 2015, lễ trọng mừng Đức Maria Vô Nhiễm. Phụng vụ ngày lễ này nhắc lại hoạt động của Thiên Chúa ngay từ lúc khai nguyên lịch sử nhân loại. Sau tội Adam và Eva, Thiên Chúa không muốn bỏ mặc nhân loại trong những nỗi đớn đau của sự dữ. Vì thế, Ngài đã ghé mắt nhìn đến Đức Maria, thánh thiện và vô tỳ tích trong tình yêu (x. Ep 1, 4), chọn ngài làm mẹ của Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Khi đương đầu với sức nặng của tội lỗi, Thiên Chúa luôn đáp trả bằng sự viên mãn của lòng xót thương. Lòng xót thương bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi, và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu Thiên Chúa Đấng bao giờ cũng sẵn sàng tha thứ. Tôi sẽ hân hoan mở Cửa Thánh (2) vào ngày lễ trọng mừng Đức Maria Vô Nhiễm. Vào ngày ấy, Cửa Thánh sẽ trở nên một Cánh Cửa của Lòng Xót Thương, ai bước qua cửa ấy sẽ kinh nghiệm được tình yêu Thiên Chúa Đấng ủi an, tha thứ và gieo rắc niềm hy vọng.
Vào Chúa Nhật sau đó, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, Cửa Thánh của nhà thờ chính tòa Rôma – tức Vương Cung Thánh Đường Lateranô – cũng sẽ được mở ra. Trong những tuần kế tiếp, các Cửa Thánh của các Vương Cung Thánh Đường của đức thánh cha cũng sẽ được mở ra. Vào ngày Chúa Nhật ấy, tôi sẽ công bố rằng trong mọi Hội Thánh địa phương, tại các nhà thờ chính tòa – Nhà thờ chính của các tín hữu tại những khu vực đặc biệt – hay tùy theo sự lựa chọn, tại nhà thờ tương đương với nhà thờ chính tòa hoặc một nhà thờ nào khác có ý nghĩa đặc biệt, Cánh Cửa của Lòng Xót Thương sẽ được mở suốt Năm Thánh. Tùy đức giám mục địa phương, một cánh cửa tương tự có thể được mở tại bất cứ Đền thánh nào có các nhóm hành hương hay lui tới, vì việc thăm viếng các nơi thánh ấy thường là những lúc chan chứa ân sủng, vì người ta tìm được đường hoán cải. Vì thế, mọi Hội Thánh đặc biệt sẽ trực tiếp tham gia vào việc sống Năm Thánh này như một thời ân sủng đặc biệt và canh tân thiêng liêng. Như thế, Năm Thánh này vừa sẽ được cử hành tại Rôma vừa tại các Hội Thánh Đặc biệt như một dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông của Hội Thánh hoàn vũ.
4. Tôi chọn ngày 8. 12 vì ý nghĩa phong phú của ngày ấy trong lịch sử mới đây của Hội Thánh. Quả thế, tôi sẽ mở Cửa Thánh vào ngày kỷ niệm năm mươi năm bế mạc Công Đồng Đại Kết Vatican II. Hội Thánh cảm thấy một nhu cầu khẩn thiết phải giữ cho biến cố này sống mãi. Với Công Đồng này, Hội Thánh đi vào một giai đoạn mới của lịch sử. Các Nghị Phụ Công Đồng này cảm nhận cách mạnh mẽ, như hơi thở đích thật của Chúa Thánh Thần, một nhu cầu phải nói về Thiên Chúa cho con người thời đại mình cách dễ tiếp cận hơn. Các bức tường từ lâu đã biến Hội Thánh thành một pháo đài đã bị phá đổ và thời loan báo Tin Mừng cách mới mẻ đã đến. Đây là một giai đoạn mới của cùng một việc tin mừng hóa đã hiện hữu ngay từ thuở ban sơ. Đây là lúc để mọi Kitô hữu làm chứng cho đức tin cách mới mẻ với lòng nhiệt thành và xác tín hơn. Hội Thánh cảm thấy trách nhiệm phải là dấu chỉ sống động của tình yêu của Chúa Cha trên trần gian này.
Chúng ta nhớ lại những lời rất cảm động của thánh Gioan XXIII, khi, khai mạc công đồng, ngài đã chỉ ra con đường phải theo: “Bây giời Hiền Thê của Đức Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng xót thương chứ không phải lăm le vũ khí của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo, khi giương cao ngọn đuốc chân lý Công giáo vào Công Đồng Đại Kết này, muốn chứng tỏ mình là một người mẹ trìu mến của hết mọi người; nhẫn nại, tử tế, tỏ lòng xót thương và hào hiệp đối với những con cái ly khai của mình” (3). Chân Phước Phaolô VI cũng nói trong một mạch văn tương tự lúc bế mạc Công Đồng: “Chúng ta muốn chỉ cho thấy lòng bác ái là đặc điểm chính yếu của Công Đồng này ra sao… câu chuyện người Samarita nhân hậu xưa chính là khuôn mẫu của nền linh đạo của Công Đồng này… một làn sóng tình cảm và ngưỡng mộ từ Công Đồng tuôn trào lai láng trên thế giới nhân loại hôm nay. Ta kết án những sai lầm, đúng thật, vì lòng bác ái và sự thật đều đòi phải kết án, nhưng đối với cá nhân mỗi người thì chỉ có khuyên lơn, tôn trọng và yêu thương. Thay vì làm suy yếu việc chẩn đoán, ta khuyến khích trị liệu; thay vì những lời tiên báo khủng khiếp, Công Đồng đưa ra những sứ điệp của sự tin tưởng cho thế giới hôm nay. Những giá trị của thế giới hôm nay không chỉ được tôn trọng mà còn được kính yêu, những nỗ lực được chấp thuận và khát vọng của thế giới ấy được thanh luyện và chúc phúc…. Một điểm nữa ta phải nhấn mạnh là: toàn bộ giáo huấn phong phú này đều được lưu chuyển trong cùng một hướng, (đó là) việc phục vụ nhân loại, thuộc mọi điều kiện, trong mọi sự yếu hèn và thiếu thốn” . (4)
Với những tình cảm của lòng biết ơn vì mọi sự Hội Thánh đã lãnh nhận, và với cảm thức về trách nhiệm đối với nhiệm vụ trước mặt, chúng ta sẽ bước qua ngưỡng của Cửa Thánh cách đầy tin tưởng rằng sức mạnh của Chúa phục sinh, Đấng không ngừng nâng đỡ chúng ta trên đường lữ hành, sẽ gìn giữ chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hướng dẫn các bước chân người tín hữu trong việc cộng tác với công trình cứu độ do Đức Kitô thực hiện, dẫn đường và nâng đỡ Dân Thiên Chúa để họ có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng xót thương . (5)
5. Năm thánh sẽ kết thúc với Lễ Trọng mừng Đức Kitô Vua Vũ Trụ ngày 20. 11. 2016. Vào ngày ấy, khi đóng Cửa Thánh, trước hết chúng ta sẽ được ắp đầy cảm thức về lòng biết ơn và tạ ơn Chúa Ba Ngôi vì đã ban cho ta một thời gian ân sủng đặc biệt. Chúng ta sẽ trao phó sự sống của Hội Thánh, toàn nhân loại và toàn vũ trụ cho Vương Quyền của Đức Kitô, xin Người đổ tràn đầy lòng xót thương trên ta như sương mai, để mọi người có thể cùng bắt tay xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Tôi ước mong năm tới này sẽ thấm đẫm lòng xót thương, để ta có thể ra đi đến với mọi người, đem theo sự tốt lành và hiền dịu của Thiên Chúa! Nguyện xin hương thơm của lòng xót thương đến với mọi người, cả những người tin lẫn những người còn lạc xa, như dấu chỉ cho thấy rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa ta!
(còn tiếp)
Chú thích
(1) Xem Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 4.
(2) Cửa Thánh: bốn vương cung thánh đường của đức giáo hoàng tại Rôma, vương cung thánh đường nào cũng có cửa thánh. Các cửa này thường được đóng kín từ phía trong để không ai có thể mở được. Các cửa này được mở suốt năm thánh, khi các khách hành hương đi vào qua các cửa này để lãnh nhận ơn toàn xá liên quan tới năm thánh (chú thích của dịch giả: ctcdg)
(3) Diễn văn khai mạc Công Đồng Đại Kết Vatican II, Gaudet mater ecllesia, 11. 10. 1962, 2 – 3.
(4) Xem Công Đồng Đại Kết Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 16; Hiến Chê Mục Vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay, Gaudium et Spes, 15.
(5) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II – II, q. 30. A. 4.