Mùa Thường Niên Chúa Nhật 6 Năm B
Lv 13, 1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1, 40-45


CÁCH LY hay TIẾP CẬN

Phụng vụ hôm nay mở đầu bằng trích đoạn sách Lê-vi, cho thấy bối cảnh xã hội tôn giáo đối với người bệnh phong trong thế giới Do thái. Phong, một thứ bệnh hay lây, khó chữa lành vào thời đó, nên chỉ có phương pháp là cách ly bệnh nhân ra khỏi xã hội người lành mạnh. Trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn, trại phong Đắk Kia ở Kontum, trại phong Thanh Bình ở Sàigòn, là những hình thức tổ chức gợi nhớ phong tục Do thái ngày xưa trong xã hội văn minh của chúng ta hôm nay, giải quyết bằng cách ly. “Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế!, Ô uế!. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại”, bên ngoài xã hội người lành mạnh (x. Bài Đọc 1. Lv 13, 1-2.44-46). Lối hành xử cách ly bất nhân và nệ luật này trái ngược hẳn với cách tiếp cận thân thiện và tự do của Đức Giêsu đối với người phong cùi.
Tự do hành xử là cung cách của Đức Giêsu. Người không bị gò bó bởi luật lệ phi nhân, tình yêu của Người không biên giới và vô điều kiện, Đức Giêsu đã chữa bệnh cho người bất toại vào ngày thứ bảy, và khi bị chất vấn, Người đã trả lời đầy nhân ái: “Ngày sabát được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày sabát”. Rất tự do trong hành động, vì lòng nhiệt thành tôn giáo và vì tình yêu đối với Cha, Người đã can đảm đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Một việc làm cả thể gây chấn động và đụng chạm quyền bính tôn giáo thời bấy giờ “rút dây động rừng”, hành động xua đuổi còn làm suy sụp đời sống kinh tế của một số thương nhân mộ mến tiền bạc hơn mộ đạo vào thời đó. Tiền bạc và lợi nhuận đã làm họ mất dần tâm thức tôn giáo, và việc buôn bán đổi chác đã làm họ biến nhà Thiên Chúa thành nơi phố chợ.
Và hôm nay, Đức Giêsu “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào người tật phong và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. (Bài Tin Mừng Mc 1,40-45). Người hành động như bất chấp luật lệ, Người đặt tình yêu lên trên, Người coi trọng giá trị nhân phẩm của con người. Trên các luật lệ, đó là luật bác ái đối với con người. Đúng như thánh Âu-tinh ban lời cố vấn: “ Hãy yêu đi rồi làm gì anh muốn”. Khi giơ tay động đến người bệnh phong, một việc làm cấm kỵ thời đó, Đức Giêsu không bị lây nhiễm bởi bệnh phong cùi, trái lại Người làm cho người bệnh phong bị lây nhiễm sự lành mạnh và Người trả anh về lại với xã hội tự do. Người cũng làm cho chúng ta lây nhiễm cách hành xử của Người. Qua người phong này Đức Giêsu đụng chạm đến một nhân loại đau yếu bệnh tật, nô lệ vì tội lỗi, nô lệ vì thiên kiến, nô lệ vì kỳ thị; được tiếp xúc với Người, nhân loại được tẩy sạch, được vãn hồi sức khỏe, được phục hồi nhân phẩm làm người tự do trong xã hội lành mạnh. Đức Giêsu như kẻ vượt rào luật lệ minh chứng tình thương vô bờ bến đối với mọi con người, bất cứ họ là ai đi nữa, vì “Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, (Sách Sáng thế 1,26). Thật vậy tình yêu chân thật không biết đến rào cản.
Cử chỉ vượt rào chắn nầy Giáo Hội hiện nay gặp được nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài từ bỏ cung điện sang trọng Vatican, bằng lòng ở nhà khách Matta đơn giản, từ bỏ xe riêng, ngồi chung xe bút với các Hồng y, dễ dàng tiếp xúc với đám đông không sợ bị đe dọa tính mạng khi tông du, ôm hôn con người “mặt quỷ” ghê sợ, dành ưu tiên cho người già nua bệnh tật, các kẻ khuyết tật như được ngài ưu ái hơn, các cách hành xử nầy làm cho thế giới ngạc nhiên và ngưỡng mộ Ngài. Ứng xử nầy như phần nào lặp lại  cung cách hành xử của Đức Giêsu ngày xưa.
Đức Kitô chữa lành hôm qua, cũng sẽ làm như vậy hôm nay đối với mọi bệnh nhân, bởi vì quyền năng của Thiên Chúa xuyên suốt lịch sử và các miền văn hóa. Người vẫn luôn luôn muốn và nói với mỗi bệnh nhân, với mỗi tội nhân: “Ta muốn, con hãy được sạch” (c.41). Thật ra tội nhân là bệnh nhân trong tâm hồn, con người có khi là bệnh nhân hơn là tội nhân vì con người vốn yếu đuối không đứng dậy nổi trên đôi chân của mình. Con người thật đáng thương và Thiên Chúa không mỏi mệt yêu thương tha thứ cho con người. Cần phân biệt tội lỗi luôn đáng ghét nhưng tội nhân luôn đáng thương và được mời gọi hoán cải. Khi phạm tội con người có khi là bệnh nhân hơn là tội nhân, cho nên phải thận trọng khi phê phán.
 Lạy Chúa Giêsu, mỗi người chúng con đều yêu thích lặp lại lời nguyện xin này của người phong cùi: “Lạy Ngài nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch”. Và ai nấy trong chúng con cũng hân hoan muốn nghe lại lời này của Chúa: “Ta muốn, con hãy được sạch”. Amen.
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
Ad gentes KT - 10/02/2018