“Chúa đến” là đối tượng kép của Mùa Vọng, mừng Đức Giêsu giáng sinh như một kỷ niệm lịch sử và chờ mong Đức Giêsu đến như chấm câu kết thúc vũ trụ. Lần thứ hai này, Đức Giêsu sẽ đến trong ánh sáng của biến cố quang lâm (quang:sáng ; lâm:đến) theo như lời Đức Giêsu hứa, lần thứ hai Người đến mang tính quyết liệt có liên hệ đến số phận của mỗi người. Bốn sự kiện xảy ra thời cánh chung: thế mạt, Đức Giêsu quang lâm, phán xét người lành kẻ dữ, thưởng phạt tùy theo tội – phúc cá nhân, sách Bổn ngày xưa gọi là tứ chung, tức là bốn điều sau hết. Tuy nhiên cần phân biệt về ý niệm thế mạt, tức biến cố vũ trụ bị hủy diệt theo ý muốn Thiên Chúa, khác với sự tận thế của vũ trụ theo tính toán khoa học. Sách thánh nói: “Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy”. (x. Bài Đọc 2. 2 Pr 3, 8-14).
Phụng vụ Chúa nhật hôm nay cho thấy bầu khí chuẩn bị nội tâm: con đường trở về là con đường sống, con đường sám hối là con đường cứu độ, con đường nầy có mối liên hệ tới sa mạc, một nơi cô quạnh và vắng lặng. Nhưng sa mạc lại là nơi thuận tiện cho tâm linh gặp gỡ chính mình bằng phản tỉnh, nơi không bị xáo trộn bởi phồn vinh thế tục, nơi chốn cho linh hồn gặp gỡ Thiên Chúa bằng sám hối, cầu nguyện, ăn chay, đây là dịp thuận tiện tái lập giao hảo với Thiên Chúa và tha nhân: “Trong sa mạc hãy mở đường cho Đức Chúa…Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy…Bấy giờ vinh quang của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện”.( x. Bài Đọc 1. Is 40, 1-5.9-11).
Hoang địa miền Giuđê được thánh Mác-cô chọn để long trọng giới thiệu gương mặt Gioan Tẩy Giả cùng với sứ điệp và lời kêu gọi sám hối của vị Tiền hô Chúa Cứu thế. Trong sa mạc này dân Giuđê và dân thành Giêrusalem chứng kiến và lắng nghe sứ điệp long trời lở đất của Gioan Tiền Hô: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đứng sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”. (x. Bài Tin Mừng Mc 1,1-8). Bài Tin Mừng xác nhận lời sấm của tiên tri Isaia được thực hiện nơi Đức Giêsu chính là “vinh quang của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện”, Người đang đến sau Gioan. Phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa thống hối, có hiệu năng chuẩn bị tội nhân lãnh nhận một phép rửa khác được thực hiện bởi nước và Thánh Thần, tức phép Rửa tội do Đức Giêsu thiết lập. Một cách nào đó có thể thấy Ơn cứu độ khởi đi âm thầm từ Thiên Chúa trong sa mạc: “Chúa không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (x. Bài Đọc 2.2Pr 3,8-14). Sa mạc là thời thuận tiện cho sám hối. Hãy can đảm đi vào sa mạc với Đức Giêsu để chiến đấu.
Chính trong hoang địa này Đức Giêsu gặp gỡ vị Tiền hô của mình là thánh Gioan Tẩy Giả, đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử ơn Cứu độ, một sự chuyển tiếp từ Giao ước cũ sang Giao ước mới. Cũng trong hoan địa Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn đưa vào sa mạc để bị Xatan cám dỗ, nơi đây Người lắng đọng tâm hồn gia tăng sức mạnh tâm linh, suy nghĩ và cưu mang kế hoạch cứu độ, trước khi xuất đầu lộ diện công khai rao giảng Nước Trời. Ngày nay, từ ngữ ‘sa mạc’ ám chỉ môi trường tu luyện thiêng liêng dành sự gặp gỡ Thiên Chúa, dành cho việc cưu mang những quyết định hệ trọng như lựa chọn căn bản, cho những từ bỏ và hoán cải đổi đời.
Nơi hoang vắng này vang vọng Lời của Thiên Chúa, Lời có khả năng soi sáng con người tìm gặp chân lý về chính mình là thân phận lữ hành tìm kiếm Thiên Chúa. Nơi trời cao đất rộng nầy, con người như dễ dàng tiếp xúc với Thiên Chúa, học được bài học phù du vật chất, và hào nhoáng trần thế mau qua, đồng thời nhận ra thân phận con người là lữ khách liên tục lên đường tìm kiếm Nước Trời vĩnh cứu. Người lữ hành dẹp bỏ những hành trang nặng nề cồng kềnh vô ích để cho mình được nhẹ nhàng và tự do đi đến với Thiên Chúa trong tuyệt đối thinh lặng đầy tin tưởng. Điều kỳ lạ là thời gian sa mạc lại thuận lợi cho việc dọn đường đón Đức Giêsu ngự đến. Sa mạc cũng là kinh nghiệm của hầu hết các thánh trước khi gặp gỡ Chúa Kitô.
Bệnh thời đại chúng ta là thích định vị “an cư lạc nghiệp”, ôm đồm thật nhiều, làm cho việc gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân trở nên khó thực hiện, căn bệnh trầm kha nầy có nguy cơ khép kín con người trong tự mãn, tự phụ và kiêu căng, bất cần đến trợ lực thần linh, đánh mất đời sống tâm linh. Tuy nhiên sa mạc là môi trường tuyệt hảo để hoán cải tâm hồn bồi dưỡng tâm linh. Hoán cải bằng chiêm niệm, lắng nghe Lời, khám phá ra thân phận mọn hèn của con người trước Thiên Chúa bao la vĩ đại.
Lạy Chúa Giêsu, “Chúa không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” xin cho con biết biến sa mạc bất đắc dĩ thành cơ hội thuận lợi đi về với Chúa. Amen
Lm Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (09/12/2-17) KONTUM