Mùa Vọng Chúa Nhật 4 Năm B
2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
ĐỨC CHÚA Ở VỚI NGƯƠI
Một lời sấm cho hai nhân vật sống cách xa nhau
mười thế kỷ giữa Đavít và Đức Maria được phụng vụ hôm nay liên kết lại trong
một mầu nhiệm. Cả hai nhân vật này tiến lên trong cùng một con đường đức hạnh,
cùng hy vọng một ơn Cứu độ, và cùng lãnh nhận một lời sấm giống nhau được phán
ra cho nhà Đavít và Đức Maria. Lời sấm phán thế này: “Đức Chúa ở cùng
ngươi” gặp được nơi câu 3 trong Bài Đọc 1 (2S 7, 1-5.8b -12.14.16) và
nơi câu 28 trong Bài Tin Mừng (Lc 1,26-38). Trong Bài Đọc 1, tiên tri Nathan
mặc khải cho Đavít sự bảo trợ của Thiên Chúa: “Tất cả những gì ngài ấp
ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Thiên Chúa ở với ngài” (c.3),
ông cũng cho biết kế hoạch của Thiên Chúa xuyên qua các thế hệ con cháu, khẳng
định Người là Chúa của lịch sử: “Chính Ta cất nhắc ngươi, từ một kẻ
lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta, là Israen. Ngươi đi
đâu, Ta cũng đã ở với ngươi” (câu 8b).
Là phụ nữ Do thái sùng đạo chắc chắn Đức
Maria biết đoạn Kinh thánh này và Mẹ đã sống nội tâm đoạn Kinh thánh đó trong
đức tin và đức cậy trông. Đức Maria thấm nhuần Lời Chúa, đầy tràn ân sủng,
trước khi đầy tràn Thiên Chúa “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng bà” (câu 28). Thật vậy Đức Maria xác tín lời hứa ban Đấng
cứu độ, Mẹ đã suy niệm và sống niềm cậy trông này trong tâm tưởng, chính vì thế
Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Chúa nơi cung lòng Mẹ. Mẹ
là tín nữ lắng nghe, cầu nguyện và sống lời Chúa (x. Tông Thư Marialis cultus
2.2.1974).
Thánh vương Đavít
mơ ước có ngôi nhà xứng đáng để đặt Hòm Bia, hầu có thể đảm bảo cho sự bền lâu
của vương quốc, ông muốn xây cho Thiên Chúa một ngôi nhà xứng đáng (x. Bài Đọc
1). Hòm Bia nầy chứa đựng hai phiến đá ghi khắc Mười giới răn mà Chúa đã ban
cho ông Môsê. Hòm Bia là báu vật mang lại phúc âm cho toàn dân, cho nên đi đâu
dân Do thái cũng mang theo mình ngay cả khi xung trận. Hòm bia là biểu tượng sự
hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Vua Đavít có ý tưởng xây nhà cho Thiên
Chúa là một lối suy nghĩ tốt lành và đạo đức, nhưng cũng là một cám dỗ muốn
quản lý Thiên Chúa theo ý mình, nếu không nói đó là muốn định cư Thiên Chúa hay
độc quyền Thiên Chúa. Qua miện ngôn sứ Nathan, Đavít biết được rằng Thiên Chúa
sẽ tạo lập cho ông một dân tộc, “một nhà”, tức là một triều đại,
ý tưởng nầy khác xa với suy nghĩ của ông. Tư tưởng của Thiên Chúa cách xa suy
nghĩ của phàm nhân như trời cao hơn đất là thế đó.
Khi sứ thần Gáprien
vào nhà trinh nữ Maria, sứ thần đã dùng chính lời của Nathan đã nói với Đavít
mà chào Đức Maria: “Đức Chúa ở cùng bà” (câu 28), dĩ nhiên
lời chào này có hiệu năng và hiện thực hơn nhiều so với lời sấm phán ra với nhà
Đavít, vì Thiên Chúa khởi sự thực hiện việc nhập thể nơi bản thân của Đức
Maria. Đức Mẹ được ví như là Hòm bia Giao Ước Mới, một Hòm bia nhân loại
di động cưu mang Chúa cứu thế, nơi Mẹ sẽ ký kết bản hiệp ước giữa Thiên Chúa và
Nhân loại, tức là thiên tính kết hợp với nhân tính, và nhân tính được nâng cấp
tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm người và ở với nhân loại. Khi
nhận lời truyền tin của thiên thần Đức Maria cũng có phần lo âu giống như
Đavít, là muốn định cư Thiên Chúa theo quan niệm nhân loại: “việc ấy
sẽ xảy ra như thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (câu
34). “Đừng sợ, Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”. Câu trả lời
cho thấy Thiên Chúa không nằm trong quy luật sinh vật học, con người không thể
cầm tù Thiên Chúa.
Thánh Thần Sáng
Tạo. Thánh Thần của buổi đầu tạo dựng. Thánh Thần của mọi khởi đầu. Cũng như
đối với Đavít và hôm nay đối với Đức Maria, Thiên Chúa cho biết chính Người có
sáng kiến cứu độ và Người hành động theo cách thế quyền năng của Người. Người
hành động theo tầm vóc Thiên Chúa và theo tầm vóc nhân loại: Đức Maria thụ thai
bởi phép Chúa Thánh Thần. Ôi thật nhiệm mầu! Cách hành động của Thiên Chúa chỉ
mình Người biết mà thôi: Một bà già son sẻ như bà Isave đã thụ thai theo lẽ
thường, và một thiếu nữ trẻ trung thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Phải nói
được rằng cả hai đều thụ thai nhiệm lạ do tác động của Thánh Thần, cho chúng ta
thấy sự nhưng không của Thiên Chúa trong thi hành ơn cứu chuộc. Cả hai đều là
dấu chỉ của sự sáng tạo mới. Đó là bí mật mà thánh Phaolô trong thư gủi tín hữu
Rôma viết: “Bí mật được giữ kín tự ngàn xưa và nay được tỏ hiện ra nơi
Đức Giêsu Kitô”, là ‘Đức Chúa ở với ngươi’ (x. Bài Đọc 2.Rm 16,
25-27).
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa muốn ở với con người mà không cần lầu son gác tía, không cần nhà nào, cũng
không cần cung điện nào ngoài tâm hồn con người. Xin cho con ý thức điều đó để
dọn lòng đón Chúa đến thăm trần gian. Amen
Lm Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
Ad Gentes KT – 22/12/2017