Tĩnh Tâm Cho Các Giáo Lý Viên-Thiếu Nhi Thánh Thể Trong Toàn Giáo Hạt, Thứ Tư – 21/03/2018

Trong Mùa chay, Giáo hạt Chư Prông tổ chức tĩnh tâm
cho các Giáo Lý Viên-Thiếu Nhi Thánh Thể
trong toàn Giáo hạt tại Đền Thánh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
Giáo Xứ Hoàng Yên, Giáo Hạt Chư Prông, Giáo Phận Kontum
vào thứ tư ngày 21/03/2018


             
Ad Gentes KT - 26/3/2018

Giờ – Giao Ước


GIỜ – GIAO ƯỚC


Điều lạ và khó tin đã xảy ra nhiều lần trong Kinh thánh, đó là việc ký kết Giao ước giữa Thiên Chúa và con người.  Lập Giao ước là ý hướng căn bản trong Kinh thánh.  Trong thời Cựu Ước nhiều lần Kinh thánh nói đến việc Thiên Chúa đã ký giao ước với con người: Giao ước với Ápraham, Giao ước với Môsê, Giao ước với Nôê, Giao ước với nhà Đavít …  Giao ước được thực hiện nhiều lần khác nhau trong đa dạng bối cảnh.  Mỗi Giao ước có lịch sử và nội dung riêng của nó, Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ítraen và dẫn dắt họ qua những thăng trầm lịch sử bằng những giao ước nhất thời, luôn hướng họ tới một Giao ước mới, dứt khoát và trọn vẹn.  Lời hứa này được Giêrêmia khẳng định: “Này sẽ đến những ngày, ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một Giao Ước Mới … Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. …  Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (x. Bài Đọc 1. Gr 31,31-34). 
Giao Ước Mới này được Đức Giêsu ký kết bằng máu của Người khi chịu đóng đinh chết trên thập giá, để ban ơn cứu chuộc cho nhân lọai. Thánh Phaolô tóm gọn sự việc trong thư Do thái: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; … Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (x. Bài Đọc 2. Dt 5, 7-9).  Ơn cứu độ được thiết lập không chỉ dành riêng cho người Do thái mà thôi, nhưng cho tất cả. 
Ngay trước khi bước đi trên con đường chịu nạn vào dịp lễ Vượt qua năm ấy, đã có mấy người Hy-lạp đến xin gặp Đức Giêsu, qua trung gian môn đệ Philípphê và Anrê, họ đã được mãn nguyện.  Trong cuộc gặp gỡ đó Đức Giêsu nói một cách ám tàng về con đường tử nạn và phục sinh của mình.  Người ví mình như hạt lúa gieo vào lòng đất, phải mục nát rồi mới đơm bông kết trái.   Người bộc lộ tâm sự của mình.  Người chiêm niệm và hình dung con đường cam go Người phải kinh qua.  Là thân phận phàm nhân, Người lo lắng, “tâm hồn xao xuyến”, và xin Cha cứu khỏi giờ này.  Vì đó là giờ đáng sợ: Giờ bị học trò bán đứng, bị bạn hữu phản bội, bị bỏ vạ cáo gian, bị kết án tù ngục và đóng đinh chết ô nhục trên thập giá.  Tuy nhiên Người phải đi đến cùng vì đó là ý hướng căn bản chỉ đạo cuộc đời của Người : “Vì giờ này mà Con đã đến” (x. Bài Tin Mừng. Ga 12, 20-33).
Với những người Hy-lạp muốn gặp Đức Giêsu, Người nói: “ Đã đến giờ, Con Người được tôn vinh!” (c.23).  Đối với những người Hy-lạp hôm đó, họ là những người đi tìm kiếm Thiên Chúa, lời nói trên hàm ý nội dung sâu xa, họ cảm nhận một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.  Họ đến không phải chỉ gặp Đức Giêsu mà thôi, việc này họ có thể làm mà không cần qua trung gian các môn đệ, nhưng họ muốn tiếp xúc với Đức Giêsu để tâm sự, để trao đổi, để đi sâu vào tâm tình tôn giáo, do đó họ mới cần được môn đệ giới thiệu.  Tâm hồn họ được thỏa mãn khi nghe từ miệng Đức Giêsu nói những lời này, họ hiểu lờ mờ về lời sấm đó: chính vì giờ này mà Đức Giêsu đã đến thế gian, giờ của tội lỗi dẫn Đức Giêsu đến Thập giá, nhưng cũng là giờ mà thập giá trở thành ngai vinh quang, chiến thắng sự chết. 
Ngày xưa các Hiền sĩ cảm nhận được sự lạ lùng khi ngắm nhìn Hài Nhi sơ sinh được bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ và nhận ra đó là Vua dân Do thái, là Chúa cả trời đất; hôm nay những người Hy-lạp cảm nhận sự lạ lùng đó khi nghe nói : “Một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (c.32).  Họ nhận ra Đức Giêsu là đấng Cứu độ bởi vì lên với Thầy là gặp được sự sống đời đời, nhưng với điều kiện là phải từ bỏ chính mạng sống mình như điều kiện tất yếu phải có, đó là con đường mục nát tự hủy của hạt giống gieo vào lòng đất.  Thầy đã kinh qua con đường thập giá và đã đặt tới vinh quang, trò cũng dấn bước trên đó để chung phần chiến thắng với Thầy.  Thân phận hạt lúa miến được áp dụng cho Đức Giêsu và được áp dụng cho mỗi chúng ta.  Người con trong gia đình nhìn thấy cha mẹ vất vả đem lại cuộc sống ấm no.  Người sinh viên trải nghiệm thức khuya dậy sớm trước khi đi đến bảng vàng.  Cái giá phải trả cho sự thành công là mồ hôi có khi pha lẫn máu nữa.  Kinh nghiệm nầy cũng xảy ra nơi đời sống tâm linh.
Lạy Chúa Giêsu, với ý thức chết để cứu chuộc trần gian, Chúa đã uống cạn chén đắng, đi đến cùng đích thập giá, xin cho con can đảm thi hành vuông tròn bổn phận của mình như của lễ hiến tế, hiệp thông vào việc cứu độ nhân lọai. Amen

Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX, ĐỨC AN – GP. KONTUM


Mùa Chay Chúa Nhật 4 Năm B



Mùa Chay Chúa Nhật 4 Năm B


2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3, 14-21





RẮN ĐỒNG CỨU ĐỘ

Trong cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều nói đến hai nhịp: bất trung và trừng phạt, triệt hạ và tái thiết, lưu đày và hồi hương; lên án và cứu độ, chết và sống.  Các tình huống thăng trầm này thường xảy ra trong lịch sử cứu độ.  Chúng tiêu biểu cho nhịp sống tôn giáo của một dân tộc và cũng là của mỗi chúng ta, khi bất trung khi nhiệt thành.  “Tư tế và dân chúng bất trung bất nghĩa … khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa” (x. Bài Đọc 1. 2Sb 36,14-16.19-23). 
Một kinh nghiệm khác, trong hành trình sa mạc tiến về đất Hứa, có lúc người Do thái đã thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa nên than trách, thay vì tri ân thì ca thán Môsê đã đưa họ vào sa mạc; hình phạt được dựng nên tức khắc để trừng trị kẻ vô ơn: rắn độc tràn ra cắn chết những kẻ than van.  Không có thuốc chữa, họ ngước nhìn Thiên Chúa và kêu cầu Người; ông Môsê được lệnh đúc tượng rắn bằng đồng rồi giương cao nơi hoang địa để những ai bị rắn độc cắn, nhìn lên rắn đồng, tức thì được cứu sống (x. Ds 21,4-9).  Phương thuốc chữa trị này không phải là ma thuật bùa chú gì cả, nhưng là hành vi cứu độ do đức tin đem lại, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi lòng tin.  Một phương thế cứu độ nhất thời của Thiên Chúa đối với dân của Người, để tỏ cho dân biết Thiên Chúa quyền năng đáng kính sợ, Người cứ độ và thưởng phạt theo tội phúc mỗi người.
 Hình ảnh rắn đồng được giương cao trong hoang địa được chính Đức Giêsu lấy làm biểu tượng và áp dụng cho chính mình: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (x. Bài Tin Mừng. Ga 3, 14-21).  Con Người được giương cao trên thập giá, hình ảnh con rắn đồng được thay thế bằng thực tại xảy ra, Đức Giêsu được ví như Môsê Mới giương cao mình trên đồi Canvê vào Thứ Sáu Thánh để mang lại ơn cứu độ cho muôn dân, như một phương pháp dĩ độc trị độc.  Con đường từ cõi chết bước sang sự sống vươn cao trong mầu nhiệm Vượt qua nơi bản thân Đức Giêsu thành Nadarét, đó là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh  mà Giáo Hội cử hành hằng ngày trên bàn thờ : “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”.    Mỗi Chúa nhật, Lời Chúa và Thánh Thể làm cho chúng ta sống một cách bí tích hai nhịp “chết đi và sống lại” này, làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô.  “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô trên trời” (x. Bài Đọc 2. Ep 2,4-10). 
 Kinh thánh ghi lại những bất trung, phản trắc của dân Do thái, những tai ương đi kèm theo họ mỗi khi họ vấp ngã phản bội, như để sửa trị và gíao dục họ, nhưng mục đích chính là cốt để làm nổi bật lên sự công minh và lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Người.  Thật vậy lòng yêu thương của Thiên Chúa luôn dẫy tràn trên họ đến nỗi Tin Mừng thánh Gioan ca tụng tình yêu đó : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c.16).  Thật là tội hồng phúc (felix culpa), tội đáng ca tụng vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc, như bài Hoan Ca Phục Sinh (exultet) được cất lên trong đêm Chúa sống lại.  Thật tuyệt vời ! Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả của Người đến giữa dân Người để kêu gọi họ trở về với Thiên Chúa.  Nếu như dân đã bất trung với Giao Ước nên đã bị lưu đày, Thiên Chúa đã nhờ bàn tay ngọai giáo vua Kyrô xứ Ba Tư để mở cho họ con đường trở về.  Trong mọi hoàn cảnh cho dù bế tắc đến đâu Thiên Chúa cũng có cách hành xử hợp lý, Người luôn tỏ ra là Ông chủ lịch sử.  Thật kỳ diệu, lòng Chúa xót thương!  Thánh Phaolô dâng lời ca tụng: “Thưa anh em , Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dẫu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống lại với Đức Kitô” ( c. 2 . Bài Đọc 2).  Tin tưởng và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa, người Kitô hữu không có chỗ cho tuyệt vọng, họ không có bất cứ lý do nào để đánh mất niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu độ.
 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng sự chết và sống lại của Chúa để cứu độ con, con tri ân cảm tạ và cung kính thờ lạy Chúa.  Xin cho con biết trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa đối với  anh em con. Amen
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN –  GP. KONTUM
GPKONTUM (10/03/2018) KONTUM

CN IV Mùa Chay – B – 10.03.2018 Chia sẻ Lời Chúa: Lm. Phao-lô Nguyễn Văn Công, C.Ss.R

CN IV Mùa Chay – B – 10.03.2018 Chia sẻ Lời Chúa: Lm. Phao-lô Nguyễn Văn Công, C.Ss.R


              

NGUỒN: MRM Truyenthong
GPKONTUM (10/03/2018) KONTUM

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 3.3.2018


Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 3.3.2018


Theo chương trình ngày thứ Bảy 03/03, vào lúc 8g00 sáng, Hội đồng Giám mục Việt Nam đến viếng mộ thánh Phêrô, dâng Thánh lễ dưới Ngai toà thánh Phêrô. Sau đó, quý Đức cha sẽ đến Collegio san Paolo để gặp Liên tu sĩ Việt Nam tại Rôma.
Để kịp thời gian dâng Thánh lễ, quý Đức cha dùng điểm tâm sớm, từ lúc 5g45. Đúng 6g30, nhà Foyer Phát Diệm đưa quý Đức cha đến Đền thờ thánh Phêrô trên hai chiếc xe lớn.
Bầu trời Rôma sáng thứ Bảy khá đẹp. Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ thấp nhất 6 độ và cao nhất 13 độ, trời nắng và đôi lúc giữa trưa có mưa rào.
Đến quảng trường thánh Phêrô khoảng 7g30, quý Đức cha xuống xe và tiến về phía quảng trường thánh Phêrô, lòng tràn ngập hân hoan phấn khởi. Đã 9 năm rồi, hôm nay mới lại có một đoàn tất cả các Đức giám mục Việt Nam có mặt ở Đền thờ thánh Phêrô để cùng nhau bày tỏ lòng yêu mến Mẹ Hội thánh, hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và trung thành với Đức giáo hoàng.
Lúc 7g45, quý Đức cha đã có mặt đông đủ bên trong Đền thờ thánh Phêrô. Các ngài đứng vây quanh vành đai trước hầm mộ thánh Phêrô Tông đồ để viếng mộ và tuyên xưng đức tin. Trong Đền thờ lúc này đã có khá đông quý cha, quý sơ và giáo dân Việt Nam. Các vị đã vào trước để được hiệp thông với Hội đồng Giám mục Việt Nam trong lời cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ.
Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự, cất lời hát kinh Chúa Thánh Thần, sau đó Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam bày tỏ tâm tình của những vị mục tử, chủ chăn của tất cả 26 giáo phận tại Việt Nam, luôn hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, yêu mến và vâng phục Đấng thay mặt Chúa Giêsu ở trần gian, là thánh Phêrô và các đấng kế vị Ngài. Đức cha Emmanuel đọc bài Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 16,13-19) ghi lại lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô và lời Chúa Giêsu tuyên bố chọn thánh Phêrô làm Đá tảng của Hội thánh. Rồi quý Đức cha đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và hát “Cầu cho Đức giáo hoàng”.
Quý Đức ông, quý cha, quý sơ và giáo dân Việt Nam vây quanh ngay sau các Đức giám mục Việt Nam, hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện. Mọi người đều hết sức xúc động vì những giây phút đặc biệt này. Tại đây, bên mộ thánh Phêrô, họ đang cùng với các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam vẽ nên hình ảnh của một Giáo hội hiệp thông tuyệt đẹp.
Sau giây phút thinh lặng, quý Đức cha vào phòng thánh mặc lễ phục. Bên ngoài, quý cha Việt Nam đã mặc áo lễ và tiến vào phía trong, nơi có Ngai toà thánh Phêrô để chuẩn bị dâng lễ. Các thầy, các sơ và khá đông giáo dân Việt Nam tại Rôma và từ Việt Nam sang cũng tiến vào các hàng ghế của cộng đoàn để tham dự Thánh lễ.
Bài hát nhập lễ quen thuộc “Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi” khơi lên tâm tình sám hối của Mùa Chay, dẫn đưa mọi người bước vào mầu nhiệm thánh, cùng lúc đoàn đồng tế tiến vào. (….)

XIN CLICK VÀO ĐÂY
https://gpkontum.wordpress.com/2018/03/05/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-nhat-ky-ad-limina-3-3-2018/
                                                                                                   NGUỒN: WHĐ
                                                                                                GPKONTUM (05/03/2018) KONTUM