Mùa Chay Chúa Nhật 4 Năm B
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3, 14-21
RẮN ĐỒNG CỨU ĐỘ
Trong cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều nói đến hai nhịp: bất
trung và trừng phạt, triệt hạ và tái thiết, lưu đày và hồi hương; lên án và cứu
độ, chết và sống. Các tình huống thăng trầm này thường xảy ra trong lịch
sử cứu độ. Chúng tiêu biểu cho nhịp sống tôn giáo của một dân tộc và cũng
là của mỗi chúng ta, khi bất trung khi nhiệt thành. “Tư tế và dân
chúng bất trung bất nghĩa … khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân
Người đến vô phương cứu chữa” (x. Bài Đọc 1. 2Sb 36,14-16.19-23).
Một kinh nghiệm khác, trong hành trình sa mạc tiến về đất Hứa, có
lúc người Do thái đã thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa nên than trách, thay vì tri
ân thì ca thán Môsê đã đưa họ vào sa mạc; hình phạt được dựng nên tức khắc để
trừng trị kẻ vô ơn: rắn độc tràn ra cắn chết những kẻ than van. Không có
thuốc chữa, họ ngước nhìn Thiên Chúa và kêu cầu Người; ông Môsê được lệnh đúc
tượng rắn bằng đồng rồi giương cao nơi hoang địa để những ai bị rắn độc cắn,
nhìn lên rắn đồng, tức thì được cứu sống (x. Ds 21,4-9). Phương thuốc
chữa trị này không phải là ma thuật bùa chú gì cả, nhưng là hành vi cứu độ do
đức tin đem lại, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi lòng tin.
Một phương thế cứu độ nhất thời của Thiên Chúa đối với dân của Người, để tỏ cho
dân biết Thiên Chúa quyền năng đáng kính sợ, Người cứ độ và thưởng phạt theo
tội phúc mỗi người.
Hình ảnh
rắn đồng được giương cao trong hoang địa được chính Đức Giêsu lấy làm biểu
tượng và áp dụng cho chính mình: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn đồng
trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào
Người thì được sống muôn đời” (x. Bài Tin Mừng. Ga 3, 14-21). Con
Người được giương cao trên thập giá, hình ảnh con rắn đồng được thay thế bằng
thực tại xảy ra, Đức Giêsu được ví như Môsê Mới giương cao mình trên đồi Canvê
vào Thứ Sáu Thánh để mang lại ơn cứu độ cho muôn dân, như một phương pháp dĩ
độc trị độc. Con đường từ cõi chết bước sang sự sống vươn cao trong mầu
nhiệm Vượt qua nơi bản thân Đức Giêsu thành Nadarét, đó là mầu nhiệm tử nạn và
phục sinh mà Giáo Hội cử hành hằng ngày trên bàn thờ : “Chúng con loan
truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”.
Mỗi Chúa nhật, Lời Chúa và Thánh Thể làm cho chúng ta sống một cách bí tích hai
nhịp “chết đi và sống lại” này, làm cho chúng ta nên giống Chúa
Kitô. “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với
Đức Kitô trên trời” (x. Bài Đọc 2. Ep 2,4-10).
Kinh thánh
ghi lại những bất trung, phản trắc của dân Do thái, những tai ương đi kèm theo
họ mỗi khi họ vấp ngã phản bội, như để sửa trị và gíao dục họ, nhưng mục đích
chính là cốt để làm nổi bật lên sự công minh và lòng yêu thương của Thiên Chúa
đối với dân Người. Thật vậy lòng yêu thương của Thiên Chúa luôn dẫy tràn
trên họ đến nỗi Tin Mừng thánh Gioan ca tụng tình yêu đó : “Thiên Chúa yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của người thì khỏi phải
chết, nhưng được sống muôn đời” (c.16). Thật là tội hồng phúc (felix
culpa), tội đáng ca tụng vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc, như
bài Hoan Ca Phục Sinh (exultet) được cất lên trong đêm Chúa sống lại.
Thật tuyệt vời ! Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả của Người đến giữa dân
Người để kêu gọi họ trở về với Thiên Chúa. Nếu như dân đã bất trung với
Giao Ước nên đã bị lưu đày, Thiên Chúa đã nhờ bàn tay ngọai giáo vua Kyrô xứ Ba
Tư để mở cho họ con đường trở về. Trong mọi hoàn cảnh cho dù bế tắc đến
đâu Thiên Chúa cũng có cách hành xử hợp lý, Người luôn tỏ ra là Ông chủ lịch
sử. Thật kỳ diệu, lòng Chúa xót thương! Thánh Phaolô dâng lời ca
tụng: “Thưa anh em , Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến
chúng ta, nên dẫu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng
sống lại với Đức Kitô” ( c. 2 . Bài Đọc 2). Tin tưởng và tín thác vào
tình yêu Thiên Chúa, người Kitô hữu không có chỗ cho tuyệt vọng, họ không có
bất cứ lý do nào để đánh mất niềm hy vọng được Thiên Chúa cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng sự chết và sống lại của Chúa để
cứu độ con, con tri ân cảm tạ và cung kính thờ lạy Chúa. Xin cho con biết
trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa đối với anh em con. Amen
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM
(10/03/2018) KONTUM