Ban mục vụ Giáo phận Kontum xin giới thiệu “DÂN LÀNG HỒ”
Nguyên tác ” LES SAUVAGES BAHNARS “
Dourisboure De la Société des Missions – Étrangères
- PARIS 1929 -
BẢN VĂN
LỜI GIỚI THIỆU
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ra lệnh: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Đó là bản chất của Đạo, của Giáo Hội, của mỗi Kitô hữu. Không một Kitô hữu nào được miễn trừ thi hành lệnh truyền này. Thầy Sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, một vị thừa sai đầu tiên lên Miền đất Tây Nguyên, đã chấp hành lệnh này thật xuất sắc.
Vâng, năm 1848, Thầy Sáu Do đã tìm đường và dẫn đường cho các nhà thừa sai lên truyền giáo Tây Nguyên. Hạt giống Tin Mừng đã nảy sinh, vươn lên và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất mới này tới nay đã tròn 160 năm.
Năm nay, nhân dịp Giáo phận Kontum kỷ niệm hai sự kiện trọng đại: mừng 160 năm truyền giáo Tây Nguyên (1848-2008) và mừng Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập trường Yao Phu Cuénot (1908-2008), tôi vui mừng giới thiệu cuốn “Les Sauvages Bahnars” – được chuyển dịch dưới cái tên “Dân Làng Hồ” của Cố Linh mục P. Dourisboure (1825-1890) . Tập Hồi ký này đã làm rung động biết bao nhiêu người và cũng đã là nguồn cảm hứng thúc đẩy nhiều tâm hồn dấn thân tiếp bước tác giả trên cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên.
Để có được thành quả như ngày nay, các vị thừa sai đã phải hy sinh, nếm chịu mọi gian lao thử thách như: bệnh tật, thú dữ, khí hậu độc hại, bất đồng ngôn ngữ, xa lạ với anh em dân tộc, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, v.v… đặc biệt là cuộc bắt Đạo gay gắt thời bấy giờ, nhưng “không có gì tách được họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8, 39).
Linh mục P. Dourisboure (Cố Ân) là một trong những vị thừa sai tiên phong lên Tây Nguyên truyền giáo. Trong khi các vị thừa sai khác đã sớm gục ngã nơi chốn rừng thiêng nước độc thì nhờ ơn Chúa, ngài đã bám trụ lâu nhất. Trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm những gian khổ của công cuộc truyền giáo Tây Nguyên buổi ban đầu, ngài đã tái hiện rất chân thật những chi tiết ấy trong Hồi ký “Dân Làng Hồ” của mình để bạn đọc có thể chung chia và cùng với ngài cảm tạ Thiên Chúa nhân lành.
Lần ấn bản này được hiệu đính về văn phong và có đưa vào một số hình ảnh minh họa để bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận trong hoàn cảnh hiện tại.
Đọc lại lịch sử truyền giáo Miền núi rừng Tây Nguyên sẽ giúp người đọc hiểu rõ, cảm thông, sẻ chia và yêu mến Miền đất truyền giáo mỗi ngày một hơn.
Một lần nữa, tôi xin trân trọng giới thiệu và ước mong “Dân Làng Hồ” sẽ đem lại cho người đọc thấy rõ “việc Chúa làm qua bàn tay các nhà truyền giáo thật là vĩ đại”. Và cũng qua “Dân Làng Hồ”, người đọc tìm ra được phương pháp truyền giáo của chính Chúa Giêsu mà Thánh Bộ Truyền Giáo đã khôn ngoan nhắn nhủ trong Huấn Dụ năm 1659.
GPKONTUM (19/05/2018