LỜI TỰA
"Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng" (Rm 10, 15)
Trải qua biết bao thăng trầm của dòng lịch sử, Giáo Phận Kontum luôn tự hào là mảnh đất truyền giáo màu mỡ xuyên suốt nhiều thế hệ thừa sai. Truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn được duy trì và kế thừa nơi các Yao Phu, những người dân tộc Tây Nguyên, đã noi gương và tiếp bước các vị thừa sai Tây Phương, không ngần ngại dấn thân loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa tại khắp các buôn làng xa xôi trong Giáo Phận.
Năm 2008, kỷ niệm 100 Năm Thành Lập Trường Yao Phu Cuénot, cơ sở đào tạo những thừa sai bản xứ cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Nhân dịp này, được sự chuẩn y của Tòa Thánh, Giáo Phận Kontum đã mở Năm Thánh Yao Phu, cùng với Phép Lành Toà Thánh và Ơn Toàn Xá, nhằm khơi lại những trang sử tuyệt mỹ về truyền thống truyền giáo của Giáo Phận, cùng với mong muốn khích lệ, phát huy tinh thần dấn thân phục vụ vì Nước Chúa nơi các Yao Phu, những cánh tay nối dài của các "Đấng Chủ Chăn" tại các buôn làng xa xôi trong toàn Giáo Phận.
Năm Thánh là Năm Hồng Ân! Tạ ơn Chúa vì những hồng ân cao cả mà Người đã thương ban cho Giáo Phận Kontum nói chung và Hội Yao Phu nói riêng trong suốt thời gian qua.
Năm Thánh không những là cơ hội để mọi tín hữu đào sâu Đức Tin mà còn là dịp thuận tiện để tất cả cùng nhìn lại quá khứ hầu có thể học hỏi, hiểu biết sâu sắc hơn lịch sử truyền giáo của Giáo Phận Kontum thân yêu.
Để góp chút tư liệu cho việc học hỏi lịch sử Giáo Phận, Cha Giuse Đỗ Hiệu - Cha Quản Hạt Kontum, và chúng con - một nhóm Đại Chủng Sinh của Giáo Phận đã đọc lại cuốn "Dân Làng Hồ" dựa trên nguyên tác "Les Sauvages Bahnars" của linh mục Pierre Dourisboure, và dựa trên những bản dịch trước đó để hiệu đính sao cho phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.
"Dân Làng Hồ" ghi lại một cách chân thật cuộc đời truyền giáo đầy gian khổ của các vị thừa sai Tây Phương trong những ngày đầu đặt chân đến miền đất Tây Nguyên, khởi đầu cho việc thành lập Giáo Phận Kontum sau này.
Đây không những là một tài liệu quý giá cho người viết sử truyền giáo miền Tây Nguyên Kontum, mà còn là một tác phẩm khảo sát lý thú và là thiên hồi ký đặc sắc, đơn sơ, thành thật, tả chân, gây cảm xúc mãnh liệt.
Thật vậy, Cha Adrien Launay, trong bài mở đầu tập Hồi ký, ấn bản năm 1929, đã viết: "Tất cả những ai có dịp đọc tác phẩm này đều hết lời ca ngợi, và tôi được biết đã từng có người quỳ xuống dâng lời khẩn nguyện sau khi đọc lại trang nào đó trong quyển hồi ký này, mắt đẫm lệ ..."
Trong lần tái bản này, chúng con vẫn lấy tên bản dịch là "Dân Làng Hồ" - "Hành trình truyền giáo và khai phá miền đất Tây Nguyên Kontum". Như thế, hợp với nội dung thiên Hồi ký hơn, vì phần khảo sát phong tục, tập quán, cách sinh sống của người Ba Na chỉ chiếm một vài trang; vả lại, Hồi ký còn đề cập đến các bộ tộc Xê Đăng, Jrai chứ không riêng gì bộ tộc Ba Na. Hy vọng rằng "Dân Làng Hồ" sẽ giúp mọi người ý thức mạnh mẽ hơn trách nhiệm và bổn phận của mỗi Kitô hữu trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho hết thảy những người sống xung quanh mình.
Cuối cùng, với những hạn chế về thời gian và khả năng, chắc chắn rằng tập sách này vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong quý độc giả thông cảm, góp ý và vui lòng đón nhận.
Trước khi đi vào nội dung, xin mời độc giả lướt qua đôi nét tiểu sử của Linh mục Pierre Dourisboure, tác giả của thiên Hồi ký đặc sắc này.
Linh mục Pierre Dourisboure (Cố Ân) sinh ngày 19.09.1825 tại Briscous miền Tây Nam nước Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha. Năm 1844, vừa 21 tuổi, sau những năm theo học Tiểu chủng viện và Đại chủng viện tại quê nhà, ngài gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Ba năm sau, vừa thụ phong Linh mục, Cha liền được phái sang Địa phận Đông Đàng Trong (Trung Bộ Việt Nam) để tham gia xây dựng một Miền Truyền Giáo mới, nơi anh em dân tộc cư trú tại vùng rừng núi ở khoảng giữa sông Mê Kông và Biển Đông, do Đức Cha Cuénot Thể, Giám Mục Địa Phận, khởi xướng từ lâu.
Sống giữa nơi rừng thiêng nước độc, chịu đủ mọi thứ hiểm nguy: thú dữ, bệnh tật, cô đơn, thiếu thốn cùng cực, Cha đã đứng vững được trên 35 năm nơi miền Truyền Giáo dân tộc này; trong khi nhiều vị thừa sai khác, đồng nghiệp của ngài, không ai sống nổi quá 10 năm, cá biệt có vị chỉ sau vài ba tuần đặt chân lên đất Tây Nguyên đã phải lìa trần vì không chống cự nổi với các "hung thần": sốt rét rừng và kiết lị, mặc dù các vị ấy đang còn ở tuổi thanh xuân cường tráng!
Cha có về Pháp nghỉ dưỡng bệnh một năm, rồi trở lại nhiệm sở núi rừng của mình, ở mãi cho đến năm 1885. Sau đó, ngài được gọi về Sài Gòn dưỡng bệnh bằng cách nhận chức danh Bề Trên Chủng Viện. Cách dưỡng bệnh hy hữu này thật bi thảm: nuôi bệnh ngày càng trầm trọng hơn, nên chỉ ít lâu sau, ngài phải sang Hồng Kông tìm thầy chạy thuốc. Bệnh tình không thuyên giảm, Cha phải bỏ Hồng Kông về Pháp. Vừa cập bến cảng Marseille được ít hôm, Cha đã qua đời ở đó, hưởng thọ 65 tuổi.
Vào năm 1929, tức 39 năm sau ngày Vị Truyền Giáo này qua đời, Hội Thừa Sai Paris mới cho ấn hành thiên Hồi Ký "Les Sauvages Bahnars" mà bạn sắp đọc.
Ngày nay, Cao Nguyên Gialai - Kontum phát triển mọi mặt, với dân số hàng triệu người. Với tâm tình "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", người dịch xin kính tặng đồng hương của mình bản dịch thô sơ của thiên Hồi Ký xuất sắc này.
Ban dịch thuật
AUDIO