Hướng Mắt Nhìn Trời

Mùa Phục Sinh Chùa nhật 7 Năm B.  
Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Mc 16,15-20
Lễ Chúa Thăng Thiên





HƯỚNG MẮT NHÌN TRỜI

Tất cả mọi Kitô hữu đều có cùng một ước vọng hạnh phúc, đó là được về trời.  Quê thật chúng ta ở trên trời.  Một giấc mơ trở thành hiện thực đối với Đức Giêsu và đối với Đức Trinh Nữ Maria, chắc chắn hai vị nầy có mặt tại thiên đường, chuyện ‘hiện thực’ này còn tiếp tục nơi những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, chính Đức Giêsu là mối hy vọng, là hoài bão to lớn nhất của người tín hữu.  Theo Thánh Truyền, Đức Giêsu sau khi sống lại, Người ở trần gian 40 ngày, rồi ngự về trời. 

Chắc hẳn ‘lên trời’, không hiểu theo nghĩa vật lý như chiếc máy bay lao vào không gian.  Đúng hơn phải hiểu đây là giai đọan Đức Giêsu chấm dứt xuất hiện hữu hình với các môn đệ, đi vào một sự hiện diện mới, hiện diện vô hình nhưng hữu hiệu.  Đức Giêsu hiện diện giữa trần gian: sinh ra và lớn lên như người bình thường, người đồng hương tiếp xúc ăn uống với Người; sau khi sống lại, Người chỉ xuất hiện cho những ai cần củng cố niềm tin nơi họ, cho Phêrô, Mađalêna, nhóm Mười hai, các môn đệ làng Emmau.  Và lên trời, một lối hiện diện khác vào một giai đoạn mới, hiện diện vô hình, hiện diện ảo, hiện diện ảo không có nghĩa là ảo ảnh phi thực tế, thật ra đó là hiện thực xảy ra ở một nơi xa xăm, được phản chiếu lại qua màn ảnh để người ở xa vẫn theo dõi những gì là hiện thực đang xảy ra (présence virtuelle = hiện diện ảo, ví dụ xem bóng đá trên tivi, có thực nhưng không thực như trên sân cỏ). 

Chính vì vậy lễ Thăng Thiên nhấn mạnh đến sứ điệp rao giảng Ttin Mừng hơn là nhấn mạnh đến sự kiện thăng thiên: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo cho mọi loài thọ tạo” (x. Bài Tin Mừng Mc 16, 15-20).  Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm rắn và uống nhằm thuốc độc cũng không sao.  Rồi Người ngự về trời trước mặt các môn đệ.

Hai ngàn năm sau lệnh truyền giáo đó, Giáo Hội vẫn còn ở bước khởi đầu trong việc rao giảng Tin Mừng, nhất là tại lục địa Á châu này, lục địa đông dân nhất thế giới nhưng cũng ít nhất về số lượng người công giáo.  Một sứ mệnh cao cả và rộng lớn được trao cho nhóm môn đệ lúc bấy giờ còn chưa am tường về ơn cứu độ; ngay trước lúc Đức Giêsu ngự về trời có môn đệ còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” (x. Bài Đọc 1. Cv 1, 1-11); họ vẫn còn mơ hồ chưa xác tín việc Đức Giêsu sống lại. 

Bà Maria Mađala người phụ nữ đầu tiên được Đức Giêsu trao sứ mệnh loan báo việc Người sống lại, bà nói với các môn đệ rằng bà đã thấy Chúa “họ cũng chẳng tin” (Mc 16, 11); hai môn đệ Emmau thuật lại việc họ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh trong quán ăn “họ cũng không tin họ” (Mc 16,13); nhóm mười một cũng còn bị trách móc là “cứng tin” (c. 14) khi Chúa hiện ra với họ.  Ba lần cứng tin!  Cứng tin không chỉ hiểu về căn cước của Đức Giêsu mà cứng tin cả về kế hoạch cứu độ và sứ điệp truyền giáo Đức Giêsu trao cho họ.  Thật vậy chủ đầu tư việc loan báo tin mừng phục sinh là Đức Giêsu, Người trao sứ mệnh vĩ đại cho mươi người ít văn hóa, không lương tiền, không địa vị xã hội, không binh mã, Người còn ra lệnh cho họ làm một cuộc phiêu lưu chinh phục trần gian mà không có gì làm bảo chứng ngoài lời hứa là Chúa Thánh Thần sẽ đến. 

Lệnh truyền giáo này là sự thách đố và là điểm nhấn của mầu nhiệm Thăng Thiên.  Chúng ta vững tin thi hành lệnh truyền giáo này vì đã có một con người trần thế đứng ra nhận lãnh trách nhiệm về dòng tộc nhân loại, Người đi trước chúng ta, đang ngự bên hữu Chúa Cha, Đấng ấy đã nói: “Khi tôi được nâng cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự về với tôi”.  Phục sinh không phải là biến cố tận cùng, nhưng là điểm chìa khóa để đi vào giai đoạn mới của lịch sử cứu độ tức dự tiệc Nước Trời.  Các thiên sứ nói với các người Galilê: “Tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông, Người sẽ đến cùng một thể như các ông đã thấy Người về trời” (Cvtđ 1,11).  Điều này bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta, Đức Giêsu sẽ trở lại.  Người Kitô hữu ra đi xây dựng trần thế nhưng không bao giờ ngừng ngước mắt nhìn trời, mặc cho họ vật lộn với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa như bao nhiêu công dân khác, nhưng họ luôn ý thức trước hết mình là công dân Nước Trời.  Chính tư tưởng chủ đạo nầy làm cho người Kitô hữu không bao giờ được phép thất vọng, niềm hy vọng trời cao đem lại cho họ khả năng thẩm định giá trị vật chất chóng qua, đặt vật chất vào đúng chỗ của nó là phục vụ con người, đồng thời họ khám phá ra cái trường tồn xuyên qua vật chất hữu hình mà họ theo đuổi, đó là Thiên Chúa vĩnh hằng, đó là sự sống đời đời mà chỉ Kitô hữu mà thôi mới biết và theo đuổi.

Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, niềm hy vọng về trời đã nhen nhúm trong lòng chúng con ngay khi dòng nước thánh tẩy chảy trên đầu chúng con, xin cho con biết tìm kiếm những sự cao sang trên trời và đem niềm hy vọng đó đến cho mọi anh em chúng con. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
Gx. Đức An - Gp. Kontum
Gpkontum (12/05/2018)