Chúng Tôi Xin Bái Lạy Người

Mùa Giáng Sinh Năm B
Is 60, 1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Lễ Chúa Hiển Linh

 CHÚNG TÔI ĐẾN BÁI LẠY NGƯỜI

Ngôi Lời làm người luôn luôn là một mầu nhiệm đối với nhà thần học cũng như đối với giới bình dân. Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người có tên gọi là Đức Giêsu, Người là một thực tại khó hiểu, là mầu nhiệm, mầu nhiệm “Giêsu” không khác với mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Giêsu là sự xuất hiện ra bên ngoài của Thiên Chúa mà Thiên Chúa thì không ai thấy bao giờ, người ta thấy việc Đức Giêsu làm và nghe lời Đức Giêsu nói, từ đó hiểu về Thiên Chúa. “Hiển linh” có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra.


Qua mầu nhiệm nhập thể Thiên Chúa tỏ mình ra trong Đức Giêsu, chính nơi bản thân Đức Giêsu Thiên Chúa bộc lộ chính mình qua những việc Người làm và các lời Người giảng dạy, tất cả con người của Đức Giêsu là mặc khải, là trình bày Thiên Chúa. Đức Giêsu là nhân vật trung tâm của lịch sử Do thái được các tiên tri nói đến dưới nhiều sứ mệnh khác nhau: đấng cứu tinh dân tộc, nhà giải phóng đất nước, người chăn chiên tốt lành, vị ngôn sứ cao cả, hoàng tử hòa bình…Nhưng Người gốc gác là dân Do thái sinh ra từ chi họ Giuđa, thuộc dòng tộc vua Đavít. Điều gây vấp phạm cho đức tin Kitô giáo, đó là Thiên Chúa đến với chúng ta qua con đường phàm trần. Đức Giêsu thật sự là mầu nhiệm khó hiểu, vì bản thân của Người mang hai bản thể, bản thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại. Người không phải là nhân vật gồm một nửa là ‘thần’, một nửa là ‘nhân’ như trong các sách truyện huyền thoại giả tưởng, Đức Giêsu trọn vẹn là Thiên Chúa và trọn vẹn là con người. Đó là điều khó chấp nhận đối với nhân loại đương thời cũng như đối với cả chúng ta hôm nay, bởi vì không có hữu thể nào trên trần gian nầy mang hai bản thể cả. Nhân loại không có kinh nghiệm về điều nầy. Đây là biến cố độc nhất vô nhị xảy ra nơi trần gian. Cái khó khăn nằm ở chỗ đó, một hữu thể mang hai bản thể khác nhau.
Việc Đức Giêsu hiển linh được thể hiện nhiều lần chứ không phải chỉ một lần mà thôi, điển hình hôm nay hiển linh được thực hiện trong ba sự kiện: trong tiệc cưới Cana, trong lời giới thiệu của Chúa Cha khi Đức Giêsu vừa nhận phép rửa tại sông Giođan. Và trong việc “Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mạc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa” (Lời nguyện nhập lễ Hiển Linh). Nghĩa là chính Thiên Chúa bày tỏ mình ra cho dân ngoại, điều đó cho hiểu rằng ơn cứu chuộc không dành cho riêng ai, chính Thiên Chúa đi bước trước mở lối cho con người tìm về với Thiên Chúa, để tất cả những ai chấp nhận Đức Giêsu là Chúa đều được ở: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Bài đọc 2. Ep 3,6).
Ở mọi thời Thiên Chúa đều có cách mời gọi con người đến với Người, bằng những ‘hiển linh’ khác nhau, tuy nhiên muốn gặp Người trước hết cần phải lên đường, tức là từ bỏ sự yên thân, chấp nhận cuộc sống bị xáo trộn. Đây là cách hành xử của các đạo sĩ Phương Đông đi tìm kiếm Thiên Chúa: Dựa vào lời Kinh thánh cùng với sự chỉ dẫn của bậc cao minh, nhìn trời theo dấu sao lạ, họ đã lên đường truy tìm ấu Chúa để bái lạy “Đức Vua Do Thái”. Từ chân trời góc biển các ngài vất vả lên đường tìm đến hang Bêlem, đối lại, người ở thành Giêrusalem như Hêrôđê lại bối rối âm mưu đen tối tính kế thanh toán ấu Chúa mới chào đời. Khi tới hang Bêlem, các đạo sĩ đã phủ phục thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi hang lừa máng cỏ, rồi dâng lên Người vàng, nhủ hương và mộc dược những lễ phẩm quý giá của Phương Đông ( x. Mt 2, 10.11) để tỏ lòng kính trọng, thần phục, suy tôn; ngược lại vua Hêrôđê cũng tìm kiếm ấu Chúa nhưng với ý hướng hoàn toàn khác, để sát hại chứ không phải để thờ lạy.
Kinh thánh vẫn còn đó, ánh sao lạ vẫn chưa tắt nơi tâm hồn mỗi người chúng ta, khi chúng ta lắng nghe sự thật, cố sống theo lương tâm ngay thẳng, chính lúc đó chúng ta đã lên đường tìm về sự thật và đến gần với Chân Lý. Ánh sáng chân lý đó không bao giờ thiếu cho từng người trong chúng ta, có điều là chúng ta đủ can đảm hay không, trở thành đạo sĩ truy tìm chân lý hay bóp nghẹt sự thật như Hêrôđê.
          Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, con cảm tạ Chúa đã hành trình xuống trần gian bằng con đường máng cỏ để tỏ cho con biết đường về trời, xin cho con biết yêu mến sự thật và có can đảm trở nên ánh sao lạ dẫn đường người khác về với Chúa. Amen
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
Ad Gentes KT - 04/12/2018