Thánh lễ là cuộc gặp gỡ trong tình yêu với
Thiên Chúa
(Vatican News) ĐGH Phanxicô tiếp tục đề cập đến phần giáo lý tại
các buổi tiếp chung vào Thứ Tư hằng tuần, bắt đầu là phần Nhập Lễ trong một
loạt bài chuyên về các phần khác nhau trong Thánh Lễ.
Các yếu tố khác nhau của Thánh Lễ, gồm có phần Phụng Vụ Lời Chúa
và phần phụng vụ Thánh Thể, với các nghi thức nhập lễ và nghi thức kết lễ, tạo
thành một thân thể duy nhất “và không thể tách rời”. ĐGH Phanxicô muốn giải
thích về những giây phút khác nhau “mỗi người đều có thể chạm vào và liên
quan đến chiều kích nhân loại của chúng ta.”
“Chúng ta cần phải hiểu những dấu chỉ thánh thiêng này để
sống trọn vẹn với Thánh Lễ và nếm thử tất cả sự cao trọng của Thánh Lễ.”
ĐGH Phanxicô bắt đầu bài giáo lý với việc xem xét lại những nghi
thức nhập lễ, mà mục đích là giúp cho những người tham dự thánh lễ, cùng với
nhau làm nên “một cộng đoàn và để họ có thể sẵn sàng nghe trong đức tin Lời của
Chúa và cử hành bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng.
ĐGH nói rằng sẽ là điều tồi tệ khi đi lễ trễ, tự coi việc mình
đến nhà thờ đúng giờ để tham dự Thánh Lễ là làm tròn bổn phận. Thực ra, chúng
ta cần dành thì giờ đến nhà thờ sớm hơn một chút để “chuẩn bị lòng trí cho
nghi lễ này, cho việc cử hành thánh lễ cùng với cộng đoàn này.”
Những động tác của các linh mục hay chủ tế trước Thánh Lễ, đặc
biệt là việc các ngài tôn kính (bái chào và hôn) bàn thánh mang một “ý nghĩa
rất quan trọng” dù có khi có thể các ngài không để ý. Những cử chỉ này, ngay
trước giờ phụng vụ, biểu lộ rằng “Thánh Lễ là cuộc gặp gỡ tình yêu với Chúa
Kitô.”
Ngay khi tôn kính bàn thánh, chủ tế và mọi người làm Dấu Thánh
Giá. Việc này mang ý nghĩa là mọi lời cầu nguyện “cao bay lên ngai tòa Ba Ngôi
Thiên Chúa…khởi thủy và cùng tận bằng tình yêu của Một Chúa Ba Ngôi, biểu lộ và
ban cho chúng ta qua Thập Giá của Chúa Kitô.” ĐGH Phanxicô mời gọi quý cha mẹ
và ông bà hãy dạy con em mình biết làm Dấu Thánh Giá cho đúng cách và giải
thích cho các em ý nghĩa khi làm dấu và ơn ích của Dấu Thánh Giá.
Sau đó vị chủ tế chào phụng vụ “Chúa ở cùng anh chị em”
và mọi người thưa “và ở cùng cha”. Từ đó bắt đầu một “bản giao hưởng”
trong đó những người tham gia vào việc phụng vụ tự nhận ra rằng họ “được tác
động bởi một Thánh Thần duy nhất và cùng một mục đích.” Cuộc đối thoại qua
lại giữa chủ tế và mọi người tham dự “nói lên sự mầu nhiệm liên kết mọi
người với nhau của Giáo Hội.”
Liền sau đó là “giây phút thật cảm động”, hành động xám
hối ăn năn khi mọi người đều đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình, và điều quan
trọng hơn nữa là nhận thức được mình là những tội nhân. “Nếu Phép Thánh Thể
thực sự hiện diện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, thì việc đầu tiên chúng ta phải làm
là nhận ra tình trạng trong sự chết của mình, để có thể được sống lại với Ngài
trong đời sống mới. Việc này giúp chúng ta nhận biết tầm quan trọng của hành
động sám hối.”
ĐGH Phanxicô kết thúc phần giáo lý của ngài với việc hứa là sẽ
tiếp tục nói về Thánh Lễ vào những phần giáo lý kế tiếp.
Giuse Thẩm Nguyễn
Vietcatholic.org
GPKONTUM (20/01/2018)