BẦU KHÍ MỘT LỚP GIÁO LÝ
I. DẪN NHẬP:
Để giúp
các trẻ em có hứng thú khi đến với lớp, và hơn nữa có thể lãnh hội sâu xa vững
chắc nội dung bài Giáo Lý, từ đó trẻ lại còn có thể diễn tả được niềm tin của
mình ít là ngay tại lớp, các Giáo Lý Viên cần phải biết tạo bầu khí cho lớp Giáo Lý, phải biết
cách trình bày nội dung Giáo Lý, và riêng với trẻ em, còn phải
biết giúp sinh hoạt một cách sống động vui tươi. Muốn vậy, các Giáo Lý Viên nên
chú ý đến các yếu tố vật chất và các yếu tố
tinh thần được trân trọng đề nghị sau đây: II. CÁC YẾU TỐ VẬT CHẤT:
1. Khung cảnh:
Trong thực tế tại các vùng ngoại thành và nông thôn nghèo, khó mà có Trong thực tế tại các vùng ngoại thành và nông thôn nghèo, khó mà có được những phòng học Giáo Lý lý tưởng như tại một số không lớn lắm các Giáo Xứ tại các đô thị và thành phố. Do vậy ở đây xin mở rộng khái niệm phòng học Giáo Lý thành khung cảnh Giáo Lý.
Dù thế, ở bất cứ khung cảnh nào, khi mở một lớp Giáo Lý, chúng ta cũng cần ý thức rằng lớp Giáo Lý chính là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, nên phải có tính cách thánh thiêng. Đây cũng không phải là một lớp học Phổ Thông, vì Giáo Lý không chỉ là học, cũng không phải là Nhà Thờ, vì Huấn Giáo khác với Phụng Vụ. Nơi học Giáo Lý có thể được coi như một khung cảnh nằm giữa thế giới bên ngoài và cung thánh Nhà Thờ.
2. Bầu khí:
Dạy Giáo Lý là hướng dẫn các em đi từ đời thường, chuyển dần sang đời sống hiệp thông với Chúa, rồi từ đó lại quay về với đời thường. Quay về nhưng đã khác trước, bởi các em đã gặp Chúa, đã nhận được từ Chúa một vốn liếng Tin Mừng để sống khác hơn, tốt hơn, là con cái của Chúa sâu đậm mật thiết hơn trước.
Cho nên, bầu khí lớp Giáo Lý có nét giống như Nhà Thờ ( nếu là trong phòng ), có khung cảnh giống như nơi ông Mô-sê, ông Gio-an Tẩy Giả, và chính Chúa Giê-su đã gặp gỡ Thiên Chúa trong sa mạc ( nếu ở ngoài trời ), nhờ đó mới có thể nâng tâm hồn người học lên tới sự thánh thiêng.
III. CÁC YẾU TỐ TINH THẦN:
1. Tâm lý:
Trong mối tương quan xưng hô và ứng xử giữa Giáo Lý Viên và các em cũng đặt ra những vấn đề tâm lý đặc biệt, khác hẳn ở các lớp học Phổ Thông. Chúng ta sẽ không gọi các em là học trò. Bởi thật ra bản thân Giáo Lý Viên không phải là người dạy chính thức, mà là chính Đức Giê-su và Thần Khí của Người đang tác động và hướng dẫn.
Do vậy, Giáo Lý Viên nên nói với trẻ em, tùy độ tuổi hai bên mà gọi là "các em", "chúng con", "các bạn" cho thân tình gần gũi.
Trong tâm lý trẻ em, có một quy luật là luật Chuyển Hóa, nghĩa là trong quan hệ của các em với Chúa, các em sẽ dùng chính những quan hệ đã có với Giáo Lý Viên. Các em nói với Giáo Lý Viên thế nào thì cũng thưa với Chúa như vậy. Do đó, thái độ của các em với chúng ta sẽ ảnh hưởng nhiều trên thái độ với Chúa: cách yêu mến, tin tưởng, thân mật, vâng lời...
Chúng ta sẽ là một phần "hình ảnh" của Chúa cho các em. Các em sẽ thấy Chúa, gặp Chúa nơi chúng ta.
Và như thế, chúng ta phải hết sức chú ý tu dưỡng và tự huấn luyện tư cách của mình. Chúng ta sẽ tôn trọng các em, trân trọng những lời các em nói, không bao giờ quát tháo, nhiếc móc, trừng phạt, xúc phạm đến phẩm giá các em.
Mở rộng hơn, vì đã không phải là một lớp học Phổ Thông, nên cũng không cần thiết cho điểm, xếp hạng các em trong lớp. Trong giờ Giáo Lý, thật sự là Giáo Lý Viên sẽ cùng các em lắng nghe Lời Đức Giê-su là Người Anh Cả (Trưởng Tử ), lắng nghe tiếng Thiên Chúa là Cha, rồi tất cả cùng thưa với Người. Các em sẽ nhận ra mình được Chúa yêu và được Giáo Lý Viên là người thay mặt Chúa quý mến mình.
Một quy luật tâm lý khác là luật Chứng Tá. Huấn Giáo dựa trên chứng tá. Giáo Lý Viên chia sẻ chính kinh nghiệm của mình cho lớp. Chúng ta không cần nói nhiều về Đạo, nhưng cần sống Đạo nhiều hơn và chân thật hơn trước mặt trẻ. Khi chứng tá của Giáo Lý Viên có phẩm chất cao, thì các em sẽ được giáo dục sâu xa hơn.
Nếu thế, có người sẽ thắc mắc: "Thế, chẳng lẽ làm Giáo Lý Viên, tôi phải là Thánh hay sao ?"
Xin thưa, đúng là như vậy, trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio ), ở chương 8, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị đã vạch ra Linh Đạo của người truyền giáo ( mà Giáo Lý Viên đúng là người truyền giáo ) như sau:
·
Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn,
·
Theo gương Đức Giê-su Ki-tô, Đấng được sai đến,
·
Yêu mến Giáo Hội và các linh hồn như Chúa Giê-su yêu
mến,
·
Và, phải là THÁNH !
Giáo Lý
lấy từ Nguồn Sống là Thiên Chúa, Giáo Lý lấy từ Nguồn Sống là Thiên Chúa, được
truyền đạt đến các em qua chính cách dạy và cách sống của Giáo Lý Viên. Như vậy, các em vừa được biết Giáo Lý, lại vừa thấy cung cách sống nội dung Giáo Lý ấy một cách sinh động cụ thể nơi Giáo Lý Viên, chắc chắn các em sẽ được khích lệ đi theo hướng sống Tin Mừng ấy.
2. Thinh lặng:
Trẻ không thể gặp Thiên Chúa trong bầu khí ồn ào hỗn độn. Nhiều người cứ lầm tưởng lớp học Giáo Lý cho trẻ em lúc nào cũng phải giống một câu lạc bộ với đủ thứ sinh hoạt tưng bừng náo nhiệt. Ngược lại cũng đừng áp đặt một kiểu thinh lặng bề ngoài, vì một thinh lặng thụ động thì không dẫn đến Thiên Chúa.
Chính trong bầu khí thinh lặng nội tâm, những lời trò chuyện hội thoại giữa Giáo Lý Viên và các em, giữa các em với nhau lại là điều kiện giúp các em đến với Thiên Chúa, Đấng các em khao khát kiếm tìm xuyên qua nội dung bài Giáo Lý.
Vì thế, Giáo Lý Viên cần khuyến khích trẻ khám phá và yêu quý sự thinh lặng. Thinh lặng là một đức tính tôn giáo. Biết thinh lặng là biết "ở trước mặt Chúa", là biết sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa nói.
3. Vui tươi:
Trong giờ Giáo Lý, Giáo Lý Viên phải tạo được bầu khí vui tươi cởi mở, không biến các em thành những nhà khổ tu, hay những binh sĩ giữ kỷ luật khô khăn một cách răm rắp. Các em có thể hỏi nhau, giải thích cho nhau, khi cần có thể đi lại, hỏi mượn nhau dụng cụ học tập. Nhưng mọi sự phải được diễn ra trong cái trật tự của thinh lặng, dễ thương và hồn nhiên. Ở đâu có Chúa, ở đấy có tình yêu và niềm vui.
Giáo Lý Viên phải luôn giúp các em ý thức mình đang sống dưới cái nhìn trìu mến của Chúa, đến nỗi trước giờ học thì các em thấy khao khát, cuối giờ học thì các em vẫn còn muốn tiếp tục.
Trong lớp Giáo Lý, không thể có chuyện học để được nhiều điểm, để được đứng nhất khi so kè kèn cựa với các bạn, hoặc thậm chí cũng không chỉ nhắm đến việc thu thập kiến thức càng nhiều càng tốt. Ở đây, các em cùng nhau gặp gỡ Chúa và đi theo Người.
Ở một chiều kích nhân cách Ky-tô giáo, các em còn được luyện tập để tôn trọng yêu quý lẫn nhau. Nếu có hai em lỡ đánh nhau, thay vì chỉ chú ý phân giải ai đúng ai sai, bạn hãy hỏi các em: "Những người con của Chúa có đánh nhau không ? Tay các con, Chúa ban cho là để làm việc tốt, làm những cử chỉ đẹp cho nhau cơ mà !"...
4. Tự do:
Trẻ cần cảm thấy tự do đến với lớp Giáo Lý, tự do ở lại và tự do lắng nghe Giáo Lý Viên trình bày nội dung Giáo Lý. Không nên biến việc học Giáo Lý thành một công việc khổ sai, bị cha mẹ bó buộc, bị cha sở và các ông bà quản giáo khống chế. Đến với Chúa rõ ràng là một lời mời gọi, khuyến khích tự nguyện. Hãy thành thật nói với trẻ: "Các con có muốn gặp gỡ Chúa, thì các con hãy đến !".
Đức Tin là một hành vi tự do. Vì thế, trong giờ học, hãy để trẻ được tự do nói với Chúa, nói về Chúa trong sự hướng dẫn ân cần và nhẫn nại của Giáo Lý Viên. Không thể đào tạo một tín hữu chân chính bằng cách dọa nạt, trừng phạt hay ra lệnh.
Dứt khoát không nên lấy cớ tránh tác hại lây lan, ảnh hưởng đến việc học của các em bình thường để chủ trương tách hẳn các em cá biệt ra, lập một lớp riêng để có chương trình uốn nắn riêng theo kiểu quen làm ở các trường Phổ Thông. Như vậy là đã phản giáo dục hoàn toàn khi phân biệt đối xử, vô tình "dán nhãn" xếp loại các em ngỗ nghịch, cứng đầu, khó dạy.
Sư Phạm Giáo Lý thì khác hẳn, Đức Giê-su bảo: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi !" ( Mt 9, 13 b ). Hơn nữa ở đây, các em chưa phải là hạng người... tội lỗi. Cho dẫu các em đã phạm pháp trầm trọng, thì như Thánh Đông Bốt-xcô dặn dò các nhà giáo dục: vẫn còn ít nhất là 5 % lương tri hướng thiện.
5. Trung thực:
Có thể nói ở nhà trường Phổ Thông, trẻ quen nói dối ! Trẻ nhận ra cứ nói đúng ý thầy cô là được điểm cao, là được thầy cô ưu đãi. Làm bài thi, thì phải khéo léo khôn ngoan để "quay cóp" hoặc "trúng tủ" mới mong ngoi lên để trúng tuyển, hạ "đo ván" các bạn học. Điểm số, bằng khen và các danh hiệu phấn đấu đạt được thường là dựa trên sự bon chen thủ lợi, thiếu vắng hẳn sự thật thà trong sáng.
Trong Giáo Lý, dứt khoát chúng ta không được để óc thực dụng này tiêm nhiễm. Giữa cuộc hội thoại, trẻ được thẳng thắn nêu thắc mắc, nói lên suy nghĩ và cảm nhận của mình.
Khi làm bài, trẻ được mời gọi viết lại điều đã hiểu và đã yêu mến một cách chân thành, chứ không phải chép nguyên xi toát yếu để làm hài lòng Giáo Lý Viên.
Khi trẻ trả lời, bạn đừng khen hay chê. Nếu được khen "đúng", lần sau trẻ lại tìm cách trả lời để được khen, dù đó không phải là điều em đã nghĩ và đã hiểu. Còn nếu chê "sai", trẻ sẽ không bao giờ nói nữa.
Câu vè: "Thấy tốt thì làm, mà làm thì làm cho tốt, đừng cốt được khen, đừng quen vì khen mới làm" thật đáng cho các Giáo Lý Viên chú tâm mời gọi các em sống như một châm ngôn.
IV. KẾT LUẬN:
Trong mọi trường hợp và trong mọi mặt, các bạn Giáo Lý Viên hãy luôn xác tín, hãy tin vào trẻ, hãy tin vào Chúa Thánh Thần, và hãy tin vào chính bạn.
Để đúc kết, xin mượn lời Thánh Phao-lô: "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng mến, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo !" ( Cl 3, 13 – 14 )