DIỄN TIẾN MỘT BUỔI HỌC GIÁO LÝ

Một buổi học Giáo Lý cần thiết được phân định thành 3 giai đoạn như sau:
I. TRƯỚC BUỔI HỌC:
·         Giáo Lý Viên cần chuẩn bị phòng học cho sạch sẽ, ngăn nắp. Có thể tùy theo nhu cầu của buổi học mà sắp xếp các dãy bàn ghế theo hình chữ U hay hình chữ nhật, thậm chí có thể dẹp hết bàn ghế vào sát vách để trải chiếu ngồi vòng tròn dưới nền nhà.
·         Không hẳn buổi học nào cũng là ngồi trong phòng, nhưng có thể tùy theo nội dung và yêu cầu sư phạm, mạnh dạn đổi địa điểm học ra sân Nhà Thờ, dưới chân tượng đài Đức Mẹ, trong lòng Nhà Thờ hoặc ngay trên Cung Thánh...
·         Bản thân Giáo Lý Viên luôn luôn phải đến lớp trước hết, thường là sớm 15 phút để chủ động đón tiếp các em. Hành trang luôn sắp sẵn: sổ giáo án, sách Kinh Thánh, các tài liệu giảng dạy kèm theo như truyện kể, bài hát, trò chơi, hình ảnh minh họa...
II. TRONG BUỔI HỌC:
Các bước diễn tiến dưới đây chỉ mang tính tương đối, có thể uyển chuyển thay đổi thứ tự hoặc thêm bớt, miễn là đạt được mục đích nhắm tới của nội dung bài Giáo Lý .
·         Mở đầu là đón tiếp từng em. Kế đó, khi đã đông đủ thì ổn định lớp, thường là bằng cách để tạo bầu khí sôi nổi hứng thú. Sau đó, mời các em đứng lên bắt lên một bài hát sinh hoạt quen thuộc, sửa sang y phục tề chỉnh, lắng lòng lại để chuẩn bị cầu nguyện.
·         Cầu nguyện đầu buổi học, có thể chính Giáo Lý Viên dâng một lời nguyện ngắn với Chúa Thánh Thần, cũng có thể đọc đoạn Lời Chúa ý lực của bài học lần trước, hoặc của bài sắp dạy, hát chung một bài Thánh Ca ( chọn được bài hát của thiếu nhi, dùng cho cả năm học thì càng tốt).
·         Ôn bài Giáo Lý đã học lần trước. Tránh dùng hình thức sáo mòn lâu nay như: khảo bài – trả bài, ghi điểm vào sổ, trách mắng, ra các hình phạt phản giáo dục... Nên dùng hình thức hội thoại, gợi ý để các em trả lời theo trí hiểu hơn là theo trí nhớ.
·         Dẫn nhập vào bài mới bằng một kinh nghiệm sống hoặc một câu truyện kể ( xin sử dụng Tuyển Tập Nối Lửa Cho Đời số 2, 4, 6). Cũng có thể móc nối với bài đã học lần trước, đặt một vài câu hỏi gợi ý cho các em để hướng dẫn từng bước đến chủ đề của bài sắp dạy.
·         Viết đoạn Lời Chúa ý lực trên bảng, hoặc cũng có thể viết sẵn trên một băng giấy lớn rồi lúc này gắn lên bảng). Mời các em đứng lên nghe Giáo Lý Viên công bố hoặc cả lớp cùng đọc đoạn Lời Chúa một cách trân trọng. Có thể dùng phương pháp đọc Lời Chúa theo 3 thì ( 3 temps): tất cả đọc chung ( đọc bằng miệng); thinh lặng trong ít phút để nhìn lên bảng đọc thầm ( đọc bằng mắt); cuối cùng Giáo Lý Viên sẽ đọc lại với tốc độ chậm, to và rõ chữ ( đọc bằng tai).
·         Chuyển sang phần diễn giải bài Giáo Lý mới, mời các em ngồi xuống, nên dùng hình thức hội thoại để gợi ý cho các em suy nghĩ và phát biểu cùng xây dựng bài. Nếu Giáo Lý Viên muốn chủ động giúp các em hiểu bài theo hướng đã soạn trong giáo án thì nên dùng phương pháp quy nạp chứ hạn chế dùng phương pháp diễn giải, vừa khó hiểu, vừa dễ khiến các em mau chóng... ngủ gật và chán ngán việc phải đi học Giáo Lý.
·         Đến đỉnh cao của buổi học Giáo Lý, mời cả lớp đứng lên cử hành cầu nguyện ( célébration de la prière ) một cách long trọng, vì đây là giây phút các em gặp gỡ chính Lời Chúa, là mục tiêu mà bài Giáo Lý nhắm tới. Cùng nhau công bố Lời Chúa một lần nữa . Sau đó có thể mời các em dâng lời nguyện tự phát, xin ơn, cảm tạ, chúc tụng, quyết tâm... Giáo Lý Viên dâng lời cầu nguyện kết ngắn gọn. Hát chung bài ca ý lực Lời Chúa thật hân hoan phấn khởi.
·         Cho các em ngồi xuống, ghi bài toát yếu vào tập. Bài toát yếu thường rất gọn, chỉ từ 2 đến 6 giòng tùy trình độ và lứa tuổi học sinh. Giáo Lý Viên dặn dò công việc ở nhà nếu có, thường là thực hành một cử chỉ đẹp, tập luyện một tính tốt theo mời gọi của Lời Chúa.
·         Chuyển sang phần sinh hoạt để củng cố bài Giáo Lý vừa học. Có thể chọn hoặc chế biến một trò chơi nhỏ ứng với chủ đề bài Giáo Lý. Có thể tập một bài hát có cử điệu ( xin xem thêm Tuyển Tập Nối Lửa Cho Đời số 1 ).
Trong suốt năm học, cũng có thể dành ra từ 5 tới 7 phút cuối mỗi buổi dạy để đọc nối tiếp nhau một truyện dài nhiều chương có chủ đề hợp với nội dung toàn chương trình ( ví dụ: Truyện Cuộc Đời Các Thánh, Những Tâm Hồn Cao Thượng...).
·         Cầu nguyện cuối giờ thật ngắn gọn nhẹ nhàng, như một lời chào Chúa để chia tay nhau, xin ơn bình an cho giấc ngủ đêm nay hoặc cho một tuần lễ sống sắp tới. Hát chung bài ca ý lực hoặc một bài sinh hoạt ngắn. Buổi học kết thúc, Giáo Lý Viên tiễn các em ra về.
III. SAU BUỔI HỌC:
·         Nếu là một Giáo Xứ nằm lọt trong một khu xóm bình dân, hoặc ở vùng ven đô hay ngoại thành, và nhất là ở thôn quê, phạm vi hẹp nhưng mật độ dân cư đông đúc, nhiều khi lại là vùng Công Giáo toàn tòng, ai cũng biết khá rõ về nhau, các Giáo Lý Viên phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cách ứng xử và việc sống đạo sao cho ăn khớp với những gì đã dạy các em ở lớp Giáo Lý. Cần nhớ, cuộc đời mình là một bài dạy Giáo Lý nối dài.
·         Mỗi Giáo Lý Viên đều là một người con cháu hay bạn hữu của cha mẹ các em học sinh, cần phối hợp cộng tác với gia đình trong việc giáo dục Đức Tin và Nhân Bản cho các em, bằng cách thường xuyên lui tới gia đình, nhắc nhở đôn đốc các em sống Lời Chúa đã học ở lớp, thăm hỏi khi các em đau yếu phải nghỉ học, khuyến khích các em khi có dấu hiệu bỏ lớp hoặc bị gia đình hiểu lầm hay ngược đãi, khuyên nhủ các em khi lỡ phạm lỗi lầm trong gia đình hay ở trường Phổ Thông...
·         Đặc biệt khi Ban Giáo Lý của Giáo Xứ có tổ chức Trò Chơi Chiến Dịch Giáo Lý  hoặc Hội Thi Đố Vui Giáo Lý, Lửa Trại Giáo Lý (xin xem thêm Tuyển Tập Nối Lửa Cho Đời số 1), các Giáo Lý Viên lại càng phải gắn bó phối hợp với gia đình để giúp các em tham gia hết mình.