I. NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC
DẠY GIÁO LÝ LÂU NAY:Trước tiên chúng
ta phải thay đổi cách suy nghĩ và cách làm lâu nay về công
việc dạy Giáo Lý, đặc biệt đối với người Việt Nam chúng ta,
với những hoàn cảnh thời đại và xã hội có quá nhiều hạn
chế.
1. Dạy Giáo Lý không phải là dạy hỏi – thưa:Do mức độ còn hạn chế tùy từng nơi, từng vùng, nhất là ở ngoại thành và thôn quê, một số chương trình Giáo Lý hiện nay vẫn xoay chung quanh việc hỏi – thưa, một cách hệ thống ngắn gọn, chắc ăn, dễ triển khai, dễ kiểm tra. Dù vậy, Giáo Lý Viên trong trường hợp này, vẫn phải tránh lối học từ chương, mà phải luôn cố gắng tổ chức buổi dạy Giáo Lý một cách sống động, có đối thoại, có hội thoại trao đổi, sao cho nội dung Giáo Lý không dừng lại ở từng câu từng chữ giảng máy móc và học thuộc lòng rồi trả bài làu làu như... vẹt !
2. Dạy Giáo Lý không phải là học kinh hạt:Trong giai đoạn còn quá khó khăn trước đây, khi còn thiếu nhiều Linh Mục, lại thiếu các Giáo Lý Viên được đào tạo có hệ thống, rất nhiều nơi đã phải đành chấp nhận chỉ dạy kinh hạt cho các em thiếu nhi thay vì dạy Giáo Lý. Một số Giáo Phận cũng đã cố gắng chuyển tải các điểm cốt yếu trong Giáo Lý bằng những bài thơ lục bát để giúp các em dễ nhớ, dễ thuộc. Dẫu sao, đó chỉ là cách ứng phó tạm thời và hạn chế ở mức độ thấp nhất của việc dạy Giáo Lý.
1. Dạy Giáo Lý không phải là dạy hỏi – thưa:Do mức độ còn hạn chế tùy từng nơi, từng vùng, nhất là ở ngoại thành và thôn quê, một số chương trình Giáo Lý hiện nay vẫn xoay chung quanh việc hỏi – thưa, một cách hệ thống ngắn gọn, chắc ăn, dễ triển khai, dễ kiểm tra. Dù vậy, Giáo Lý Viên trong trường hợp này, vẫn phải tránh lối học từ chương, mà phải luôn cố gắng tổ chức buổi dạy Giáo Lý một cách sống động, có đối thoại, có hội thoại trao đổi, sao cho nội dung Giáo Lý không dừng lại ở từng câu từng chữ giảng máy móc và học thuộc lòng rồi trả bài làu làu như... vẹt !
2. Dạy Giáo Lý không phải là học kinh hạt:Trong giai đoạn còn quá khó khăn trước đây, khi còn thiếu nhiều Linh Mục, lại thiếu các Giáo Lý Viên được đào tạo có hệ thống, rất nhiều nơi đã phải đành chấp nhận chỉ dạy kinh hạt cho các em thiếu nhi thay vì dạy Giáo Lý. Một số Giáo Phận cũng đã cố gắng chuyển tải các điểm cốt yếu trong Giáo Lý bằng những bài thơ lục bát để giúp các em dễ nhớ, dễ thuộc. Dẫu sao, đó chỉ là cách ứng phó tạm thời và hạn chế ở mức độ thấp nhất của việc dạy Giáo Lý.
3. Dạy Giáo Lý không phải là dạy luân lý:Đương nhiên nội dung Giáo Lý có đưa ra một nếp sống luân lý Ky-tô giáo sâu sắc, nhưng không vì thế Giáo Lý Viên dừng lại ở mức độ liệt kê cho các học viên một loạt các điều cho phép được làm và một loạt các điều cấm không được làm trong đời sống đạo. Dạy Giáo Lý vượt lên trên cả những điều ấy khi mở ra cho người học một mối tương quan mật thiết và thấm thía với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với tha nhân chung quanh trong cuộc đời.
4. Dạy Giáo Lý không phải là dạy thần học:Thần học là một khoa học chuyên biệt, với nhiều trường phái và quan điểm khảo cứu về Thiên Chúa ( Théologie ), nó cung cấp rất nhiều kiến thức, lý luận, nhận định có hệ thống chặt chẽ về Thiên Chúa, tuy đôi khi vẫn còn có thể gây ra nhiều tranh cãi đưa tới nhiều canh tân đổi mới.
Trong khi đó, việc dạy Giáo Lý, dẫu có vận dụng đến một số điểm thần học căn bản, lại muốn đưa các em đến Lòng Tin, Lòng Yêu Mến và Lòng Cậy Trông chân thành đối với Thiên Chúa, để rồi thể hiện cụ thể ra trong đời sống của mình, vượt qua mọi thứ kiến thức và lý luận của lý trí. Do vậy, học Giáo Lý dứt khoát không phải là để nghe những bài thuyết trình hùng hồn hấp dẫn về Thiên Chúa.
5. Dạy Giáo Lý không phải là loan báo Tin Mừng:Việc loan báo Tin Mừng là hoạt động truyền giáo, đem Lời Chúa đến với người chưa hề biết đạo là gì, chưa hề biết Chúa là Ai. Thường thì việc loan báo Tin Mừng đi trước, kế ngay sau đó là việc giảng dạy Giáo Lý.
Một số vùng truyền giáo ở thượng du phía Bắc và ở Tây Nguyên dành cho người dân tộc hiện nay, sau khi đã được loan báo Tin Mừng, dự tòng là người lớn và cả trẻ em có thể có nhiều năm liền để học Giáo Lý, trong khi bản thân họ vẫn mau mắn quay trở về loan báo Tin Mừng cho những người khác.
6. Dạy Giáo Lý không phải là dạy học như ở Phổ Thông:Việc dạy Giáo Lý, cho dẫu cũng dựa trên một số nguyên tắc sư phạm ( pédagogie ) và phương pháp giáo dục ( méthodologie ) chung, nhưng lại vượt xa việc dạy học ở trường Phổ Thông ở chỗ: Giáo Lý giúp các em gặp gỡ Lời Chúa, gặp gỡ chính Thiên Chúa, khơi gợi và tăng cường Đức Tin ở tận thâm sâu tâm hồn các em và chuyển thành sự sống tôn giáo thiêng liêng.
7. Dạy Giáo Lý cũng chẳng phải là sinh hoạt tập thể:Khi dạy Giáo Lý ở các độ tuổi thiếu nhi và thiếu niên, đương nhiên cần phải có những sinh hoạt vui chơi hát hò, nhưng đó chỉ là một phương cách phụ trợ để gây bầu khí sống động hấp dẫn, góp phần rèn luyện cũng như giáo dục nhân bản cho các em. Cái chính yếu của việc dạy Giáo Lý vẫn là nhắm đến việc đào tạo các Ki-tô hữu, những môn đệ của Đức Ki-tô.
II. ĐỊNH NGHĨA VIỆC DẠY GIÁO LÝ:Tắt một lời, việc dạy Giáo Lý chính là: trình bày Lời Chúa một cách đơn giản, cụ thể và sống động, để giúp các em có thể hiểu và sống Đức Tin. Chữ dạy ở đây, theo nguyên ngữ Hy-lạp, không phải là “didaskein” ( dạy các lý thuyết và kiến thức ), nhưng là “mateutein” ( đào tạo thành những môn đệ ). Từ rất sớm, người ta đã dùng thuật ngữ “Dạy Giáo Lý” để gọi toàn thể các nỗ lực trong Giáo Hội nhằm đào tạo các môn đệ, để giúp mọi người tin rằng Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa, để rồi nhờ Đức Tin và nhờ việc dạy dỗ ấy, họ được sống nhân danh Đức Ki-tô ngay giữa lòng đời, góp phần xây dựng Thân Mình của Đức Ki-tô là Giáo Hội.
Trong Tông Huấn Catechesi Tradendae ( CT ), Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2 đã ân cần dặn dò như sau:
Dạy Giáo Lý là một giai đoạn hay một khía cạnh của việc Tin Mừng hóa, do đó, nội dung của Giáo Lý không gì khác hơn nội dung của Tin Mừng hóa: cũng một sứ điệp Tin Mừng cứu độ đã được nghe hằng trăm lần, và được tiếp nhận với tất cả lòng quý mến, sẽ luôn được đào sâu nhờ suy tư và nghiên cứu có hệ thống trong Giáo Lý ( CT 26 ).
Dạy Giáo Lý bao giờ cũng lấy nội dung từ nguồn mạch sống động là Lời Chúa được lưu truyền qua Thánh Truyền và Thánh Kinh, vì Thánh Truyền và Thánh Kinh hợp thành kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa và được giao phó cho Giáo Hội ( CT 27 ).
III. DẠY GIÁO LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ CỦA GIÁO HỘI:Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến riêng hoạt động mục vụ rao giảng Lời Chúa của Giáo Hội bên cạnh việc cử hành các Bí Tích, tổ chức và quản trị cộng đoàn, tổ chức đời sống và các việc bác ái.
Mục vụ rao giảng Lời Chúa của Giáo Hội gồm có:
§ Tiền Phúc Âm hóa ( Pré-Évangélisation )
§ Phúc Âm hóa hay loan báo Tin Mừng ( Kérygme – Évangélisation )
§ Dạy Giáo Lý ( Catéchèse )
§ Giảng thuyết ( Homélie )
§ Thần Học ( Didascalie )
Mục vụ Giáo Lý là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu được học Giáo Lý của mọi thành phần tín hữu, để đưa cả cộng đoàn lẫn bản thân người tín hữu tới chỗ trưởng thành trong Đức Tin. Đặc biệt đối với trẻ em, sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa và Giáo Hội đã ủy thác cho các Giáo Lý Viên chính là: làm cho Ngôi Lời được sinh ra và lớn lên trong các em.
Ngoài ra, Tông Huấn Catechesi Tradendae còn nhắc nhở:Bản chất của việc dạy Giáo Lý gắn liền với tất cả các hoạt động Phụng Vụ và các Bí Tích, vì chính các Bí Tích và nhất là Bí Tích Thánh Thể là nơi Đức Ki-tô hoạt động một cách sung mãn để biến đổi nhân loại. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn cho việc lãnh nhận các Bí Tích ( CT 23 ).
Việc dạy Giáo Lý là cần thiết, không những để làm cho Đức Tin của các Ki-tô hữu thêm chín chắn, mà còn để họ làm chứng trên toàn thế giới, sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai chất vấn về niềm hy vọng của họ ( CT 25 ).
Để được như thế, phải phân tích và đánh giá tình hình để tìm phương cách hoạt động hữu hiệu cho từng đối tượng. Việc giảng dạy Giáo Lý phải có đường hướng và nguyên tắc chỉ dẫn, có chương trình và kế hoạch, có tổ chức và phương pháp thích hợp, cũng như phải có những phương tiện cần thiết.
IV. VIỆC DẠY GIÁO LÝ CẦN ĐƯỢC CANH TÂN KHÔNG NGỪNG:
Việc dạy Giáo Lý luôn luôn cần được canh tân cùng với từng biến chuyển lớn của thời đại và xã hội. Khi so sánh với Lời Chúa, Giáo Lý chỉ có giá trị tương đối. Lời Chúa mới có tính chất tuyệt đối. Do đó, Giáo Lý có thể và cần phải được thay đổi và cải tiến. Việc dạy Giáo Lý phải được canh tân không ngừng để Lời Chúa được diễn đạt đúng hơn, dõ hơn, sống động và hợp thời hơn.
Chính Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 4 năm 1977 đã khẳng định trong Tông Huấn Catechesi Tradendae:
Việc canh tân Giáo Lý là một ân huệ quý giá của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội ngày nay ( CT 3 ).
Việc dạy Giáo Lý cần được canh tân liên tục và quân bình về phương pháp, về việc tìm kiếm một ngôn ngữ thích hợp, về việc khai thác các phương tiện mới mẻ để truyền thông sứ điệp ( CT 17 ).
Giáo Hội phải tỏ ra khôn ngoan, can đảm và trung thành với Tin Mừng trong việc tìm kiếm và vận dụng các đường lối và bối cảnh mới mẻ cho việc dạy Giáo Lý ( CT 17 ).
Việc dạy Giáo Lý hiện nay cần được canh tân vì 2 lý do:
§ Thế giới ngày nay biến chuyển không ngừng biến chuyển một cách sâu xa, khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh đưa tới tình trạng tục hóa, giải thiêng. Thời chiến tranh lạnh giữa các cường quốc đã chấm dứt. Mặt khác, nhân loại đặc biệt coi trọng các giá trị nhân văn và xã hội, đặt nặng tinh thần phục vụ hữu hiệu.
§ Trong khi đó, chính đời sống của Giáo Hội cũng có những đổi thay khi các giá trị cổ truyền bị lung lay, một đông tín hữu tỏ ra lãnh đạm với các sinh hoạt tôn giáo, thậm chí đánh mất Đức Tin. Ngược lại, Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 được triệu tập, cùng với việc xuất hiện rất nhiều phong trào thiêng liêng hoạt động rất tích cực, đã khiến cho Giáo Hội mở ra cả một bình minh rực rỡ và lạc quan.
V. KẾT LUẬN:
Như vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội cần phải đổi mới cách nhìn ( tư duy ), nhận thức việc dạy Giáo Lý là một nhiệm vụ ưu tiên và tối quan trọng của Giáo Hội, là nhiệm vụ của mọi Ki-tô hữu nhằm giáo dục Đức Tin và đào tạo nên những người Ki-tô hữu trưởng thành. Ngoài ra, còn phải đổi mới cả cách làm ( hành động ) trong việc soạn thảo những nội dung chương trình hợp lý và sâu sắc, chọn được những hình thức giảng dạy phong phú, đầu tư vật chất và nhân sự của Giáo Hội cho việc dạy Giáo Lý.
Riêng với các Giáo Lý Viên, trong tư cách là người đảm nhận việc dạy Giáo Lý, phải luôn chuyên cần học hỏi Lời Chúa, phải kết thân sâu xa với Đức Ki-tô, phải có tinh thần cầu nguyện, biết sẵn sàng từ bỏ chính mình trong công việc phục vụ.