Chúa Nhật hôm qua, 30 tháng Mười Một, tại Tòa Thượng Phụ Đại Kết ở Phanar, Istanbul, Đức GH Phanxicô và TP Báctôlômêô I, lãnh đạo tinh thần của thế giới Chính Thống Giáo, đã ký Tuyên Bố Chung, tái khẳng định ý muốn vuợt qua các trở ngại còn đang chia rẽ hai Giáo Hội. Hai nhà lãnh đạo cũng phê phán tình thế bi thảm mà các Kitô hữu và tất cả những ai đang phải chịu tại Trung Đông và kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra giải pháp thích đáng.
Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố Chung
Chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và TP Đại Kết Báctôlômêô I, bày tỏ lòng biết ơn sâu xa lên Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi cuộc gặp gỡ mới này, giúp chúng tôi, trước sự hiện diện của các thành viên Thánh Công Đồng, hàng giáo sĩ và tín hữu của Toà TP Đại Kết, cùng nhau cử hành Lễ Thánh Anrê, người được gọi đầu tiên và là anh của Tông Đồ Phêrô. Việc tưởng nhớ các Tông Đồ, những vị đã công bố Tin Mừng cho thế giới bằng việc rao giảng và chứng tá tử đạo của mình, đã củng cố trong chúng tôi hoài mong cùng nhau tiến bước ngõ hầu, trong yêu thương và sự thật, vượt qua mọi trở ngại đang phân rẽ chúng tôi.
Nhân cuộc gặp nhau của chúng tôi tại Giêrusalem hồi tháng Năm, trong đó, chúng tôi kỷ niệm vòng ôm lịch sử của các vị tiền nhiệm là Đức GH Phaolô VI và TP Đại Kết Athenagoras, chúng tôi đã ký một tuyên bố chung. Hôm nay, nhân dịp hạnh phúc được gặp gỡ trong tình huynh đệ một lần nữa, chúng tôi muốn cùng nhau tái khẳng định các ý hướng và quan tâm chung của chúng tôi.
Trong niềm vâng phục thánh ý Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, chúng tôi bày tỏ quyết tâm thành thực và cương quyết của chúng tôi trong việc tăng cường các cố gắng của mình nhằm cổ vũ sự hợp nhất trọn vẹn giữa mọi Kitô hữu, và trước hết giữa người Công Giáo và Chính Thống Giáo. Chúng tôi cũng có ý hướng muốn hỗ trợ cuộc đối thoại thần học do Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế khởi xướng, môt định chế đã được TP Đại Kết Dimitrios và Đức GH Gioan Phaolô II thiết lập đúng 35 năm trước đây tại Phanar này, và là định chế đang xử lý các vấn nạn khó khăn nhất từng đánh dấu lịch sử phân rẽ của chúng ta và đòi ta phải nghiên cứu cẩn thận và đầy đủ chi tiết. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đoan hứa sẽ sốt sắng cầu nguyện như các mục tử của Giáo Hội, xin các tín hữu tham gia với chúng tôi trong việc cầu xin “cho tất cả nên một để thế giới tin” (Ga 17:21).
Chúng tôi bày nỏ nỗi lo ngại chung của chúng tôi đối với tình hình hiện nay tại Iraq, Syria và toàn Trung Đông. Chúng tôi thống nhất trong ước nguyện hòa bình và ổn định và trong ý muốn cổ vũ việc giải quyết các tranh chấp qua đối thoại và hòa giải. Dù thừa nhận các cố gắng đã được đưa ra nhằm cung hiến sự trợ giúp trong vùng, nhưng cùng một lúc, chúng tôi xin kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm đối với số phận nhân dân hãy thâm hậu hóa hơn nữa các dấn thân của họ đối với các cộng đồng đang đau khổ, và giúp đỡ các cộng đồng này, trong đó có các Kitô hữu, tiếp tục ở lại trên mảnh đất sinh quán của họ. Chúng tôi không thể chấp nhận một Trung Đông mà không có người Kitô hữu, những người vốn tuyên xưng danh Chúa Giêsu tại đây cả hai nghìn năm nay. Nhiều anh chị em của chúng tôi đang bị bách hại và đang bị vũ lực buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. Xem ra ngay cả giá trị của sự sống con người cũng đang bị mất đi, nhân vị không còn quan trọng nữa và nhiều người bị hy sinh cho các quyền lợi khác. Và, thảm hại thay, tất cả những điều này gặp phản ứng dửng dưng của rất nhiều người. Như Thánh Phaolô từng nhắc nhở ta, “nếu một chi thể đau, cả cơ thể đều cùng đau; nếu một chi thể được tôn vinh, cả cơ thể đều hân hoan” (1Cor 12:26). Đó là luật sống của Kitô hữu, và theo chiều hướng này, chúng tôi cũng có thể nói rằng có một thứ đại kết của đau khổ. Máu các tử đạo là hạt giống của sức mạnh và mầu mỡ đối với Giáo Hội thế nào, thì việc hàng ngày chia sẻ đau khổ cũng có thể trở nên một khí cụ hữu hiệu của hợp nhất như thế. Tình thế khủng khiếp của các Kitô hữu và tất cả những ai đang đau khổ tại Trung Đông không những kêu gọi phải liên lỉ cầu nguyện mà còn kêu gọi cộng đồng quốc tế phải giải quyết một cách thích đáng.
Các thách thức nghiêm trọng đang đặt ra cho thế giới trong tình thế hiện nay đòi tình liên đới của mọi người có thiện chí, và do đó, chúng tôi thừa nhận sự quan trọng của việc cổ vũ một cuộc đối thoại xây dựng với Hồi Giáo dựa trên lòng tôn kính và tình bạn hỗ tương. Được gợi hứng bởi các giá trị chung và được củng cố bởi các tình cảm huynh đệ chân chính, người Hồi Giáo và người Kitô Giáo được kêu gọi làm việc với nhau để phục vụ công lý, hòa bình và tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mọi người, nhất là những người ở trong vùng nơi họ từng sống cả hàng thế kỷ nay trong một cuộc sống chung hòa bình mà nay đang thảm hại chịu đựng các khủng khiếp của chiến tranh. Hơn nữa, trong tư cách các nhà lãnh đạo Kitô Giáo, chúng tôi xin kêu gọi mọi nhà lãnh đạo tôn giáo theo đuổi và tăng cường cuộc đối thoại liên tôn và cố gắng hết sức để bồi đắp nền văn hóa hòa bình và liên đới giữa mọi người và giữa mọi dân tộc. Chúng tôi cũng xin tưởng nhớ tất cả những ai đang trải nghiệm các đau khổ của chiến tranh. Cách riêng, chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine, một đất nước có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, trong khi kêu gọi moi bên liên hệ theo đuổi con đường đối thoại và tôn trọng luật quốc tế ngõ hầu đem lại việc chấm dứt các tranh chấp và giúp mọi người dân Ukraine sống hòa hợp với nhau.
Chúng tôi nghĩ tới mọi tín hữu trong các Giáo Hội của chúng tôi trên khắp thế giới, những người chúng tôi xin chào kính, xin phó thác cho Chúa Kitô, Chúa chúng ta, để họ trở thành các chứng nhân không mệt mỏi của tình yêu Thiên Chúa. Chúng tôi tha thiết nài xin Chúa ban ơn hòa bình trong yêu thương và hợp nhất cho toàn thể gia đình nhân loại.
“Xin Chúa hòa bình ban cho anh chị em hoà bình mọi lúc và mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng mọi người anh chị em” (2Tx 3:16).
Làm tại Phanar, ngày 30 tháng Mười Một năm 2014
|