* Ghi Lại Nội Dung Cuộc Họp Giữa Sở Nội Vụ Với Tòa Giám Mục về Văn Thư 145/VT/’14/Tgmkt, ngày 22/08/2014 (tiếp)

Ghi Lại Nội Dung Cuộc Họp Giữa Sở Nội Vụ Với Tòa Giám Mục về Văn Thư 145/VT/’14/Tgmkt, ngày 22/08/2014 (tiếp)

18/01/2015

Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận gởi (tiếp) đến quí gia đình Giáo phận:
“Ghi Lại Nội Dung Cuộc Họp Vào Ngày 07/01/2015 Giữa Sở Nội Vụ Với Tòa Giám Mục Về Văn Thư 145/VVT/’14/Tgmkt”
GPKONTUM (18/01/2015) KONTUM
XIN KÍNH MỜI
.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tiếp theo lời của Linh mục Sơn, theo ông Long nói cần cam kết. Nếu nói Giám mục chúng tôi phải cam kết, rồi có giải quyết hay không? Cam kết với ai? hay cam kết với Sở nội vụ mà không cam kết với chính quyền Huyện Đăk Glei hay chỗ này chỗ kia? Bây giờ phải cam kết với ai? Cho nên tôi thấy Đức Giám Mục chúng tôi có cam kết hay không thì nó cũng không thực tế, mung lung. Vì chúng tôi thấy hầu như cũng chưa chắc giải quyết được. Tôi hỏi bây giờ phải cam kết với ai? gửi cho ai? Gửi cho Sở nội vụ hay Gửi cho bên ông Hà Bang hay gửi cho ông nào? Hay gửi cho Huyện Đăk Glei?, chúng tôi phải gửi cho ông hay sao? Hai bên giải quyết giá trị đến mức độ nào? Cam kết như vậy có được không? Để chúng tôi phải tin. Ông bí thư huyện mà các ông không tin, văn thư chúng tôi gởi chưa giải quyết? Lời ông nói có giá trị gì?, chúng tôi có tin lời ông nói để cam kết không?


Lm Nguyễn Hoàng Sơn: – Ông Long đã nghe rồi, ông Phó bí thư tỉnh cũng đã nói trong dịp giáng sinh vừa rồi, ông Trung Tướng Hải cũng đã đến với chúng tôi và nói rồi. Ông Hải đại diện tỉnh cho chúng tôi biết cần thông thoáng, giải quyết để cho dân an tâm và bữa đó ông cũng gục đầu bằng lòng thì bây giờ cam kết cái gì?
Ông Phạm Văn Long: Báo cáo với Linh mục trong buổi làm việc tại Tòa Giám mục với ông Bí thư huyện, Bà Chủ tích UBND huyện Đăk Glei không có mặt tôi.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: – Tôi xin lỗi, ông không có mặt không thành vấn đề. Ông Bí Thư Đảng là quan trọng, ông là gì trong Huyện, trong khi đó ông Bí thư Huyện là cao hơn trong huyện. Bên Chính quyền địa phương ông chỉ là tham mưu, không phải ông có mặt là có giá trị. Nhiều lần ông cũng đã có mặt trong cuộc trao đổi, không phải sự hiện diện của ông là có giá trị toàn bộ. Ông làm tham mưu là người giúp, chứ không phải là người quyết định. Trong Huyện, ông Bí thư là quan trọng, có phải ông phớt lờ giá trị chỉ đạo của ông Bí thư, khi ông nói ông không có mặt. Vậy ông phủ nhận chính quyền và uy tín của ông Bí thư sao?, ông cho cái quyền của ông là cao hay sao? Bữa đó cũng có chị Ngọc Anh, phó ban tôn giáo xuống làm thư ký ghi chép mà. Ai gởi xuống? Không phải ông sao?.
Lm Đỗ Hiệu: Tôi có ý kiến, ông trưởng ban tôn giáo đọc điều ông vừa trình bày cho chúng tôi trả lời văn bản Đức giám mục gửi văn thư số 145 và chúng tôi đã nhiều lần làm đơn xin chính quyền công nhận giáo xứ Đăk Glei là Giáo xứ, có nhà thờ. Thứ nhất ở đó là giáo xứ lâu đời giáo xứ Đăk Tuk và Đăk Jâk có trên 60 năm rồi. Tôi trình với Đức Giám Mục nhiều lần và Linh mục đã đề nghị với Huyện, đề nghị với Tỉnh, rồi mọi người đều nói chờ đợi một thời gian nữa, hãy kiêng nhẫn đi. Nhưng không ai kiêng nhẫn đến một nửa thế kỷ cả, kiêng nhẫn trong một hay hai, ba năm thì được, năm năm thì được, còn tới 60 năm tôi thấy hết sức lâu. Cho nên chúng ta đặt lại vấn đề ở đó dù có vài ngàn dân, mỗi một giáo xứ như thế mà chúng ta bỏ đi, đặt vấn đề nhỏ mọn trong một, hai nhà nguyện thì tôi thấy đó cần phải đặt lại vấn đề.
– Vấn đề thứ hai là nhà thờ tạm này thì chúng tôi cũng đã nói nó không phải là một cái nhà thờ đâu, chỉ làm tạm một cái láng trại để cầu nguyện, nhưng cũng bị vi phạm đấy: thứ nhất xây dựng trên đất của dân chúng thuận cho làm, trên một phần nhỏ đường đi trong làng mà. Đường vẫn còn rộng chán. Dân toàn tòng đâu có khiếu nại. Đức Giám Mục cũng đã thấy nhưng mà chúng ta có thể thông cảm hiểu được về vấn đề này vì nhu cầu cấp bách của người dân có đạo.
– Vấn đề thứ ba nhiều lần chúng ta có đề cập với chị chủ tịch huyện và nhiều lần chúng tôi yêu cầu xin cho xây một nhà thờ tạm, xin được lên cấp giáo xứ. Huyện đã ghi nhận hết tất cả những điều trình bày này và chúng tôi xin Đức Giám Mục ký vào 20 giáo xứ trong tỉnh trình lên Ủy Ban tỉnh. Nhưng chúng tôi đã chờ đợi một thời gian khá lâu rồi, cũng chưa thấy động đậy. Vậy lỗi là lỗi về phía chính quyền đấy, cho nên chính quyền cũng phải nhìn nhận lỗi của mình, không nên đổ lỗi cho chúng tôi hết được đâu.
– Vấn đề thứ tư, chúng tôi thấy hôm trước ông Phận cũng xuống xem Đăk Jâk và đã thấy nhu cầu của giáo dân chúng tôi. Ông đã đề bạt và chúng tôi thấy có lý, có đất rồi, xin cho làm một cái nhà thờ tạm như những nơi khác, như ở Quy Nhơn, Gia Lai vẫn cho làm nhà thờ tạm kia mà có gì đâu mà xã không cho làm. Làm nhà thờ tạm thôi, rồi sau này khi quyết định sẽ cho dỡ. Chúng tôi làm bản cảm kết sẽ dỡ nhà thờ tạm đó, ngay sau khi làm nhà thờ đã xong, có thể một năm, hai năm, ba năm hoặc làm xong nhà nguyện tạm bằng tôn như ông Phận chỉ đạo, chúng tôi sẽ dỡ nhà nguyện tạm kia. Đó là điều tôi thấy rất phù hợp, nhân đạo và cũng là cách giải quyết rất êm đẹp và giáo dân người ta cũng bằng lòng nữa. Tại sao chúng ta không làm như thế? Trong buổi trao đổi này, ông Phó giám đốc Nội vụ lại đặt vấn đề từ đầu, làm cho chúng tôi thất vọng quá coi như là số 0. Xin lỗi ông, nhưng có lẽ ông cần phải đặt lại vấn đề, chúng ta có nhiều giải pháp rất tốt tại sao chúng ta không chọn mà chọn giải pháp này làm cho mọi người phải bực tức, tất cả mọi người cảm thấy chán nản quá. Cho nên ông cần phải đặt lại vấn đề, hãy tìm một giải pháp mà nó đẹp mang lại nhiều phúc lợi cho mọi người, chúng tôi cũng vui tươi mà ông cũng thoải mái. Còn ông cứ làm những điều tôi vừa nói xong thì nhiều người sẽ bức xúc giống như hai Linh mục vừa rồi đã bức xúc đấy. Tôi thấy chọn giải pháp được ông Bí thư huyện Đăk Glei hướng dẫn rất hay. Đã có một miếng đất lớn, chỉ dùng 20m2 cũng được, còn ông Phận nói 200m2 để chúng ta làm một cái nhà nguyện tạm, giáo dân người ta có nơi đi lại cầu nguyện. Trong khi đó Tỉnh cho phép xây nhà thờ cũng phải mất một năm sáu tháng giải quyết cho chúng tôi và sau đó thi công làm nhà thờ cũng mất hết một năm nữa. Trong một năm sáu tháng chờ đợi có nhà thờ chính thức, người dân có đạo đi đọc kinh dự lễ trong nhà nguyện tạm đó.
Khi làm nhà nguyện tạm trên vùng đất 200m2 này xong, chúng tôi sẽ phá nhà nguyện tạm bợ hiện nay, như vậy mọi cái mới tốt đẹp được. Nếu đòi phá nhà nguyện tạm bợ hiện nay – các ông cho là bất hợp pháp – thì chúng tôi không biết phải làm như thế nào? Giáo dân người ta cầu nguyện ở đâu? Cho nên chúng ta giải quyết làm sao có lý có tình đem đến sự phúc lợi không có gây sự bất mãn. Chúng tôi thấy lối giải quyết của ông Phận có lý có tình hợp lòng dân. Nên xin ông phó giám đốc xét lại vấn đề này xem, giải pháp nào tốt nhất thì chúng ta làm giải pháp đó. Mà tôi thấy giải pháp được ông Bí thư Huyện đưa ra giải pháp tôi thấy phù hợp đấy. Hôm trước tôi mạo muội nghĩ: hay là bây giờ ta tốc mái cũ ra, lấy tấm bạt che phủ lên, xử dụng tạm. Tôi thấy giải pháp đó cũng không nên, như thế nó có vẻ mang tính cách ngặt nghèo quá, thấy khó coi quá. Chọn giải pháp nào mà mình thấy vừa phải thì mình chọn. Tôi thấy giải pháp của ông Phận cùng với chị chủ tich UBND huyện đến gặp chúng tôi vào ngày 22/08/20014 tại Tòa Giám mục vừa phải, chấp nhận được.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: – Tôi xin nói tiếp, nếu khăng khăng như ông Long nói như vậy thì cuối cùng giáo dân ngồi ngoài nắng và họ sống đời sống tôn giáo của họ. Không có Linh mục họ vẫn có quyền quy tụ đọc kinh cầu nguyện. Ông cũng đã trình bày cho chúng tôi khi học Pháp lệnh Tín ngưỡng năm 2004, Nghị định 92 năm 2012 về tôn giáo: ở đâu có một số người thì được viết đơn lên chính quyền địa phương và có người chịu trách nhiệm thì được chấp nhân và được sinh hoạt tôn giáo. Xin hỏi ông nói như vậy có đúng hay không? Thực tế, đã có xin và đã có sinh hoạt tôn giáo và có các chú yao phu, ban chức việc là những người có trách nhiệm. Nếu không có Linh mục, giáo dân cũng có quyền, bởi vì đó đã theo luật định và đã là thực tế mấy năm rồi. Vậy thì bây giờ ông có thương dân, thường gọi nhà nước của dân, cán bộ là đầy tớ của nhân dân sao không giải quyết theo nhu cầu chính đáng của người dân có đạo. Chúng tôi đã làm đơn xin chấp nhận thành một giáo xứ, đây là cộng đoàn tính hữu có trên 6000 người, mà chính quyền không giải quyết. Vậy chính quyền có vì lợi ích của dân không?
Nếu nói rằng dỡ đi thì các ông lên dỡ và người dân sẽ ngồi ở đó nó đọc kinh, cầu nguyện, không ngồi trong nhà nguyện tạm này, họ ngồi ngoài cầu nguyện. Vậy chuyện gì xảy ra ? Xét cho cùng tôi thấy giải pháp của ông Phận tốt; ông Phận có đầu óc, có nhân đạo, có tầm nhìn xa hơn là cứ bo bo dựa vào quyền lực. Quyền lực đối với ngoại bang, đối với những quân bành trướng, đối với quân thù, chứ còn đối với dân mình, mình dùng quyền lực sao được?. Phải lấy nhân đạo đi trước như ông Nguyễn Trãi có nói: “Thuyền nhờ nước”. Ông học bài học cơ bản đó, chắc ông cũng đã biết. Nước chở thuyền đi, nhưng nước cũng có thể lật thuyền nếu không biết chèo chống”. Đây là một sự khôn ngoan của Nguyễn Trãi, Quân sư của đất nước chúng ta xưa kia. Do đó, sao chúng ta không tranh thủ lòng dân. Trên đất Tây nguyên Kontum, lòng dân hệ tại nhu cầu tôn giáo, họ là dân tộc có tôn giáo, cần đáp ứng nhu cầu tự do tôn giáo cho họ. Chúng tôi là linh mục đến đây để trao đổi về Văn thư 145 của TGM vẫn là những đại diện của Linh mục đoàn. Đức Giám mục đang chờ để nghe câu trả lời của tỉnh về nội dung Văn thư này. Ngay từ đầu buổi họp, ông đưa ra một loạt sai trái và đòi Giám mục cam kết nhận sai trái và dỡ nhà nguyện tạm trước ngày 17 tháng 01 này. Có quá đáng không? Ông đi lệch nội dung thư mời chúng tôi đến. Ông làm mất lòng chúng tôi, không tôn trọng mình.
Nếu nói những cái lỗi phạm, chính ông có bao nhiêu lỗi phạm, không tôn trọng dân, không giải quyết vấn đề, thì dân ngồi nắng ngoài mưa. Ông cam lòng được không? Ông cũng bảo khi dỡ nhà nguyện tạm này, ông sợ gì mà cấm đưa lên mạng Internet; sự thật này xấu xa lắm hay sao? Nếu xấu thì chúng tôi xấu chứ. Tại sao ông sợ chúng tôi đưa lên mạng.
Lm Đỗ Hiệu: Tôi trình bày lại vấn đề về giải pháp như tôi vừa trình bày.
Thứ nhất, giải pháp được ông Phận đưa ra, tôi thấy chúng ta có thể bàn luận ở đây. Giáo Hội Công Giáo rất trọng việc cộng đoàn qui tụ cầu nguyện.
– Và thứ hai nữa Thánh lễ là trung tâm của đời sống người công giáo, mà thánh lễ ai cử hành? Không thể nào giáo dân làm thánh lễ được. Chính Linh mục cử hành Thánh lễ, phải có Linh mục mới làm Thánh Lễ. Quan trọng nhất của chúng tôi là Thánh Lễ. Chính vì vậy, ở đâu có cộng đoàn công giáo thì ở đó phải có Linh mục; ở đâu có Linh mục thì nơi đó phải có nhà thờ hay ít nhất có nhà nguyện để chúng tôi tôn thờ Chúa. Vì thế nhu cầu tôn giáo này là hết sức cấp thiết như tôi đã trình bày với Huyện Đăk Glei nhiều lần, trình bày với ông nhiều lần, trình bày với Tỉnh nhiều lần. Trong ngày hôm nay đây, tôi trình bày và yêu cầu giải quyết theo hướng này rất cần thiết. Nếu gạt bỏ phương hướng giải quyết đó ra, tức là mình đã làm điều gì đó xúc phạm. Cần qui tụ, sống tâm linh là quan trọng đối với tôn giáo chúng tôi, vì đây là trung tâm đời sống của người công giáo. Vậy tìm hướng giải quyết nào cho phù hợp, an tâm cho họ. Thứ hai là phải có Linh mục làm lễ. Huyện vừa rồi cho hai Linh mục ra khỏi Huyện, không làm mục vụ, tôi thấy bức xúc vô cùng. Nhưng tôi trình với Đức Giám Mục sự việc vẫn còn đó, chưa có trễ, có thể trình bày lại được, có thể trình bày với Huyện, với Tỉnh để hiểu rõ. Việc này rất quan trọng đối với chúng tôi. Thế nên tôi cũng xin nói lại vấn đề thứ hai là vấn đề của hai linh mục này để quí ông hiểu rõ.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tôi cũng xin có ý kiến thêm. Bây giờ chúng ta biết chính sách nhà nước đã nói rõ ràng: “lấy dân là làm gốc”. Bên chính quyền địa phương, Huyện Đăk Glei từ trước giờ đã thực sự có lấy dân làm gốc chưa? Dân ngồi giữa nắng, giữa mưa được che bằng tấm bạt, trong một láng trại thô sơ, vậy như thế nào? Bây giờ ông cho trường hợp làm mái che tạm này là không hợp pháp, thì quý vị nói có thể để thu xếp với nhau cho tốt đẹp không ?. Có một chút xíu đó làm to chuyện, để các cán bộ mất thời gian. Tôi thấy từ trước giờ đã bao nhiêu lần ngồi lại tính chuyện nhỏ này với Huyện, với Ban tôn giáo, phải đi lên xuống mất bao công sức. Hôm nay cũng vậy, cũng mất công, không bàn trọng tâm nội dung Văn thư 145 của TGM. Chúng tôi trước khi đi đến đây, tôi cũng trình với Đức Giám Mục: nếu hôm nay đi mà nói cái gì khác, thì lần sau Đức Cha đừng có đi nữa, không đáng việc phải đi. Bữa nay, tôi tưởng Đức Giám mục đến gặp ông Hà Ban của Bí thư tỉnh, với UBND tỉnh, chứ đâu phải gặp ông Long. Nếu biết trước gặp ông, Đức Cha không đi đâu vì nội dung giải quyết đã ghi rõ trong Văn thư của Đức Cha gởi cho UBND tỉnh cơ mà, phải ngang cấp chứ. Chúng tôi đi cũng được. Bữa trước ông yêu cầu chính Giám mục đi, không cho chúng tôi đại diên đến bàn thảo trước. Ông phó bí thư tỉnh cũng nhận định khi nghe cách xử lý của ông như vậy cũng không đồng tình với ông, và ông cũng đã nghe chính miệng ông phó bí thư tỉnh nói mà. Sao ông không thưa với cấp lãnh.
Như linh mục Hiệu đã nói ông Bí thư huyện đã vạch ra lối giải quyết, chúng tôi mừng lắm, và chúng tôi tưởng hôm nay đi tới sẽ được ông Bí thư tỉnh giải quyết ngã ngũ. Chúng tôi hy vọng như vậy, chứ té ra bây giờ ông lại lập lại từ đầu chuyện năm cũ. Thất vọng quá! Cần tiến triển như thế nào để ích lợi chung, thuận lòng dân và thấy nhà nước quan tâm tới dân. Chúng tôi đi đến đây trong năm mới, lòng rất mừng, rất phấn khởi, chúng tôi cũng hy vọng có một cái gì mới mẻ chứ đâu như hôm nay ông đi lại từ đầu. Lần sau như thế này tôi xin Đức Giám Mục chúng tôi sẽ không đi đâu.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: - Thật lòng mà nói, “sự thật mất lòng”. Chúng tôi là bên tôn giáo và các ông đã tôn trọng phẩm trật của chúng tôi, vai trò Giám mục của chúng tôi như thế nào đây?. Ông lặp lại cái cũ không đúng lúc và không đúng nội dung thư mời chúng tôi lên Sở nội vụ về Văn thư 145. Nếu biết sự thể này, Giám mục chúng tôi sẽ không đi và chắc chắn Giám mục chúng tôi sẽ không nói cái gì thêm. Mà chúng tôi làm như vậy sẽ mất lòng, không được tốt đẹp. Trong năm mới cần phải có những con người mới, hiểu biết tôn giáo, những cán bộ có khả năng quản lý tôn giáo. Trong năm mới này cần phải có những con người đó. Ông phủ nhận đường hướng ông Bí thư huyện và UB tỉnh chưa gặp gỡ chúng tôi theo văn bản 145 của TGM và bà chủ tịch UBND Huyện đã phớt lờ đường lối của Huyện Ủy đề ra và chính bà chủ tịch cũng đã đồng tình. Vậy chúng tôi tin ai? Tin bà nữa sao? Mời chúng tôi đến đây để làm gì? Chính lối hành xử đó của ông đã bịt miệng Giám mục chúng tôi, không cho Giám mục chúng tôi nói gì hết.
Ông Phạn Văn Long: Xin mời Giám mục có ý kiến
Đức Cha Giám mục Giáo Phận Kontum: Đề nghị bà chủ tịch huyện, các cán bộ đang ngồi đây có ý kiến hết đi để chúng tôi thấy xem lập trường của quý vị có thống nhất như các linh mục chúng tôi trình bày trên. Xin Bà chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết ý kiến, tôi sẽ nói sau.
Bà Chủ tịch Huyện Đăk Glei: Kính thưa Giám mục, UBND Tỉnh có văn bản gởi đến TGM, nhưng qua một thời gian dài không thấy hồi âm của TGM. Huyện chúng tôi cũng có 3 văn bản giải quyết tình trạng các linh mục làm mục vụ tại huyện không đúng pháp luật vì TGM không có văn bản đưa 2 linh mục lên làm mục vụ tại địa bàn huyện. Quý TGM không trả lời cho Huyện văn bản nào cả và trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh trên tất cả các địa phương, không chỉ trên Huyện Đăk Glei, mà còn liên quan đến một số quản lý các tôn giáo. UBND Huyện trực tiếp mời hai Linh mục lên làm việc. Theo quy định pháp luật, các Linh mục này muốn lên làm việc, tất cả các linh mục muốn lên hoạt động mục vụ trên địa bàn địa phương nào đó thì phải có văn bản và được sự chấp thuận của địa phương. Buổi làm việc hôm đó tôi đã ghi trong văn bản đây; tôi hỏi Linh mục Vũ và Linh mục Huyên là hai Linh mục có hồ sơ văn bản gì chấp thuận của chính quyền địa phương có thẩm quyền để hai Linh mục thực hiện việc mục vụ trên địa bàn này hay không thì cung cấp cho chúng tôi? Hai Linh mục này khẳng định là không có văn bản nào cả. Vậy, việc làm mục vụ này chưa được sự chấp thuận nào cả theo quy định. Phẩm trật của các Linh mục chúng tôi không bác bỏ, công nhận Linh mục có từ trên xuống dưới, không ai bác bỏ điều này. Nhưng làm mục vụ trên địa bàn phải có chính quyền địa phương cho phép, chúng tôi không bác bỏ vai trò của linh mục với giáo đạo giáo. Nếu hai Linh mục có văn bản chấp thuận hẳn hoi thì chúng tôi vẫn chấp nhận cho hai Linh mục làm mục vụ. Đảm bảo theo quy định, hai Linh mục đã chấp nhận ký vào văn bản về việc sai trái của mình. Hai Linh mục rất là vui vẻ, chấp nhận cái sai của mình, việc mục vụ phải có sự cho phép của các cấp chính quyền. Nhưng hai linh mục chưa có hồ sơ nào, thì coi như là trái pháp luật. Trái pháp luật như vậy thì về làm việc lại với TGM, có văn bản hồ sơ cho phép của Chính quyền thì mới được thực hiện chức trách mục vụ. Đó là vấn đề về hai linh mục.
Còn vấn đề trao đổi của chính quyền huyện Đăk Glei với Giám mục, các linh mục tại TGM, UBND Huyện Đăk Glei rất chủ động và chu đáo quan tâm của Đảng Ủy. Trực tiếp có sự tham gia của ông Bí thư huyện, cô Ngọc Anh là phó ban tôn giáo tỉnh và các thành phần của Huyện. Về quan điểm của Huyện rất thống nhất, thống nhất ở chỗ muốn tạo điều kiện để chúng ta cùng với nhau dựa trên một quan điểm, quan điểm này không phải Huyện đồng ý là được, mà chúng ta phải thống nhất cách thức chúng ta phải giải quyết để làm tham mưu cho UBND Tỉnh, cấp có thẩm quyền cao hơn. Việc xây dựng công trình tôn giáo phải có thẩm quyền cao hơn cho phép, thì mới thực hiện. Đường hướng của đồng chí Bí Thư huyện là định hướng chúng ta nên làm như vậy như hồi nãy các Linh mục đã nói là như vậy. Nhưng định hướng đó và cách thức làm như thế nào thì do UBND tỉnh phải triển khai theo cơ sở quy định của pháp luật. UBND Huyện tiếp nhận chỉ đạo của đồng chí Bí thư huyện và làm việc tại TGM cũng thấy cởi mở. Thế thì TGM làm văn thư và tôi là người trực tiếp sửa văn bản của Linh mục Vũ đưa lên, hướng dẫn gửi cho đúng nội dung và thẩm quyền. Bản thân tôi cũng là người trực tiếp đến hỏi xem sở xây dựng cách thức làm sao để hướng dẫn cho TGM làm các hồ sơ xây dựng nhà thờ.
Nhưng làm gì đây, thì cần có những nội dung để chúng tôi làm tham mưu cho tỉnh. Nhưng không thể dựa trên một cái sai để triển khai một cái sai khác, tôi có trao đổi như vậy. Bây giờ nói về người dân được hưởng ơn trên, thì từ trước nay bắt đầu từ năm 2013, chúng ta mới bắt đầu xây dựng công trình này. Nhưng từ năm 2013 trở về trước, giáo dân của chúng ta vẫn được hưởng những ơn trên, vẫn chấp hành các đường hướng của giáo lý giáo luật. Vậy cho nên, từ khi chúng ta xây dựng công trình sai trái này cho giáo dân, người dân của chúng ta mới vi phạm. Vậy thì nên chăng theo tôi, để có một căn cứ xác đáng tham mưu cho UBND Tỉnh, ở đây chúng tôi giải quyết những sai trái, để tham mưu của UBND Tỉnh. Làm sao chúng ta chưa thống nhất quan điểm đó, chúng ta ngồi với nhau để thống nhất với phương án mới được. Linh mục Hiệu cũng đã nói cái sai đó rồi, vậy nên chăng chúng ta cùng nhau thống nhất chúng ta tháo dỡ công trình xây dựng sai trái này đi, xong việc tháo dỡ này, chúng ta thực hiện theo quy định. Tôi xin nói nếu trong quá trình tháo dỡ có vướng mắc gì về xe cộ, phương tiện các thứ máy móc cần thiết hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho TGM để vận động giáo dân tự nguyện tháo dỡ công trình này rồi, khi đó chúng tôi sẽ thống nhất với TGM đề xuất với UBND Tỉnh. Khi TGM thống nhất thực hiện nghiêm túc với việc tháo dỡ này, chúng tôi sẽ đề nghị UBND Tỉnh tạo điều kiện TGM được xây dựng. UBND Tỉnh muốn chúng ta làm nhà thờ luôn, nhưng các Linh mục đã nói xây nhà thờ thì mất thời gian lâu, nên muốn dựng một nhà nguyện tạm trên mảnh đất của một người dân hiến cho TGM. Chúng tôi đã thống nhất đường hướng như vừa trình bày, nhưng TGM không thống nhất thì sao chúng tôi nói được. Vì vậy chúng ta phải thống nhất với nhau, phương án cách thức và phải thực hiện đúng với phương án đó, chúng tôi mới tham mưu được. Phải có cơ sở, có căn cứ, cho nên hôm nay có sự co kéo dằng co, mà mục đích chúng ta muốn có mẫu số chung là như vậy thì mới làm việc được.
– Công việc xây dựng nhà thờ mới sẽ nhanh hơn, nếu ngược lại, chúng ta cứ dằng co dằng co mãi thì sao nhanh được. Quan điểm của tôi là như vậy, còn định hướng thì có rồi đấy, việc nên giải quyết cho TGM là như thế này. Chúng ta thống nhất quan điểm.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: – Thấy bà chủ tịch nói lên rất ngọt ngào, cũng có hy vọng. Tuy nhiên, tôi thấy rằng định hướng của ông Bí thư huyện Đăk Glei rất rõ và chắc bà cũng biết rồi đó. Lẽ dĩ nhiên là phải dỡ cái nhà nguyện tạm đó, nhưng vì lợi ích của nhân dân có đạo, chúng ta đã đồng thuận khi có giấy phép của chính quyền giải quyết cho làm một nhà nguyện khác, 10m2 hay 20 m2 cũng được trên mảnh đất giáo dân hiến. Khi chúng tôi làm xong nhà nguyện này, Giám mục chúng tôi cho tháo dỡ nhà nguyện mà bà nói làm không hợp pháp đó ngay. Rất đơn giản. Trong buổi gặp gỡ tại TGM ngày 22/08/2014 cũng không đặt vấn đề đình chỉ hoạt động mục vụ của linh mục nào cả. Mọi người muốn giải quyết tốt đẹp cho huyện, cho chúng tôi, vì lợi ích cho dân. Đừng làm to chuyện, vốn nó chỉ là chuyện nhỏ, mất thời gian vô ích. Chúng tôi nghĩ theo phương kế của ông Phận là khi đã có phép và dựng một nhà nguyện chính thức được nhà nước chấp thuận, thì dỡ nhà nguyện tạm hiện tại ngay. Nói tóm lại rất rõ về nội dung cuộc gặp ngày 22/8/2014 tại Tòa Giám mục: Đức Giám mục nói khi cho phép làm một nhà nguyện tạm, dù 10m2 cũng được – ông Phận nói 200m2-, miễn là danh chính ngôn thuận có phép để khỏi mang tiếng là phạm luật và khi làm xong chúng tôi sẽ dỡ nhà nguyện tạm hiện thời ngay lập tức.
– Thứ hai: theo phương thế này, đâu có đặt vấn đề Linh mục không được làm mục vụ trên đất huyện Đăk Glei, nhưng chỉ liên quan đến việc xây dựng một nhà nguyện tạm khác, ở chỗ khác, có phép, và dỡ nhà nguyện tạm cũ đi. Làm song song 2 việc cùng thời. Đơn giản và quá rõ là như vây.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tôi thấy linh mục Sơn đã nói lên ý của Ông Bí thư huyện đã vạch ra là như vậy, không phải như bà chủ tịch vừa rồi nói. Hai bên muốn dỡ nhà nguyện hiện tại đi. Nhưng dỡ cách nào hợp lòng dân: Giám mục chúng tôi muốn dỡ đi kẻo khỏi phải bị coi làm sai trái, khi có cái khác thay thế; theo các ông nói cũng muốn đáp ứng theo nhu cầu chính đáng của người dân, đòi dỡ ngay nhà thờ tạm hiện thời, không làm cái khác, trong khi chờ được công nhận giáo xứ, có phép xây dựng nhà thờ đúng qui cách. Thời gian đó dân đọc kinh cầu nguyện ngồi ở đâu ? Ngoài trời mưa nắng phải không?. Thế không có hợp lòng dân. Chúng tôi đã làm đơn lên cấp tỉnh cho một số nơi có giáo dân lên giáo xứ, có linh mục, trong số đó có Đăk Jâk hơn 6000 người dân tộc, chờ mãi các ông không giải quyết!
Bà Chủ tịch Huyện Đăk Glei: Chúng tôi vừa rồi trình bày như vậy; đồng chí Bí thư định hướng chỉ đạo cho UBND Huyện giải quyết như thế nào mặc lòng, nhưng nó cũng phải theo quy định, khi muốn xây dựng một công trình nào đó.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tôi hỏi muốn xây cái nhà thờ tạm đó bây giờ ai có chức năng giải quyết cho phép? Tỉnh nói xây dựng lớn nhà thờ cần có thủ tục như thường lệ; còn làm cái nhà thờ nhỏ tạm thời thế cho cái cũ, như thế này thì ai có chức năng cho xây dựng?
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: – Mỗi loại nhà đều có cấp loại của nó và được qui định thẩm quyền người cho phép, mà lán trại mái che dân tự động làm; còn nếu nhà cấp 4 do xã cho làm, có phải không?.
Bà Chủ tịch Huyện Đăk Glei: Nhưng nhà nguyện này là của TGM đứng ra, chứ người dân không đủ thẩm quyền để xin làm cái này. Tôi báo với các Linh mục tôi rất chủ động quan hệ với các cơ quan chuyên môn làm sao để tìm được hướng, nhưng phải làm hết tất cả các hồ sơ, đất này hiến cho TGM chứ không phải ông A ông B được.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Nhà thờ, nhà nguyện cũng không phải là cho TGM được, mà là cho người dân. Chúng tôi là Linh mục đến xây nhà thờ rồi chúng tôi cũng đổi đi chỗ khác, nên đặt quyền lợi nhu cầu người dân lên trên và ưu tiên, cần giải quyết nhanh chóng.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Nhưng rất tiếc bữa ông Bí thư huyện nói, chắc chị cũng đã hiểu hết, bởi vì nói tiếng Việt mà. Hồi đó sao chị không nói với chúng tôi là Giám mục nhận lỗi sai phạm xây dựng công trình đó, phải dỡ nhà tạm đó đi, rồi xin phép và mới giải quyết?.
(còn tiếp)