VRNs (10.01.2015) -Sài Gòn- theo CNA- Số Kitô hữu bị đàn áp trên thế giới đã lên đến 100 triệu người. Đó là báo cáo mới nhất và thậm chí các cuộc đàn áp bạo động nhắm đến các Kitô hữu đang tiếp tục tăng trong bối cảnh bạo lực liên tục xảy ra.
Ông David Curry, chủ tịch tổ chức Open Doors ở thành phố California, Mỹ, hôm 07 tháng 1 cho biết: “Ngay cả các quốc gia mệnh danh Kitô giáo cũng đang trải qua mức độ chưa từng có của việc loại trừ, phân biệt đối xử và bạo lực”.
Tổ chức do ông Curry đứng đầu đã làm việc để trợ giúp các Kitô hữu bị đàn áp trong vòng hơn 60 năm qua. Tổ chức này do anh Andrew người Hà Lan lập nên. Anh đã từng nhập lậu Kinh Thánh vào Đông Âu, nơi mà trước đây chế độ cộng sản bắt bớ Kitô giáo và các tôn giáo khác.
Ông Curry cho biết Danh Sách Điều Tra Thế Giới do Open Doors thực hiện vào đầu năm 2015 cho hay “số Kitô hữu đang trở thành nạn nhân của bất khoan dung và bạo lực vì đức tin thật đáng kinh ngạc.”
Danh sách liệt kê thứ tự 50 quốc gia cho thấy độ nguy hiểm và khó khăn nhất mà các Kitô hữu đang chịu. Danh sách định nghĩa sự đàn áp là “bất kỳ sự thù địch nào đối với người tin vào Chúa Kitô.” Nó gồm có: bỏ tù, tra tấn, chặt đầu, hãm hiếp, và cướp mất nhà cửa và tài sản.
Người Kitô hữu có thể bị gia đình họ tẩy chay, mất việc làm hoặc cộng đồng từ chối.
Ông Curry cho biết một số Kitô hữu “đang bị buộc phải che dấu đức tin của mình.”
Bắc Triều Tiên tiếp tục là quốc gia tồi tệ thứ nhất trong việc đàn áp Kitô giáo, nơi đây có khoảng 70.000 người Kitô hữu đang bị cầm tù vì đức tin. Sự gia tăng nhanh chóng của các cuộc khủng bố tại châu Phi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiếp tục gia tăng bạo lực cũng gây lo ngại.
Somalia là quốc gia tồi tệ thứ hai vì không có sự can thiệp của chính phủ. Iraq đứng thứ ba, nơi nổi dậy Nhà Nước Hồi giáo gây ra nhiều đau khổ cho các Kitô hữu Iraq. Syria, đứng thứ 4, nơi diễn ra cuộc nội chiến khốc liệt do các phe phái Hồi giáo cực đoan gây nên.
Chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng đàn áp ở Afghanistan và Pakistan, 2 nước này đứng thứ năm và thứ sáu trong bảng danh sách. Iran đứng thứ bảy, trong khi đó Sudan và Eritrea đã trở lại trong top 10 quốc gia bách hại người Kitô hữu tồi tệ nhất. Nigeria đứng thứ 10 trong danh sách, nơi mà chính phủ đã không thể kiểm soát được các nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Tổ chức Open Doors cũng liệt kê danh sách của các nước tiếp theo là Uzbekistan, Việt Nam và Ấn Độ. Kitô hữu tại Ấn Độ “được” xếp hạng 21 trong bản báo cáo vì bị nhóm cực đoan Hồi giáo và chủ nghĩa Hindu bắt bớ.
Kenya đã “nhảy” hạng từ 43 xuống còn 19 trong bản danh sách vì nhóm Hồi giáo cực đoan Somali và các tay súng vượt biên, cũng như các nhóm chiến binh Hồi giáo khác vào nước này.
Ở Tây bán cầu, Colombia đứng thứ nhất trong bản danh sách này, xếp hạng 35 trên thế giới. Kitô hữu ở đây có thể trở thành nạn nhân của bọn tội phạm có tổ chức và tham nhũng, đặc biệt là những người nổi bật trong đời sống xã hội hay chính trị. Người dân bản địa ở nông thôn là những Kitô hữu cũng gặp tình trạng chiến tranh, nhiều Kitô hữu buộc phải di cư ra khỏi vùng đất của họ, và bạo lực đối với phụ nữ Kitô giáo ngày càng tăng. Bài giảng ở nhà thờ luôn bị theo dõi.
Mexico xếp thứ 38 trong bảng danh sách, vì ở đây nhóm tội phạm có tổ chức và tập đoàn ma túy nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu để tống tiền và vòi tiền các Kitô hữu vì họ phục hồi người nghiện ma túy và nghiện rượu. Các cộng đồng bản địa ở các bang miền Nam Mexico cũng buộc tất cả các thành viên trong cộng đồng của họ theo cùng một cách sống, điều này gây nên gánh nặng cho những người theo tôn giáo.
Các nhà điều tra đã xếp hạng các quốc gia trong bản báo cáo dựa trên mức độ tự do sống đức tin của mỗi cá nhân cũng như trong gia đình, cộng đồng, đời sống quốc gia và giáo hội. Họ cũng căn cứ trên mức độ nghiêm trọng của các Kitô hữu phải đối mặt với bạo lực.
Hoàng Minh