* Tỉnh Kontum tiếp tục xâm phạm quyền tự do tôn giáo

Tỉnh Kontum tiếp tục xâm phạm quyền tự do tôn giáo


n2VRNs (17.01.2015)Sài gòn- Nhà cầm quyền xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum xâm phạm quyền tự do tôn giáo và hạn chế các hoạt động tôn giáo của người dân tại giáo xứ Đăk Jâk thuộc giáo phận Kotum.
Nhà cầm quyền nói rằng, giáo xứ Đăk Jâk không phải là cơ sở tôn giáo. Chính vì thế, họ không cho linh mục dâng lễ và cư trú tại đây, và không cho giáo dân xây dựng nhà thờ.
Lược lại quá trình lịch sử, giáo xứ Đăk Jâk hình thành từ những năm 1957 do vị Chủ chăn tiên khởi là cha Léo Dujon.
Sau đó, từ những năm 1975 cho đến 1988, giáo dân xứ Đăk Jâk bị bắt bớ rất gắt gao, giáo xứ không có linh mục, không có nhà thờ, bà con tự giữ Đạo, tự đọc kinh…

Vào khoảng 1984 – 1988, Hội Yao Phu Đăk Jâk được hình thành, nhằm mục đích cộng tác với các linh mục trong nhiệm vụ tông đồ truyền giáo, nhưng nhà cầm quyền lại bắt bớ và bỏ tù các Yao phu.
Về sau, vào tháng 11.2011, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh – Giám mục Giáo phận Kotum bổ nhiệm Cha Đaminh Trần Văn Vũ làm chính xứ Đăk Jâk. Cha Vũ là cha xứ đầu tiên ở cùng với dân cho dù không được nhà cầm quyền công nhận.
Tuy đời sống đạo của giáo dân gặp nhiều nguy nan và gian truân nhưng đời sống Đức tin của bà con không chùn bước mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Cho đến nay, giáo xứ đã có hơn 5000 giáo dân gồm người Kinh, Sêđăng, Hơlăng và Jeh.
Mặc dù giáo xứ được hình thành từ khá lâu và số giáo dân càng ngày càng gia tăng nhưng nhà cầm quyền nhất quyết không cho giáo xứ xây dựng nhà thờ, ngăn cản các hoạt động tôn giáo của các Chức sắc và Tín đồ.
Không cho linh mục thực hiện lễ nghi Tôn giáo trong phạm vi phụ trách và giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo.
Nhân sự kiện này, chúng tôi thấy, nhà cầm quyền đang nhầm lẫn các hoạt động tôn giáo của các Chức sắc, Nhà tù hành với các hoạt động tôn giáo của Tín đồ. Trong khi đó, Pháp lệnh về Tín ngưỡng – Tôn giáo quy định hai hoạt động này hoàn toàn khác biệt nhau. Cũng vậy, hoạt động tôn giáo của các Chức sắc gồm việc “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” và việc “giảng đạo, truyền đạo” cũng được quy định hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, ít nhiều cán bộ nhà nước hoặc ngay chính các vị Chức sắc, Nhà tu hành có lẽ chưa xem xét kỹ những nội dung của Pháp lệnh, dẫn đến việc tự mình làm khó hoặc lạm dụng để làm khó, xâm phạm quyền tự do Tôn giáo.
Trước hết, căn bản của Hiến pháp và pháp luật nhắm đến “tôn trọng, bảo đảm quyền tự do Tôn Giáo” được quy định tại Điều 24 Hiến pháp; tại Điều 1 Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo; tại Điều 2 Nghị định 92/2012/NĐ-CP. Do vậy, Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo quy định tại khoản 1 Điều 9: “Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.”. Và khoản 1 Điều 11 cũng quy định “Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.”. Như vậy tín đồ không bị ràng buộc việc thực hiện các hoạt động Tôn giáo ở cơ sở Tôn giáo, nghĩa là việc thực hành các lễ nghi, cầu nguyện… là bất kỳ ở đâu. Còn các nhà chức sắc, nhà tu hành bị ràng buộc “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” trong phạm vi phụ trách và “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo”. Ví dụ, Đức Giám Mục có quyền thực hiện lễ nghi Tôn giáo ở bất kỳ nơi nào trong giáo phận của Ngài phụ trách, còn việc ‘giảng đạo, truyền đạo” thì Ngài phải giảng dạy tại các cơ sơ Tôn giáo. Chính vì lẽ đó mà tại Quyết định số 1119/QĐ-BNV ngày 10/10/2013 của Bộ Nội vụ về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tín ngưỡng Tôn giáo (“Quyết định số 1119/QĐ-BNV”) chỉ có thủ tục “chấp thuận việc giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo”.
Xin nhấn mạnh, khoản 4 Điều 5 Luật đất đai 2013 qui định, cơ sở Tôn giáo “gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”. Cha Đa Minh Trần Văn Vũ được Đức Giám mục -trong phạm vi phụ trách Giáo phận- bổ nhiệm phụ trách khu vực Giáo xứ Đăk Jâk; và ngôi nhà tạm mà Giáo dân cât lên để thực hành các Lễ nghi Tôn giáo, sinh hoạt… phải được xem là “cơ sở khác của Tôn giáo”.
Do đó, nhà cầm quyền xã Đăk Môn ngăn cấm không cho cha Đa Minh Trần Văn Vũ “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” trong phạm vi phụ trách và “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo” là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Luật pháp hiện hành.
Ngăn cản giáo dân xây dựng mới công trình Tôn giáo
Từ khi giáo xứ Đăk Jâk thành lập từ năm 1957 cho đến nay, giáo xứ chưa có nhà thờ nên giáo dân liên tục làm đơn xin phép Nhà nước nhưng nhà cầm quyền không cho. Do đó, vào tháng 4.2013, giáo dân quyết định dựng một “nhà thờ tạm” bằng cột tròn, lợp tôn, không thưng vách, thô sơ, với diện tích khoảng 1000 m2, để che nắng che mưa khi linh mục thực hiện lễ nghi Tôn giáo cho giáo dân, để họ tham dự một cách trang nghiêm hơn.
Chưa đầy một tháng sau đó tức vào tháng 5.2013, nhà cầm quyền quyết định tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm này, nhưng giáo dân kiên quyết phản đối và họ chỉ đồng tình cho tháo dỡ với điều kiện nhà cầm quyền phải cho họ xây dựng mới ngôi nhà thờ.
Được biết, Tòa Giám mục Kontum và Giáo xứ đã nhiều lần làm việc với nhà cầm quyền huyện Đăk Glei và tỉnh Kontum. Trong quá trình thương thảo, Tòa Giám mục đồng ý tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm khi Huyện Đăk Glei có văn thư quyết định cho giáo xứ xây dựng nhà thờ với diện tích 200 mét vuông trên đất của Giáo xứ. Cả 2 bên đều thống nhất giải pháp này vào ngày 22.08.2014. Thế nhưng, nhà cầm quyền nói mà không làm, khiến lòng dân mất niềm tin vào Nhà nước nên phản ứng của họ càng gay gắt hơn.
Không những vậy, việc ngăn cản của nhà cầm quyền không cho giáo dân xây dựng mới công trình Tôn giáo trên khu đất của giáo xứ là vi phạm pháp luật. Cụ thể:
Theo qui định tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo và khoản 4 Điều 34 Nghị định 92/2012/NĐ-CP thì việc xây dựng mới các công trình Tôn giáo là theo qui định của pháp luật về xây dựng.
Công trình Tôn giáo, theo Nghị định 92/2012/NĐ-CP là “… những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo”.
Như vậy – trong trường hợp xây dựng Nhà thờ là công trình Tôn giáo – phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bao gồm việc có đất xây dựng và có giấy phép xây dựng.
Về đất xây dựng công trình Tôn giáo thì Luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013 qui định rõ, “trường hợp đất do cơ sở Tôn giáo đang sử dụng” với “trường hợp được giao đất”.
Đối với trường hợp của Giáo xứ Đắk Jâk nếu đất có ngôi nhà thờ tạm được cất lên thuộc các trường hợp qui định tại khoản 4 Điều 51 Luật đất đai 2003, và khoản 4 Điều 102 Luật đất đai 2013 thì ‘cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: thứ nhất, được Nhà nước cho phép hoạt động; thứ hai, không có tranh chấp; thứ ba, không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004” thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cần nhấn mạnh Luật đất đai mới 2013 đã bỏ cái điều kiện “có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất của cơ sở Tôn giáo”. Điều mà hiện nay, nhà cầm quyền Đăk Môn nói riêng và nhiều nơi khác nói chung thường nại ra để từ chối giao đất, cấp phép xây dựng Nhà Thờ là “người dân không có nhu cầu…”
Về giấy phép xây dựng công trình Tôn giáo, đáng chú ý là Nghị định 64/2012/NĐ-CP và Thông tư 10/2012/TT-BXD qui định, “đối với công trình Tôn giáo phải có văn bản chấp thuận của Ban Tôn giáo cấp có thẩm quyền”. Thế nhưng, tại Quyết định số 1119/2012/QĐ-BNV lại không có thủ tục “chấp thuận cho xây dựng công trình Tôn giáo.” Tuy nhiên, pháp luật về Tín ngưỡng Tôn giáo, về đất đai, về xây dựng, … không có qui định nào để hạn chế hay không cho phép công nhận quyền sử đất đang sử dụng cho cơ sở Tôn giáo hoặc cấp giấy phép xây dựng cho cơ sở Tôn giáo. Xét về pháp lý, Giáo xứ Đăk Jâk- có đất đang sử dụng cất Nhà Thờ tạm, có lượng Giáo dân đông đảo, có nhu cầu thực hành và trên thực tế đã và đang thực hành các hoạt động Tôn giáo… thì không có lý gì lại không được giải quyết xây mới Nhà Thờ.
Việc ngăn cản, buộc tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm tại một Giáo xứ đã có từ năm 1957, với số lượng giáo dân hơn 5000 người như Giáo xứ Đắk Jấk, và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã và đang sử dụng, không cấp phép xây dựng công trình Tôn giáo cho Giáo xứ Đắk Jấk là xâm phạm quyền tự do Tôn giáo, hạn chế hoạt động Tôn giáo. Điều mà Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn Giáo khẳng định: “Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.”
Pv.VRNs