Nội dung trao đổi với Sở Nội Vụ vào ngày 07 tháng 01 năm 2015 (tiếp theo)
19/01/2015
Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận xin tiếp tục đăng Nội dung trao đổi với Sở Nội Vụ vào ngày 07 tháng 01 năm 2015 (tiếp theo).
GPKONTUM (19/01/2015) KONTUM
Ông Phạm văn Long: Xin mời Giám mục có ý kiến
Đức Giám mục Giáo Phận: Xin đề nghị Ông Trưởng Ban Tôn Giáo, Quí UB ND huyện Đak Glei, quý vị có ý kiến hết đi, để chúng tôi thấy xem lập trường của quý vị có thống nhất như thế nào với các linh mục chúng tôi trình bày trên đây. Xin Bà chủ tịch UBND huyện Đak Glei cho biết ý kiên và tôi sẽ nói sau.
Bà Chủ tịch Huyện Đăk Glei: Trong bữa gặp mặt tại Tòa Giám mục, hôm đó tôi có nói để xin ý kiến UBND Tỉnh, các cơ quan chuyên môn có được phép cho làm hay không. Vậy bây giờ để có căn cứ tham mưu thì chúng tôi phải có điểm chung để xem xét việc này.
Đức Giám mục Giáo Phận: Xin lỗi bà Chủ tịch, bà coi lại cái lời nói hôm đó, tôi xác định bữa gặp tại Tòa Giám Mục, bà không có nói như vậy. Hôm nay bà thêm câu đó. Hôm đó ông Bí thư nói là sòng phẳng, bà cũng đồng ý với chúng tôi như vậy, bà không hề nói để về xin ý kiến tỉnh gì cả. Nếu phải về xin ý kiến, chúng tôi sẽ không có cái văn thư số 145 đó.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Chúng tôi xác định là như vậy, bữa đó tôi thấy bà cũng gật đầu. Và văn bản trong Văn thư gởi lên UBND huyện và lên tỉnh của TGM trình bày rất rõ ràng, chính xác và đúng đắn.
Đức Giám mục Giáo Phận: Bây giờ xin đề nghị thế này: xin tất cả quí vị có mặt tại đây phát biểu thẳng thắn, chân thật. Tôi sẽ có ý kiến sau cùng trước khi ra về.
Ông Phạm Văn Long: Tôi và đồng chí Chủ tịch huyện có ý kiến. Bây giờ xin mời Giám mục.
Đức Giám mục Giáo Phận: Tất cả chúng ta đây đều là người Việt nam cả mà. Bên quí vị có những 9 đại biểu, ai thấy chỗ nào phải, chỗ nào trái, cứ cho ý kiến chứ.
Ông Phạm Văn Long: Họ đến để nghe, là theo dõi nắm bắt tình hình, kết quả buổi làm việc, không có trách nhiệm để trao đổi. Xin Giám mục và tôi trao đổi.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tôi nghĩ tất cả ai được mời tới đây thì cũng có quyền phát biểu được nếu họ muốn. Riêng chúng tôi cũng vậy nếu ai muốn phát biểu. Tất nhiên, tư cách đại diện được phát biểu chứ. Theo giấy mời của Sở Nội Vụ để trao đổi về vấn đề Đăk Jâk, sao lại nói không trao đổi. Ông nói như vậy không đúng, hội nghị là có bàn bạc chứ. Ai cũng có quyền phát biểu nếu muốn, còn không muốn là không thành vấn đề. Còn ông Long muốn phủ nhận họ phát biểu thì ai dám nói chuyện, trao đổi.
Đức Giám mục Giáo Phận: Không. Ông Long nói vậy thì chúng tôi cũng thông cảm thôi, nhưng chúng tôi có cảm tưởng.
- Thứ nhất, Quý vị đưa số đông cán bộ để làm áp lực với chúng tôi.
- Thứ hai, hay quý vị biến cuộc họp này thành một cuộc tập huấn cho cán bộ.
Như vậy là xúc phạm đến chúng tôi.
Ông Phạm Quang Long: Giám mục nói vậy, tôi xin có lời như thế này: trong tất cả buổi làm việc chúng tôi cho cán bộ đến làm việc là để lắng nghe tất cả vấn đề liên quan hội nghị, chứ không phải tập huấn gì cả, các quy định trong sở, trong ban như vậy chứ không phải áp lực gì hết.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Thôi thế này, tôi xin có ý kiến. Các cha có ý kiến gì nữa không?
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tôi xin có ý kiến, ai cũng muốn có một cái hy vọng và ai cũng muốn có một công việc tiếp tục tốt đẹp. Vì thế nếu hôm nay mà quý vị nói với chúng tôi và chúng tôi ghi nhận ý kiến chung và về suy xét lại chúng tôi sẽ làm một cái gì đó có cái hy vọng, có một cái gì đó đôi bên thông thả với nhau thì chúng tôi tiếp tục, còn nếu mà trường hợp đưa ra trường hợp như từ đầu ông Long nói thì tôi nghĩ là chấm dứt. Đó là tôi thấy như vậy, nếu bên bà chủ tịch, nếu bên anh Long bên Sở nội vụ mà xem xét sao để chúng tôi đừng có đi đi lại lại tôi thấy mất thời giờ quá, chỉ có một chút xíu mà mình làm phiền phức tốn bao nhiêu thời gian, ông tính xem bữa giờ chúng tôi lên huyện Đăk Glei bao nhiêu lần rồi không và được ích lợi gì chưa? Chưa được cái gì mà cũng không thêm được cái gì, bây giờ ông vạch lại cái đường cũ từ đầu thì tôi thấy bây giờ chúng ta chấm dứt hôm nay. Hôm nay đã có cuộc gặp gỡ và hiểu nhau qua những lời trao đổi thành thật với nhau rồi, với tâm tình chúng tôi đã thật lòng. Bây giờ chưa có quyết định được, chúng ta về nghiên cứu lại có thay đổi được gì không và có một cái gì mới nữa không thì tiếp tục sau. Chúng tôi muốn như vậy, muốn có một cái gì mới, thay đổi mới trong năm mới. Đất nước cũng đổi mới, thế giới cũng đổi mới mà tại sao chúng ta không bàn làm với nhau được. Như Đức Cha đã nói có cô gái mười mấy tuổi người Pakistan còn điều kiển cả thế giới thay đổi mới thế giới, thế giới phải lắng nghe. Thế nên tôi hy vọng hôm nay bên ông chủ tịch, bà chủ tịch huyện, chúng ta tiếp tục về nghiên cứu xem có cái gì đổi mới, có một đường hướng đi tới tốt đẹp thì chúng ta tiếp tục, còn dẫm chân tại chỗ thì không nên bàn tiếp. Để thực tế trong tương lai sẽ quyết định.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Tôi có ý kiến thêm: dựa trên lần họp có ông Bí thư huyện và bà Chủ tịch được đúc kết bằng văn thư 145 này, dựa trên đó giải quyết, vì dựa trên vì lợi ích nhân dân không phải lợi ích của một người nào. Cần dựa theo văn thư của Giám Mục chúng tôi đã gửi Ủy Ban huyện và cho Ủy Ban Tỉnh làm nền tảng để giải quyết.
Lm Nguyễn Ngọc Quyền: Những cuộc họp liên quan đến vấn đề vừa rồi,
- Thứ nhất : Hôm nay tôi được đi đại diện bên đoàn của TGM với tư cách là đại diện cho dân và Đức Cha Micae nói sự hiện diện của tôi với tư cách là đại diện cho dân Công giáo. Trước nhất nói về vấn đề nhân dân, tôi thấy ý kiến cũng hợp lý, tôi đã từ Plei Djrâp đến đây. Tôi kể lại một sự kiện thôi có lẽ chúng ta nhiều khi ta quan trọng về quy trình như bà chủ tịch Huyện Đăk Glei vừa nói, nó có quy trình. Những quy trình nhiều khi nó không có vướng mắc của nó, nhiều khi chúng ta phải linh động. Tôi kể một câu chuyện kỳ họp bên Hội Đồng Tỉnh vừa rồi, có một nghị quyết để thông qua việc Thị trấn Măng Đen, cần xác nhận các thôn làng một phần đất nào đó của Măng Đen đem vào để thành một thị trấn hay là một cái gì đó, rồi công nhận nó là một đô thị loại 5 theo quy định. Thế thì có rắc rối khi ban tham mưu qui định này kia các vấn đề, tường trình để thông qua, lại không để ý đến danh xưng gọi Măng Đen đó là tên gì. Liên quan đến chuyện danh xưng, nên rắc rối không quyết định được. Thủ tướng muốn là ngay cuối năm nay (2014) tháng 10 phải trình được đề án đó. Tôi thấy rằng làm được việc gì đó, miễn là hiểu được nhu cầu quan trọng. Để quy định được, lắm lúc chúng ta cần linh động, uyển chuyển mới tháo gỡ ra được. Hôm nay nếu chúng ta cứ dựa vào các quy định trình tự của nó, thì đôi khi nó có những cái mất thời giờ và gây bức xúc. Điều quan trọng là nhắm đến nhu cầu lợi ích của dân để giải quyết, nhiều lúc cần thay đổi quy trình đó nữa. Có những lợi ích cho nhân dân nhiều khi nó được thừa hưởng ngay đầu năm nay, thì tại sao mình lại để tới cuối năm nó giải quyết.
Tôi có một sự kiện thực tế nữa. Tôi ở giáo xứ Plei Drâp. Tỉnh chỉ đạo tu sửa 2 con đường lộ trong làng. Theo kế hoạch sửa con đường phía trên, mà đường này đi được tốt hơn đường phía dưới gần sông. Tôi đặt lại vấn đề với ông Hùng Chủ tịch tỉnh: sao không sửa con đường phía dưới, vì mỗi khi trời mưa là dân đi không được, tai nạn nguy hiểm, trong khi đó con đường phía trên tạm đi được dù trong thời mưa gió. Ông chủ tịch thấy đúng nhu cầu dân, nên đổi kế hoạch thay vì làm con đường trên dù có ngân sách tu sửa, nhưng không tu sửa đường trên, tu sửa đường dưới cần thiết cho dân hơn. Dân đồng tình ông chủ tịch. Lợi ích dân là tiêu chuẩn tiên quyết, nền tảng cho mọi vấn đề. Xem biết bao công trình như trường học, chợ búa không đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nay đã bỏ hoang phế, tốn phí tiền của nhân dân, của nhà nước.
Tôi nhận thấy nãy giờ bàn không giải quyết được cái gì hết. Chẳng hạn như bà chủ tịch hồi nãy trình bày về vấn đề hai Linh mục Vũ và Linh mục Huyên. Bà có hỏi Linh mục có giấy tờ gì không? Thì hai Linh mục trả lời là không. Tôi biết 2 linh mục này được tỉnh cho chính thức làm mục vụ trong giáo xứ Đăk Mót bao gồm rất nhiều làng dân tộc, kể cả trong huyện Đăk Glei nữa. Hai linh mục về những làng xa cần nhu cầu tôn giáo tại Đăk Jak, Đăk Tuk trong địa bàn huyện Đăk Glei. Tòa Giám mục có văn thư xin trình báo về sự việc mục vụ của 2 linh mục này. Huyện Đăk Glei đã nhận văn thư của Tòa Giám mục và có văn thư trả lời là không chấp nhận cho 2 linh mục làm mục vụ tại địa bàn này, nại lý do là ở 2 nơi này không có cơ sở thờ tự. Cán bộ cũng vậy, coi một huyện thì cần sát dân chúng, phải đến thôn xã chứ. Tòa Giám mục xin đăng ký làm việc mục vụ 2 linh mục ở đó, nhưng hồ sơ đó được trả lời vì chưa có cơ sở thờ tự. Chắc bà mới về làm chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, không biết bà còn lưu hồ sơ đó không? có hồ sơ đó, chứ không đâu; đâu phải đùng đùng chúng tôi nhảy lên đó làm mục vụ. Nói chờ theo qui trình, thì đến lúc nào mới có để chúng tôi lên làm mục vụ. Chị chủ tịch huyện cứ dựa vào cái quy trình, dựa trên quy trình, còn lợi ích của người dân cần có linh mục thì sao?.
Đó là rắc rối của chúng ta khi đưa ra những cái quy chế, quy trình mà không để ý đến những điều bức xúc của mọi người dân. Cái gì cần hơn và những cái gì khẩn thiết cần giải quyết là phải giải quyết gấp, không nên để cho người dân có đạo, cho chúng tôi vào thế bị bắt chẹt là làm sai trái.
Lm Đỗ Hiệu: Sở nội vụ, với Huyện Đăk Glei, UBND Tỉnh cho rằng có giáo xứ mới có nhà thờ, mà có nhà thờ mới có giáo xứ. Vòng lẩn quẩn! Hơn nữa nhà thờ Đăk Jâk, Huyện Đăk Glei đã có hơn 60 năm rồi nhưng đã bị tàn phá do chiến tranh thì bây giờ phục hồi lại, có gì khó đâu. Chuyện này UBND Tỉnh đã thống nhất, đã có hướng đi, sao kéo dài lâu vậy. Mặt khác ở đây số giáo dân hơn 6000 người, thì sao không giải quyết lên giáo xứ?. Chúng tôi đã làm đơn quá lâu rồi chứ không làm đâu? Chờ thứ gì nữa?
Đức Giám mục Giáo Phận: Nghe ông trưởng ban Tôn giáo nói thì tôi có ý kiến như thế này:
Thứ nhất là việc xây dựng nhà nguyện tạm tại Đăk Jâk, việc đó xảy ra là đáng tiếc. Khi tôi lên gặp UBND Huyện Đăk Glei, tôi đã khẳng định là phải dỡ. Nhưng ai dỡ?. Bên Giáo Hội chỉ có Giám mục dỡ thôi; không có ai dám đụng tới tuy nó là tạm bợ, vì đã dâng cho Thiên Chúa rồi thì không ai dám đụng tới. Tôi đã từng nói với quý vị như bức ảnh của cha mẹ quí vị, nó cháy dở dang. Quý vị đốt, nếu có ai xé, dẫm chân lên bức ảnh đó, các con cháu họ phản ứng ngay . Nhất là người dân tộc, cái gì đã cúng Yang rồi, thì có chết đói cũng không đụng tới. Chúng tôi chỉ dỡ khi quý vị có một cái gì đáp ứng tối thiểu có giá trị hơn cái hiện có và tôi đã đề nghị 4m2 hay 10m2 với chữ ký chính thức cho phép xây dựng hợp pháp, thì chúng tôi sẽ dỡ ngay lập tức. Hơn 6.000 giáo dân phải ngồi mưa nắng suốt 30 năm trời, quý vị có thấy đau lòng không ?. Chúng tôi đã làm đủ hồ sơ xin xây dựng nọ kia suốt bao năm, mà cứ vòng lẩn quẩn “nhà thờ, giáo xứ, linh mục”, rồi thế này, nọ, kia còn quyền lợi người dân thì không thấy nói. Như một phụ nữ tới giờ đẻ, thì không còn giờ đâu mà xin phép tắc gì; có chở đi bệnh viện, mà đã đến giờ đẻ, là đẻ ngay trên xe, dọc đường, thì cũng phải đẻ. Nhu cầu tôn giáo của người dân có đạo cũng thế. Xin miết, chờ miết, không giải quyết, thì dân làm tạm thôi. Không chờ được. Tôi đã bảo đảm với chính quyền là quý vị cứ dỡ. Còn bảo đảm miệng, bảo đảm tâm thức tôn giáo của giáo dân, thì tôi không thể bảo đảm. Quý vị dỡ và phạt bao nhiêu, tôi cũng chịu. 1 tỷ, 2 tỷ tôi cũng chịu trả; đồ đạc gỡ ra, quý vị cứ chở về huyện Đăk Glei, không ai cản trở. Tôi xin bảo đảm.
Còn về giải pháp giải quyết vụ việc Đăk Jâk. Tôi đã viết văn thư số 145 ngày 22.08.2014. Chính ông Bí thư huyện Đăk Glei và bà chủ tịch huyện có mặt ngồi đây, chính quý vị đã chủ động đưa ra giải pháp. Tin tưởng, nên tôi đã viết văn thư 145 đó, với hai bước như lời của ông Bí thư Phận đề xuất, cùng Bà Chủ tích huyện, có cô Ngọc Anh phó Ban Tôn Giáo tỉnh đã ghi chép rất rõ. Theo ông Bí thư Phận:
- Bước thứ nhất: Giám mục làm đơn xin Tỉnh xây một cái nhà thờ chính thức và công nhận giáo xứ. Giáo xứ đã có từ trước khi ba mẹ quý vị ở đây chưa sinh ra. Và như tôi đã nói ví dụ: Hai anh chị thanh niên đến tuổi chúng lấy nhau, dù quý vị không bằng lòng, nhưng chúng sinh con cái và vẫn chung sống với nhau, thì quý vị cũng phải thừa nhận chúng nó là một gia đình. Giáo xứ Đăk Jâk, Đăk Tuk cũng đã có từ lâu cả từ tren 50 năm dù không có Linh mục nhà thờ, vì chiến tranh tàn phá, còn linh mục thiếu vắng vì chiến cuộc. Cho nên quý vị có công nhận hay không công nhận thì nó cũng đã là thực thể giáo xứ. Chúng tôi đã làm hồ sơ xin phục hồi giáo xứ rồi. Đơn giản lắm trong luật pháp đã qui định rõ. Cuối cùng Quí vị cũng hứa với tôi hai ba lần. Nhưng đến nay, bên chính quyền không giải quyết, rồi đặt vấn đề như ông trưởng Ban tôn giáo và kết tội chúng tôi.
- Bước thứ hai: lúc nãy ông Trưởng ban Tôn Giáo kết tội chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng đáng lẽ quý vị thấy thiếu sót, chậm trễ, sai trái của mình trong việc giải quyết giáo xứ Đăk Jâk theo luật, theo lòng dân. Quý vị phải thấy tội của quý vị. Tôi có kể câu chuyện như thế này cho mấy ông cán bộ trung ương: Người nhà giàu kia thuê một người đầy tớ, tin tưởng họ, tin tưởng họ đến mức độ trao chìa khóa, tiền bạc, rồi cuối cùng đến một hôm tên đầy tớ đó lấn lướt chưởi mắng, nhục mạ ông chủ. Tôi hỏi mấy ông cán bộ như thế thì phải xét thế nào?. Mấy ông trả lời: đuổi cha nó đi, kiếm đứa khác. Tôi có nói lại: ông nói đó nhé, chứ không phải tôi nói. Tôi học từ năm 1975 đến nay: Cán bộ là đầy tớ nhân dân và nhân dân là chủ. Nhân đây là chúng tôi, là hơn 6.000 người dân, chúng tôi là chủ. Người có đạo cũng là công dân phải ngồi mưa nắng suốt 30 năm qua. Quý cán bộ xài xể chúng tôi đến mức độ đó sao? Quý cán bộ có thương dân, tôn trọng dân không ?
Tôi đã hơn một lần nói với quý vị: dân bức xúc lắm. Các linh mục mới về tĩnh tâm. Có linh mục cho tôi biết: trong một làng dân tộc họp dân xin làm nhà nguyện, nhưng không cho. Dân đã hiến đất làm nhà trường. Bây giờ cán bộ họp dân lại yêu cầu cho thêm 5m, 10m nữa để xây trường. Có một thanh niên dân tộc 32 tuổi chứ không phải ông già, đứng lên bảo “không cho một mét nào nữa” bởi đã cho đất rồi không chịu xây nhà trường, bây giờ đất này xin làm nhà thờ, thì lại qui hoạch, dòm ngó. Nói xong, người thanh niên đã dõng dạc hô, cả làng đứng đứng dậy ra về. Tôi nói dân bức xúc lắm. Cho nên Văn thư 145 ngày 22/08/2014 gởi cho UBND huyện và UBND tỉnh là Nền Tảng và Cam Kết để giải quyết sự việc.
Tôi rất buồn hôm nay là không có ông Phận Bí thư huyện Đăk Glei ở đây. Chúng tôi có thể nói hết tin tưởng quý vị rồi vì chính quý vị nhục mạ nhau. Ông Phận là Bí thư Huyện, bà Thọ là Chủ tịch Huyện ngồi đây và đã làm việc với chúng tôi, chúng tôi tin tưởng quý vị, chúng tôi viết văn bản mà theo đề nghị có tình có lý của Chính quyền, bây giờ chính ông Phó nội vụ lại không thừa nhận cái quyền hạn của cán bộ Huyện. Tôi đã từng viết và nói: “Quan Huyện lớn hơn quan Tỉnh, quan Tỉnh lớn hơn quan Trung ương”. Chúng tôi mong làm sao mà quý vị cho chúng tôi tin tưởng quý vị. Mà quý vị đi ngược nhau như thế này làm sao chúng tôi tin được nữa, đáng lẽ quý vị phải tôn trọng ý kiến của ông Bí thư Huyện Đăk Glei. Chiều 24/12/ 2014 tôi lên huyện mong mọi chuyện được giải quyết rất là có lý có tình. Ông Bí thư lại nói là Huyện chỉ đạo thế, nhưng tỉnh cho biết cấp huyện không có quyền. Vậy còn tin ai? Huyện còn ra lệnh không cho 2 linh mục được tiếp tục làm mục vụ trong huyện Đak Glei, trong khi đó tỉnh chưa gặp chúng tôi để trao đổi Văn thư 145 ngày 22/08/2014. Như vậy chúng tôi tin ai nữa. Hóa ra quý vị cấp trên “hứa hão”.
Như các linh mục vừa trình bày chúng tôi đã có văn thư 145 ngày 22/08/2014 và dựa trên kết quả chúng tôi đã tin tưởng ông Bí thư Phận và bà Chủ tịch Thọ đã tình nguyện đến với chúng tôi, đề nghị chúng tôi giải quyết vụ Đăk Jâk, không muốn kéo dài mất lòng dân. Chúng tôi nghĩ hôm nay chúng tôi đến đây để dựa trên văn bản đó giải quyết, còn nếu không thì tôi xin kết luận thế này:
+ Hôm nay coi như là không dựa trên văn bản mà giải quyết thì không có gì để nói với nhau nữa. Chúng tôi xin đi về, không ký văn bản nào cả để rồi Chính quyền tổ chức buổi khác nói với nhau chứ còn bây giờ với bầu khí này không nên nói tiếp nữa. Tôi chỉ kết luận một câu này “mất tiền, mất của – mất ít; mất danh, mất giá – mất nhiều; mất niềm tin – mất hết”. Đó là lời của nhà văn hào Van Goeth đã nói như vậy.
Văn thư 145 là giải pháp tốt đẹp, không cần cam kết nào khác.
Ông Phạm Văn Long: Qua ý kiến của Giám Mục và của các Linh mục, tôi chủ trì buổi làm việc này và sau khi nghe ý kiến của quý vị, tôi cũng xin có ý kiến thế này. Qua ý kiến của các vị, tôi cũng rút ra nhiều ý kiến, câu hỏi trao đổi nhiều vấn đề. Như Giám mục cũng đã nói văn thư TGM ông Bí thư Huyện cũng đã có ý kiến nhưng tại sao lại không giải quyết thẳng vấn đề. Tôi cũng xin trình bày ở chỗ này: Một văn thư Quý vị gửi cho UBND Tỉnh đồng gửi qua Huyện Đăk Glei, nhưng chúng tôi là cơ quan chức năng thẩm quyền tham mưu cho tỉnh. Quý vị cũng đặt vấn đề đã giải quyết rồi mà còn họp gì nữa; thế nhưng nội dung mà tôi đã nêu ở đây, những vấn đề đó được nêu ra, chúng ta trao đổi với nhau đi đến thống nhất. Nếu thống nhất nội dung như thế thì chúng tôi mới có cơ sở để tham mưu gửi lên UBND Tỉnh; nếu không cố gắng thống nhất được thì chắc chắn không có cơ sở để gửi lên tỉnh giải quyết.
Ý kiến trong buổi làm việc giữa huyện Đăk Glei với TGM là do chính quyền chủ động, trong cuộc làm việc ấy có thống nhất cái hướng, và từ thống nhất cái hướng đó quý vị mới làm cái văn thư. Cũng xin trao đổi luôn là mọi vấn đề giải quyết về các vấn đề tôn giáo đặc biệt là vấn đề xây dựng thì thẩm quyền là chỉ duy nhất là UBND Tỉnh chứ không có một cấp quyền nào, nếu quý vị đọc rõ Nghị định 92 và Pháp lệnh tín ngưỡng thì quý vị sẽ thấy rõ. Chúng tôi đang tổ chức làm việc để bàn giải pháp thống nhất giải quyết vụ này. Như Giám mục vừa mới trao đổi thì Giám mục nói về vấn đề nhà nguyện tạm ở Đăk Jâk, Giám mục cho đây là vấn đề đáng tiếc và Giám mục đặc vấn đề tháo dỡ: chính quyền dỡ hay Giám mục dỡ. Giám mục cũng khẳng định chỉ có Giám mục mới dỡ được thôi không ai khác và Giám mục cũng nói TGM sẽ tháo dỡ khi nhà nước giải quyết vụ việc. Thì những vấn đề này tôi cũng không muốn tranh luận bởi vì đôi khi hai bên tranh luận quý vị hiểu theo cách của quý vị, chúng tôi cơ quan nhà nước thì nhiều khi quý vị bảo chúng tôi là cứng nhắc, nhưng khi để đưa ra những cơ sở giải quyết thì cũng phải lấy pháp luật để làm căn cứ pháp lý. Tất nhiên không phải hoàn toàn là chúng ta cứng nhắc, cần xem xét mà pháp luật là tối thượng cũng như Linh mục Quyền đưa ra một ví dụ khập khiễng. Tất nhiên trong mọi vấn đề cụ thể đời sống xã hội cần xem xét giải quyết vấn đề, vàì người đứng ra giải quyết vẫn có sự nghiên cứu xem xét linh hoạt. Chính quyền sẽ xem xét và dựa trên vấn đề hôm nay. Chúng tôi chủ trì làm việc ở đây là chính quyền đang xem xét nội dung này và nếu bây giờ chúng ta không bàn làm việc để có được tiếng nói chung thì vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Quý vị không có cái thiện chí, không cùng nhau trao đổi thì không thể nào đi đến một kết cục được. Chúng tôi rất muốn được lắng nghe ý kiến của quý vị và cùng trao đổi và bây giờ quý vị có những suy nghĩ, ý kiến gì cứ trình bày. Chính quyền cũng có những cái nguyên tắc của chính quyền. Thế thì về phía chính quyền cũng đưa ra một số nội dung, và trong cuộc họp hôm nay quý vị đặt vấn đề: cam kết với ai; tôi khẳng định cam kết với Tỉnh. Có văn thư quý vị căn cứ và phải cam kết những vấn đề trên như chúng tôi đã nói ở trên, thì Chính quyền mới tiến hành, xem xét được cho quý vị. Tất nhiên ở đây chúng tôi cũng không dám nói là như Linh mục Hữu nói “nếu TGM cam kết thì liệu có giải quyết không?”, ở đây chúng tôi cũng không dám nói sẽ thế này thế kia, nhưng chúng tôi đã đủ chức năng làm việc ở đây. Tôi cũng xin trao đổi với quý vị một số vấn đề như thế.
Trong cuộc họp hôm nay chúng tôi nêu lên với nội dung:
- Thứ nhất chúng tôi trao đổi có ý kiến về việc liên quan đến công trình dựng trái pháp luật thôn Đăk Jâk – Xã Đăk Môn- Huyện Đăk Glei, trong việc có trách nhiệm của quý vị, tôi khẳng định như thế. Mình là những người chăn dắt, quý vị hướng dẫn bà con giáo dân.
- Thứ hai trao đổi về nội dung văn thư 145, để có cơ sở tham mưu chúng tôi nêu một số vấn đề để thống nhất và có những điều cam kết này, thì chúng tôi mới có cơ sở tham mưu; ngược lại nếu không có cam kết này thì chúng tôi không có cơ sở tham mưu.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Tôi xin phát biểu đáng lẽ tôi không phát biểu nữa nhưng ông nhắc tới lời nói của Vị Giám Mục. Tôi xin nói như sau: Tuy nhiên cái cơ sở mà chúng ta làm việc bữa nay, tôi nghĩ rằng đó là văn thư được TGM đã gửi lên Ủy ban huyện và Ủ Ban tỉnh. Đó đã có sự đồng tình của UBND Huyện cũng như ông Bí Thư hướng dẫn rất là thiết tha, dựa trên cái đó chúng ta đi tới chỗ đồng thuận. Chúng tôi không đặt vấn đề bên nào có lỗi bên nào không có lỗi. Nhưng nếu là lấy quyền lợi của người dân hay là lấy quyền lực, thì đâu là nền tảng để biện bạch phải trái? Hướng đến năm 2015 dựa trên văn thư như vậy, tôi thấy vừa có lý vừa có tình người. Như vậy giải quyết thỏa đáng và khỏi phải mất thời gian của các ông cũng như mất thời gian của chúng tôi.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tiếp theo lời của Linh mục Sơn, rất tiếc phần khai mạc buổi họp, ông Long nêu lên một số kết tội, kể tội từ xưa tới nay, kể tội ra, rồi bây giờ nói phải cam kết làm này làm nọ, thì chúng tôi thấy nó không đúng. Bây giờ ông kết tội. Đây không phải là trao đổi. Rất tiếc giả như ngay đầu tiên ông nói như thế: bây giờ chúng ta vào năm mới, chúng ta muốn cho nó dứt khoát việc cũ, xin trao đổi một số nội dung liên quan đến Văn thư số 145/VT/’14/Tgmkt ngày 22/8/2014 của Tòa Giám mục Kontum. Nói như vậy hay biết mấy, đúng trọng tâm cuộc họp. Ngược lại, ngay từ đầu ông liệt kê một loạt lỗi phạm, đòi Giám mục nhận trách nhiệm những sai trái đó, nói rồi phải cam kết thế này thế nọ. Chính ông đi sai mục đích cuộc họp và làm cho chúng tôi bức xúc. Nếu cuộc họp nầy không đi đến kết quả đồng thuận là do ông.
Lm Đỗ Hiệu: Tôi xin nghĩ thế này buổi làm việc này không phải là vô ích mà qua đó nó làm sáng tỏ vấn đề hơn. Về phía TGM làm sáng tỏ hơn và cái sáng tỏ này chúng ta phải trình bày cho Tỉnh hiểu rõ. Có buổi làm việc đây và có những ý kiến của chúng tôi, nên xin ông trình một cách rõ ràng với Tỉnh. Hôm nay có Giám Mục và cùng các Linh mục đây đã làm việc và còn sáng tỏ chứ không phải xong rồi vứt bỏ đi. Tôi thấy hình như là Tỉnh muốn giải quyết nhận cho Đăk Jâk lên Giáo xứ, có một ngôi nhà thờ và Huyện cũng muốn như thế. Đó là hướng đi tới lâu dài. Nhưng cách làm của chúng ta để đi đến điểm lâu dài đó cần có một giải pháp trước mắt và ngay bây giờ: Đức Giám Mục đồng ý dỡ nhà nguyện tạm đó, thì cần có một ngôi nhà nguyện tạm khác để dân chúng đi ra đi vô và có thể đọc kinh cầu nguyện trong thời gian ít nhất một tháng hay một năm rưỡi trong lúc chờ nhà thờ được hoàn thành. Tôi thấy ánh sáng rất là lớn. Chúng ta bỏ ánh sáng đó là không được đâu, nó chỉ vì một chút xíu này mà chúng ta quanh quanh quẩn quẩn, tôi thấy uổng phí đi. Chúng tôi rất ước mong về lâu về dài có một ngôi nhà thờ, một giáo xứ như là Đức Giám Mục đã trình bày.
- Thứ hai phải có một ngôi nhà thờ tạm, nhà thờ tạm đó bắt đầu làm một khung sắt gì đó thì chúng tôi dỡ cái kia. Tôi thấy một cái hướng đó là dễ dàng nhất và Ngài hứa đứng đó để cho có thể dỡ được mà vì thế tôi thấy có một hướng đi. Cũng xin nói mặc dầu không có ký tá gì ở đây, nhưng trái tim chúng ta ký, đồng thuận là đủ để khởi đầu rồi. Chúng ta đưa lên Tỉnh vấn đề này để cho có cơ sở họ giải quyết vấn đề cho chúng tôi. Tôi thấy năm 2015 có được như thế này thì vui lắm. Cả một cái Huyện không có một nhà thờ nào hết, tôi thấy nó buồn quá sức, đi xung quanh Huyện rộng mênh mông bát ngát với trên 6.000 giáo dân như vậy mà không có một nhà thờ nào. Khi người ở nơi khác đến hỏi sinh hoạt tôn giáo ở trên đây như thế nào, thì Huyện cũng không biết trả lời như thế nào cho đẹp mặt nữa. Ông trình bày với Tỉnh về cuộc họp hôm nay như thế để họ có cơ sở giải quyết nhanh chóng trong vấn đề này. Cộng với chủ trương của Huyện Đăk Glei, tôi thấy nó rất phù hợp với hoàn cảnh ấy. Tôi trình bày như thế này xin ông cũng cố gắng đưa lên Tỉnh để có cơ sở giải quyết.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Quay lại từ đâu rồi?. Chúng tôi ước muốn như vậy mà, đó là ước muốn ngay từ đầu chúng tôi muốn năm này mới đây có một cái gì mới và bây giờ mình cũng xét lại việc giải quyết. Vì thế hôm nay tôi thấy có một ý kiến là mình ghi nhận chúng tôi đề đạt, chúng tôi muốn như vậy chứ không phải đi lại vết chân cũ, dậm chân từ đầu đâu. Giải quyết tốt nhất là đường hướng của ông Bí thư huyện Đăk Glei đã vạch ra làm cơ sở và cứ tiếp tục thì tôi thấy đẹp. Qua cuộc họp hôm nay tôi thấy nhiều ý kiến như vậy để thấy những nhu cầu cần thiết qua ý kiến của chúng tôi.
Lm Đỗ Hiệu: Tiếp tục tôi xin nói vấn đề có ánh sáng rất lớn bởi vì Giám mục Ngài có chỉ đạo là cuối cùng.
- Thứ nhất tôi thấy ước mơ của Huyện, của chúng tôi cũng như của các ông, có một ngôi nhà thờ ở đó và có một giáo xứ vì nó lâu đời rồi. Tôi thấy đó là điều chúng ta mong ước.
- Thứ hai: bây giờ chúng ta làm thế nào dỡ cái nhà thờ tạm này để có một cái nhà thờ tạm khác có phép thì Đức Giám Mục đồng ý dỡ cái nhà nguyện tạm đó, song song làm một cái nhà thờ tạm có phép khác. Xin ông cứ đưa lên Tỉnh lối giải quyết
- Thứ ba: thấy về vấn đề khúc mắc nào xin ông liên lạc với Đức Giám Mục để có thể giải quyết theo hướng này, thì tôi thấy dễ và có thể trực tiếp với ngài về vấn đề này. Vì vậy buổi họp hôm nay cũng không có ngõ cụt đâu, nó có ánh sáng chứ không phải ngõ cụt.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Ngay mở màng làm cho chúng tôi thất vọng quá, tại vì tôi thấy nó ngay từ đầu? tại vì những cái đó nó đã cũ quá rồi mà bây giờ lại nhắc lại, tôi thấy cũng dẫm chân tại chỗ thôi.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Nhưng tôi thấy không cần phải cam kết gì cả. Chúng tôi đã có văn thư rõ ràng theo ý kiến của ông Bí thư huyện, tôi đề nghị quý vị nghiên cứu văn thư đó thực hiện. Còn nếu quý vị thấy không được thì tôi không cần cam kết gì cả, quý vị cứ tháo dỡ và phạt chúng tôi, chúng tôi chịu phạt.
Bà chủ tịch: Một phương án này rồi nên có những biện pháp khác.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Tôi có biện pháp là văn thư số 145, như ông Bí thư Huyện và chúng tôi đã đồng thuận. Trong khi Tỉnh nghiên cứu về vấn đề công nhận giáo xứ và cho xây dựng nhà thờ, thì Huyện Đăk Glei cho tôi văn bản để cho tôi thực hiện nhà nguyện 10m2, ông Bí thư bảo “Không, phải lớn hơn” thì bây giờ ông chấp nhận là 200m2 , ngay lập tức tôi sẽ cho dỡ nội trong vòng mấy tiếng đồng hồ là xong liền. Đó, chỉ có thế, bởi vì tôi đã nói hết cỡ rồi, tôi không thể dỡ được nếu không có cái thay thế. Chúng tôi đã thánh hiến làm phép nhà nguyện này rồi, chúng tôi không thể dỡ, quý vị phải hiểu cái niềm tin của chúng tôi. Cho nên chúng tôi đề nghị như vậy, nếu quý vị không chấp nhận vậy, thì quý vị dỡ tôi xin chịu phạt, rõ ràng như vậy.
Bà chủ tịch: Tôi xin có ý kiến với Đức Giám Mục một chút là chính quyền địa phương hứa cho xây 200m2 này, nhưng Huyện chủ trương sẽ dỡ đó là phương án thứ hai, còn phương án đầu là gì song song là xây cùng một lúc
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Cần hai bước để giải quyết như văn thư đã gởi lên 2 Cấp.
Bà chủ tịch: Không xây nhà tạm ấy.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Cái nhà tạm là bước thứ hai, cái đó có giấy tờ đàng hoàng, ngay lập tức tôi sẽ cho dỡ ngay nhà nguyện tạm kia.
Bà chủ tịch: thống nhất chủ trương sẽ dỡ ngay?.
Lm Đỗ Hiệu: Hồi nãy Linh mục Quyền đã nói rồi mặc dù Linh mục Quyền không đi từ đầu cho đến cuối. Tôi là người đi từ đầu đến cuối và tôi về thưa chuyện với Giám mục thường xuyên để trình bày những gì đã được rồi. Tôi thấy cái mà ngài nói đây là điều quyết định cuối cùng, chứ không phải các Linh mục đâu. Vô cùng quan trọng ngài muốn có một chủ trương làm một cái nhà nguyện tạm mà có cái đó rồi, phá nhà nguyện cũ.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Cha Quyền dần dần sẽ hiểu hơn. Vấn đề làm khuôn sắt đây là ông Bí thư đề nghị. Tôi chỉ xin như thế này, quý vị ra một cái văn bản là chấp thuận cho xứ Đăk Jâk hay giáo dân Đăk Jâk một cái nhà nguyện tạm thì tôi dựng tạm mấy câu cột gỗ cũng được, một hai tấm tôn tôi đã nói 10m2 thôi để cho chính thức rằng đây là tôi tuân thủ pháp luật, nếu quý vị cho tôi 10m2, tôi nói chỉ 10 tiếng đồng hồ là xong, thì cái nhà nguyện kia tôi dỡ ngay lập tức. Thế thôi, tôi có một hướng giải quyết này. Chúng tôi đã làm phép nhà nguyện rồi, đã dâng hiến cho thần rồi thì chúng tôi không dỡ, tôi đã nói đến mức đó. Tôi chỉ nói nếu bức hình chụp bố mẹ mình thôi mà, dù nó rách, nhưng có ai đó dẫm lên hoặc xé ra hoặc là đem vứt vào sọt rác, chúng ta không chịu nỗi, là có chuyện đó. Dù là nhà tạm để dâng thánh lễ như thế, quý vị phải biết cái cảm xúc của niềm tin chúng tôi như thế nào. Tôi không cần đến 200m, như quí vị đã hứa với tôi 200m, bây giờ rút lại 10m cũng được, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cấp giấy phép đó.
Lm Đỗ Hiệu: Tôi thấy nhà tạm thì Huyện có thể giải quyết được chứ, cũng như những nơi khác tôi thấy họ cho làm nhà tạm một hai năm, trong khi đó tiếp tục làm văn bản mới.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Điều ao ước của Giám mục chúng tôi cũng vậy là được hợp pháp, bây giờ cứ nói chúng tôi sai hoài. Mà bên kia không chịu cho thì làm sao chúng tôi được coi là làm đúng luật được?. Bây giờ Đức Giám Mục chúng tôi tha thiết đó, ví dụ 10 thước hay 20 thước vuông đi chăng nữa, hợp pháp đó là cốt lõi thôi, cũng như Đức Giám Mục chúng tôi đã nói cho dựng, dựng ngay ở bên này hợp pháp là dỡ bên kia liền. Tôi thấy nó đơn giản lắm, mà chúng ta không giải quyết cứ để kéo dài, tôi thấy ông Bí thư huyện đã vạch ra một chủ hướng đã được Giám mục chúng tôi đồng thuận. Cho nên bây giờ tôi thấy nếu cứ cho đồng ý với chúng tôi như vậy thì bên Huyện bà chủ tịch, mà nếu Huyện không có thẩm quyền thì trình lên Tỉnh cũng được. Khi nào có giấy đồng ý, chúng tôi lên làm ngay. Đức Giám Mục cho chúng tôi lên thực hiện ngay liền mấy tiếng đồng hồ chứ không phải mấy ngày mấy tháng nữa đâu. Chỉ cần lấy một số cây rừng dựng nên nhà nguyện để cho nó hợp pháp, quan trọng chúng tôi muốn hợp pháp. Dễ quá mà, đơn giản quá mà, thuận lòng dân quá mà. Sao làm to chuyện thế, có lợi ích gì khi lòng dân không bằng lòng lối làm của chúng ta?
Ông Phạm Văn Long: Qua ý kiến của quý vị vừa mới trao đổi thêm. Thưa Giám mục, Giám mục cũng khẳng định là không có ý kiến gì cả mà bên chính quyền cứ nghiên cứu nội dung văn thư 145, xem xét giải quyết trong nội dung này. Chính quyền xem xét giải quyết cho xây dựng nhà tạm, khi có chủ trương này thì TGM tiến hành.
Đó là ý của Giám Mục chúng tôi sẽ dựa vào văn thư 145, và chúng tôi sẽ làm theo quy định.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Đơn giản thôi cứ làm theo văn thư 145.
Ông Phạm Văn Long: Còn hướng của Chính quyền hôm nay tôi cũng nói rõ thêm, từ nãy giờ quý vị quan tâm nhiều ý kiến nội dung thứ nhất, quý vị cũng chưa hiểu nội dung thứ hai. Nội dung thứ hai tôi chỉ nói nôm na một chút, tất nhiên khi quý vị có đơn và chúng tôi đã tổ chức buổi họp thì quý vị phải hiểu rằng cái hướng đang làm, nội dung tham mưu, nên tôi đưa ra một số vấn đề và cũng đề nghị Giám mục là cam kết, tôi đã nói rõ như vậy tức là cam kết tháo dỡ công trình rồi đến việc xây dựng cái mới.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Ông lại trở lại từ đầu rồi.
Tôi không cam kết được như trên, bởi vì đụng tới cái niềm tin của người dân có đạo được và đụng tới tình cảm tôn giáo của người dân, hơn 6 ngàn dân và hơn 3 trăm ngàn giáo dân trong giáo phận. Bản thân tôi làm sao tôi có thể cam kết được, ông đòi hỏi tôi cái quá mức tưởng tượng. Không thể làm nỗi.
Ông Phạm Văn Long: Thì lâu nay chúng tôi có nhiều trao đổi, về phía quý vị đưa ra nhiều kiến nghị, thì chính quyền quan tâm xem xét.
Đức Cha Giám mục Giáo Phận Kontum: Tôi đang nói tấm ảnh của cha mẹ quý vị bị đốt bị xé, con cháu nó phản ứng ngay lập tức. Không thể đồng ý được. Riêng cái đó tôi khẳng định tôi không thể cam kết được.
Ông Phạm Văn Long: Quý vị thống nhất có những cam kết như thế tôi tham mưu tỉnh. Đất chưa có, xây công trình chỗ kia là không đúng rồi, bây giờ giải quyết xây dựng trên khu đất khác. Không được, liên quan đến vấn đề pháp luật. Như bà chủ tịch huyện có nói không thể từ công trình đang sai lại tiếp tục lại giải quyết một cái sai khác. Trao đổi thẳng thắn với quý vị như vậy và ở đây chúng tôi đang bàn xin xây nhà nguyện.
Lm Nguyễn Ngọc Quyền: Ông có thể làm một văn bản như thế không: thứ nhất cho chủ trương cho làm nhà tạm như kỳ họp trước; vấn đề thứ hai tháo dỡ hoặc song song hoặc là sau đó, sau khi làm nhà tạm xong thì tháo dỡ. Vấn đề thứ ba là vấn đề đất đai bây giờ vấn đề là tạm có thể giải quyết, cứ cho làm cái đó rồi trong thời gian tiến hành sổ đỏ hay cái này cái kia theo đúng quy định của vấn đề xây dựng. Tôi nghĩ nhà nước tin chúng tôi cũng như chúng tôi tin nhà nước, thì chúng ta cũng có thể làm vấn đề đó sau, thì cũng không phải nhất thiết làm ngay.
Ông Phạm Văn Long: Cuộc họp hôm nay, chính quyền đưa ra nhưng quý vị không cảm thấy làm được những vấn đề này thì chúng ta dừng ở đây. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo các nội dung kiến nghị những cái các vị phát biểu đặc biệt là ý kiến của Giám Mục.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Hôm trước, khi họp tại Tòa Giám mục tôi đã được nghe biết đất xây dựng nhà nguyện tạm đã có rồi, khi đó chúng tôi mới đề nghị xây dựng nhà nguyện tạm trên mảnh đất đó. Ông Bí thư huyện cho chúng tôi biết ông sẽ lên xem đất ngay mà. Tôi nghe ông Bí thư nói với bà chủ tịch huyện có thể giải quyết huyện cho làm nhà nguyện trên đất thổ cu đó, vì là tạm thời.
Bà chủ tịch: Đất đó là của bà Nguyễn Thị Nhiệm đang là cá nhân của một hộ dân, nếu xây dựng một ngôi nhà bình thường thì Huyện cho phép nhưng mà đã là ngôi nhà để cho sinh hoạt tôn giáo thì phải được sự đồng ý của cấp Chính Quyền tỉnh.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Nhưng mà trong cương vị của quý vị thì quý vị làm được hết.
Bà chủ tịch: Chúng ta cố gắng làm sao đừng để sai nữa nó hợp pháp thì đường đường chính chính làm những bước tiếp theo.
Ông Phạm Văn Long: Báo cáo quý vị, quý vị cũng nhắc nhở ý kiến của anh Phận, anh Phận chỉ nêu ra cái hướng chứ còn thẩm quyền giải quyết thì tôi khẳng định trở lại là do UBND Tỉnh, đấy là Pháp luật quy định chứ không phải lấy ý kiến của người này, người kia để mà thực hành.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Xin lỗi ông, đây là chỉ đạo chứ không phải ý kiến riêng tư đâu và hơn nữa với Giám Mục của chúng tôi không phải là cái chuyện nói chơi.
Ông Phạm Văn Long: Đó là ý kiến của anh Phận.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Không phải là ý kiến mà đây là cả một cơ quan có quyền, lãnh đạo cao nhất của Huyện, có cả bà chủ tịch và có những nhân viên cán bộ xuống để mà bàn cho chúng tôi, không phải là ý kiến mà đây là một đường hướng chỉ đạo của Đảng, Ông Phận là Đảng ủy trong huyện mà. Ông nói đó là ý kiến sao được; nếu vậy chúng tôi tin ai nơi cấp lãnh đạo trong cơ chế chính quyền của nhà nước. Vì tin tưởng ông Phận, tôn trọng Đảng, nên Giám mục làm văn thư gởi cho 2 cấp chính quyền. Còn các ông muốn có quyền cho thì chúng tôi tiến hành, còn nếu không cho thì chúng tôi 50 năm không có nhà thờ thì vẫn sống đạo, như Giám mục chúng tôi đã trình bày rất là rõ rệt. Đời người thì nó cũng qua đi thôi, sự việc để lại mới đáng sợ, để cho hậu thế phê phán.
Lm Đỗ Hiệu: Chúng tôi cũng muốn có một ánh sáng lớn để giải quyết vấn đề chứ. Còn chúng ta đi vào ngõ cụt như thế này thì trong năm 2015 giữa tôn giáo với chính quyền thế này là không được đâu. Xin Huyện tiếp tục để mà ủng hộ nói về vấn đề giữa hai bên có một mẫu số chung. Cứ nói ghi nhận, rồi chẳng làm gì, tôi thấy không nên.
Bà chủ tịch: Đề xuất là của các vị nhưng cùng cái đó các vị muốn chúng tôi đưa lên trên giải quyết thì quý vị phải chấp hành những nội dung như thế này thì chúng tôi mới có căn cứ đưa lên trên, chứ không không tự nhiên chúng tôi đưa lên trên sao được. Ý kiến của TGM còn vai trò của chính quyền địa phương đâu?. Cho nên bây giờ yêu cầu TGM cam kết với chúng tôi khi chúng tôi đề xuất lên, quý vị đồng ý tháo dỡ công trình này thì tháo theo phương trình trật tự không được đốt, không được ghi hình các thứ v.v… như thế này thì chúng tôi mới mạnh dạng đề xuất lên trên. TGM đã có cam kết này nọ, thì chúng tôi mới tham mưu trực tiếp với UBND Tỉnh. Theo hướng này là tốt nhất, cái cam kết này là cơ sở để chúng tôi có thể tham mưu.
Ông Phạm Văn Long: Thì tôi thấy Giám mục có nói một ý và tôi thấy Giám Mục cũng đã nói nhiều lần rồi, khi đã dâng hiến rồi thì khó dỡ. Trong đơn gửi của Tòa Giám Mục, Giám mục ký gửi cho Tỉnh cho Huyện, bước thứ hai xin nhà tạm, có chủ trương tháo dỡ.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Tôi thấy anh chưa hiểu ý kiến của Giám Mục, là đã làm phép rồi thì không tháo gỡ được, nhưng có một cái thay thế Giám mục mới tháo gỡ. Rõ ràng như thế chứ không phải tháo gỡ được hay không. Nhưng Giám mục tháo gỡ cái cũ khi Giám mục có phép làm nhà nguyện khác. Khi đó Giám mục có trách nhiệm tháo gỡ còn những người khác thì không. Rõ ràng là như thế.
Bà chủ tịch: Như vậy, Giám mục đứng ra sẽ dỡ cái này từ thời gian nào đến thời gian nào đó, khi TGM dỡ xong thì chính quyền địa phương sẽ đề nghị với UBND Tỉnh giải quyết.
Lm Nguyễn Đức Hữu: Không, ta tiến hành đề nghị chỉ đạo đường hướng của ông Bí thư đã vạch ra. Bây giờ Huyện hay Tỉnh cho chúng tôi cái giấy tạm làm một cái nhà nguyện khác. Khi có chủ trương làm như vậy, ngay khi chúng tôi dựng cái này, không lâu sau đó hoặc song song chúng tôi dỡ cái bên này ngay và chính Giám Mục cho phép dỡ. Thì chắc chắn là dỡ, chứ ai công đâu mà đi chụp hình, đốt cái này cái kia, quý vị cũng tưởng tượng ra thôi. Tôi thấy nó cũng quá đáng ai mà đi làm như vậy. Nếu mà do dân thì cũng nói được, chứ Giám Mục thì ai mà quay phim để làm gì.
Lm Nguyễn Hoàng Sơn: Thực tế mà nói ở trên Đăk Jâk cũng có cái nhà thờ tạm và ông Long cũng biết rồi. Hơn nữa, bữa gặp mặt tại Tòa Giám mục ông Bí thư nói rất là rõ rệt và chị chủ tịch cũng biết chủ trương chỉ đạo như vậy. Văn thư chúng tôi là dựa trên sự chỉ đạo và thiết tha của ông bí thư huyện để giải quyết sự việc trên Đăk Jak có lý có tình.
Ông Phạm Văn Long: Tôi xin nhắc lại ý nhứ nhất, như quý vị nói không có bàn thì tôi cũng kết thúc rồi. Nhưng đây là thiện chí của chính quyền và tôi chủ trì cuộc họp này rất mong đi đến kết quả. Chúng tôi cũng đã nói các nhu cầu bên tôn giáo và phía chính quyền xem xét giải quyết. Nhưng khi có những vấn được chính quyền đặt ra là mong phía bên tôn giáo thực hiện. Như thế mới có điểm gặp gỡ chung và nếu quý vị cam kết những nội dung này thì chúng tôi tham mưu khẩn trương tích cực, tỉnh xem xét và có chủ trương cho. Báo cáo quý vị như thế và buổi họp hôm nay chủ đích là như thế. Bây giờ quý vị không cam kết thì chúng tôi không làm gì hơn được. Cuộc họp này nêu ra những vấn đề như thế và Tỉnh cũng đang chờ vấn đề này để xem TGM có những hướng như thế nào? Và để Tỉnh xem xét và chúng tôi tổ chức các cuộc họp lâu rồi nhưng do Giám mục đi vắng, tôi cũng nói lại những ý cuối cùng là mục đích buổi họp hôm nay là như thế. Nếu quý vị không có ý kiến gì hơn thì xin cảm ơn Giám mục và quý vị.
Đức Giám mục Giáo Phận Kontum: Lời cuối cùng của tôi, là câu trả lời của tôi ở trong văn thư 145. Xin cảm ơn quý vị.