* “Nguyện xin sự hiệp nhất trong Giáo hội trở nên khí cụ hòa giải cho toàn thế giới”

“Nguyện xin sự hiệp nhất trong Giáo hội trở nên khí cụ hòa giải cho toàn thế giới”


VRNs (26.01.2015) –Sài Gòn- theo vaticaninsider- Hôm qua 25.01, ĐTC Phanxicô chủ sự giờ trì kinh chiều II tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma dịp bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo. 
“Sự dấn thân của chúng ta cho việc loan báo Tin Mừng giúp chúng ta vượt qua được việc chiêu dụ và ganh đua cũng như tất cả những hình thức của nó. Tất cả chúng ta đều là những người phục vụ cùng một Tin Mừng!”
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng của buổi cử hành Kinh Chiều II Lễ Thánh Phaolô Tông đồ Trở lại tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma. Buổi cử hành Kinh Chiều II này bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo với chủ đề “Hãy cho tôi uống!” (Ga 4: 7). Buổi cử hành phụng vụ có sự tham dự của các vị đại diện thuộc Giáo Hội Kitô giáo khác nhau và cộng đoàn Công giáo Rôma. Tháp tùng ĐTC, có Đức Hồng Y James Harvey, Tổng trưởng linh mục đoàn của nhà thờ Chánh Tòa Phêrô, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Tổng Đại Diện Giáo Phận Rôma, và Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn. 
Trước khi cử hành giờ kinh chiều ĐTC đến cầu nguyện trước mộ của Thánh Phaolô Tông Đồ.
Sau đây là nội dung bài giảng của ngài trong buổi đọc kinh chiều
0“Trên đường từ miền Giuđê đến Galilê, Chúa Giêsu đi qua vùng Samaria. Ngài không xa
tránh người Samaria, vì người Do Thái xem người Samria là những kẻ lạc giáo, dân ngoại. Thái độ này của Chúa Giêsu cho chúng ta học được rằng tiếp xúc với những người khác quan điểm chúng ta sẽ giúp chúng ta phát triển. Mỏi mệt với quảng đường dài, Chúa Giêsu không ngần ngại hỏi xin người phụ nữ Samaria cho chút uống uống. Dĩ nhiên là cơn khát thể lý nhưng nó cũng diễn tả một khát khao gặp gỡ, một mong muốn đi vào việc đối thoại với người phụ nữ đó và mời chị ta thực hiện một cuộc biến đổi nội tâm. Trong cuộc đối thoại này, Chúa Giêsu kiên nhẫn, tôn trọng lắng nghe, và dần dần mặc khải chính mình cho chị. Mẫu đối thoại này “của Chúa Kitô” giúp chúng ta đọc ra một cuộc gặp gỡ ôn hòa với những người khác. Đó chính là cách giúp chúng ta lớn lên trong đức ái và sự thật, chúng ta cần phải thinh lặng, đón nhận và lắng nghe nhau. Bằng cách này, chúng ta đi vào kinh nghiệm của việc hiệp nhất.
Trong quá khứ nhiều cuộc tranh luận giữa các Kitô hữu có thể được khắc phục khi chúng ta biết đặt sang một bên tất cả các phương pháp có tính luận chiến hoặc tìm cách bắt lỗi, thay vào đó là cách nắm bắt đầy đủ hơn những gì liên kết chúng ta, lại. Chúng ta được kêu mời cùng chia sẻ mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha mạc khải cho chúng ta nhờ Chúa Con qua Chúa Thánh Thần. Hiệp nhất Kitô giáo sẽ không thể có được nhờ cuộc thảo luận dựa trên những lời lẽ khôn ngoan mà mỗi bên cố gắng thuyết phục người khác về tính đúng đắn của ý kiến mình. Mọi người nhìn vào và sẽ chỉ nhìn thấy chúng ta đang ngồi tranh cãi nhau. Thay vào đó, chúng ta cần phải đi vào chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúng ta cần nhau, chúng ta cần phải gặp nhau và để Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất trong đa dạng và khắc phục những mâu thuẫn hướng dẫn chúng ta.
Dần dần, người phụ nữ Samaria nhận ra rằng người hỏi xin chị nước uống là Đấng làm thỏa mãn khao khát của chị. Chúa Giêsu nói với chị rằng, Ngài chính là Nước Hằng Sống làm thỏa mãn cơn khát con người. Sự hiện hữu của con người luôn hướng đến những khát vọng vô biên như: tìm kiếm sự thật, khao khát tình yêu, công lý và tự do. Những khao khát ấy chỉ là một phần thỏa mãn cõi sâu thẳm nơi con người về việc tìm kiếm “một cơn khát cao hơn nữa”, một cái gì đó có khả năng thỏa mãn hoàn toàn cơn khát của chúng ta. Đó chính là Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, nơi mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Từ phía bên sườn bị đâm thủng, Chúa Giêsu tuôn trào máu và nước (x. Ga 19:34). Ngài là nguồn mạch tràn trề nước Thánh Thần, “tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ vào lòng chúng ta ( Rm 5: 5) trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên con người mới trong Đức Kitô, làm con trong Chúa Con, thờ phượng đích thực của Chúa Cha. Mầu nhiệm tình yêu này là nền tảng sâu nhất của sự hiệp nhất mà liên kết tất cả các Kitô hữu và cao cả hơn nhiều so việc phân chia đã diễn ra trong lịch sử. Để chúng ta trải rộng bằng lòng khiêm nhường tiến về cùng Chúa, và đồng thời rút gần khoảng cách lại với nhau.
Sự gặp gỡ với Con Thiên Chúa làm người phụ nữ Samaria thành “nhà truyền giáo”. Sau khi nhận được một ơn lớn hơn và quan trọng hơn nhiều so với thứ nước mà chị ra giếng múc hằng ngày (x. Ga 4:28) chị đã chạy về để nói với dân làng rằng chị đã gặp Đức Kitô (x Ga 4:29). Việc chị gặp gỡ Chúa Giêsu phục hồi ý nghĩa và niềm vui cho cuộc sống của chị, và chị cảm thấy muốn chia sẻ điều này với những người khác. Ngày nay có rất nhiều người nam nữ xung quanh chúng ta, những kẻ mệt mỏi và khao khát, và mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi trao ban cho họ một cái gì đó để họ uống. Và điều này là một đòi hỏi mà chúng ta không thể trốn tránh. Việc kêu gọi trở nên những nhà truyền giáo, tất cả các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội khám phá sự ưu tiên cho việc hợp tác chặt chẽ hơn. Để làm được điều này, chúng ta cần bỏ đi việc đóng kín mình, độc quyền, và gây chia rẽ (x Evangelii Gaudium , 131)”.
“Trong lúc này cầu nguyện cho sự hiệp nhất, tôi muốn nhớ đến các vị tử đạo ngày nay. Họ làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và bị bách hại và giết chết vì họ là Kitô hữu. Họ là Kitô hữu và họ bị bách hại vì điều này”.
ĐTC cũng vui mừng chào đón các thành viên của Ủy ban Hỗn hợp về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, và ngài gởi đến họ những lời chúc tốt đẹp.
ĐTC nói tiếp: “Hiện diện ngày hôm nay cũng có các nam nữ tu sĩ những người mà đời sống tu trì là một “dấu chỉ ngôn sứ về thế giới mai hậu” và “được kêu gọi làm chứng cho sự hiệp thông trong Chúa Kitô vượt lên trên mọi sự khác biệt và được biểu hiện ở những hành vi cụ thể trong đời sống.
Việc theo đuổi sự hiệp nhất Kitô giáo không thể là đặc quyền duy nhất của cá nhân hoặc các cộng đoàn tôn giáo nào. Việc chia sẻ linh đạo khác nhau của đời sống thánh hiến nơi các Hội dòng, và hoa trái của những kinh nghiệm nơi đời sống tu trì là một chứng minh sống động cho sự khác biệt nhau của các đặc sủng trong đời sống tu của Giáo hội.”
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng việc nhắc đến Sắc lệnh hiệp nhất, Unitatis Redintegratio, của Văn kiện Công đồng Vatican II và mời gọi tín hữu cầu nguyện như sau: “Anh em thân mến, hôm nay tất cả chúng ta những người khao khát hòa bình và tình huynh đệ tin tưởng nài xin Cha trên trời, nhờ Đức Giêsu Kitô là Linh mục Tối cao, và qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Tông Đồ Phaolô và tất cả các thánh, ban ơn hiệp nhất giữa mọi Kitô hữu, nhờ đó “mầu nhiệm sự hiệp nhất trong Giáo Hội” có thể tỏa sáng như là dấu chỉ và khí cụ của sự hòa giải trên trên thế giới hôm nay.”
Hoàng Minh