CN TN 32 A . Ngày 9.11.2014
Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25, 1-13
Bài suy niệm
Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội chuẩn bị chúng ta sống tâm tình chờ đón Chúa đến, bằng cho đọc những bài Kinh thánh liên quan đến sự bất ngờ xảy đến. Bất ngờ như chàng rể đến muộn mà bài Tin Mừng (x. Mt 25, 1-13) nói đến năm cô khôn mang đèn và mang dầu, năm cô khờ mang đèn mà quên mang dầu, tất cả được mời đi đón chú rể. Chú rể ở đây được hiểu về Chúa Giêsu, Người sẽ trở lại trong vinh quang: “Chúng con loan truyền Chúa chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Thật vậy suốt cả năm phụng vụ từ đầu chí cuối đều hướng về việc Chúa đến trong vinh quang. Chúa đến hay chúng ta đến với Chúa cũng vậy, đó là cuộc gặp gỡ mang tính bất ngờ, nghĩa là không ai biết được giờ hành động của Thiên Chúa, giờ đó xảy ra liên tục trong cuộc sống nhân loại. Chủ đề ‘bất ngờ’ được thánh Mátthêu đề cập ở chương 24, trước khi nói đến dụ ngôn các trinh nữ đi đón chàng rể. Bất ngờ như thời Nôe, chỉ ông biết giờ lụt đại hồng thủy đến mà chuẩn bị từ xa, còn “thiên hạ vẫn ăn uống cưới vợ lấy chồng” (x. Mt 24, 37-42). Bất ngờ như kẻ trộm vào nhà lúc đêm khuya: “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Hãy là người đầy tớ trung tín được ông chủ khen: “Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm việc !” Do đó cần tỉnh thức canh phòng, người Ki-tô hữu là lính canh, lính canh hừng đông dậy (Chúa Ki-tô đến) và báo động cho anh em.
Dụ ngôn đón chú rể được rút ra từ tập tục cưới hỏi Do thái. Ở Do thái, tiệc cưới xảy ra ban đêm . Cô dâu ở nhà cha mẹ đẻ, chờ chú rể đến đón rước mà không hẹn giờ . Chú rể đến cách long trọng đón cô dâu, đám rước tưng bừng với đèn đuốc, tiến vào phòng cưới và nhập tiệc. Trục trặc xảy ra, chú rể đến muộn vì lý do nào đó, mãi đến nửa đêm có tiếng hô to: “Chàng rể đến, hãy ra đón”. Bi đát xảy ra lúc này, người có dầu kẻ không, người thắp đèn kẻ chạy ra hàng quán mua dầu. Giờ định mệnh! Ai không sẵn sàng vào phòng cưới đều bị bỏ lại không cứu xét. Tiệc cưới gợi nhớ đến giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Người (x. Ed 16, 1-43. 63), gợi nhớ niềm vui vỡ bờ của nhân loại tính được kết hôn với thiên tính như Isaia diễn tả : “Đấng tác tạo ngươi đã cưới người về“.
Không phải được mời là đủ điều kiện tham dự tiệc cưới nhưng còn phải chuẩn bị sẵn sàng. Lãnh nhận các bí tích khai tâm Ki-tô giáo mà thôi thì chưa đủ, còn phải sống ơn gọi làm người Kitô hữu nữa. Nói thế không có nghĩa là người Kitô hữu luôn canh cánh chờ đợi, căng thẳng đến nỗi không làm được việc gì ở trần gian nầy cả. Không phải thế! Người Kitô hữu hướng về ngày Chúa đến bằng việc sống đức tin giữa dòng đời và xây dựng xã hội trần thế nơi họ đang ở. Họ phân biệt mục đích trần thế họ theo đuổi và cùng đích của họ là Nước trời. Họ đồng hành với trần thế nhưng họ phân biệt với những kẻ chỉ biết có hiện tại mà không biết chuẩn bị tương lai. Người Kitô hữu chu tất bổn phận của người công dân và bổn phận của người Kitô hữu, bởi vì họ là công dân của hai đô thị, đô thị trần thế và đô thị thiên quốc. Bổn phận của công dân thiên quốc là tôn thờ Thiên Chúa, thực thi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đây là sự khôn ngoan Kitô giáo mà những người hèn mọn được mặc khải: họ sống như người lính canh, như kẻ trông chờ hừng đông. “Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan tỏ mình cho biết” (x. Bài Đọc 1. Kn 6, 12-16). Đức Khôn Ngoan Kitô giáo dạy cho biết : “Những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại … sẽ được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung” (x. Bài Đọc 2. Tx 4, 13-18). Người Ki-tô hữu phải luôn sẵn sàng đến gặp Chúa bất cứ lúc nào, họ đã có đèn được hiểu là các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, nhưng họ cần phải mang theo dầu là các đức tính nhân bản và các nhân đức thuộc linh (Tin Cậy Mến).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết làm việc xây dựng trần thế, mà không quên đầu tư cho quê thật trên trời, nơi vinh quang vĩnh hằng mà con được mời gọi tham dự. Amen
Lm. Louis Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. PHƯƠNG HÒA – KONTUM
GPKONTUM (06/11/2014) KONTUM