* Trò chơi trí tuệ




1. AI LÀM GÌ, Ở ĐÂU, VỚI AI?
Thể loại: Trò chơi lý luận, có nhiều người tham dự trong vòng tròn ở trong phòng hoặc ngoài trời.
Rèn luyện: Ghi nhớ sự việc.
Mục đích: Tạo sự vui vẻ sinh động.
Luật chơi: Quản trò cho trò chơi để tìm bắt một người, người này bị phạt làm cái máy cassette. Quản trò mang máy đi phỏng vấn từng người, máy cassette chỉ ghi câu trả lời mà thôi.
* Người thứ I hỏi: Anh là ai?
* Đến người thứ II hỏi: Hôm qua anh làm gì?
* Đến người thứ III: Ở đâu?
* Đến người thứ IV: Với ai?....

Sau đó, mở máy cassette, phát lớn cho mọi người nghe những câu trả lời liên tục. Quản trò có thể đặt thêm nhiều câu hỏi dí dỏm như vậy, nhưng mọi người đặt một câu hỏi thôi, để rồi sẽ có câu trả lời ráp nối ngộ nghĩnh. Mục đích gây chú ý và tập phản ứng nhanh.
Lưu ý: Nghiêm cấm những câu trả lời vượt ra khỏi bầu khí sinh hoạt.
2. LỤC VÂN TIÊN
Thể loại: Trò chơi lý luận đối đáp, áp dụng cho hai nhóm tham dự trong phòng hay ngoài trời.
Giáo dục: Giúp nhau nhanh lẹ trong suy nghĩ.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động để dẫn vào những bước tiếp theo.
Luật chơi: Chia làm hai phe, mỗi phe có một quản trò để “nhắc tuồng”. Quản trò đứng giữa làm trọng tài.
Phe A: Lục Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, gặp phải ông già cổng mẹ trở vô.
Phe B: Lục Vân tiên cõng mẹ chạy vô, gặp phải cái bồ cõng mẹ chạy ra.
Đối đáp liên tục, chỉ cần thay đổi vần “a” hoặc “ô”. Để cho sinh động, quản trò có thể chỉ phe nào thì phe đó đọc, quản trò có thể chỉ phe A hoặc B đọc liên tiếp 2, 3 lần, rồi tới chỉ phe kia.
Lưu ý: Nên đưa vào trò chơi tên các vị thánh: Anna, Phaolô, ông Philatô... Phe nào bí, hoặc nói không thống nhất sẽ thua.
3. ĐÂY LÀ CHIẾC CHÌA KHOÁ
Thể loại: Trò chơi lý luận, áp dụng một cho nhóm người ở trong phòng hoặc ngoài trời.
Rèn luyện: Nhớ một cách chính xác và tập trung cao độ.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động.
Luật chơi: Quản trò đến trước một người và đọc từng câu. Người đó lặp lại đúng từng chữ của câu đó:
 - Đây là chiếc chìa khoá.
 - Đây là chiếc chìa khoá mở cửa phòng ngủ của ông tôi.
 - Đây là sợi dây buộc chiếc chìa khoá mở cửa phòng ngủ của ông tôi.
 - Đây là con chuột cắn đứt sợi dây buộc chiếc chìa khoá mở cửa phòng ngủ của ông tôi.
 - Đây là con mèo cắn chết con chuột cắn đứt sợi dây buộc... của ông tôi.
 - Đây là con chó cắn con mèo cắn chết con chuột cắn đứt... của ông tôi.
 - Đây là con gà đá con chó cắn con mèo cắn chết con chuột cắn đứt... của ông tôi.
* Quản trò nói càng lúc càng nhanh và có thể ra cử điệu để gây chia trí người kia.
Lưu ý: Khi quản trò nói kết thúc (hết) thì người kia không phải lặp lại.
4. CON BÒ VÀNG
Thể loại: Trò chơi lý luận, áp dụng cho nhiều nhóm mỗi nhóm ít nhất bốn người.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động, bất ngờ.
Rèn luyện: Tác phong nhanh nhẹn.
Giáo dục: Sống lời Chúa.
Vật dụng: Vận dụng những vật dụng có màu vàng để hóa trang.
Luật chơi: Cốt truyện Xh 32,1-6 nên quảng diễn rõ.
Quản trò ra lệnh cho mỗi đội hoá trang một con bò vàng, thời gian năm phút. Đội nào xong thì kiệu con bò và ca hát nhảy múa, đến trình diện quản trò.
Cách chấm điểm: Hai cách chấm điểm:
1. Đội nào không làm bò vàng, hay hoá trang dở nhất, sẽ về nhất. do: trung thành với Giavê, không thờ bò.
2. Đội nào hoá trang đẹp nhất, thành công nhất, ca hát nhảy múa đúng kiểu tế thần sẽ về nhất. Lý do: Đúng theo yêu cầu của quản trò.
* Sau đó quản trò đừng quên nhắc nhở về lòng trung thành với Thiên Chúa.
5. TẬP LÀM VĂN
Thể loại: Trò chơi lý luận, vận động nhẹ trong phòng hoặc ngoài trời. Áp dụng cho nhiều nhóm, mỗi nhóm (đội) khoảng 08 người trở lên.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động.
Rèn luyện: Tạo cho những thành viên trong nhóm có sáng kiến, sự sáng tạo.
Giáo dục: Biết uyển chuyển trước một vấn đề đặt ra trước.
Luật chơi: Hàng đội. Quản trò ra lệnh cho mỗi đội hợp bàn với nhau, thời gian năm phút. Mỗi đội làm một câu văn bằng “tên” của những người trong đội mình. Câu văn phải vừa hay vừa có ý nghĩa.
Khi trả bài, tất cả ngồi vòng tròn, nhưng ngồi theo đội. Mỗi đội ngồi theo thứ tự “câu văn”. Từng người trong đội đứng lên đọc tên của mình, và người này liên tục với người kia sao cho mọi người nghe có cảm giác như thế một người đọc đoạn văn đó.
6. THI VÀO HÀN LÂM VIỆN
Thể loại: Trò chơi lý luận, áp dụng cho hai phe trong phòng hoặc ngoài trời.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động.
Rèn luyện: Nhanh, thông minh, biết vận dụng từ thường dùng.
Giáo dục: Nhớ lại tất cả những từ ghép.
Luật chơi: Chia hai phe. Quản trò ra một chữ. Mỗi phe lần lượt tìm thêm một chữ để ghép vào chữ của quản trò. Phe nào bí: thua. Ghép vô nghĩa: thua.
Thí dụ: Quản trò ra chữ “nhà”: Nhà thờ – nhà tu – nhà thương.
Lưu ý: Khi đọc thì cả đội đồng thanh đọc, không lặp lại từ đã đọc trước đó, cho khoảng thời gian suy nghĩ.
7. ÔN NGỮ VỰNG
Thể loại:  Trò chơi lý luận, áp dụng cho nhóm càng đông càng tốt, trong phòng hoặc ngoài trời.
Mục đích: Rèn luyện thông minh, nhanh, vận dụng từ ghép. Giáo dục nhớ và thêm vốn từ ghép.
Luật chơi: Vòng tròn. Quản trò nói một chữ, và chỉ vào một người. Người này nói thêm một chữ để ghép vào chữ của quản trò cho có ý nghĩa. Rồi quản trò chỉ người thứ hai, người thứ hai nói một chữ để ghép vào chữ của người thứ một cho có ý nghĩa. Quản trò chỉ người thứ ba...
Thí dụ: Quản trò nói “Hoà”.
Người thứ 1: Hoà Bình.
Người thứ 2: Bình an.
Người thứ 3: An lành.
Người thứ 4: Lành mạnh.
Quản trò cứ tiếp tục chỉ người mới. Khi nào thấy khó tìm chữ để ghép thì quản trò đổi chữ khác.
Lưu ý: Không lặp lại từ đã đọc, cho khoảng thời gian suy nghĩ.
8. THẦY BÓI BÁ CHÁY!
Thể loại: Trò chơi lý luận, vận động nhẹ trong phòng.
Rèn luyện: Trí nhớ, tên và vật có liên quan.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động.
Luật chơi: Một thầy bói, 1 phụ tá. Thầy bói và phụ tá đồng ý với nhau trước một ước hiệu:
- Vật để trước mặt phụ tá, thì nói “Thầy ơi xong rồi”.
- Vật để bên trái phụ tá: “Mời thầy xong rồi”.
- Vật để bên phải phụ tá: “Xin mời xong rồi”.
- Người phụ tá lấy ba đồ vật: một để trước mặt, một để bên trái, một để bên phải.
Thầy bói đi ra xa khỏi đó. Phụ tá mời một người nào đó đến chỉ một trong ba đồ vật. Sau đó phụ tá mời thầy bói vào bằng ước hiệu trên. Thầy bói vào chỉ đúng đồ vật mà người chỉ trước. Để khỏi ai nghi ngờ, phụ tá phải dời chỗ nhưng vẫn để ba đồ vật đúng vị trí ước hiệu.
9. NGƯỜI TÙ NGHIỆN THUỐC LÁ
Thể loại: Trò chơi lý luận, áp dụng cho nhiều nhóm ở ngoài trời, mỗi nhóm từ bốn người tham dự trở lên.
Rèn luyện: Nhân cách, lối sống cho giới trẻ.
Mục đích: Tạo bầu khí vui vẻ, sôi động.
Giáo dục: Sự tế nhị khi gặp người đau khổ, bệnh tật.
Luật chơi: Quảng diễn trò chơi: có một người tù vừa vượt ngục, anh ta đã chạy vào khu vực của chúng ta (đặt ranh giới hạn định). Công an nhờ các bạn tìm giúp và đưa về đây. Đặc điểm nhận dạng chỉ biết rằng anh ta rất ghiền thuốc. Vậy mỗi đội hãy tìm xem anh ta ở đâu và khuyến dụ anh ta về đây, đội nào đem anh ta về đây sẽ được thưởng.
Nên biết, không được xúc phạm nhân phẩm anh ta, mà chỉ được hỏi khéo cách nào để đoán biết anh ta là tù vượt ngục, và khuyến dụ đem về. Quản trò đã đặt sẵn một người, trong túi có một gói thuốc và một hộp quẹt, có thể đang hút thuốc. Anh này ở một nơi nào đó trong khu vực đã định sẵn.
10. HOÁN ĐỔI VỊ TRÍ
Địa điểm: Sân rộng.
Đội hình: Vòng tròn.
Mục đích: Luyện trí nhớ và óc quan sát.
Cách chơi: Quản trò chỉ định một vài người trong vòng tròn bỏ vị trí của mình để đi đến những vị trí mới. Sau khi chỉ định xong, quản trò gọi tên những tham dự viên khác bù vào những vị trí mà những người được chỉ định đã di chuyển.
Thí dụ: Quản trò hô: A vào vị trí của anh M và chị Z, …. Sau đó, Quản trò lại hô tên anh D phải vào chổ của A,…….
Lưu ý: Tham dự viên phải quan sát và ghi nhớ những vị trí của những người đã được chỉ định.