* Trò chơi thi đua




1. TÌM NGHỀ NGHIỆP
Mục đích: Tạo sự hài hước, suy đoán nhanh.
Số lượng: 10 người đến 30 người, chia thành 2 đến 3 đội.
Địa điểm: Trong phòng.
Vật dụng: Viết và nhiều miếng giấy trắng nhỏ.
Cách chơi: Chia người chơi thành 2 đến 3 đội, trọng tài ghi một nghề vào một miếng giấy (nhiều nghề nhiều miếng giấy). Mỗi đội cử một người (thứ tự) lên bốc thăm – trúng nghề nào thì phải diễn tả nghề đó cho đồng đội đoán nghề đó (người chơi chỉ được diễn tả bằng hình thể, không được nói). Sau 30 giây đội đó không trả lời đúng thì các đội khác có quyền trả lời – nếu đúng là đội đó thắng, còn đội kia sẽ thua.
Trò chơi chỉ diễn ra cho từng đội một, mỗi đội chỉ được năm lần bốc thăm, xem xong phải trả giấy thăm lại cho quản trò. Khi trả lời áp dụng luật đếm từ 1 đến 10 để giới hạn lượt chơi (có thể dùng khăn bịt miệng người trả lời cho khách quan).



2. HƯỚNG VỀ MIỀN TÂY
Mục đích: Rèn kỹ năng hát hò.
Số lượng: Mỗi lần chơi từ 10 đến 15 người.
Địa điểm: Trong hội trường hoặc sân rộng.
Vật dụng: 1 đồng hồ bấm giờ.
Cách chơi: Để tạo sự bất ngờ, hấp dẫn cho người chơi. Quản trò nên mời đại diện mỗi đội một người lên sân khấu. Sau đó quản trò mới công bố trò chơi (không phân biệt nam nữ). Tất cả đứng dàn hàng ngang trên sân khấu hay có thể từng người bước vào giữa vòng tròn để thi hò dài hơi nhất hoặc xướng một câu vọng cổ, thứ tự từng người một. Người nào hò hay, dài hơi nhất sẽ thắng. Nếu có số thời gian bằng nhau thì tổ chức thi đấu vòng loại (có thể chấm giải cá nhân và tập thể có số giây nhiều nhất).
3. TRUYỀN TIN
Mục đích: Giúp đối tượng chơi có phản xạ nhanh, nhớ chính xác, bí mật, tạo tinh thần đồng đội.
Số lượng: Tùy quy mô tổ chức được chia thành các đội.
Nội dung: Truyền thông tin của chỉ huy (quản trò) rồi báo cáo.
Cách chơi: Quản trò chia người tập thể chơi thành nhiều đội, số lượng các đội phải bằng nhau. Các đội đứng thành hàng dọc, cách quản trò cùng một kích thước. Mỗi đội cử một người lên nhận lệnh.
Khi có hiệu còi, người nhận lệnh của các đội chạy lên nhận tin của quản trò. Sau đó người nhận lệnh chạy về đội và nói cho người thứ nhất, người thứ nhất nói nhỏ cho người thứ hai (nói thầm vào tai) cứ như thế cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng chạy lên nói với quản trò “thông tin” mà quản trò đã phát ra.
Đội nào báo tin nhanh, chính xác đội đó thắng. Đội nào để lộ tin xem như thua. Nếu các đội lên trùng nhau, quản trò cho ghi tin vào giấy. Tin được truyền từ người số một đến người cuối cùng, không được truyền tắt, không được nói to.
Lưu ý:
- Quản trò chuẩn bị sẵn các tin vào giấy khi các đội lên nhận, đưa cho người nhận, đọc xong quản trò thu lại.
- Người cuối cùng viết vào một mảnh giấy, nộp cho quản trò rồi so sánh hai mẫu giấy ghi tin (quản trò và các đội).
- Đối tượng nhỏ tin ngắn, lớn tin dài.
- Các chữ trong bản tin bằng nhau.
- Nội dung các tin chọn những câu vui, mang tính hài hước.
- Nghĩ các câu đố các đội phải giải luôn câu đó, tăng mức độ hấp dẫn của trò chơi.
4. ĐỔ NƯỚC CHAI
Mục đích: Trò chơi được tổ chức ở các hội trại, hội thi...
Rèn luyện: Giúp đối tượng chơi có tính kỷ luật, tinh thần tập thể, khéo léo, nhanh nhẹn, sáng tạo, hoạt bát, v.v... tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong học tập.
Số lượng: Tùy thuộc quy mô tổ chức, không hạn chế. Được chia thành các đội, số lượng mỗi đội bằng nhau.
Dụng cụ: chai đựng nước giống nhau, số lượng chai bằng số lượng đội chơi. Thìa múc nước. Chậu đựng nước.
Nội dung: Các đội dùng thìa múc nước ở trong thau và đổ vào chai sao cho chai của mình có nhiều nước.
Cách chơi:
Quản trò chia số lượng người chơi thành các đội có số lượng người ở các đội bằng nhau. Mỗi đội cử một trọng tài để giám sát đội bạn. Kẻ một vạch giữa chậu nước và chai.
Khi có lệnh của quản trò, người số một của các đội dùng thìa múc nước, chạy tới chỗ để chai, đổ nước vào chai, sau đó chạy quay trở lại đội mình để đưa thìa cho người số hai ở vạch. Người số hai làm như người số một và đưa thìa cho người số ba... trò chơi tiếp tục cho đến khi có hiệu lệnh dừng lại.
So sánh mực nước ở chai của các đội, đội nào có số lượng nước ở chai nhiều hơn đội đó thắng.
Lưu ý: Phải đưa thìa ở vạch xuất phát, dùng chai và thìa giống nhau, không bóp méo thìa, chỉ dùng một tay đổ vào chai, vạch xa hay gần tùy theo đối tượng chơi. Có thể buộc hai tay vào nhau để tăng mức độ khó của trò chơi.
5. CÕNG BẠN - ĂN CHUỐI
Mục đích: Thi đua giữa các đội chơi.
Rèn luyện: Ý chí kiên trì, óc sáng tạo.
Giáo dục: Tinh thần đồng đội nương tựa vào nhau.
Cách chơi: Người chơi được chia thành nhiều đội có số lượng nam, nữ đều nhau. Bạn nam bị bịt mắt cõng bạn nữ bị còng tay.
Bắt đầu trò chơi, bạn nam cõng bạn nữ chạy đến đích. Tại đây quản trò sẽ đưa quả chuối cho bạn nữ lột vỏ cho bạn nam ăn. Cặp nào ăn chuối xong thì chạy trở về vạch để cặp thứ hai tiếp tục thực hiện tương tự cho đến hết. Đội nào ăn chuối và về trước thì thắng.
Lưu ý: Khi lột chuối, bạn nữ không được dùng tay mà phải dùng miệng. Có bao nhiêu đội thì cần có bấy nhiêu người quản trò để đưa chuối và theo dõi các cặp ăn hết chuối.
6. NGẬM MUỖNG TRONG THAU
Rèn luyện: Sức mạnh đôi tay, kĩ thuật dùng miệng.
Giáo dục: Dạy cho trẻ biết quý chuộng đôi tay của mình, đồng thời biết cảm thông với những người tàn tật.
Cách chơi: Người chơi được chia thành nhiều đội. Mỗi đội từ bốn người trở lên. (Lưu ý: nếu là bốn người phải là bốn nam, hoặc hai nam hai nữ, không được chơi với đội hình là bốn nữ). Quản trò sẽ thổi còi và các đội di chuyển như sau:
Mọi người sẽ di chuyển bằng hai tay. Người thứ hai sẽ đứng phía sau cầm hai chân của người thứ nhất đẩy đi. Người thứ nhất sẽ di chuyển bằng hai tay cách vạch xuất phát khoảng 5m có đặt những cái thau bên trong đựng những cái muỗng. Người thứ nhất sẽ dùng miệng của mình để lấy một cái muỗng trong thau nước rồi quay về vạch xuất phát. Tương tự như thế, cặp thứ 2 sẽ tiếp sức cho cặp thứ nhất. Đội nào lấy được hết số muỗng trong thau của mình sớm nhất sẽ thắng cuộc.
Khi dùng miệng lấy muỗng trong thau, người thứ nhất không được chạm chân xuống đất. Nếu vi phạm, chiếc muỗng đó sẽ được để lại trong thau và đội đó phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát.
7. ĐƯỜNG HIỂM HÓC
Rèn luyện: Nhanh nhẹn.
Giáo dục: Cố gắng vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống để đạt đến đích.
Sân chơi: Đường dài ít nhất 20 thước.
Số người chơi: 12 đến 40.
Xếp đặt: Chơi từng đội. Mỗi đội ít nhất 06 bạn. Trong mỗi đội chọn ra ba bạn làm chướng ngại vật. mấy bạn này đứng cách nhau độ 7,8 thước. Bạn đầu cúi lưng xuống, bạn thứ đứng đứng thẳng, bạn thứ ba đứng với hai chân dang ra. Tất cả các bạn khác đứng theo từng đội, ở đầu đường.
Cách chơi:  Nghe hiệu còi, bạn số một trong các đội chạy tới trước gặp bạn thứ nhất thì nhảy qua lưng bạn ấy (nhảy cừu), gặp bạn thứ nhì thì chạy quanh bạn một vòng, gặp bạn thứ ba thì bò lòn qua giữa hai chân, đoạn chạy thẳng đến cuối đường. Rồi chạy lui gặp ba chướng ngại vật phải làm như trước. Về đến đích đập vào tay bạn số hai để bạn này chạy tiếp. Sai luậtNếu bỏ một chướng ngại vật và không nhảy, lòn hay chạy vòng quanh. Bạn kia chưa đập vào tay mà bạn này đã bắt đầu chạy.
8. CƯỚP CỜ
Rèn luyện: Thính giác và sự phản xạ.
Giáo dục: Quan tâm tới phẩm giá của con người.
Sân chơi: Rộng hoặc một đám đất phẳng rộng một bề 30 thước, một bề 20 thước.
Số lượng: 20 người trở lên.
Vật liệu: 8 cây cờ.
Xếp đặt: Chia đoàn làm hai phe, mỗi phe đứng một bên. Sau lưng mỗi phe có bốn cây cờ, cắm theo hàng ngang đều nhau.
Cách chơi: Các bạn phải chạy qua lọt hàng rào quân địch, vào chỗ cắm cờ để lấy cờ. Vào chỗ cắm cờ rồi, không ai có quyền bắt họ nữa. Vào được rồi lấy một cây cờ đem về, đi ung dung không còn lo như khi đi qua. Có thể lấy một cây cờ hoặc giải thoát cho tất cả tù binh thuộc phe mình. Nếu trong lúc chạy qua bị quân địch sờ phải thì ở tù. Phe nào đem về địa phận mình cả 8 cây cờ thì thắng cuộc.
9. NGƯỜI QUÈ CHƠI BÓNG
Rèn luyện: Trí thông minh tính toán chiến thuật.
Địa điểm: Sân dài độ 20 thước.
Số người chơi: 10-40.
Vật liệu: Quả bóng tròn.
Cách chơi:
Chia các bạn làm hai phe cân sức. Trước khi chơi mỗi phe đứng ở một đầu sân đối diện nhau. Quản trò đứng giữa sân, ném quả bóng lên. Khi quả bóng rơi xuống đất rồi, bạn nào lượm được trước, ném về phía phe kia và cuộc chơi bắt đầu. Một bạn phe kia lượm quả bóng và ném trở lại. Phe này lại lượm bóng ném qua phe kia và cứ thế mà mà tiếp tục ném bóng qua lại. Trái bóng rơi xuống ở đâu thì phải đứng tại đó mà ném trở lại.
Mục đích cuộc chơi là làm thế nào liệng quả bóng đến đường đích của đối phương. Muốn thế phải lấn đất. Mỗi lần ném bóng, khi phe A ném bóng qua phe B, và truớc khi có thể lấy chân chặn lại để nó khỏi lăn xa. Bóng rơi xuống thì phe B có thể lấy tay và ngăn lại không cho đi sâu vào nội địa, nhưng không được chụp bóng, chỉ đập bóng với bàn tay thôi. Khi quả bóng rơi xuống đất rồi thì không thể lấy chân chặn lại.
10. CUA BÒ
Địa điểm: Sân hoặc phòng rộng.
Số nguời chơi: 5 người trở lên (tùy địa điểm rộng hẹp mà định số người chơi).
Xếp đặt: Nằm ngửa, mặt và bụng hướng lên trời. Chống với 2 chân và 2 tay, người này nằm nối đuôi người kia.
Cách chơi: Nghe còi lệnh, bò ngang với hai chân hai tay, ai đến sau cùng phải cõng người đầu tiên một vòng. Nếu địa điểm hẹp hoặc người chơi đông thì chơi loại dần.
11. AI SAY AI TỈNH
Địa điểm: Sân rộng có một cây.
Số người chơi: 5-40.
Vật liệu: Một vòng tròn bằng sắt hay tre với đường kính hai tấc, một gậy dài độ tám tấc. Treo vòng tròn trên vào một cành cây cách mặt đất khoảng 1m50.
Cách chơi: Các bạn thay phiên nhau chơi. Mỗi bạn đứng cách vòng tròn khoảng năm mét, xoay quanh người 10 vòng. Xong vòng thứ 10, bạn đó đứng thẳng dậy, bước ngay tới trước, chĩa thẳng cánh tay trái vào trong vòng treo.
Ai đưa được cánh tay vào giữa vòng thì được năm điểm. Nếu bị đổ lúc xoay tròn hoặc lúc bước đến vòng tròn hoặc đưa tay ra ngoài vòng thì bị loại.
12. NGƯỜI CỤT ĐỘI NÓN
Địa điểm: Sân hoặc phòng rộng.
Số người chơi: 10-40.
Vật liệu: Mỗi đội 1 cái nón, 1 cái ghế.
Cách chơi: Nghe tiếng còi, bắt đầu chơi, mấy bạn đứng đầu mỗi đội chạy lên dùng miệng ngậm vào vành nón, để lật ngửa ra, tìm cách đội lên đầu đi về rồi trở lại để nón trên ghế, lật úp lại. Không được dùng tay để làm các công việc trên. Xong rồi, chạy về đánh vào tay người thứ hai để bạn này lên thay mình. đội nào làm xong trước thắng cuộc.


13. GÁNH NƯỚC THI
Địa điểm: Sân hoặc phòng rộng.
Số người chơi: 3-40 người.
Vật liệu: Mỗi đội 2 chén nước đầy.
Xếp đặt: Các đội đứng thành hàng dọc. Cách mấy bạn đầu độ 10m, vạch một đường. Mấy bạn đứng đầu hàng cầm mỗi bạn một chén nước đầy.
Cách chơi: Nghe tiếng còi lệnh, các bạn đứng đầu mỗi hàng chạy lên đường vạch, để chén nước xuống và chạy về đánh vào tay em thứ nhì, đoạn chạy ra hàng sau mà đứng. Người thứ nhì vội chạy lên cầm chén nước đưa cho người thứ ba tiếp tục chạy lại. Đội nào chạy mau nhất và còn nước nhiều nhất được cuộc.
14. CON ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Địa điểm: Một con đường tối, ban đêm.
Số người chơi: 10-40.
Vật liệu: Nhiếu miếng giấy trắng nhỏ.
Xếp đặt: Trò chơi ban đêm. Hai bên hoặc chỉ một bên con đường. Quản trò đã để sẵn ở mỗi đoạn một miếng giấy nhỏ. Có thể để trên mặt đất hoặc móc trên cành cây, cách mặt đất độ dài khoảng 1m.
Cách chơi: Tất cả các bạn chơi phải chạy thật mau từ đầu đường đến cuối đường. Trong lúc chạy, các em phải đếm mấy tờ giấy đặt hai bên đường, đến đích quản trò sẽ cho hai điểm: một điểm về thời gian chạy mau hay lâu, một một điểm tùy theo kê sai số giấy đã đặt. Người chạy lâu nhất không có điểm nào. Mấy người khác, cứ kể chạy mau hơn được bao nhiêu người thì được bấy nhiêu điểm. về điểm thứ hai, thì kê được bao nhiêu tờ giấy được bấy nhiêu điểm. Nhưng đếm dư một tờ phải trừ hai điểm. Để tự kiểm điểm, nên cho chạy từng em một, em này sau em kia một phút hoặc 30 giây nếu đường ngắn.
Trong lúc chạy không được đụng đến mấy tờ giấy để dọc đường.
15. VÌ VINH DỰ CỦA GIÁO HỘI
Địa điểm: Ngoài trời.
Chuẩn bị: 2 quả bóng.
Cách chơi: Người chơi được chia thành hai đội (mỗi đội khoảng từ 10-15 người). Hai đội đứng lẫn lộn trên sân. Tùy số lượng người chơi mà quản trò quy định câu khẩu hiệu ngắn hoặc dài.
Thí dụ:
Vì vinh dự của phong trào …
Vì Nước Chúa, chúng con từ bỏ để có được.......
Nghe tín hiệu bắt đầu chơi, đội trưởng của hai đội lập tức chạy đến quản trò để nhận bóng. Sau đó chuyền cho đồng đội của mình. Người đầu tiên nhận được bóng hô “vì” và chuyền cho người thứ hai, người thứ hai chụp được bóng thì hô tiếp “vinh”...và tiếp tục chuyển cho người khác. Đội nào thực hiện đúng quy định và hô xong khẩu hiệu trước là thắng cuộc.
Lưu ý:
Ai nhận được bóng phải hô to để quản trò theo dõi chấm điểm. Bóng rơi phải hô lại từ đầu. Hai đội có thể cử một số người chuyên đi cướp bóng của đội khác, và có thể cùng một lúc chuyền trong đội bóng mình hai quả bóng.
Người cuối cùng của một câu khẩu hiệu sau khi nhận được bóng và hô xong chữ cuối cùng phải lập lại toàn bộ câu khẩu hiệu (được một điểm)... Sau đó, tiếp tục chuyền, trò chơi tiếp tục cho đến lúc có đội đạt 10 điểm (hoặc trong thời gian năm phút).
16. ĐI TRÊN GIẤY
Mục đích: Luyện tình đồng đội và luyện tính cẩn thận.
Cách chơi: Các bạn tham gia trò chơi (không hạn chế số lượng) được chia làm nhiều đội bằng nhau. Mỗi bạn chuẩn bị hai tờ giấy vừa bằng bàn chân, các đội xếp hàng dọc ngay vạch xuất phát, vạch đích cách vạch xuất phát từ 5 đến 10m. Khi có lệnh của quản trò, bạn đứng đầu của mỗi đội sẽ đi đến đích bằng cách: đặt miếng giấy xuống đất, chân bước đạp lên, sau đó đặt tiếp miếng giấy thứ hai xuống và bước chân còn lại lên đồng thời rút miếng giấy phía sau đặt lên trên. Cứ như thế, các bạn tiếp tục đi đến đích. Khi bạn thứ nhất đã đi đến nơi, bạn tiếp theo của mỗi đội lại bắt đầu đi như trên, cho đến người cuối cùng. Đội nào đến đích trước sẽ thắng.
Khi bước đi, một chân các bạn phải đạp lên giấy và chân kia không được chạm đất. Nếu chạm đất sẽ bị trừ một điểm.
17. ĐỐI ĐÁP
Mục đích: Luyện khả năng phản xạ.
Cách chơi: Người chơi được chia thành hai nhóm, lần lượt đối đáp theo ba câu sau:
       Con cò con cõng con cò cái.
       Con cò cái cõng con cò con.
       cõng cò, cái cõng cái.
Các nhóm lần lượt đọc to ba câu trên với việc thay thế động từ cõng bằng các động từ khác có chữ cái đầu tiên là C, chẳng hạn: cười, cầm, cắp, cho,.... Nhóm nào dùng động từ lặp lại động từ đã được hai nhóm trước sử dụng trước đó hoặc tìm không ra động từ mới thì bị thua.
Lưu ý: Để trò chơi thêm hấp dẫn có thể thay thế chữ cái đầu tiên của động từ bằng các chữ cái khác theo quy ước của quản trò như A, B, D...
18. MẮT XÍCH BỀN BỈ
Mục đích: Tinh thần đồng đội.
Cách chơi: Hai nhóm ngồi cách nhau 10m theo hàng ngang, chính giữa có để vật dụng chơi như cục gạch, cái khăn, cành hoa... Khi có lệnh xuất phát, từng nhóm các bạn móc xích với nhau (tức ngoắt cánh tay vào nhau) và bắt đầu nhảy ếch đến vật dụng. Đội nào về tới đích cầm vật lên trước là thắng cuộc. Đội thắng cuộc được tính ba điểm. Đội nào mắt xích bị đứt, bị trừ một điểm (trò chơi sẽ hấp dẫn nếu nhảy sang ngang).
19. BẮT CÁ
Mục đích: Giúp đối tượng chơi có phản ứng nhanh nhẹ, tạo không khí vui vẻ trong học tập sinh hoạt.
Số lượng: Dưới 100 người chơi, đứng thành vòng tròn.
Nội dung: Quản trò quy định người bắt cá và cá:
* Người bắt cá: Đứng đối diện nhau, hai tay của hai người nắm vào nhau và đưa lên cao.
* Cá: Còn lại người chơi là cá, nắm tay vào nhau tạo thành vòng tròn.
Cách chơi: Khi quản trò hô bắt đầu thì người chơi hát một bài hát tập thể, đi vòng tròn, chui qua tay của người bắt. Khi nghe tiếng còi (hoặc hô chụp) của quản trò, người bắt nhanh tay chụp xuống để bắt cá. Cá nhanh nhẹn thoát ra ngoài.
Cá nào bị bắt là thua. Người bắt cá không bắt được cá cũng thua, thay người khác làm đôi bắt cá, trò chơi tiếp tục. Khi nắm tay hát không được đứt đoạn trong vòng tròn.
Lưu ý: Tùy theo số lượng người chơi để cử người bắt cho phù hợp, không ít quá, nhiều quá.
20. TRUYỀN TIN BẰNG HÌNH TƯỢNG
Cách chơi: Trò này giống như trò truyền tin nhưng khác ở chỗ là người truyền tin phải dùng hành động. Không được dùng lời nói. Cách chơi mỗi đội hai người đứng cách nhau khoảng 50m. Mỗi đội cử người số một lên nhận tin, sau hồi còi sẽ chạy về chỗ của mình rồi bắt đầu truyền tin cho người nhận cách mình 50m. Người nhận sau khi nhận tin xong chạy lên nộp cho quản trò.
Lưu ý: Nên chọn những câu có hành động trong đó như “yêu nhau cởi áo trao nhau” hoặc “hiệp sĩ mù lên núi ngắm trăng” chẳng hạn. Đảm bảo sẽ cười bể bụng với những hành động kỳ quặc và những câu mà các đội nộp về cho quản trò.
21. ĂN MÍA NẤU NƯỚC
Cách chơi: Trò này có thể áp dụng trong trò chơi lớn, rất vui. Quản trò sẽ phát cho mỗi đội một tách dầu lửa và một tờ giấy. Mỗi đội năm người, nhiệm vụ các đội là nhai mía cho đến khi mía khô rồi lấy bã mía nấu nước cho đến khi nước sôi (khoảng 1/2 lon nước ngọt thôi).
Lưu ý:  Mỗi đội chỉ có một tách đầy lửa và một tờ giấy.
22. TẠT BONG BÓNG
Cách chơi: Xếp các đội thành hàng song song, với số em trong mỗi đội bằng nhau. Đưa cho em đứng đầu tiên của mỗi đội một bong bóng. Sau tiếng còi bắt đầu, em đầu tiên sẽ dùng tay vừa tạt bong bóng vừa chạy đến đích và ngược lại cho em kế tiếp. Em kế tiếp sẽ làm giống như vậy cho đến em cuối cùng. Đội làm xong trước thắng!


23. ĐÁ BONG BÓNG
Cách chơi: Giống như trò chơi tạt bong bóng, thay vì dùng tay tạt bong bóng. Các em sẽ dùng chân đá bong bóng đến đích và ngược lại cho em kế tiếp.
24. NHẢY KẸP BONG BÓNG
Cách chơi: Cho các đội xếp hàng dọc, mỗi đội cách nhau chừng 1m, số người của mỗi đội bằng nhau. Sau tiếng còi bắt đầu, các em đứng đầu sẽ dùng đầu gối nhấc bong bóng, đã được đặt trước mỗi em, và bắt đầu nhẩy đến đích. Sau khi đến đích, các em sẽ nhẩy trở lại và truyền bong bóng cho em kế tiếp. Em kế tiếp sẽ dùng đầu gối kẹp bong bóng và nhẩy tiếp tục. Đội nào xong trước thắng. Nếu đội nào làm bể bong bóng sẽ bị loại. Nếu em nào làm tuột bong bóng ra khỏi chân sẽ phải dùng đầu gối nhấc lên và tiếp tục nhẩy lại ở mức khởi hành.
Tương tự như trò chơi trên; mỗi em mang một trái bong bóng ở mắt cá chân phải. Sau tiếng còi bắt đầu, mỗi em sẽ tìm cách đập bể bong bóng của các em khác trong khi giữ bong bóng của mình đừng bị đạp. Em cuối cùng còn bong bóng sẽ thắng. Đề tăng thêm hào hứng và ganh đua trong một nhóm lớn, xếp các em theo vòng tròn, đếm số từ 1 đến 5 hoặc 10 tùy theo số đông. Sau khi các em đã có số và đã mang bong bóng vào mắt cá chân, quản trò sẽ gọi bất cứ số nào; những em nào mang số được gọi sẽ vào giữa vòng tròn và bắt đầu tìm cách đập bong bóng của những em khác. Quản trò sẽ gọi các số thay phiên nhau em nào còn bong bóng cuối cùng sẽ thắng.
25. TRÒ BỊT MẮT BÓN SỮA CHUA
Cách chơi: Chọn ra các đội, mỗi đội gồm hai người (nam và nữ), rồi bịt mắt cả hai người. Nữ bón sữa chua cho nam (hoặc ngược lại). Đội nào xong trước là thắng.


26. ĂN TÁO... TREO
Cách chơi: Treo quả táo lên dây và cho các thí sinh... ăn. Ai ăn nhanh nhất sẽ thắng.
27. CẶP ĐÔI ĂN Ý NHẤT
Số lượng:  4 cặp (yêu cầu 1 nam, 1 nữ).
Chuẩn bị: 4 tờ báo, 1 đĩa nhạc bất kỳ.
Luật chơi: Mỗi cặp nam nữ sẽ được phát cho tờ báo. Ngay sau khi tiếng nhạc dứt, cả hai cùng phải đứng sao cho toàn bộ phần trạm đất không vượt qua tờ báo. Đội nào bị ngã ra ngoài trước sẽ bị loại.
Sau mỗi hiệp thì tờ báo sẽ được gấp lại 1/2. Như vậy nghĩa là phần tiếp đất sẽ nhỏ, các cặp nam nữ phải làm thế nào thì tùy (cõng nhau...). Đội nào trụ được lâu nhất là đội chiến thắng.
Lưu ý: Vì trong quá trình chơi, tờ báo hay bị rách nát, để có báo cho các hiệp sau, bạn nên chuẩn bị nhiều báo hơn.
28. TÌM XÚC XÍCH
Số lượng: Gồm 4 cặp.
Chuẩn bị: 5 cái đĩa nhựa loại sâu lòng (1 cái để tại vạch đích); 2kg bột mỳ, 04 cái xúc xích (sao cho vừa trong lòng cái đĩa).
Luật chơi: Đổ bột mỳ vào đĩa, có gắng dấu xúc xích vào trong bột mỳ. Mỗi đĩa 1 cái. Hai người một đội ngồi đối diện nhau và đối diện đĩa xúc xích bột mỳ, hai tay cho ra sau lưng. Hai người phải dùng miệng thổi bột mỳ sao cho tìm thấy cái xúc xích nhanh nhất. Một trong hai người sẽ phải ngậm cái xúc xích đó chạy đến đích thả vào đĩa tại đó. Đội nhanh nhất mang được xúc xích về là đội chiến thắng.
Sau một hồi thổi bột mỳ, chúng ta sẽ có tám anh chàng đầu tóc mặt mũi trắng xóa, trừ có cái hốc mắt... trông rất vui.
29. CẢM NHẬN TINH TẾ
Số lượng: Từ 5-6 cặp.
Loại trò chơi: Tìm người.
Hình thức: Các cặp đứng thành từng đôi, hai người, mặt người này hướng vào lưng của người kia. Người đứng sau sẽ đặt một tay lên vai người đứng trước và người đứng sau nhắm mắt lại.
Cách chơi: Quản trò chọn ra các trọng tài cho mỗi cặp để đảm bảo rằng người đứng sau không mở mắt. Quản trò sẽ làm các động tác để những người đứng trước làm theo. Và nhiệm vụ của người đứng sau là bắt chước lại các hành động của người đứng trước.
Trò chơi kéo dài khoảng năm phút, cặp đôi nào có nhiều động tác trùng lặp nhất thì không bị bắt, các cặp còn lại bị bắt dùng để thưởng và phát cho các trò chơi tiếp theo.
30. THI TÌM TÊN NHỮNG CON VẬT CÓ TỪ LÁY
Mục đích: Rèn luyện trí nhớ, khéo léo.
Số lượng: 30 người trở lên, chia nhiều nhóm.
Địa điểm: Trong phòng, ngoài sân.
Thời gian: 5 đến 7 phút.
Dụng cụ: Mỗi nhóm nên có một tấm bảng riêng.
Cách chơi: Quản trò chia ra làm 3 đến 4 nhóm, mỗi nhóm cử một bạn lên. Quản trò sẽ ra mật hiệu cho các bạn là “Tìm những con vật có từ láy” như: chuồn chuồn, bươm bướm…
Bốn đội cùng nhau thi đấu trong cùng một khoảng thời gian. Trong mỗi đội, người đầu tiên viết một từ láy liền chạy xuống và thay thế để bạn thứ hai viết tiếp một danh từ khác.
Lưu ý: Trong vòng năm phút đội nào viết được nhiều con vật có từ láy nhiều nhất thì đội đó thắng cuộc.
31. ĐẶC CÔNG CÒI
Mục đích: Luyện óc phán đoán.
Giáo dục: Rèn luyện sự trung thực.
Cách chơi: Quản trò chia các bạn tham gia thành hai phe A và B, đứng trên hai mức vạch cách nhau khoảng từ 7 đến 10 người.
Giữa khoảng cách đó, quản trò vẽ một vòng tròn để gài mìn. Mỗi phe đếm số từ một đến hết. Quản trò đứng trong vòng tròn làm trọng tài. Bên A gài mìn trước bằng cách cử người đến nói nhỏ với trọng tài rằng mình gài mìn số 4, rồi chạy về chỗ. nếu bên B đưa đặc công mang số khác 4 lên thì sẽ gỡ được, còn nếu đưa đúng số 4, “mìn” sẽ nổ và đặc công đó bị chết. Như vậy, bên A có quyền gài thêm một trái mìn nữa. Nếu ngược lại mìn không nổ, bên B được quyền gài lại bất cứ số nào ở bên A.
Lưu ý: Bên nào đặc công gỡ được nhiều mìn sẽ thắng. Để trò chơi thêm hào hứng, các bạn có thể quy định về thời gian. Nếu đông người chơi, hai bên có thể gài hai đến ba trái mìn và cử hai, ba đặc công gỡ mìn.
32. CON SÂU ĐO
Địa điểm: Bãi cát.
Số lượng: Chơi theo đơn vị đội.
Cách chơi: Đội xếp hàng dọc từ mức khởi hành. Ngồi mông chấm đất, hai chân hơi co lại, hai tay đưa ra sau giữa hai cổ chân người ngồi sau.
Sau lệnh khởi hành, toàn đội đồng tiến tới bằng cách đồng duỗi chân ra phía trước và đồng nhấc mông tới. Đội nào có người sau cùng đến mức thắng cuộc. Đội nào đứt đoạn thì bị loại.
33. ĐÔ LỰC SĨ THẾ GIỚI
Số lượng: Chơi theo riêng phái (tuổi càng lớn chơi càng vui).
Cách chơi: Vẽ một vòng tròn rộng chừng 3m rồi chia người chơi thành hai phe. Lần lượt từng hai người một vào trong vòng tròn đẩy nhau, ôm nhau ném ra ngoài vòng tròn. Ai bị đẩy khỏi vòng thì người phe bị đẩy lên tiếp. Khi hết giờ chơi, phe nào còn nhiều người thắng. Trò chơi có thể biến đổi: Cử từng hai người lên đẩy nhau rồi sau cùng ai thắng sẽ vào vòng bán kết và cuối cùng vào vòng chung kết.