* MỪNG KÍNH THÁNH STÊPHANÔ THÉODORE CUÊNOT THỂ THÁNH TỔ CỦA GIÁO PHẬN KON TUM

Thánh Lễ  MỪNG KÍNH THÁNH  STÊPHANÔ THÉODORE CUÊNOT THỂ - THÁNH TỔ CỦA GIÁO PHẬN KON TUM,  NGÀY TRUYỀN THỐNG YAO PHU và LỄ GIỖ 3 NĂM ĐỨC CHA ALEXIS PHẠM VĂN LỘC. Hơn 2.300 giáo phu trong toàn Giáo phận qui tụ từ trưa ngày 13/11, để tĩnh tâm. Sáng ngày 14/11 gần 3.500 tín hữu kinh cũng như dân tộc hiệp dâng lễ cùng Đức Cha Phê-rô Trần Thanh Chung chủ tế và trên 60 linh mục trong Giáo phận đồng tế rất sốt sắng trong ngày trọng đại chung của Giáo phận. 
MỪNG KÍNH THÁNH  STÊPHANÔ THÉODORE CUÊNOT THỂ
THÁNH TỔ CỦA GIÁO PHẬN KON TUM
*********************************************************
NGÀY TRUYỀN THỐNG YAO PHU
LỄ GIỖ 3 NĂM ĐỨC CHA ALEXIS PHẠM VĂN LỘC

Năm nào cũng thế, cứ gần đến ngày mừng kính Thánh Giám Mục Tử Đạo Stêphanô Théodore Cuênot  Thể, là toàn Giáo phận Kon Tum lại  bừng lên hào khí của Vị Thánh Tổ, Đấng châm Lửa Đức Tin và Khai sáng  ra Giáo phận Kon Tum thâm u xa xôi và huyền bí.
Trước khi tường thuật về Thánh Lễ với những sự kiện như đã nêu trên, Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Kon Tum rất hân hoan kính mời quý đọc giả cùng tìm hiểu xem “ Hào Khí ” của Vị Thánh Tổ Giáo Phận là như thế nào.

ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
 Từ hơn 175 năm về trước, Ngày 19.11.1839Đức Cha Stêphanô Cuênot Thể đã viết cho Ban Tư Vấn Thánh Bộ Đức Tin :


Một trong những nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là mở một con đường cho Tin Mừng đến tận Sông Cả ở Lào. Và mặc dù đã thất bại 20 lần, mới đây tôi đã thử một lần nữa. Vô phúc thay! Lần này cũng không hơn gì những lần trước. Chúng tôi chỉ có một cao vọng là làm đẹp lòng Chúa.” (2Cr 5,9)
Nhưng rồi, với một ý chí sắt đá, Ðức cha Cuénot không chùn bước, ngài hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Chúa Thánh Thần. Năm 1848, một năm có tính quyết định đã đến.
Vị mục tử này hướng tới thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, còn gọi là An, một chủng sinh vừa tốt nghiệp Ðại chủng viện Pinang về nước. Ngài thấy nơi con người thông minh, quả cảm và khiêm tốn này có khả năng mở đường tiến sâu vào thế giới các sắc dân miền núi phía Tây.
Thầy Do đã khéo léo đóng vai một người đầy tớ trung thành và cần mẫn gánh hàng cho một nhà buôn người Kinh. Sáu tháng đi từ làng này tới làng khác, thầy đã tiếp cận với dân Ba Na, nói được tiếng nói của họ, biết phần nào phong tục tập quán cùng thu thập được ít điều về địa hình địa vật của vùng cao. Thầy mau mắn về Gò Thị tường thuật lại cho vị chủ chăn ngày đêm ngóng chờ tin vui.
Ðược tin vui, Ðức cha cử ngay một đoàn thừa sai lên đường và cắt cử thầy Do làm trưởng đoàn, Một đoàn buôn chính hiệu, có 4 chủng sinh cùng đi. Chính “cái chính hiệu với đồ hàng cồng kềnh của nhà buôn” này đã làm lóa mắt những kẻ tham chặn đường cướp hết. Các vị thừa sai đành phải bỏ của chạy lấy người.
Qua năm 1849, lại một đoàn truyền giáo khác lên đường. Ðoàn gồm có cha J.P. Combes Bê, 4 thầy giảng và một số chủng sinh. Ði từ Gò Thị, lên Bến, tới trạm Gò, đoàn gặp phải một đàn voi rượt đuổi. Tất cả bỏ chạy tán loạn, thoát được cơn giận của voi, về tới Bình Ðịnh, phái đoàn chạm phải cơn “thánh nộ” của Ðức cha Cuénot. Ðược nghỉ 15 ngày, phái đoàn lại lên đường, lúc đó là đầu năm 1850.
Lên đường lần này có thêm cha Fontaine Hoàn (sau gọi là Bok Phẩm) với 7 thầy. Ðến Trạm Gò, tiến vào làng Baham, đi qua làng Kon Bơlu, phái đoàn tiến sâu vào làng Kon Phar. Ðức cha đã ân cần dặn dò nhiều lần “nhớ” phải tránh đường mòn của các lái buôn người Kinh, phải tránh tù trưởng Bok Kiơm kiêm chức vị “quan triều đình Huế” có nhiệm vụ chặn đường xâm nhập của các thừa sai.
Ngày núp, đêm đi, vạch rừng, lội suối, leo đèo, với đủ thứ đe dọa của rừng thiêng nước độc, của khí hậu, của thú dữ. Lệnh “không được trở lại” vẫn văng vẳng bên tai. Nhưng “Ðất động! Trời sập! Ðoàn gặp đúng Bok Kiơm! Biết làm sao bây giờ? Hồn xiêu, phách lạc, hết đường “chạy trốn”, cả đoàn như chết đứng giữa trời! Chính lúc đang đứng đơ như những tượng gỗ, thì “con người hung dữ kia lại lên tiếng trước: “Sao? Quý vị là ai? Cứ nói thật đi, tôi sẽ giúp cho!”
Thế là lại thêm một bất ngờ nữa! Thay vì đi hạch họe, bắt nộp cho triều đình, Bok Kiơm lại tỏ ra thân thiện ngay. Có lẽ cũng chính cái vẻ mất hồn khiếp vía trên các khuôn mặt những con người không có một tham vọng nào khác ngoài tình thương mà liều mình đi đến với những anh chị em miền đất xa lạ, nên con người “đáng khiếp” kia bỗng trở thành “con người dễ thương”. Ông đã trở thành một Cyrus miền truyền giáo Tây Nguyên! Phái đoàn tiếp tục đi vào làng Kon Kơlang…( Trích Lược Sử Giáo Phận Kon Tum).
Và cứ thế, ngọn lửa Đức tin lan rộng khắp miền.
Trong  bài :  “Vần thơ Đạo ngày ấy ”,Tác giả Paul  T. P. N. đã giúp chúng ta mường tượng ra  được những ngày tháng ban đầu của Giáo Phận Kon Tum mến yêu như sau:
            …………………………………..
Đầu giây mối nhợ ai gầy,
Đem đàng chỉ lối ở đây bây giờ.
Xưa kia vốn những bụi bờ,
Rừng cao núi rậm mịt mờ liên liên.
Ấy nhờ các đấng chăn chiên,
Dâng mình tế lễ cho miền mọi cao.
Đã tìm lên xứ Trà Ngao,
Những hồi chưa có đàng vào nẻo ra.
Thương thay cho bấy các Cha,
Vì con chiên lạc đàng xa chẳng nài,
Giày sàn đạp sỏi chông gai,
Miễn sao cho đặng truyền lời Evan.
Đành lòng cam chịu gian nan,
Đem người ngoại giáo hiệp ràn Hội-công.
Rày người giữ đạo rất đông,
Minh mông khắp xứ khôn cùng kể ra
………………………………………………..
 (Trích “Kontum – Vần thơ Đạo ngày ấy…”, Sưu tập thơ ca Giáo phận Kontum thập niên 1930 – Lê Minh Sơn biên soạn, 04.2013).

            Là đấy, Kon Tum ngày xưa!
            Và cho đến hôm nay,  Ngọn Lửa Đức Tin ngày càng được thắp sáng trên các núi đồi,rừng rậm và phố phường của cả hai miền Gia Lai – Kon Tum.
Giáo Phận lại thêm một lần mừng kính Thánh Stêphanô Cuénot  trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn vị Thánh Tổ vĩ đại của mình.
image001
            Giáo Phận Kon Tum cũng chọn ngày mừng kính Thánh Tổ hằng năm, để làm Ngày Truyền Thống Yao Phu.
Đã hơn 100 năm qua , Các Yao Phu đã đồng lao cộng khổ với các vị cha anh để loan báo Tin Mừng cho đồng bào quê hương của mình.
Hội Yao Phu quả là một hồng ân và khí cụ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã thương ban cho Miền Truyền Giáo Tây Nguyên.
Đây quả là một kiệt tác của Chúa Thánh Thần!
Ý tưởng đào tạo các Yao Phu cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên đã được manh nha từ lâu trước. Nhưng phải đợi tới năm 1908, công trình này mới được thừa nhận công khai và chúc phúc qua việc Ðức Cha D.Grangeon lên làm phép khánh thành Trường Kuênot cùng bổ nhiệm Cha Martial Jannin làm vị Giám Ðốc tiên khởi. Ðây được coi như là ngày sinh nhật của Hội Yao Phu.
Sách Luật Yao Phu, xuất bản năm 1915, viết rõ:
“Chúng tôi lập Trường Kuênot, mục đích là muốn đào tạo các trẻ nhỏ người dân tộc Jơrai, Bahnar, Xơdang, muốn họ biết Chúa hơn mọi người khác, để sau khi ra trường, chúng tôi trông cậy vào họ sẽ giúp linh mục chúng tôi, mà đi giảng đạo cho các dân Jơrai, Bahnar, Xơdang” (Luật Hội Các Chú Yao Phu, Kontum 1915, Phần I, I).
 Trường Kuenot, truờng đào tạo tuyệt vời với thành quả xuất sắc.
Lộ trình đào tạo Yao Phu khá dài và công phu. Khởi đi với các em dân tộc nam từ cấp 1 đến cấp 2, sau lên cấp 3. Tất thảy cũng hơn 10 năm. Ðây mới là giai đoạn ngồi ghế nhà trường. Tiếp đến là giai đoạn đào luyện qua thực tế! Theo 3 cấp. Mỗi cấp 3 năm. Tốt nghiệp ra trường, “học trò” được mang danh “chú Yao Phu” tập sự, rồi lên Chú Yao Phu bậc Nhì, Chú Yao Phú bậc nhất, sau cùng là Bok-Thầy Yao Phu.
Hơn 100 năm qua, các Yao Phu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữa cộng đoàn, đặc biệt suốt 35 năm qua vắng bóng chủ chiên. Anh chị em đã tận tụy, hy sinh phục vụ cộng đoàn bất chấp mọi “bão tố của lịch sử”. Các Yao Phu vẫn trụ được, vẫn là chỗ dựa tinh thần cho anh chị em đồng đạo.”( Nguồn gpkontum.wordpress)
 image003

             Ngày 17 tháng 11 năm 2014 này cũng là Giỗ 3 năm của Đức Cố Giám Mục Alexis Phạm Văn Lộc, Vị Giám Mục Việt Nam tiên khởi của Giáo Phận Kon Tum.
Nhân dịp quý Linh Mục  và giáo dân trong Giáo Phận quy tụ về mừng kính Thánh Tổ, và nhân dịp Ngày truyền thống các Chú Yao Phu- một cuộc hội tụ về nhà Thờ Chính Tòa đông đủ- nên Đức Giám mục Giáo Phận đã quyết định kết hợp Lễ Giỗ của Đức Cha Alexis vào ngày hôm nay để Giáo Phận có cơ hội kính nhớ và cầu nguyện cho Ngài cách đặc biệt hơn.

NHỮNG CHUẨN BỊ GẦN & KHAI MẠC NGÀY TRUYỀN THỐNG
  Ba ngày lễ lớn được kết hợp lại trong ngày 14/ 11/2014 này!
Thật trang trọng và quý hóa!
Từ cả tuần lễ nay, các Yao Phu đã được Cha Xứ của mình giúp chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tâm linh.
Khoảng từ 13 giờ chiều hôm qua,13/11/2014  thì các Yao Phu từ khắp Giáo phận , có nơi xa gần hai trăm cây số, (nhưng chẳng có xứ nào nề hà..!) đã hân hoan quy tụ về Nhà Thờ Chính Tòa. Cho đến trước giờ cơm tối, số Yao Phu về tham dự Ngày truyền thống đã lên tới hơn 2.300 vị, chưa kể những người thân cùng đi để cùng mừng Lễ.
Đến 15 giờ thì mọi người đã ổn định trong Nhà Thờ, sau khi nghe Ban Điều Hành thông báo chương trình của hai ngày họp mặt, tất cả đã được tham dự một giờ Chầu Thánh Thể  khai mạc Ngày Hội vô cùng sốt sắng dưới sự hướng dẫn của Cha Bề Trên các Yao Phu – Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu.
Sau khi cùng nhau thờ lạy, sẻ chia mọi ngọt bùi của Ơn Gọi Yao Phu với Chúa Giê su, các Yao Phu được Cha Bề Trên huấn đức , nhắc nhở  và giúp hâm nóng lại Tinh Thần và Linh Đạo của Yao Phu.
Các vị cũng được tạo cơ hội để chia sẻ cùng nhau những  ưu điểm mà Giáo xứ và Gia đình mình đã đạt được trong Năm Tân Phúc Âm hóa Gia đình. Các vị cũng không ngại nêu lên những tồn tại, những khuyết điểm mà bản thân mình đã chưa cố gắng đủ nên cũng kéo theo những hệ lụy cho Giáo Xứ và gia đình của mình…
Những sẻ chia vừa thánh thiêng, vừa thực tế đã chạm đến Sứ Vụ của các Yao Phu, chạm đến tận sâu thẳm cõi lòng của từng người. Những thuận lợi, những khó khăn, những đòi hỏi phải cống hiến sức lực, trí tuệ…
Tất cả còn đang rất sinh động và cuốn hút thì thời gian đã hết!
Mọi người được mời nghỉ giải lao và chuẩn bị tâm hồn bước vào Thánh Lễ khai mạc Ngày Truyền Thống.
Đến 17 giờ 30 phút Thánh Lễ được cử hành do Cha Bề Trên Yao Phu Chủ Tế. Cùng đồng tế, có Cha Quản lý Giáo Phận kiêm Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa, và quý Cha Sở Măng La, Cha Sở  H’ra Phú Yên.
Lúc này thì mọi người đã quy tụ về chật kín, không chỉ trong Nhà Thờ, mà tất cả phía ngoài hành lang, tràn cả xuống dưới sân…Trong ánh nhá nhem của buổi chiều buông, hầu như ai cũng thấy lòng mình trầm xuống… và chắc chắn trong ánh chiều này, nhiều người đã gặp được Chúa Giêsu như hai người môn đệ năm xưa đã gặp được Ngài trên đường Emmau!
Thánh Lễ  Khai mạc kết thúc vào lúc 18 giờ 15 phút. Sau những dặn dò của Cha Bề Trên, tất cả được mời ra dùng cơm tối. Thật cảm động và gương mẫu, các Yao Phu đã rất nghiêm chỉnh tuân theo sự hướng dẫn của Ban Điều Hành, xếp hàng  đi cả một đoạn đường để đến nhận những  phần cơm đã được dọn sẵn!
Vào lúc 20 giờ, mọi người lại tề tựu trong Nhà thờ để đón nghe những lời khích lệ, khuyên bảo và sửa sai của Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông.
Đến 21 giờ thì buổi họp giải tán, các Yao Phu yên lặng về các lều trại đã chuẩn bị sẵn để nghỉ đêm. Trong khi đó các người thân của họ cũng vui vẻ trải chiếu trên các thảm cỏ trong sân nhà thờ, chuyện trò khúc khích rồi cũng ngủ yên lúc nào không biết dưới bóng đêm nhờ nhờ với tấm mền mỏng kéo qua kéo lại..!

THÁNH LỄ MỪNG KÍNH THÁNH TỔ PHỤ
LỄ GIỖ ĐỨC CHA ALEXIS & NGÀY TRUYỀN THỐNG YAO PHU

Không cần phải ai nhắc nhở, mọi người đã thức dậy rất sớm sáng nay.
Từ 4 giờ sáng Nhà Thờ lại cũng đã chật kín, từ trong ra ngoài. Đúng 4giờ 30 phút, chú Yao Phu trưởng bắt kinh sáng. Và đến đúng 5 giờ 15 phút thì  quý Cha, quý Tu Sĩ và các anh chị em Giáo dân ở xa đã về. Thánh Lễ được bắt đầu.

image005


image007

H 12
Đoàn Đồng Tế từ mặt tiền Nhà Thờ tiến vào Thánh Đường với hai hàng Yao Phu trẻ đón rước. Vì Đức Cha Micae vắng nhà, nên Đức Cha Phêrô làm Chủ Tế.
IMG_4812 [1280x768]
 Sau khi thờ lạy Chúa, Cha Tổng Đại Diện và Cha Bề Trên Yao Phu đã mời cùng tháp tùng Đức Cha Chủ Tế đến trước tượng Thánh Cuênot để  bái tôn Vị Thánh Tổ cùng chào kính và thắp  hương trước Di Ảnh của Đức Cha Alexis .
 Thánh Lễ được bắt đầu trong bầu khí trang nghiêm,trầm ấm và sốt sắng.
image009
 H 6
Trong bài chia sẻ, cha Tổng Đại Diện đã lược qua tiểu sử  lẫy lừng của Thánh Tổ Phụ Cuénot; không chỉ tại Giáo phận Kon Tum mà là toàn các Giáo phận Đàng Trong.
 image011
 Ngài nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn của Đức Giám Mục Alexis kính yêu, người đã dẫn dắt Giáo Phận cách vững vàng trong những  tháng  ngày ngập đầy khó khăn của hơn ba mươi năm về trước ; và căn dặn mọi người phải nhớ cầu nguyện cho Đức Cha. Ngài còn dặn riêng các Cha phải về Nhà Xứ tổ chức Lễ Giỗ và nói cho Giáo Dân biết về công ơn của Đức Cha.
Ngài cũng nói lên vai trò và tầm quan trọng của các Yao Phu. Khuyên các vị hãy hãnh diện và cố giữ đúng cương vị của mình, làm gương sáng và hết sức dấn thân
Cuối cùng ,Cha nhắc mọi người cầu nguyện cho quý Cha hôm nay kỷ niệm 6 năm ngày Thụ Phong Linh Mục, cũng đang hiện diện trong Thánh Lễ này.
 H 
image014

image016
 image018
 Sau Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô cùng quý Cha và mọi người ra viếng mộ Đức Cha Alexis. Các Yao Phu bởi qua đông, nên vẫn phải đứng lại trong Nhà Thờ và hướng ra phần mộ của Đức Cha Alexis thôi; vì sau đó Cha Bề Trên còn nhiều điều phải dặn dò trước khi chia tay về lại nơi phục vụ của mình.
 Tạ ơn Chúa đã cho Giáo Phận chúng con có được Thánh Tổ Cuénot …
Tạ ơn Chúa đã cho duy nhất Giáo Phận chúng con có được Hội Yao Phu …
Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Phận chúng con vị Giám Mục là Đức Cha Alexis…
Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Phận chúng con có các Linh Mục thánh thiện và nhiệt thành.

Xin chúc mừng Quý Cha nhân ngày kỷ niệm Thụ Phong Linh Mục!
Xin chúc Hội Yao Phu ngày càng phát triển trong chương trình của Thiên Chúa.

                                                            Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Kon Tum
                                                                         Ghi Nhanh, ngày 14/11/2014