* Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày thứ nhất

WHĐ (29.11.2014) – Sáng 28-11, Đức Thánh Cha đã rời Vatican lúc 9g (giờ Roma) lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến tông du ba ngày, từ 28 đến 30-11-2014.
Chuyến tông du được thực hiện theo lời mời chung của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ và Đức Thượng phụ Constantinopolis là Bartholomaios I. Chiều kích đại kết là nét chính của chuyến viếng thăm này, diễn ra sáu tháng sau cuộc gặp gỡ tại Jerusalem giữa người lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Đức Thượng phụ Constantinopolis.
Trong ngày đầu của chuyến tông du, chương trình của Đức Thánh Cha gồm: Được tiếp đón chính thức tại sân bay Esemboğa ở Ankara; viếng lăng Atatürk; đến chào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và gặp gỡ giới lãnh đạo tại Dinh Tổng thống; thăm Chủ tịch Hội đồng tôn giáo vụ.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức trợ giúp những người tị nạn”

Trên chuyến bay từ Roma đi Ankara, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ và ngỏ lời với các phóng viên báo chí:
“Xin chào các bạn. Cảm ơn các bạn đồng hành với tôi trong chuyến tông du này. Công việc của các bạn là giúp đỡ và phục vụ thế giới qua việc tường thuật hoạt động tôn giáo và nhân đạo này. Hiện quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đang làm chứng cho hoạt động đó và một trong số đó là việc trợ giúp nhiều người người tị nạn đến từ các vùng đang diễn ra xung đột. Cảm ơn các bạn về những gì các bạn đang làm. Chúng ta sẽ còn gặp nhau tại cuộc họp báo trong chuyến trở về. Cảm ơn các bạn rất nhiều và chúc thượng lộ bình an”.

“Xin cho phẩm giá con người và nền tự do tín ngưỡng được bảo vệ”
Sau lễ đón tại sân bay Ankara, Đức Thánh Cha đã đến viếng Lăng Atatürk, nơi an nghỉ của Mustafa Kemal Atatürk (1881-1838), nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh dành Độc lập, vị sáng lập nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, Đức Thánh Cha đặt vòng hoa tưởng niệm và phát biểu:
“Xin Đấng Tối cao ban hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Mong sao quốc gia này ngày càng trở thành nơi chung sống hòa bình giữa các nền văn hóa và văn minh, nơi mỗi người đều thấy mình được đón tiếp, đồng thời thấy phẩm giá và việc biểu lộ tín ngưỡng của mình được bảo vệ”.

“Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thúc đẩy đối thoại”
Trọng tâm của ngày thứ nhất trong chuyến tông du là cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến chào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và gặp gỡ giới chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Ankara.
Tại đây, ngỏ lời chào Đức Thánh Cha, Tổng thống Erdogan nêu bật chuyến tông du của Đức Thánh Cha có một tầm quan trọng đặc biệt đối với mọi người Hồi giáo và Kitô giáo, đồng thời ông lưu ý thế giới phương Tây hiện đang phát triển “lòng thù hận mang tính bài xích đối với Hồi giáo”, “thái độ bất khoan nhượng đối với những người theo đạo Hồi” cũng như “đồng nhất người Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố”.
Mở đầu bài phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “niềm vui mừng được đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia phong phú vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử, đầy ắp di tích các nền văn minh cổ xưa. Quốc gia này là một cầu nối hai lục địa và nhiều nền văn hóa khác nhau”.
Đức Thánh Cha cũng cho biết đối với các Kitô hữu, Thổ Nhĩ Kỳ còn là một miền đất thiêng bởi đây là nơi Thánh Phaolô sinh ra, nơi từng diễn ra bảy Công đồng chung đầu tiên của Hội Thánh, cũng là nơi Đức Mẹ đã từng lưu ngụ trong một thời gian, nay là di tích “Nhà Đức Mẹ ở”, hằng năm thu hút đông đảo khách hành hương Kitô giáo, và cả người Hồi giáo, đến viếng.
Trong dịp này, Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng thế giới hãy chọn và tiến bước trên con đường đối thoại:
“Việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa sẽ góp phần quan trọng vào việc đạt đến mục tiêu cao cả và khẩn thiết, là chấm dứt mọi hình thức của chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa khủng bố vốn hạ thấp phẩm giá của mọi người nam nữ và khai thác tôn giáo”.
Đức Thánh Cha nêu cao vai trò, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết các xung đột hiện nay tại khu vực Trung Cận Đông:
“Thổ Nhĩ Kỳ, do lịch sử, cũng như do vị trí địa lý và ảnh hưởng của mình trong khu vực, hiện giữ một trách nhiệm lớn. Những chọn lựa được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện và tấm gương được quốc gia này nêu lên sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt, đóng góp vào việc cổ võ sự gặp gỡ giữa các nền văn minh và xác định con đường có thể đạt đến hòa bình và sự tiến bộ đích thực”.

“Kiến tạo một cộng đồng tinh thần giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo”
Sau cuộc gặp gỡ giới chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha đã đến thăm Ngài Mehmet Görmez, Chủ tịch Hội đồng Tôn giáo vụ [tức Diyanet, thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ].
Trong cuộc hội kiến với vị Chủ tịch Diyanet, Đức Thánh Cha nhắc lại vấn đề cần phải duy trì “mối quan hệ và cuộc đối thoại tốt đẹp” giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt trong lúc diễn ra khủng hoảng, xung đột.
Đề cập đến tình hình hiện nay tại Irak và Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối “quan tâm đặc biệt” trước thực trạng “không chỉ các Kitô hữu và người Yazidis (người Kurd), mà còn nhiều dân thường khác đã phải hứng chịu bạo lực phi nhân do khác biệt về sắc tộc và tôn giáo. Họ đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, bỏ hết mọi sự mà đi, chỉ vì muốn được sống và được giữ đức Tin của mình. Bạo lực đã xâm hại các nơi thánh thiêng, các biểu tượng tôn giáo và di sản văn hóa, dường như muốn xóa sạch mọi dấu vết, mọi ký ức của người khác”.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, lãnh đạo và dân thường, nam cũng như nữ, Hồi giáo và Kitô giáo, hãy cùng nhau phản kháng bạo lực bằng cách cộng tác với nhau kiến tạo và phát triển một “Cộng đồng tinh thần”, bất chấp mọi dị biệt, để làm bạn với nhau và luôn tôn trọng nhau.

Thành Thi