Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm A



Ðọc Tin Mừng Mt 3,1-12
1 Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: 2 "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong làm thức ăn. 5 Bây giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. 7 Thấy nhiều người thuộc phái Phrisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?  8 Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. 9 Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham". Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi".


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Ðiều nổi bật trong lời giảng của ông Gioan Tẩy Giả chính là lời ông khuyến cáo thính giả "Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần" (c.2).  Lời đó Ðức Giêsu sẽ lặp lại nguyên văn (Mt 4,17).  Ta thấy ngay tầm quan trọng của việc sám hối trong Kitô giáo.
Sám hối là để tin vào Tin Mừng về Nước Thiên Chúa
Ngay trong Cựu Ước, sám hối đã là đề tài thường xuyên của các ngôn sứ.  Lịch sử của dân Do thái chứa đầy những thất tín đối với Giavê Thiên Chúa.  Thất tín cá nhân gây gương mù gương xấu; thất tín tập thể mang lại hậu quả bi đát hơn vì khiến nhà Ít-ra-en sụp đổ (2V 17,7-18).  Trọn chương 16 của sách ngôn sứ Êdêkien là một bản buộc tội khắt khe, trong đó Giavê ra lệnh cho vị ngôn sứ này vạch trần những điều ghê tởm của Giêrusalem.  Một đàng các ngôn sứ đòi từng cá nhân phải sám hối về hành động xấu của mình (Is 30,15; 55,7; Gr 18,11; Ed 18,30-32).  Ðàng khác, toàn dân được kêu gọi ăn năn trở về cùng Chúa (Ed 18,30-32).  Sám hối chính là suối nguồn của sự sống mới cho linh hồn (Ed 18,27), và là điều làm đẹp lòng Giavê Thiên Chúa (Ed 18,23).  Các ngôn sứ nhấn mạnh về lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa tạo dựng, là Ðấng muốn cho tội nhân ăn năn trở lại để được sống (Is 30,15; x.Hs 2,9).
Trong Tân Ước, lời rao giảng của ông Gioan Tẩy giả chủ yếu là lời mời gọi sám hối (Mc 1,4).  Riêng Ðức Giêsu, chính Người tự xưng là thầy thuốc đến chữa trị bệnh nhân tức tội nhân, để họ được lành mạnh, là được sám hối và trở về cùng Chúa.  Người nói rõ "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9,15) ăn năn trở lại cùng Chúa.
Sám hối đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa
Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Tin Mừng Luca cho thấy tầm quan trọng của sám hối.  Dụ ngôn nào cũng cho thấy hình ảnh một Ðấng Thiên Chúa tích cực hoạt động để đưa tội nhân trở về.  Khi một con chiên bị lạc thì người mục tử bỏ 99 con chiên không lạc nơi bìa rừng, để đi tìm chiên lạc đó.  Tìm được rồi, người mục tử liền vác chiên lên vai mà đưa về để ăn mừng.  Người đàn bà đánh rớt một đồng tiền cũng thắp đèn, lục lọi tìm cho ra tiền bị rớt và cũng tổ chức ăn mừng.  Riêng người cha nhân hậu trong dụ ngôn thứ ba, còn phấn đấu để con cả sám hối, làm hoà cùng con thứ đi bụi về, để gia đình được an vui, đầm ấm.  Ðiều được nhắc đi nhắc lại là trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (Lc 15,7 và 10).  Như vậy, niềm vui của thiên đàng là do sám hối thực hiện ở dưới đất.
Lời chia sẻ sau đây cho thấy ơn sám hối tiếp tục nảy sinh hoa trái trên mặt đất, nhiều khi bất ngờ, nhưng lắm lúc qua ảnh hưởng giây chuyền.
Gương sám hối hôm nay
"Rất sớm, tôi đã được cho biết bố tôi chết khi tôi còn thơ ấu.  Mẹ tôi khi tái giá, nghĩ rằng tôi nên sống nơi cô nhi viện là hơn cả.  Tôi còn nhớ nguyên mỗi năm về thăm gia đình hai lần, tôi đâu có được đón tiếp niềm nở.
Tới tuổi 14, tôi buộc lòng phải giã từ nơi tôi được nuôi nấng.  Tốt hơn, tôi nên tự lực cánh sinh thay vì là gánh nặng cho người mẹ đã sinh ra tôi, và người bố nuôi. Dù sao tôi cũng không cảm thấy có sự luyến tiếc về phía mẹ tôi và bố nuôi tôi.
Tôi tiếp tục đi học và tự kiếm sống bằng những việc không tên, cho tới khi tôi may mắn có việc làm tại một khách sạn cạnh Ðịa Trung Hải.
Một chàng trai tới hầu bàn nơi khách sạn, tỏ ra là một người hết sức dễ thương.  Bản thân tôi rất thích anh ta, nhưng kinh nghiệm chua chát về tình bạn trong quá khứ khiến tôi khựng lại, vì tôi nghĩ tình bạn đích thực chỉ là một giấc mơ, chẳng bao giờ trở thành hiện thực.  Ðiều bất ngờ là chính chàng trai ấy (tên thật là Saverio, tạm gọi là Sang) tìm gặp tôi và bộc lộ cho tôi biết những vấn đề riêng tư.  Tuần lễ sau đó, Sang mời tôi tới chơi gia đình anh vào cuối tuần.  Tôi đồng ý đi, chỉ vì địa chỉ gần nơi ở của người trước kia tôi định kết hôn; tôi thầm ước ao gặp lại người yêu cũ.
Cuộc thăm viếng cuối tuần hấp dẫn đến nỗi tôi chẳng còn bận tâm gặp bạn cũ nữa.  Sang giới thiệu tôi với hai chàng trẻ.  Mấy người này thật khác xa những người tôi gặp từ trước đến nay.  Lý do có lẽ vì họ rất cởi mở, lạc quan và sẵn sàng chấp nhận tôi trong tình trạng hiện có của tôi.  Thế là tôi muốn gặp lại họ mỗi tuần; đi đi về về tới đó, chẳng thành vấn đề.
Mùa hè tới, tôi được nghỉ ít ngày thì cũng dành để ở lại với họ.  Ðó chẳng phải là những ngày thư giãn, vì họ làm việc cật lực để phục vụ người nghèo, trẻ em thiểu năng và tàn tật.  Tôi tự nhiên dấn mình vào việc phục vụ tha nhân mà lấy làm vui.
Tôi thấy những người bạn ấy đi nhà thờ nên tôi cùng đi với họ vì không muốn sống tách rời, mặc dầu thời gian lâu, tôi đã gạt bỏ Thiên Chúa và tôn giáo sang một bên.  Có phải các bạn tôi có một bí quyết nào đó ảnh hưởng trên tôi?  Không phải như vậy.  Họ cho tôi biết họ thuộc về một phong trào có chủ trương giúp các thành viên thực thi Phúc Âm.  Qua tiếp xúc với hết bạn này đến bạn khác của Phong trào, tự nhiên tôi trở thành thành viên của một tập thể rất đông những người giúp nhau sống Lời Chúa.  Tôi thấy cần phải biết Chúa hơn.
Phúc Âm trở nên hấp dẫn đối với tôi một cách lạ thường.  Câu Phúc Âm đánh động tôi cách mãnh liệt là câu "Bất cứ điều gì anh em làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất của tôi là anh em làm cho chính tôi" (Mt 25,40).  Tôi nhớ lần đầu tiên nghe câu nói đó tôi bị xúc động mạnh đến nỗi thay vì trở về nhà, tôi đã đi lang thang quanh thành phố, vì muốn giúp đỡ bất cứ ai tôi gặp trên đường.  Và đó là điều tôi đã thực hiện, như khi gặp một người say rượu, một người xỉu vì ma tuý, một người lạc bước vì không nhớ gì nữa, một cụ già không có nhà ở...
Nhưng tảng băng giữa tôi và mẹ tôi đòi thời gian và cơ hội mới tan dần.  Lần ấy, tôi đã tháp tùng mẹ tôi về thăm ngoại để mẹ tôi được vui lòng.  Chính đó là cơ hội để một người cậu bật mí cho tôi biết bố tôi còn sống ở Hoa Kỳ.  Cậu tôi nói: "Ông mới đưa vợ và người con trai về thăm Italia cách đây ít lâu mà!"  Ðể chứng minh, cậu còn đưa tôi coi tấm ảnh của bố tôi.  Tôi đã giấu không cho mẹ biết chuyện đó.  Về sau biết chuyện, mẹ tôi còn can ngăn không muốn tôi gặp bố tôi.  Mẹ tôi nói: "Ổng làm cho mẹ đau khổ và bỏ rơi con nên gặp ông có ích chi?"  Nhưng các bạn trong Phong trào lại nghĩ khác.  Họ giúp tôi nhận ra tôi thuộc gia đình rộng lớn hơn nhiều, đó là gia đình con Chúa, trong đó mọi người phải được hoà giải và yêu thương nhau.  Vậy tôi đã hẹn gặp bố tôi.  Lời đầu tiên tôi nghe bố tôi nói với tôi là: "Mọi lỗi lầm đều do mẹ mày mà ra!"  Phản ứng về phía tôi là: "Thưa bố, bố con ta cần tìm hiểu nhau trong hiện tại mà thôi.  Bố có đồng ý, con mới ở lại gặp bố. Còn nếu bố tiếp tục đổ lỗi cho người này người kia, con xin giã từ bố."
Liền sau đó, là những giây phút tuyệt đẹp trong gặp gỡ.  Bố tôi đã dốc hết bầu tâm sự  với tôi là con.  Bố chân thành đến nỗi ngỏ lời xin tôi tha cho bố tôi, về hành động vô trách nhiệm, là đã bỏ rơi hai mẹ con...
Sáu năm đã trôi qua, kể từ những giây phút cảm động đó.  Kể từ đó, tôi đã hoà giải được với hầu hết những người bà con để được bình an.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Trong ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa, bạn nghĩ dụ ngôn nào có sức mạnh giúp người ta sám hối trở về cùng Chúa hơn cả: Dụ ngôn con chiên bị mất (Lc 15,4-7)?  Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10)?  Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,11-32)?
2. Bạn tâm đắc gì về bước đường sám hối của chàng thanh niên bị bố bỏ rơi như chính anh chia sẻ ở trên: sám hối nhờ tình bạn tối?  Nhờ dấn thân phục vụ người nghèo?  Nhờ thực thi Lời Chúa?  Nhờ Phong trào giúp đưa Lời Chúa ra thực thi?  Cảm động nhất là khi người bố xin con tha cho bố vì bố đã bỏ rơi hai mẹ con?