Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm A



Ðọc Tin Mừng Mt 24,37-44
37 Thời ông Nôê thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. 38 Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. 39 Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. 40 Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; 41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
42 "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẵn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay, người Công giáo bước vào giai đoạn phụng vụ đặc biệt gọi là Mùa Vọng bao gồm 04 Chúa Nhật, để chuẩn bị tinh thần mừng lễ Noel (25 tháng 12).  Vậy thì tại sao Tin Mừng hôm nay lại công bố một biến cố xem ra xa lạ, không trực tiếp hướng tới Thiên Chúa sinh ra làm người?  Tại sao Ðức Giêsu, theo Tin Mừng thánh Matthêu, lại nói đến những chuyện hết sức bình thường, như ăn uống, cưới vợ lấy chồng, làm ruộng, xay bột, v.v� để rồi bất ngờ khuyến cáo người nghe phải tỉnh thức, vì vào lúc không ngờ, Con Người sẽ đến như kẻ trộm?  Mùa Vọng mà khai mở bằng lời cảnh tỉnh như vậy có thể chuẩn bị tinh thần các Kitô hữu chúng ta như thế nào để mừng lễ Noel năm nay?
Quả thật, bài Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng giúp Kitô hữu chúng ta đặt mình trước Ðức Giêsu như chính Ngài hiện ngỏ lời với ta hôm nay, mà biến cố sinh nhật chỉ là chi tiết nhỏ của cuộc đời trần thế Ngài đã sống.  Chắc chắn đó không phải là trọn bản thân của Ðấng Thiên Chúa thương yêu loài người, đến nỗi mãi mãi tự hiến cho con người như nguồn hạnh phúc vô tận mà con người không bao giờ khám phá ra hết được.
Ðộc giả sách Tin Mừng theo thánh Matthêu đều biết nội dung của sách này gồm 05 bài giảng của Ðức Giêsu, mà bài thứ năm nói về thời đại mới (eschaton) với tất cả sự viên mãn của nó.  Sẽ có những biến cố long trời lở đất xảy ra trước khi thời đại mới đến.  Nhưng mục đích chính mà Ðức Giêsu nhắm tới, như Matthêu kể lại, là giúp các môn đệ chuẩn bị tinh thần, trong khi chờ đợi Con Người, tức chính Ðức Giêsu sẽ đến mang tạo thành tới hồi viên mãn.
Riêng với bài Tin Mừng Mt 24,37-44 này, Ðức Giêsu nhấn mạnh rất rõ về sự tỉnh thức mà mọi Kitô hữu phải có, để đón Chúa đến trong thời viên mãn.
+ Một là phải tỉnh thức giữa những công việc rất bình thường ta vẫn làm mỗi ngày.  Ở đây Ðức Giêsu kể ra các việc bình thường như ăn uống, cưới vợ lấy chồng, làm ruộng, xay bột, v.v...  Mỗi Kitô hữu hôm nay đều có thể kể ra những việc chính mình vẫn làm hằng ngày, từ việc nội trợ, gia công, đến việc buôn bán hay nghề nghiệp.  Ðức Giêsu nhắc đến nạn lụt lớn thời ông Nôê, mà không nói đến sự sa đọa của loài người thời đó.  Ngài có ý đặt chúng ta trong bối cảnh bình thường hiện ta đang sống.  Chính trong bối cảnh đó ta đón nhận Nước Thiên Chúa đến với ta.
Hai là phải luôn sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào.  Chúa dùng một dụ ngôn để nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tỉnh thức.  Chúa ví ta như chủ nhà nọ, nếu biết vào canh nào trộm sẽ đến, chắc chắn sẽ canh thức không để nó đào ngạch khoét vách!  Chúa đã đụng tới bản năng tự vệ của các thính giả để giúp họ hiểu được sự tỉnh thức tối quan trọng như thế nào đối với sự an toàn của mình.  Với của cải vật chất mà đã cần phải tỉnh thức như vậy, phương chi là với chính tính mạng của ta, thì lại càng cần phải tỉnh thức hơn gấp bội!  Những hình ảnh về hai người đàn ông làm ruộng mà một người được đem đi, người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà xay bột, một người được đem đi, người kia bị bỏ lại, cũng nói lên sự cần thiết rằng phải thường xuyên tỉnh thức.  Vì sao?  Vì ngay giữa những công việc hết sức bình thường như vậy, vấn đề sống chết luôn được đặt ra cho từng người: Một người được đem đi hiểu là được cứu sống nhờ tàu ông Nôê; kẻ kia bị bỏ lại hiểu là bị bỏ rơi để nước lụt cuốn đi!
+ Nhưng ai sẽ cứu mạng của từng người giữa gia đình nhân loại?  Và cứu bằng cách nào?  Lễ Noel chỉ mới hé mở cho thấy lời giải đáp: chủ yếu do Thiên Chúa dấn thân vào kiếp sống con người.  Ðấng Thiên Chúa ấy mang trên thân xác mình tất cả sự yếu hèn và mỏng dòn của con người.  Ngài sẽ trải qua trọn kiếp sống làm người giữa bối cảnh lịch sử như đang diễn ra.  Ðấng Thiên Chúa ấy đã không coi thường bất cứ điều gì được ban cho Ngài như chất liệu để sống giữa gia đình nhân loại.  Chất liệu ấy có thể là sự sống rất sơ đẳng chín tháng mười ngày nơi dạ mẹ; cũng có thể là chuỗi ngày long đong trên đất khách quê người để tránh bàn tay khát máu của bạo chúa Hêrôđê.  Tất cả chỉ là chất liệu, nhưng vì được Ðấng Thiên Chúa làm người ưu ái nhận lấy làm của mình, nên nó có giá trị vô song nhờ ý định đầy yêu thương của Thiên Chúa: "Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.  Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.  Bấy giờ Con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, Con đến để thực thi Ý Chúa." (Dt 10,6-7).
+ Nhưng về phía con người muốn được cứu cũng cần phải dấn thân đón nhận tất cả những điều được ban cho để sống cho ra cuộc sống thường ngày của mình. Do đó cần phải tỉnh thức luôn, để nhờ ánh sáng đức tin mà nhận ra giá trị của những điều Chúa hiện ban cho mình rất quí báu.  Những điều Chúa ban luôn gồm có trí khôn, lòng mến, nhất là đức tin là ánh sáng có khả năng cho ta thấy Thiên Chúa luôn hiện diện và biến đổi mọi sự thành chất liệu để ta sống sự sống làm Con Thiên Chúa.  Chính nhờ ánh sáng đó ta không phải chờ đến giờ chết mới nghinh đón Chúa.  Ta sẽ đón Chúa đến trong đời sống mỗi ngày của ta, giữa những công việc thường ngày.  Ta sẽ làm mọi việc vì lòng mến Chúa yêu người thì quả thực Chúa đã đến nơi lòng ta, để ta được kết hợp với Ngài ngay trong cõi đời này; phương chi ở cõi đời sau tràn ngập ánh sáng.

Một số câu hỏi gợi ý
1. Tại sao để chuẩn bị mừng lễ Chúa Giêsu sinh ra, Giáo Hội lại kêu gọi ta tỉnh thức để đón Chúa Giêsu đến trong ngày sau hết?  Có phải Chúa Giêsu một khi đã sinh ra làm người thì mãi mãi sẽ là người, và không bao giờ cần sinh ra làm người nữa?  Và vì Chúa Giêsu làm người ở mỗi chặng đường, đều để giúp ta kết hợp với Ngài, hầu có được sự sống dồi dào Ngài ban, vậy thì tại sao phải nhắm tới ngày Chúa quang lâm mới có được sự sống đó?  Có phải sự sống tự bản chât luôn tăng trưởng nhắm tới sự sung mãn?  Bạn hiểu thế nào về sự sung mãn của sự sống do Chúa Giêsu khi đọc: "Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác." (Ga 1,16).
2. Nhưng tại sao Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng lại khuyến cáo bạn tỉnh thức để đón Chúa Giêsu đến với bạn ngay giữa những việc hàng ngày bạn vẫn làm? Ðiều đó có nói lên phần nào về sự sống của Chúa Giêsu đang được viên mãn nơi bạn chăng?  Hãy so sánh cũng một việc bạn làm ngày hôm nay: có phải giá trị của việc đó rất khác nhau do tinh thần bạn có thể kết hợp với Chúa Giêsu hay không?
3. Bạn hiểu thế nào về lời Tin Mừng "Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành." (Ga 1,3)?  Như vậy xét cho cùng, không chỉ việc bạn làm vì lòng mến Chúa yêu người là có giá trị, mà chính bạn hiện hữu do tình thương của Chúa đã có giá trị rồi, nếu bạn ưu ái chấp nhận tình thương Chúa dành cho bạn?
4. Bạn nghĩ phương pháp cầu nguyện trong đời sống thường ngày có giúp bạn sống bài Tin Mừng hôm nay chăng?  Chính bạn có thể giúp Nhóm Sống Lời Chúa (NSLC) sống tinh thần Mùa Vọng như thế nào?  Ngược lại, NSLC cũng có thể giúp bạn sống sự sung mãn của sự sống của Chúa Giêsu trong Mùa Vọng này chăng?